Quãng nghỉ 2 năm cho một sản phẩm cấp cao có vẻ khiến cho Sony A7R Mark IV chưa thật sự có quá nhiều điều mới mẻ để đưa vào chiếc máy có độ phân giải siêu to, siêu khổng lồ này.


Sony a7R IV: quái vật 61 triệu điểm ảnh

Chưa đầy 48h trước, Sony đã chính thức trình làng chiếc máy mirrorless fullframe mới nhất của mình mang tên: Sony a7R IV, nhằm thay thế cho sản phẩm a7R III mới được 1 năm 9 tháng tuổi. Với một chiếc máy ở dòng cao cấp đã xuất hiện sự thay thế khi vòng đời chưa được 2 năm thì thực sự là điều vô cùng đáng chú ý. Đặc biệt trong bối cảnh người dùng đang đồn đoán về chiếc máy thế hệ thứ 3 của dòng S, thì bất ngờ anh “bảy Rờ đệ tứ” lại xuất hiện.

Điều này cũng làm cho 50mm Vietnam cảm thấy: dường như Sony sau một thời gian an tâm với ngôi vị bá chủ, giờ đã lại cảm thấy sức nóng từ các đối thủ, vì vậy phải mau chóng ra sản phẩm nhằm giữ thị phần trong mảng máy mirrorless fullframe.

Sony trình làng a7R IV: quái vật 61 triệu điểm ảnh | 50mm Vietnam

Vì chỉ có “quãng nghỉ” là gần 2 năm, Sony a7R IV dù nhận được kha khá cải tiến mạnh hơn so với người tiền nhiệm, nhưng nổi bật nhất thì vẫn là ở thế mạnh độ phân giải được nâng lên tới 61 megapixel. Thậm chí Sony còn tự tin rằng với a7R IV, họ mang đến cho người dùng chất lượng hình ảnh của máy ảnh cảm biến medium format trên thân máy fullframe.

Thiết kế bên ngoài

Nhìn tổng thể, thiết kế ngoài của a7R IV vẫn tương tự như các sản phẩm của dòng a7. Tuy nhiên, về chi tiết vẫn có những điểm khác. Cụ thể hơn, theo Sony chia sẻ, phần tay cầm được thiết kế sâu hơn, cầm nắm và bám tay tốt hơn.

Sony trình làng a7R IV: quái vật 61 triệu điểm ảnh | 50mm Vietnam

Bố trí nút ở mặt lưng máy được làm giúp người dùng dễ thao tác hơn (đôi chút), cũng như bánh xe chỉnh phơi sáng ở mặt trên được bổ sung nút khóa, giảm nguy cơ điều chỉnh mức phơi sáng không mong muốn. Bên cạnh đó, phần joystick được làm thêm “gai”, giúp giữ ngón tay chắc hơn.

Sony trình làng a7R IV: quái vật 61 triệu điểm ảnh | 50mm Vietnam

Phần khung vỏ được thiết kế nhằm cải thiện hơn nữa khả năng chống chịu trước thời tiết bên ngoài.

Đặc điểm nổi bật ở phần “bên ngoài” mà sẽ làm bạn khi ươm thử sẽ thích ngay đó là ống ngắm điện tử của a7R IV là loại UXGA OLED Tru-Finder, gia tăng độ phân giải lên đến 5,76 triệu điểm, cao nhất ở thời điểm hiện tại và tương đương sản phẩm đối thủ là Panasonic Lumix S1/S1R

Công nghệ bên trong

Sony trình làng a7R IV: quái vật 61 triệu điểm ảnh | 50mm Vietnam

Đầu tiên phải kể tới là cảm biến độ phân giải cao lên tới 61mpx, đứng số 1 trong các máy ảnh mirrorless fullframe hiện tại, nếu so với Nikon Z7/Panasonic Lumix S1R là 45,7mpx hay với DSLR là Canon 5Ds/5DsR cũng chỉ có 50mpx.

