Nhân năm mới 2020, Canon tuyên bố đã hoàn tất việc xây dựng hệ ống kính ngàm EF cho DSLR. Việc sản xuất ra tiêu cự mới sẽ chỉ diễn ra khi người dùng có nhu cầu rõ ràng và đủ lớn.
Mới đây, trang web Digital Camera World đã đăng tải bài phỏng vấn của họ với Canon châu Âu nhân dịp năm mới 2020. Theo đó, Canon sẽ tập trung vào việc nghiên cứu và sản xuất mới các chủng loại ống kính ngàm RF, cũng như hệ ngàm EF đã được xây dựng hoàn tất. Canon sẽ chỉ sản xuất các chủng loại ống kính EF mới trừ khi thị trường có nhu cầu lớn.
Richard Shepherd, giám đốc tiếp thị sản phẩm của Canon châu Âu chia sẻ:
Như các bạn đã biết, Canon đã ra mắt máy ảnh EOS R và hệ ngàm RF từ cuối năm 2018. Từ đó cho tới nay, Canon vẫn tiếp tục phát triển hệ RF, trong khi vẫn hỗ trợ người dùng DSLR với ống kính EF. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục ra mắt các loại ống kính EF mới, nếu như thị trường có nhu cầu.
Tuy vậy, mục tiêu chính của chúng tôi vẫn là tập trung cho hệ RF.
[…] Khi được Canon ra mắt vào năm 1987, nó là một dòng sản phẩm hoàn toàn mới, thay thế cho hệ FD.
Khó mà tưởng tượng những gì mà chúng ta đã đạt được với hệ ngàm này trong 33 năm qua. Các ống kính mà bạn mong muốn như ống kính trượt TS-E, ống kính macro, ống kính zoom mắt cá, ống kính góc cực rộng, ống kính siêu tele..đều đã được sản xuất. Gần như không còn sản phẩm nào mà hệ EF chưa có, vậy nên hệ EF không còn gì nhiều để tiếp tục mở rộng hơn nữa.
Tất nhiên, điều ấy không có nghĩa chúng tôi sẽ ngừng hệ EF lại. Khi thị trường có nhu cầu sản phẩm mới hoàn toàn, chúng tôi sẽ ra mắt thêm ống kính.
Mặc dù một nhân viên cấp cao của Canon phát biểu rằng hệ EF sẽ không bị ngừng lại, nhưng điều ấy không khỏi làm nhiều người dùng chúng ta không lo lắng. Không ai biết trước được, vào một ngày đẹp trời trong tương lai, Canon tuyên bố dừng hoàn toàn hệ EF.
Tất nhiên, chúng ta vẫn có thể dùng ngàm chuyển để sử dụng ống kính EF cho các máy mirrorless, nhưng điều ấy chắc chắn sẽ làm những người ưa thích DSLR truyền thống cảm thấy “cụt hứng”. Một điều chắc chắn rằng, không phải ai cũng thích máy ảnh và ống kính mirrorless, dù chúng đều có chất lượng và hiệu năng tốt.
Vậy nên, với các bạn đang sử dụng và ưa thích DSLR Canon, hãy thực hiện những mong muốn của bạn với Canon, chụp thật nhiều ảnh đẹp với ống EF. Và nếu có thể, hãy sưu tập nhiều ống kính EF nhất có thể, vì biết đâu chúng sẽ không còn được sản xuất nữa, cũng như chúng ta không còn có thể mua mới được nữa.
Theo Digital Camera World
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé
Sẽ thế nào nếu như các máy ảnh dòng EOS R trong tương lai được Canon thực sự trang bị công nghệ chống rung thân máy? Không chắc chắn nhưng ít nhiều đó sẽ là điểm cộng để “đấu” lại các sản phẩm đối thủ.
Canon kết hợp chống rung ống kính và thân máy với nhau?
Mới đây, Canon đã đăng kí bằng sáng chế về thiết kế chống rung mới nhất của họ, cụ thể hơn là chống rung kết hợp giữa ống kính và thân máy. Nghe tưởng như mới, nhưng điều này đã được nhiều hãng áp dụng từ cách đây rất lâu, điển hình là Panasonic và Olympus, 2 đại diện với những chiếc máy ảnh có khả năng chống rung trong thân máy tốt nhất thị trường (Lumix S1H, OM-D E-M1X).
Bằng sáng chế này được Canon đăng kí ngay tại Nhật Bản, mang tên 特開2019-215426, là bằng sáng chế cuối cùng của Canon trong năm 2019, cho thấy rõ Canon đã thực sự ý thức được tầm quan trọng trong việc phải trang bị chống rung trong thân máy cho các máy ảnh EOS R, nếu như muốn sản phẩm của mình có thể cạnh tranh với các đối thủ.
Theo những gì được chỉ ra trong bản thiết kế này, Canon dường như đã tính đến việc hoạt động dịch chuyển cảm biến và cụm thấu kính để chống rung (dù ít hay nhiều), sẽ làm thay đổi bố cục trong khung hình của bạn. Việc này sẽ diễn ra khi chống rung không hoạt động khi người dùng ngắm hình, mà bắt đầu làm việc khi nút chụp được ấn.
Ngoài ra, theo mô hình được trang Canon News đưa ra (hình trên), chúng ta đều thấy hình ảnh giống một thân máy DSLR, nhưng lại thiếu đi hộp gương lật. Điều này cũng có nghĩa công nghệ này sẽ chỉ xuất hiện trên các máy EOS R (có lẽ vậy). Việc kết hợp giữa thân máy và ống kính sẽ gia tăng hơn hiệu quả chống rung, thêm điểm cộng cho Canon so với 2 đối thủ là Nikon và Sony, vốn chỉ dựa vào thân máy hoặc ống kính.
Hiện nay, tất cả những gì chúng ta biết về công nghệ này là Canon vừa đăng kí bản thiết kế, mà không có tin tức gì liên quan việc nó sẽ xuất hiện trên chiếc EOS R Mark II sắp tới. Nếu thực sự nó xuất hiện, đây sẽ là bước ngoặt lớn cho thấy Canon đã đi trước Nikon và Sony 1 bước về công nghệ chống rung.
Vậy còn tin tức nào khác liên quan đến dòng R?
Không dừng lại ở thân máy, Canon cũng vừa đăng kí một loạt bản thiết kế các ống kính RF và EF-S bao gồm:
- RF 28-135mm f/4, zoom trong, chiều dài 167.97mm
- RF 24-170mm f/4, zoom trong, chiều dài 236.70mm
- RF 28-280mm f/2.8, zoom trong, chiều dài 340.47mm
- EF-S 17-170mm f/3.5, zoom trong, chiều dài 248.91mm
Chúng ta hãy chờ năm 2020 mà xem, nhất là triển lãm CP+ sắp tới vào tháng 2, được tổ chức tại Nhật Bản. Đây sẽ là nơi để các hãng máy ảnh cùng nhau phô diễn sức mạnh với các sản phẩm mới nhất.
Theo Canon News
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé
Cùng với sự ra mắt của hệ máy EOS R, Canon ngày càng có nhiều bản sáng chế ống kính có khẩu độ cực lớn, như gần đây là RF 18mm f/1.0L , nghe thì rất thích nhưng liệu có khả thi?
Mới đây, Canon đã đăng kí 4 bản thiết kế ống kính với khẩu độ cực lớn, lên tới f/1.0 và f/1.2. Đây không phải lần đầu tiên Canon đưa ra những bản thiết kế về những chiếc ống kính khẩu độ “khủng”, mà có thể kể ra cái tên gần đây nhất như RF 50-80mm f/1.1L.
Các bản vẽ ý tưởng ống kính khẩu độ lớn vừa được Canon đăng kí bằng sáng chế bao gồm;
- 16mm f/1.4
- 18mm f/1.2
- 24mm f/1.2
- 18mm f/1.0
Trong 4 bản thiết kế trên, đáng chú ý nhất là chiếc RF 18mm f/1.0L. Ở tiêu cự cực rộng 18mm mà có thể giữ được khẩu độ tới f/1.0, thì sản phẩm này sẽ là thành tựu quang học lớn của Canon, cũng như trở thành mặt hàng được nhiếp ảnh gia thiên văn tranh nhau đặt mua.
Một số điều được chỉ ra từ bản vẽ như: khoảng cách từ thấu kính cuối đến cảm biến là 5mm, trong khi khoảng cách từ ngàm đến cảm biến của hệ RF hiện nay là 20mm. Điều này nghĩa là phần thấu kính sẽ làm dài ra sau tới 15mm, vô cùng phi thực tế, cực kì khó khăn để hiện thực hóa. Ngoài ra, tổng chiều dài của ống kính rơi vào 150mm.
Dưới đây là một vài thông số của sản phẩm này trong bản vẽ:
- Tiêu cự thực: 18,5mm
- Khẩu độ: f/1,03
- Góc nhìn: 49,47 độ
- Chiều cao khung hình: 21,64mm
- Chiều dài ống kính: 150mm
- Khoảng cách từ thấu kính cuối đến cảm biến: 4,99mm
Nghe chừng cực kì phi thực tế và bất khả thi để sản xuất hàng loạt. Các bạn nghĩ sao, liệu rằng sản phẩm này có thể được hiện thực hóa, mức giá bán lẻ (nếu có thể sản xuất được) là bao nhiêu tiền, có đến trăm triệu đồng hay không nhỉ?
Theo Canon Rumors
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé
Đến hẹn lại lên, EISA – Hiệp hội nghe nhìn Châu âu mới đây đã công bố danh sách giải thưởng năm 2019 của họ. Mặc dù không hoàn toàn tuyệt đối, nhưng danh sách của EISA 2019 cũng có thể sẽ giúp các bạn có thể hình dung và cân nhắc lựa chọn thiết bị cho mình.
EISA 2019: khi Nikon Z6 trở thành máy ảnh của năm
Mới đây hiệp hội nghe nhìn châu Âu (EISA) đã công bố danh sách các máy ảnh và ống kính tốt nhất 2019, theo bình chọn từ các đại biểu của họ.
Và đã có một bất ngờ nho nhỏ, nếu năm ngoái vị trí máy ảnh của năm thuộc về Sony, thì năm nay ngôi vị này đã đổi chủ sang tay Nikon với chiếc Z6. Trong bối cảnh Nikon đang ở thế yếu nhất trong bộ tam Sony, Canon, Nikon; thì chiếc Z6 lại xuất sắc dành được giải thưởng khá uy tín của EISA. Điều này không hề vô lý vì Z6 thực sự là một chiếc máy cho trải nghiệm chụp hình vô cùng tốt so với các đối thủ.
Bên cạnh đó, về phần các ống kính tốt nhất được vinh danh, đáng chú ý khi gần như tất cả các ống kính chính hãng Canon, Nikon, Sony đều là các ống cho mirrorless (ngoại trừ chiếc Canon EF 600mm f/4L IS III USM). Dấu hiệu rõ ràng cho một năm thịnh trị của những chiếc máy không gương lật.
Và giờ hãy cùng 50mm Vietnam xem các “đại biểu” được vinh danh thôi!
Các máy ảnh và ống kính tốt nhất 2019 theo bình chọn của EISA
- Máy ảnh của năm: Nikon Z6
Với Z6, Nikon đã tạo ra một chiếc máy với khả năng xử lý dữ liệu tốt, khung thân chắc chắn, mang đến hình ảnh chất lượng tốt ở mọi điều kiện chụp. Hệ thống AF với khả năng phát hiện mắt, cho phép AF chính xác khi chủ thể nằm ở bất cứ vị trí nào trong khung ngắm.
Khung ngắm điện tử lớn giúp tái tạo những gì người dùng muốn chụp một cách chân thực nhất, cùng với chống rung trong thân máy hỗ trợ hiệu quả ngay với các ống kính DSLR ngàm F.
Tóm lại, đây là một chiếc máy tốt mà các nhiếp ảnh gia nâng cao có thể đặt mua ngay.
- Máy ảnh (crop) cho người dùng nâng cao: Fujifilm X-T3
- Máy ảnh full-frame cho người dùng nâng cao: Panasonic Lumix S1R
- Máy ảnh full-frame “phổ thông” tốt nhất: Canon EOS RP
- Máy ảnh compact tốt nhất: Sony RX100 VI
- Máy ảnh (crop) kết hợp quay phim tốt nhất: Sony a6400
- Máy ảnh (medium format) tiên phong đổi mới: GFX100
- Ống kính tiên phong đổi mới: Canon RF 28-70mm f/2L USM
Canon RF 28-70mm f/2L USM là ống kính zoom chuẩn đầu tiên trên thế giới cho máy ảnh fullframe mà có khẩu độ f/2. Điều này giúp người dùng có thể ghi hình ngay cả ở điều kiện ánh sáng “nhập nhoạng”, cũng như giữ vùng ảnh rõ nét rất mỏng mà vốn trước giờ chỉ có thể dùng ống 1 tiêu cự.
Chất lượng hình ảnh là vô cùng tốt trên mọi tiêu cự, kết hợp với motor USM hỗ trợ AF rất nhanh và chính xác. Sản phẩm này là ví dụ rõ ràng cho tiềm năng của hệ ngàm RF.
- Công nghệ máy ảnh (đặc sắc) tiên phong đổi mới: AF theo thời gian thực của Sony
- Phần mềm hậu kì: Skylum Luminar
- Ống kính zoom: Tamron 35-150mm f/2.8-4 Di VC OSD
- Ống kính zoom góc rộng: Tamron 17-28mm f/2.8 Di III RXD
- Ống kính zoom chuẩn tốt nhất: Canon RF 24-105mm f/4L IS USM
- Ống kính zoom chuẩn cao cấp tốt nhất: Nikon NIKKOR Z 24-70mm f/2.8 S
- Ống kính zoom tele tốt nhất: Sigma 60-600mm f/4.5-6.3 DG OS HSM
- Ống kính zoom tele chuyên nghiệp tốt nhất: Sigma 70-200mm f/2.8 DG OS HSM Sports
- Ống kính một tiêu cự góc rộng chuyên nghiệp cao cấp nhất: Sony FE 24mm f/1.4 GM
- Ống kính một tiêu cự chuẩn: Canon RF 50mm f/1.2L USM
- Ống kính một tiêu cự chân dung tốt nhất: Sony FE 135mm f/1.8 GM
- Ống kính tele 1 tiêu cự: Sony FE 400mm f/2.8 GM OSS
- Ống kính siêu tele 1 tiêu cự: Canon EF 600mm f/4L IS III USM
Tổng kết
Thông qua danh sách giải thưởng của EISA, chúng ta có thể thấy các thành phần liên quan đến dòng máy mirrorless xuất hiện với số lượng áp đảo trong danh sách trên, nếu so sánh với các sản phẩm cho DSLR. Phần nào phản ảnh được sự chuyển dịch đầu tư của các hãng máy ảnh lẫn người dùng càng ngày càng nghiêng về phương án mirrorless.
Đặc biệt, năm nay ông vua giải thưởng Sony đã hoàn toàn vắng bóng những chiếc máy ảnh mirrorless full-frame là một thông tin khá thú vị. Bởi lẽ nếu bạn chưa biết thì thời điểm này năm ngoái, Sony vẫn là độc quyền mảng máy ảnh mirrorless full-frame này trên toàn thị trường, nhưng mọi thứ đã đổi khác ở năm nay với những Canon EOS R/RP, Nikon Z6/Z7 và con át đang lên của Panasonic Lumix S1/S1R.
Cuối cùng, những sự tiến bộ vượt bậc đổi mới cũng đã được gọi tên kịp thời ở EISA năm nay, chiếc medium format GFX 100 đến từ Fujifilm đang gây sóng gió trên các trang review với hàng loạt tán thưởng, hay chiếc ống kính Canon RF 28-70mm f/2 – tiêu cự phổ thông, khẩu to khó thở, là những thứ không thể bỏ qua.
Trong những cuộc đua như thế này, người dùng sẽ là người rất đau đầu vì có quá nhiều lựa chọn, nhưng có vẻ kiểu đau đầu này thì dễ chịu hơn là không có lựa chọn nào.
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé
Để tìm mua các sản phẩm máy ảnh, máy tính…ưng ý, các bạn có thể ghé thăm tại đây nhé
Sẽ thật “kinh khủng” nếu một ngày chúng ta nhìn thấy Canon đang bày bán một chiếc ống kính zoom RF 50-80mm f/1.1 hoặc khẩu độ tương tự ở các cửa hàng.
Mới đây, Canon đã đăng kí bản thiết kế ống kính “độc” chưa từng có: RF 50-80mm f/1.1. Về lý thuyết, Canon có thể sản xuất ống kính này, nhưng kính thước sẽ rất lớn, nặng và đắt tiền, chỉ phù hợp cho việc phô diễn sức mạnh, thay vì sử dụng thực tế.
Cần nhắc lại rằng, với việc ra mắt dòng máy EOS R, Canon đã hiện thực hóa một vài ý tưởng về ống kính khá “khó nhằn”. Trong đó, đáng kể nhất là chiếc RF 28-70mm f/2L USM, được coi như ống kính zoom có khẩu độ lớn nhất cho fullframe vào thời điểm này. Do đó, mặc dù chỉ là trên bản vẽ, nhưng không loại trừ việc đây sẽ là tiền đề để Canon ra mắt một ống kính RF tương tự, với khẩu độ lớn hơn f/2.
Dưới đây là một số thông số kĩ thuật dự kiến của chiếc RF 50-80mm f/1.1:
- Tiêu cự: 51.5mm – 82.52mm
- Khẩu độ: f/1.13
- Góc nhìn: 22.79° – 14.69°
- Tổng chiều dài ống kính: 220,2mm – 224,2mm
- Khoảng focus sau: 6.51mm 8.64mm
Cũng trong bản vẽ này, Canon nhắc tới một số ống kính có thiết kế tương tự bao gồm: RF 50-80mm f/1.2, RF 50-80m f/1.4, RF 50-80mm f/1.6 và RF 50-80mm f/1.8. Khẩu độ càng giảm thì độ khả thi của việc thiết kế và sản xuất càng tăng lên. Mặc dù vậy, đây chỉ là bản thiết kế, do đó chúng ta không thể hi vọng nhiều về khả năng xuất hiện của các ống kính trên.
Theo Canon Rumors
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé