Đối với một lĩnh vực đang bị thu hẹp dần trong nhiều năm qua như ngành công nghiệp hình ảnh, ảnh hưởng của COVID-2019 đến sản xuất và doanh thu nói chung là vô cùng nặng nề.
Trong những ngày này, cả thế giới đang sôi sục lên vì đại dịch do virus Corona gây nên, mà bùng phát đầu tiên được ghi nhận chính thức tại Trung Quốc. Tính đến ngày 2/3/2020, đã có hơn 87.000 ca mắc bệnh trên toàn thế giới. Những tác động mà nó gây ra cho toàn bộ mọi mặt của thế giới này là vô cùng nghiêm trọng, trong đó có nền kinh tế của thế giới sẽ bị suy giảm nghiêm trọng do nhà áy đóng cửa, công nhân nghỉ việc, thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu và sản phẩm…
Vậy tại sao một dịch bệnh mới lại gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt nền kinh tế như vậy?
Chúng ta cần biết rằng, Trung Quốc trong nhiều năm qua đã sớm vươn lên thành nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới: thứ nhì theo GDP (16% giá trị GDP của thế giới trên danh nghĩa) và thứ nhất theo PPP (sức mua tương đương), vượt xa Mỹ. Đồng thời, Trung Quốc đã trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, đại công xưởng thế giới, sản xuất mọi mặt hàng từ kim khâu, sợi chỉ, cho tới máy bay, tàu vũ trụ, vũ khí hạt nhân.
Năm 2018, Trung Quốc chiếm tới 28% giá trị sản xuất hàng hóa trên toàn thế giới.
Do đó, chỉ cần sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc thay đổi nhẹ, “hắt hơi”, ngay lập tức nền kinh tế và chuỗi cung ứng vật liệu và sản phẩm trên toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng, ở nhiều mức độ khác nhau.

Không chỉ trong sản xuất hàng hóa, lượng khách du lịch khổng lồ (hàng trăm triệu người, gấp tới vài lần toàn bộ dân số Việt Nam) mang quốc tịch Trung Quốc là nguồn thu ngoại tệ lớn với nhiều quốc gia, ví dụ Việt Nam, Thái Lan. Do đó, chỉ cần có quyết định đóng cửa biên giới hoặc hạn chế di chuyển ra nước ngoài, ngành du lịch của các quốc gia này sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Ảnh hưởng đến mảng hình ảnh

Điện thoại hay máy ảnh đều bị “dính chưởng” và chịu thiệt hại rất ghê gớm. Ví dụ, cơ sở sản xuất iPhone của Apple tại Trịnh Châu có thể sản xuất được 500.000 điện thoại trong một ngày. Apple có thể bán được vài trăm lần số lượng 500.000 điện thoại đó trong một quý. Đây là một con số khổng lồ về năng lực sản xuất và sức mua mà không một hãng máy ảnh nào có thể đuổi kịp.
Việc sản xuất đình trệ, cũng như người dân Trung Quốc ít ra đường để mua sắm điện thoại mới cũng khiến ảnh hưởng khá nhiều đến doanh số và các kế hoạch của Apple trong năm 2020.
Đó là về mảng điện thoại. Còn ở mảng máy ảnh, cơ sở sản xuất của Fujifilm đã mở cửa trở lại từ giữa tháng 2, nhưng việc sản xuất X-T3 và X-T30 đều ở dưới mức tối đa trong thời gian qua, cũng như Fujifilm cũng không thể nói được thời điểm nào X-T4 được giao đến các đại lý và cửa hàng.

Bên cạnh Fujifilm, các hãng máy ảnh khác cũng gặp tình cảnh tương tự, khi tất cả đều có đặt cơ sở sản xuất phụ kiện, linh kiện của thân máy, ống kính ở Trung Quốc.
Dịch chuyển sản xuất từ Nhật Bản sang Trung Quốc vào cuối thế kỉ XX
Việc này đã diễn ra cuối thập niên 80, sau khi Nhật Bản phải chịu sức ép từ Mỹ và phương Tây để kí Thỏa ước Plaza, nội dung là thay đổi tỉ giá của USD so với Yên Nhật (ví dụ: 1$ đổi 1 Yên Nhật, sau thỏa ước Plaza thì 1$ đổi 2 Yên Nhật). Về cơ bản, đây là thỏa ước bất bình đẳng, khiến Mỹ có thể “xù nợ” được với Nhật, cũng như giúp hàng hóa xuất khẩu do Mỹ sản xuất cạnh tranh tốt hơn so với Nhật, lúc đó đang dần vươn lên là cường quốc kinh tế, khiến Mỹ lo ngại.

