Kể từ khi ra mắt, Sony A9 là chiếc máy ảnh không gương lật (Mirrorless) đầu tiên trên thế giới hứng chịu nhiều soi mói đến như vậy. Lời khen có, lời chê cũng có nhưng rốt cục thì mọi người đều phải công nhận: “Sony bắt đầu tiến vào thị trường máy ảnh chuyên nghiệp thật rồi!”

Một vũ khí bí mật mang tên: Stacked-CMOS Sensor

Bỏ qua mọi thông tin mang tính “tâng bốc” và nặng mùi “quảng cáo”, thứ tạo nên sự đặc biệt cho Sony A9 đó chính là cảm biến, nhiều người  lúc này sẽ nghĩ: Máy cũng chỉ sử dụng một cảm biến 24.2 Megapixels, tương đương với dòng A7II thì có gì đáng nổi bật? Sai rồi! Cảm biến 24.2 MP của A9 khác hoàn toàn so với các cảm biến khác mà mọi người đang thấy trên thị trường. Nó được xây dựng dựa trên một kiến trúc hoàn toàn mới mà Sony gọi đó là “Stacked-CMOS Sensor”. Trong đó, một sensor hình ảnh giờ đây sẽ có 3 lớp:

  • Lớp đầu tiên là lớp pixel thu nhận ánh sáng, hoạt động tương tự như mọi sensor khác
  • Lớp thứ hai là lớp bộ nhớ RAM tích hợp kèm bộ chuyển đổi tín hiệu ADC (Analog Digital Converter), tín hiệu điện từ lớp đầu tiên sẽ được chuyển đổi ngay sang dạng số và lưu vào trong RAM trước khi chuyển cho lớp thứ ba
  • Lớp thứ ba là bộ vi xử lý BIONZ X làm nhiệm vụ lấy dữ liệu từ lớp thứ hai để xử lý hình ảnh và sau đó ghi vào thẻ nhớ.

Đối với mọi dòng A7 trước đó, 3 thành phần này vốn được tách biệt và chiếm một vị trí trên bo mạch điện tử. Khi lên A9, Sony kết dính cả 3 thứ này vào một khối thống nhất. Điều này giúp rút ngắn khoảng cách kết nối của 3 thành phần, giảm suy hao tín hiệu, làm cảm biến của Sony A9 có thể truyền tải dữ liệu nhanh hơn dòng A7 gấp 20 lần.

Dựa vào lợi thế tốc độ truyền, Sony tiếp tục cải tiến màn trập điện tử. Nếu như các màn trập điện tử thế hệ trước, người sử dụng hay gặp hiện tượng méo hình khi chụp vật thể di chuyển với tốc độ cao. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở cơ chế hoạt động: Khi ấn nút chụp, sensor sẽ kích hoạt quá trình đọc dữ liệu của pixel lần lượt theo hàng từ trên xuống dưới, các pixel được kích hoạt sẽ phơi sáng theo tốc độ màn trập mà người sử dụng đã chỉ định. Quá trình kích hoạt lần lượt này thường diễn ra với tốc độ từ 1/10 đến 1/60 giây, tùy theo chất lượng sensor mà hãng sử dụng. Khi một vật thể chuyển động quá nhanh so với tốc độ mà sensor có thể kích hoạt méo hình chắc chắn xuất hiện.

Điểm khác nhau giữa Rolling Shutter được dùng trên Sony A9 với Global Shutter Sensor trên máy quay film (Nguồn: Vision-Doctor)

Vấn đề được khắc phục bằng cách tăng tốc độ kích hoạt pixel của cảm biến lên mức nhanh hơn. Nhưng để làm được điều này, Sony cần phải tăng tốc độ truyền dữ liệu giữa cảm biến và chip BIONZ lên. Và chúng ta đã có Stacked CMOS-Sensor, chỉ cần tăng tốc độ kích hoạt lên thôi là được! Vậy là Sony A9 đã có một màn trập điện tử cao cấp với khả năng chụp ảnh “không méo”.  Đấy là chưa kể, Sony còn khuyến mãi thêm tính năng “No Blackout” cực kỳ hữu dụng trong chụp thể thao, y hệt như “Pro Capture” mà Olympus đưa vào E-M1 Mark II vậy.

Thực sự, Stacked-CMOS Sensor đã giúp Sony vượt qua được mọi giới hạn từ trước đến giờ của dòng máy không gương lật khi so kè với DSLR truyền thống.