Theo Sony, đây là cảm biến mới nhất mà hãng trình làng cho dòng a7, có thể cung cấp những hình ảnh với dải tương phản động (Dynamic Range) là 15 stop. Tuy ngay sau đó, DPReview lại cho hay những hình ảnh mà Sony quảng cáo là 15 stop chỉ là những ảnh được thu nhỏ về 8mpx, nhưng với những người dùng hoặc quan tâm đến Sony trong những năm gần đây thì cũng sẽ đều hiểu dù có ở mức 15 hay không thì Sony vẫn sẽ ở nhóm dẫn đầu ở hạng mục Dynamic Range này.

Ở chế độ crop mode, A7R IV có thể chụp ra bức ảnh với độ phân giải là 26mpx. Điều này dấy lên một tin đồn nho nhỏ là lô cảm biến của A7R IV này chính là bản to hơn của lô cảm biến bán cho Fujifilm, dùng trong chiếc X-T3 của họ.

Sony trình làng a7R IV: quái vật 61 triệu điểm ảnh | 50mm Vietnam

Ngoài việc “chỉ” có thể chụp ở độ phân giải 61mpx, Sony còn quảng cáo thêm 2 tính năng nữa cho thấy sức mạnh “khủng khiếp” của chiếc máy này mà đầu tiên khả năng chụp liên tiếp tới 10 hình/giây ở độ phân giải 61mpx. Tính năng thứ 2 là như “Pixel Shift Multi Shooting“: chụp 16 hình ở độ phân giải tối đa, tạo ra 963,2 triệu điểm ảnh và rút xuống thành một bức hình “siêu khủng” 240 mpx.

Về AF, a7R IV có số điểm AF lên tới 567 điểm theo pha, bao phủ 74% diện tích khung hình fullframe, hay 100% nếu bạn chụp ở chế độ crop. Không chỉ vậy, a7R IV được bổ sung tính năng Eye AF theo thời gian thực như chiếc máy crop a6400 được ra mắt vào đầu năm.

Vậy là ở phần lấy nét, A7R Mark IV cũng đã có những sự tiến bộ nhất định so với người tiền nhiệm, từ số điểm lấy nét (567 so với 399 của A7R Mark III), cũng như khả năng bắt nét sẽ còn nhanh và chuẩn xác hơn nữa nhờ các công nghệ Real-Time AF.

Khả năng quay phim

Về khả năng quay phim của a7R IV, không như những tin đồn vỉa hè trước khi ra mắt, chiếc máy này không có quá nhiều cải thiện so với người tiền nhiệm, một động thái cho thấy có lẽ con bài A7S III vẫn có thể ra mắt vào bất cứ lúc nào. Dẫu vậy, chiếc máy mới a7R IV được bổ sung Eye AF, giúp việc theo nét chủ thể khi quay phim trở nên dễ dàng hơn.

Sony a7R IV không có 4K 60p, cũng chỉ có thể ghi hình ở độ sâu màu 8-bit 4:2:0 và sẽ ghi được 8 bit 4:2:2 khi output qua thiết bị ghi ngoài. Nghe qua hơi thường, nhưng đây là điều có thể hiểu được ở những chiếc máy ảnh độ phân giải cực cao. Panasonic vốn có nền tảng rất tốt về video, nhưng với sản phẩm độ phân giải lớn như S1R, hãng cũng phải chịu dừng lại ở 8 bit 4:2:0 và 8 bit 4:2:2.

Chiếc mic được thiết kế riêng cho A7R Mark IV

Sony trình làng a7R IV: quái vật 61 triệu điểm ảnh | 50mm Vietnam

Để hỗ trợ cho khả năng quay video, một chiếc mic mới mang tên ECM-B1M đã được ra mắt bên cạnh chiếc Sony A7R Mark IV. Trên chiếc mic này có giao thức âm thanh mới, và tạm thời chỉ có thể tương thích khi sử dụng trên a7R IV (nhiều khả năng sẽ tương thích với những chiếc máy sau này).

Sử dụng cổng multi-interface shoe (hot shoe), chiếc mic này không cần thiết bất cứ nguồn điện ngoài cũng như sợi dây cable kết nối nào, một nỗ lực giảm bớt sự lích kích dây dợ đáng khen của Sony.

Với những tính năng mạnh mẽ như chọn lựa âm thanh digital/analog; bộ lọc nhiễu tùy chọn; và đặc biệt là được chọn pattern (khoảng thu âm hiệu quả), chiếc mic này thực sự là một trợ thủ đắc lực cho chiếc Sony A7R Mark IV và những chiếc máy sau này.

Những tính năng phụ khác

Sony trình làng a7R IV: quái vật 61 triệu điểm ảnh | 50mm Vietnam

Về khả năng lưu trữ, a7R IV được trang bị 2 khe thẻ nhớ SD chuẩn UHS-II, giúp việc chụp hình raw, chụp liên tiếp, hay quay phim 4K được thoải mái. So với a7R III với 1 khe UHS-I và 1 khe UHS-II, việc có cả 2 khe thẻ là UHS-II là một điểm cải tiến khá đáng kể. Sony khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ nhớ SD dòng SF-M Tough để đảm bảo a7R IV có thể phát huy sức mạnh ở mức tối đa.

Thêm một điểm không thay đổi nữa từ a7R IV so với a7R III là thiết kế menu vẫn được giữ nguyên, cá nhân 50mm Vietnam cảm thấy thiết kế này có quá nhiều lựa chọn và kém thân thiện với người dùng. Mặc dù vậy, các bạn vẫn có thể chọn các mục hay dùng và lưu vào tab riêng, điều này sẽ giúp cho việc điều chỉnh tính năng trên máy nhanh hơn rất nhiều.

Các thông số kĩ thuật của Sony a7R IV

  • Cảm biến: CMOS – BSI 61mpx, 9504 x 6336
  • Chống rung cảm biến: 5,5 stop
  • Dải ISO: 100 – 32000, mở rộng tối đa tới 102.400
  • Hỗ trợ Pixel Shift Multi Shooting, tạo ra bức ảnh có độ phân giải lên tới gần 241 mpx, 19008 x 12672
  • AF: 567 điểm AF theo pha, 425 điểm AF theo tương phản, bao phủ 74% diện tích khung hình fullframe
  • Hỗ trợ: Eye AF, Animal Eye AF
  • Tốc độ chụp liên tiếp: tối đa tới 10 hình/giây
  • Khả năng quay video: 4K UHD 24/25/30p, FHD 24/25/30/60/120p
  • Định dạng: MPEG-4, XAVC-S, H.264
  • Ghi hình timelapse: Có
  • Độ phân giải ống ngắm: 5,76 triệu điểm, độ phóng đại tối đa 0,78x
  • Màn hình: 1,44 triệu điểm ảnh, tỉ lệ 4:3, có thể lật
  • Lưu trữ: 2 khe thẻ SD UHS-II
  • Cổng kết nối: tai nghe, mic, USB 3.1 type C, HDMI
  • Hỗ trợ sạc qua cổng USB: có
  • Kết nối không dây: Có
  • Pin: NP-FZ100, tối đa tới 670 tấm khi sạc đầy (lưu ý thời lượng pin trên a7R IV đã được cải thiện so với a7R III)
  • Kích cỡ: 129 x 96 x 78 mm
  • Khối lượng: 665g, chỉ thân máy

Khi nào sản phẩm này được bày bán?

Theo Sony, sản phẩm này dự kiến sẽ có mức giá niêm yết 3500$, hay 81 triệu đồng tại Việt Nam.


Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé

Bằng việc trình làng chiếc máy mirrorless full-frame nhỏ nhất thế giới mang tên fp, Sigma đang cho thấy sẽ dấn sâu hơn nữa vào cuộc cạnh tranh với các ông lớn Sony, Canon, Nikon.


