Có lẽ nhiều anh em đã khá quen với việc Photoshop đột quỵ giữa chừng. Hãy nghĩ thử xem, nếu như bạn đã và đang làm việc vất vả trên với Photoshop rồi đột nhiên cửa sổ Photoshop tắt phụt, kèm theo thông báo: “Adobe Photoshop has stopped working…“. Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Tức giận? Chán nản? Khó chịu vì lại muộn deadline hay thậm chí tiếc nuối vì mất đi “kiệt tác để đời”? Nhiều người đã chấp nhận sống chung với lũ. Tuy nhiên, luôn luôn có cách để giải quyết mọi vấn đề, ví dụ như lăn chuột xuống một chút và đọc nốt bài viết này chẳng hạn.
Điều đầu tiên cần làm là hãy update bản mới nhất cho Photoshop của bạn đi (à nhưng mà nhớ google xem võ lâm đồng đạo có đấm đá gì về phiên bản mới nhiều không đã nhé), tiếp theo là cài đặt cả các driver mới nhất cho phần cứng máy tính của bạn nữa. Xong xuôi hết cả rồi thì bắt tay luyện các chiêu thức bí truyền này của 50mm Vietnam thôi:
1. Hãy dọn dẹp máy tính của bạn nào:
Photoshop yêu cầu khá nhiều bộ nhớ trên máy tính của bạn. Vậy nên hãy kiểm tra xem các ổ đĩa của bạn có bị đầy hay không, sau đó hãy thử xóa hay chuyển những file không cần thiết sang một ổ đĩa khác nhé.
Đây cũng là một thói quen tốt để máy tính của bạn chạy mượt hơn nhiều đấy.
2. Hãy hạn chế mở nhiều thứ một lúc:
Bạn đang làm việc với nhiều dự án cùng một lúc? Việc mở đến cả chục cái cửa sổ một lúc có lẽ là chuyện bình thường với bạn? Hãy cố hạn chế việc này nhé, đóng bớt những cửa sổ bạn không dùng đến sẽ cải thiện tốc độ của Photoshop kha khá đấy.
Với những layer cũng vậy, nhiều người mở đến cả trăm layer một lúc mà không biết rằng chính những layer này làm Photoshop chậm đi và có thể dẫn đến đột quỵ. Vậy làm thế nào để tránh những trường hợp này? Hãy hợp nhất hay làm phẳng (flatten) một vài layer của bạn để giảm dung lượng file cũng cải thiện tốc độ xử lí nhé. Việc này tưởng như hơi mất thời gian nhưng nếu tập được thì sẽ rất tốt cho cả việc tổ chức quản lý layer.
3. Thử cài đặt tốc độ xử lí của Photoshop xem nào:
Bạn có thể chỉnh những thông số liên quan tới ổ cứng, mức sử dụng bộ nhớ, lịch sử và bộ đệm bằng cách chọn Edit > Preferences > Performance.
Điều chỉnh những thông số trên sẽ giúp cải thiện bộ nhớ cũng như tốc độ hệ thông của bạn rất nhiều đấy. Một số lưu ý cần chỉnh đó là:
- Dung lượng RAM bạn để cho Photoshop là bao nhiêu? Thường thì tôi để ở mức 60% dung lượng mà tôi có.
-
Scratch Disks: Đây cũng là một phần cực kì quan trọng. Tùy chọn này sẽ cho phép bạn lựa chọn ổ đĩa nào sẽ là nơi chứa Cache của Photoshop. Nếu bạn hay phải làm việc với những file lớn thì tôi khuyên là nên lựa chọn một ổ đĩa nào có dung lượng trống còn nhiều
4. Thử tổng vệ sinh Photoshop cái nhỉ?
Photoshop thường gây đầy ổ đĩa vì chương trình này tạo ra bộ nhớ đệm (Cache) khi các bạn sử dụng những lệnh như Undo, Clipboard và truy cập History. Nếu bạn đã hoàn thành một file rồi và không cần sử dụng đến lệnh Undo (ctrl + Z) trong file đó nữa chẳng hạn, hãy vào Edit > Purge > All. Việc xóa hết lịch sử làm việc sẽ giúp giải phóng RAM cho máy tính của bạn. À nhưng cũng đừng lo nếu như một ngày đẹp trời bạn lỡ ấn vào nút Purge này, bạn luôn có thể Undo lệnh xóa vừa rồi nhé.
Và nếu bạn có thuốc khác cho căn bệnh này?
50mm Vietnam mong rằng với những mẹo nhỏ trên thì tình trạng đột quỵ sẽ ít xảy ra hơn với Photoshop của bạn.
Và nếu các bạn còn giải pháp khác cho vấn nạn này? Có nút comment ngay bên dưới để bạn có thể cứu giúp những cho các nghệ sĩ đang đau khổ vì mất đi đứa con tinh thần của mình nhé.