Trò cũ nhưng vẫn hiệu quả: Tăng điểm lấy nét và thời lượng pin

Việc các máy Mirrorless có nhiều điểm lấy nét theo pha hơn DSLR đang là một xu thế lớn trong việc cạnh tranh và Sony A9 cũng không phải là một ngoại lệ: Cảm biến Full Frame của máy đã được rải kín 693 điểm lấy nét, chỉ chừa lại phần viền là nơi khó lấy nét nhất do mọi tật xấu của ống kính (méo hình, quang sai, tối viền) đều nằm ở đây. Với việc sở hữu số điểm lớn như vậy, Sony A9 chắc chắn sẽ có những lợi thế sau:

  • Khả năng bám nét chủ thể trở nên dễ dàng, khi các điểm lấy nét đã nằm kín hết khung hình của máy ảnh. Ngoài ra, độ chính xác cũng được cải thiện khi mà trong một vùng lấy nét, chúng ta có nhiều điểm lấy nét hơn trước.
  • Đối với lấy nét một lần, nó quá tiện cho chụp ảnh chân dung khi kiểu gì bạn cũng có ít nhất một điểm pixel nằm ở các vị trí quan trọng như mắt, mũi hoặc môi trong khi nhiều máy DSLR khác lại không có được ưu ái như vậy. Các tính năng lấy nét theo vùng đối với chế độ này cũng nhận được những lợi ích tương tự như đã nói ở phần trên.

Còn về pin thì sao? Xem nào, Sony đã cho Sony A9 một cục pin mới có số hiệu NP-FZ100, trong khi cục pin cũ mà hãng hay sử dụng có số hiệu NP-FW50. 50 và 100 là hơn 2 lần. Điều này cũng có vẻ như Sony muốn ám chỉ thời lượng pin của Sony A9 sẽ gấp đôi so với pin của dòng A7 thông qua số hiệu. Thực tế thì thì đúng là như vậy:

  • NP-FZ100 có dung lượng là 2280 mAh trong khi NP-FW50 chỉ là 1020 mAh.
  • Một lần sạc của NP-FZ100 cho phép A9 chụp tối đa 480 tấm còn A7 II là 350 tấm
  • NP-FZ100 có thể ghép với một cục tương tự nếu như bạn gắn grip cho A9, nâng tổng số shot chụp cho 1 lần sạc lên 960 tấm! Khá nhiều đối với 1 máy ảnh mirrorless.

Nhưng sạn thì vẫn còn

Công nghệ mới, pin trâu hơn, nhiều tính năng nổi trội sẽ khiến nhiều người nghĩ Sony A9 thực sự là một cỗ máy hoàn hảo cho việc chụp ảnh. Đúng! Điều đó sẽ xảy ra nếu như Sony không mắc một vài sai lầm được kể dưới đây.

Đầu tiên là về thiết kế, mọi thứ đối với gắn liền với chiếc máy này dường như to lên: Từ cục pin, khe thẻ nhớ gấp đôi và các lens telephoto mới ra mắt gần đây cũng thế. Nhưng, kích thước và trọng lượng của máy lại không tăng lên nhiều cho lắm và nó dẫn tới một vấn đề: Máy bị mất cân bằng khi gắn các lens quá to như Sony GM 100-400mm f/4.5 – 5.6 chẳng hạn. Sức nặng của lens sẽ dễ dàng làm body bị chúc xuống khi cầm, lực nắm ở body sẽ luôn luôn phải lớn hơn so với lực cầm ở lens để giữ thăng bằng. Ngoài ra, phần ngón tay của người dùng cầm vào báng cũng bị lens đè nén không thương tiếc.

Hãy nhìn Sony GM 100-400mm được gắn trên Sony A9 này, bạn thấy ống nó kẹp vào tay người đàn ông kia chứ! (Nguồn: Tony & Chelsea Northup)

Thứ hai, đó là về màn trập cơ học, xin nhắc lại là MÀN TRẬP CƠ HỌC chứ không phải là điện tử như nhiều người tưởng. Sony có lẽ vì quá tập trung cho màn trập điện tử của máy mà bỏ quên phần cơ học của máy. Sony A9 chỉ có màn trập cơ học tốc độ 5 fps và có độ trễ (shutter lag) khá cao so với nhiều máy Mirrorless khác, không phù hợp cho việc chụp chủ thể chuyển động.

Điều này thực sự khá khó chịu đối với dân chụp thể thao chuyên nghiệp khi phải chụp trong môi trường tối, cần phải đẩy ISO lên cao, màn trập điện tử luôn luôn gặp bất lợi về độ nhạy sáng vì phải hy sinh một phần của cảm biến dành cho công việc phơi sáng, còn màn trập cơ học thì không. Chính vì vậy, ảnh từ màn trập cơ học luôn có ít noise hơn so với màn trập điện tử khá nhiều và các máy mirrorless hướng thể thao như Olympus E-M1 Mark II thường phải làm thêm một màn trập cơ học tốc độ cao để giải quyết vấn đề này. Việc để một màn trập cơ học kém như Sony A9 thực sự khó chấp nhận.

Thứ ba, Sony A9 có hai khe thẻ SD, nhưng chỉ 1 trong số đó hỗ trợ chuẩn UHS-II tốc độ cao, khe còn lại chỉ chạy ở UHS-I. Điều đó phát sinh một vấn đề: Nếu bạn chụp ở chế độ chụp tốc độ cao 20 fps và gắn 2 thẻ nhớ, máy sẽ bị “đơ” một lúc để ghi dữ liệu lên hai thẻ này rồi xóa bộ nhớ đệm. Dù khe thẻ UHS-II được ghi xong trước, bạn sẽ vẫn phải đợi máy ghi xong ở khe UHS-I. Cách duy nhất để tăng tốc là chỉ sử dụng 1 khe thẻ UHS-II, nhưng điều đó sẽ tăng rủi ro dữ liệu cho chính người sử dụng. Bản thân người viết cũng cảm thấy không thích việc xuất hiện của khe thẻ SD trên một thân máy chuyên nghiệp như Sony A9, thay vào đó Sony nên để 2 khe thẻ XQD để khai thác triệt để khả năng của máy.

Thứ tư, Dynamic Range của máy không thực sự cao như dòng Sony A7, cũng không phải là dạng ISO-Invariance (ISO bất biến), việc chỉnh sửa hình ảnh RAW sẽ bị hạn chế cực kỳ nhiều. Lý giải cho việc này, Sony đã đánh đổi Dynamic Range của máy để đổi lại tốc độ xử lý. Dữ liệu ít hơn thì kích thước sẽ nhỏ hơn, thời gian truyền và xử lý cũng sẽ ít hơn, giúp máy đạt được tốc độ chụp liên tiếp 20 fps với cảm biến full frame. Nghe có vẻ hay, nhưng thực tế thì sự tráo đổi này sẽ đẩy máy vào tình cảnh:

  • Không phù hợp để chụp chân dung, phong cảnh như dòng A7R
  • Không quá tốt để chụp thể thao trong điều kiện thiếu sáng, hiệu năng chụp tối chỉ ngang A7RII thay vì sánh ngang với D5 hoặc 1DX Mark II

Trước đó, Nikon cũng từng làm một điều tương tự với sản phẩm D5 khi hy sinh hết phần Dynamic Range tại ISO thấp để đổi lại một hiệu năng ISO cao cực kỳ khủng khiếp. Tuy nhiên, hãng cũng phải chấp nhận điều tiếng khi bị các trang mạng đánh giá hiệu năng Dynamic Range rất thấp so với đối thủ là Canon 1DX Mark II, không phù hợp cho việc chụp các thể loại bình thường như người cũ D4S. Sony cũng sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích này khi hãng chấp nhận đổi cả 2 (ISO thấp và ISO cao) để lấy tốc độ 20 fps cho dòng A9.

So sánh Dynamic Range giữa Sony A9 và A7RII, bạn có thể thấy A7RII hoàn toàn vượt mặt A9 rất nhiều ở ISO thấp.

Mọi sự trao đổi đều phải trả giá, điều quan trọng là liệu người sử dụng có muốn đánh đổi hay không. Đối với quan điểm người viết, Sony A9 cũng tương tự như vậy, nếu bạn thực sự coi trọng những đột phá về tốc độ mà nó mang lại và sẵn sàng bỏ qua mọi khuyết điểm, GO FOR IT! Nó rất đáng đó.

Bài viết được dựa theo ý kiến từ nhiều nguồn khác nhau.