Sau một thời gian kí hiệp định này, nền kinh tế Nhật đã rơi vào suy thoái từ thập niên 90 và lên đỉnh điểm vào năm 2008 (theo đúng ý của Mỹ khi ép Nhật kí kết thỏa ước Plaza). Kể từ sau đó, các công ty Nhật đã dần di chuyển máy móc, cơ sở sản xuất sang Trung Quốc nhằm hạ bớt chi phí sản xuất và vận hành.
Tuy nhiên, kể từ 2010, nền kinh tế Trung Quốc dần đi lê, khiến chi phí sản xuất và nhân công tăng lên. Do vậy, các hãng máy ảnh Nhật Bản lại đi tìm địa điểm mới để đặt nhà máy. Khu vực Đông Nam Á được chọn làm bãi đáp, ví dụ như Sony và Nikon tại Thái Lan (sản xuất thân máy), Olympus tại Việt Nam (Olympus gần như chưa từng hiện diện tại Trung Quốc), Canon có cơ sở tại Malaysia (sản xuất ống kính 50mm STM)…
Hậu quả với chuỗi cung ứng toàn cầu
Mặc dù chuyển cơ sở sản xuất dần ra khỏi Trung Quốc, việc sản xuất của các hãng máy ảnh vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lí do của việc này là các bộ phận, linh kiện trong thân máy và ống kính đều được sản xuất tại Trung Quốc. Với chừng 3 triệu container đang kẹt lại tại Trung Quốc, nhiều hãng máy ảnh đang có dấu hiệu phải tạm dừng sản xuất. Thậm chí, Canon đã phải tạm dừng hoạt động ở 5 cơ sở sản xuất của mình tại Nhật Bản do thiếu linh kiện, từ ngày 2 đến 13/3/2020.

Trong đó, đáng chú ý có nhà máy tại Oita, chuyên sản xuất ống kính. Điều này có lẽ sẽ dẫn đến việc thiếu hụt sản phẩm trong thời gian tới, cũng như giá cả sẽ bị tăng lên.
Có lẽ Sigma là hãng chịu ảnh hưởng nhẹ nhàng nhất so với các “đồng hương” khi họ sản xuất tất cả sản phẩm của mình tại Nhật, mặc dù một số nhà cung cấp linh kiện của họ đặt nhà máy ở Trung Quốc.

Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, COVID-2019 cũng sẽ làm ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc, khiến doanh thu của các nhà sản xuất nói chung và máy ảnh nói riêng tại thị trường 1,4 tỉ dân sẽ giảm đáng kể.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người tiêu dùng Trung Quốc giảm bớt hoặc không mua máy ảnh nữa?
Một con số đáng chú ý: sản xuất chiếm 30% tổng sản lượng kinh tế của Trung Quốc. Sau nhiều năm tăng trưởng, cũng như sự giàu lên của một bộ phận không nhỏ người dân, Trung Quốc đang là một thị trường béo bở với nhiều quốc gia nói chung và Nhật Bản nói riêng. Với việc 9,2% giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Nhật (2018), Nhật Bản rất dễ tổn thương nếu nền kinh tế Trung Quốc “ho một tiếng”.

Hết tháng 1/2020, tổng giá trị xuất khẩu từ Nhật sang Trung Quốc giảm tới 36%.
Hơn nữa, với dân số đến 1,4 tỉ, Trung Quốc là thị trường tốt nhất cho các loại máy ảnh cao cấp, như sản phẩm của Leica, hay Fujifilm GFX. Do đó, nếu người dân Trung Quốc giảm bớt mua sắm, đây sẽ là đòn giáng mạnh vào các hãng máy ảnh trên, đặc biệt ở mảng cao cấp.
Kết
Đại dịch do COVID-2019 gây ra nhắc nhở về việc thế giới này nhỏ bé thế nào, tất cả chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau ít hay nhiều. Do đó, để cùng vượt qua khó khăn về kinh tế do đại dịch này, chúng ta cần có sự hợp tác tốt giữa bạn bè và đối tác, giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh được dần bình ổn trở lại.
Theo DPReview
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé