Trong CES 2016 vừa qua, Nikon đã đem tới nhiều sản phẩm gây shock hoặc có thể coi là bom tấn của năm, gồm có:
- Hai thân máy DSLR: Nikon D5, Nikon D500
- Hai ống kính dành cho người mới: AF-P 18-55mm f/3.5 – 5.6 VR và Non VR
Nhưng còn một vài sản phẩm nữa cũng cần được nhắc tới, chẳng qua chỉ là vì hai bom tấn D5 và D500 có độ ép phê quá lớn mà thôi. Và chúng tôi đang nói đến: Chiếc đèn flash mới nhất của Nikon SB-5000, thiết bị truyền nhận tín hiệu wifi – The WT-6A Wireless Transmitter và cuối cùng là máy quay action cam 4K 360 độ KeyMission (sẽ được nói tới ở một bài viết khác).
Vậy Nikon SB-5000 cái tên mới nhất, đắt tiền nhất trong dải đèn flash của Nikon ($600) có điều gì hấp dẫn nhưng tay máy? Một trong số đó chắc chắn là tính năng điều khiển đèn qua sóng Radio rồi! Điều này có nghĩa là từ nay bạn hoàn toàn có thể đặt flash ở những góc khuất, hoặc thậm chí ở các phòng khác nhau và kích nổ thông qua một thiết bị truyền phát sóng hoặc chính hai siêu phẩm D5 và D500, điều này là không thể với các đèn flash trước đây sử dụng sóng hồng ngoại, vì sóng này sẽ bị cản lại khi khuất tầm nhìn.
Thật ra tính năng điều khiển đèn flash qua sóng Radio không mới hay xa lạ gì, Canon đã có một chiếc Speedlite 600 EX-RT ra mắt từ những năm 2012 và sau đó là hàng loạt những hãng thứ ba (third party) ăn theo tính năng này như: Yongnuo và Nissin. Vậy tại sao riêng Nikon thì không có? Để trả lời câu hỏi này thì có lẽ sẽ có nhiều cách giải thích, tuy nhiên chắc chắn không có cách nào thích hợp hơn là tung ra một sản phẩm có tính năng này để người dùng lựa chọn. Và Nikon đã làm vậy, với chiếc SB-5000 của mình.
Theo như Nikon công bố thì với đèn flash SB-5000, nếu được sử dụng cùng D5, D500 hoặc một thiết bị truyền phát là Nikon WR-R10, chiếc đèn flash này có thể điều khiển tới 6 nhóm flash khác nhau và tối đa là 18 đèn flash cùng một lúc, một con số rất đáng khiếp sợ.
Ngoài khả năng kiểm soát đèn, công suất của SB-5000 cũng được tăng thêm, chiếc đèn flash này có chỉ số Guide Number (GN) lên tới 113′ ở ISO 100 và tiêu cự 35mm (con số GN này càng lớn thì công suất và khoảng cách đèn đánh tới càng xa). Không chỉ vậy, Nikon cũng đã thiết kế lại hệ thống tản nhiệt của SB-5000 để chống lại việc chiếc đèn flash của bạn trở nên quá nóng sau khi chụp liên tiếp nhiều kiểu với cường độ cao, và giờ thì bạn có thể an tâm chụp tới hơn 100 kiểu mà không phải lo lắng điều này.
Điều cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng chính là giao diện người dùng, Nikon cho biết hãng đã tối giản đi giao diện người dùng trên những chiếc flash cũ để giúp người dùng dễ dàng kiểm soát hơn trên chiếc SB-5000, ngoài ra thì cũng đặt những tính năng hay được sử dụng nhất vào một nút bấm mới “i”.
Để hiểu rõ hơn về sản phẩm, bạn có thể xem qua video dưới đây của Nikon về chiếc flash này:
Nikon SB-5000 cũng sẽ được lên kệ cùng các siêu phẩm D5 và D500 vào tháng 3, 2016 với giá $600/chiếc.
Theo Petapixel
“If memories could be canned, would they also have expiry dates? If so, I hope they last for centuries.”