Sigma fp: chiếc fullframe không gương lật nhỏ nhất thế giới

Mới đây Sigma đã ra thông cáo báo chí về sản phẩm mới nhất của họ mang tên “Sigma fp“. Cụ thể hơn, đây một chiếc máy ảnh ống kính rời không gương lật full-frame, mà theo họ là nhỏ nhất thế giới. Đây đồng thời cũng đánh dấu sự xuất hiện của hãng thứ 5 trong cuộc chiến máy ảnh mirrorless có cảm biến full-frame ở phân khúc phổ thông.

Cách đây chưa lâu, chúng ta đã nghe đến việc liên minh 3 hãng Leica, Sigma, Panasonic được thành lập, và sản phẩm tiên phong của liên minh này chính là Panasonic S1/S1R với ngàm L, cùng thiết kế khá giống chiếc SL của Leica. Do đó, cũng không có gì khó hiểu khi Sigma có thể trình làng sản phẩm may sảnh mirrorless full-frame, nhằm góp phần gia tăng hơn nữa sức mạnh của liên minh này.

Thiết kế bên ngoài

Sigma trình làng Fp: máy ảnh mirrorless fullframe nhỏ nhất thế giới | 50mm Vietnam

Đặc điểm đầu tiên cần nhắc tới là kích cỡ vô cùng tí hon, nếu so với các sản phẩm máy ảnh khác cùng được trang bị cảm biến full-frame. Theo Sigma công bố, kích cỡ của fp là 112.6 × 69.9 × 45.3mm (dài x cao x rộng) cùng khối lượng 422g khi đã lắp pin và thẻ nhớ. Do đó, Sigma fp cực kì nhỏ gọn so với các sản phẩm từ đối thủ như Canon, Nikon, Sony hay “đồng đội” Panasonic S1.

Dưới đây là một vài hình ảnh so sánh kích thước:

Sigma trình làng Fp: máy ảnh mirrorless fullframe nhỏ nhất thế giới | 50mm Vietnam Sigma trình làng Fp: máy ảnh mirrorless fullframe nhỏ nhất thế giới | 50mm Vietnam Sigma trình làng Fp: máy ảnh mirrorless fullframe nhỏ nhất thế giới | 50mm Vietnam Sigma trình làng Fp: máy ảnh mirrorless fullframe nhỏ nhất thế giới | 50mm Vietnam

Mặc dù kích cỡ nhỏ, nhưng fp vẫn được thiết kế đầy đủ các nút chức năng đủ làm hài lòng những người dùng nâng cao hay chuyên nghiệp.

Sigma trình làng Fp: máy ảnh mirrorless fullframe nhỏ nhất thế giới | 50mm Vietnam

Nguồn ảnh: Dpreview

Ngàm của Sigma fp là ngàm L. Tuy vậy, nếu người dùng có nhu cầu sử dụng ống kính cho DSLR, họ có thể mua ngàm chuyển EF-L và có thể gắn được tất cả các ống kính Sigma Art cho ngàm Canon EF.

Sigma trình làng Fp: máy ảnh mirrorless fullframe nhỏ nhất thế giới | 50mm Vietnam

Mặc dù vậy, việc thiết kế kích thước nhỏ sẽ dẫn đến mật độ nút trên thân máy cao, cũng như phần tay cầm nhỏ, khiến thao tác cầm nắm và điều khiển sẽ không hoàn toàn thoải mái, đặc biệt không hợp với những ai có bàn tay lớn.

Sigma trình làng Fp: máy ảnh mirrorless fullframe nhỏ nhất thế giới | 50mm Vietnam

Nguồn ảnh: Dpreview
Nguồn ảnh: Dpreview

Màn hình của Sigma fp có kích thước 3,2 inch, 2,1 triệu điểm ảnh và có cảm ứng. Cũng theo Sigma, máy fp được thiết kế có thể chống bụi, nước rất tốt, dù cho kích thước tí hon như các máy ảnh dòng phổ thông.

Sigma trình làng Fp: máy ảnh mirrorless fullframe nhỏ nhất thế giới | 50mm Vietnam
2 bên thân máy cũng có đủ các cổng kết nối: tai nghe, mic, HDMI, USB, flash.

Sigma trình làng Fp: máy ảnh mirrorless fullframe nhỏ nhất thế giới | 50mm Vietnam

Từ các hình ảnh thiết kế không thật sự quá tiện dụng cho việc chụp ảnh kể trên, 50mm Vietnam xin phép võ đoán là sản phẩm này có lẽ sẽ không thật sự nhắm vào đối tượng chụp ảnh, mà nhiều khả năng là một chiếc máy sinh ra để quay phim. Các máy quay thường có thiết kế nhỏ nhắn hơn, vì sẽ có các phụ kiện mở rộng lắp thêm nên cũng không phải lo lắng về việc cầm nắm có khó khăn hay không như máy ảnh.

Funfact: Nếu bạn để ý kĩ, sẽ thấy thiết kế ngoài vuông vắn của Sigma fp khá giống một chiếc máy ảnh crop dòng bình dân của Canon là Canon EOS M10. 

Công nghệ bên trong

Ở công nghệ bên trong, Sigma fp được trang bị cảm biến BSI – CMOS Bayer (Chứ khong phải Foveon của Sigma) có độ phân giải 24,6mpx, con số khá phổ thông trong nhiều năm qua, đảm bảo cho in ấn khổ lớn. Dải ISO của fp là 100 – 25600, không rộng như nhiều máy full-frame hiện nay, nhưng mức này là hoàn toàn đủ cho các nhu cầu bình thường, ngay cả dùng cho làm việc.

Tốc độ chụp liên tiếp tối đa của chiếc máy này lên tới 18 hình/giây và bộ nhớ đệm có thể lưu được tối đa 12 hình. Điều này có nghĩa là chúng ta chỉ chụp liên tiếp tối đa trong 2/3 giây, con số khá ít ỏi. Mặc dù vậy, chiếc máy này dường như không được thiết kế cho các phóng viên ảnh nên thời gian 2/3 giây khi chụp ở tốc độ tối đa cũng không phải vấn đề quá nghiêm trọng.

Sigma trình làng Fp: máy ảnh mirrorless fullframe nhỏ nhất thế giới | 50mm Vietnam

Tuy vậy, đặc điểm công nghệ thu hút nhất của Sigma fp là khả năng quay phim. Theo Sigma, fp có thể hỗ trợ quay phim điện ảnh khi máy này có thể quay CinemaDNG RAW 4K 24p ở 12 bit ra thiết bị ngoài qua cổng USB 3.1. Ngoài ra, Sigma fp hỗ trợ hiển thị Waveform màu sắc, độ phơi sáng; cũng như điều khiển “shutter angle” và “time code”.

Về cơ chế lấy nét, khá bất ngờ khi Sigma vẫn đang dùng bộ lấy nét 49 điểm tương phản, bất chấp việc hầu hết các máy ảnh mirrorless trên thị trường đã chuyển sang lấy nét theo pha. Mặc dù, Sigma cũng cung cấp thông tin là có hỗ trợ lấy nét mắt và mặt, tuy nhiên với công nghệ lấy nét theo tương phản thì bọn mình dự đoán là nó sẽ khá chậm. Có vẻ tác động của liên minh Leica, Panasonic và Sigma đang tác động khá mạnh lên chiếc FP này, vì Leica SL cũng đang sử dụng bộ lấy nét tự động 49 điểm theo tương phản này.

Cuối cùng, Sigma cho hay Sigma fp sẽ được bán ra kèm các phụ kiện như hotshoe, ống ngắm điện tử…

Các thông số kĩ thuật của Sigma fp

  • Cảm biến: Full-frame Bayer BSI – CMOS 24,6mpx
  • Lưu trữ: thẻ nhớ SD hoặc ổ cứng SSD qua cổng USB 3.0
  • Ngàm ống kính: ngàm L
  • Định dạng ảnh: RAW (DNG) 12/14-bit, JPEG (Exif2.3), RAW + JPEG
  • Kích cỡ ảnh (tối đa): 6000 x 4000
  • ISO: 100 – 25600
  • Chế độ crop: 1,5 lần
  • Tốc độ chụp liên tiếp: tới 18 hình/giây, bộ nhớ đệm tối đa 12 hình RAW
  • AF: 49 điểm AF theo tương phản, hỗ trợ AF mắt và khuôn mặt
  • Có thể kích hoạt AF khi ấn nửa nút chụp hoặc nút AEL
  • Quay phim: CinemaDNG (8bit, 10bit, 12bit), MOV H.264 (ALL-I / GOP)
  • Độ phân giải: 4K 24/25/30p, FHD 24/25/30/50/60/100/120p
  • Hỗ trợ ghi với Ninja ATOMOS Inferno, Blackmagic
  • Ngôn ngữ: 17 ngôn ngữ
  • Cổng kết nối: tai nghe, mic, USB type C 3.1 Gen 1, HDMI
  • Pin: BP-51
  • Kích cỡ: 112.6 x 69.9 x 45.3mm
  • Khối lượng: 370g (chỉ thân máy), 422g (khi lắp pin và thẻ nhớ)

Khi nào sản phẩm này sẽ được bán ra?

Dự kiến Sigma fp sẽ được bán từ mùa thu năm nay, nhưng chưa có bất kì thông tin nào liên quan đến mức giá của sản phẩm này, cũng như phiên bản fp sử dụng cảm biến Foveon. Có lẽ chúng ta sẽ phải chờ đến hết mùa hè năm nay mới có thông tin cụ thể hơn từ phía Sigma.


Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé

Năm 2019 đã bước sang tháng 2, sau Sony với A6400 dành cho dân làm Vlog, Olympus với OM-D E-M1X, giờ đến lượt Panasonic tung lá bài rất mạnh mẽ S1/S1R ra để cho cả giới chơi ảnh sẽ phải trầm trồ. Liệu đây có phải “Oscar” sớm cho máy ảnh tốt nhất 2019?

Thông số mạnh mẽ

Hãy cùng điểm qua những chi tiết mà giờ mới được hé lộ rõ hơn từ Panasonic nhé!

Cả hai chiếc máy ảnh này của Panasonic đều sử dụng cảm biến full-frame, ngàm ống kính L do liên minh: Leica, Sigma và Pana bắt tay.

Nếu các bạn thoạt nghe về Pana và từng lo lắng về những chiếc lens Leica có thể hơi đắt, hoặc sợ các dải ống kính không phong phú, với sự xuất hiện của cái tên Sigma nhiều khả năng sẽ đảm bảo cho những chiếc ống kinh dòng Art sẽ sớm có ngàm L (như đã làm với Sony E).

Hệ ống kính cho Panasonic S1 và S1R

Bộ đôi này sử dụng chip xử lý Venus Engine mới nhất của Panasonic, bộ lấy nét theo tương phản kết hợp DFD 225 điểm, khả năng chụp liên tiếp 9 hình/s, có chống rung 5 trục và sử dụng hai khe thẻ là SD và XQD – một điểm nhỏ nhưng hay hơn rất nhiều so với Canon EOS R (chỉ một khe SD) hay Nikon Z (với chỉ thẻ XQD). 

Theo thông cáo báo chí của Panasonic S1/S1R sẽ được trang bị Eye AF và công nghệ lấy nét AI để giúp bạn không bị mất dấu chủ thể. Tuy nhiên, với việc sử dụng bộ lấy nét theo tương phản (kết hợp DFD), nhiều khả năng là tốc độ lấy nét của 2 chiếc máy này sẽ không quá nhanh, theo thông tin từ nhà sản xuất là 0.08s (so với 0.02s của chiếc crop A6400 mới ra mắt thì nghe có vẻ hơi chậm, cơ mà crop với full-frame thì so cho vui để đó thôi).

Điểm sáng nữa của S1 và S1R chính là khả năng bắt nét được ở điều kiện thiếu sáng xuống tới -6EV (bằng Canon EOS R), vô cùng ấn tượng.

Panasonic S1 và S1R - Oscar sớm cho máy ảnh tốt nhất 2019? | 50mm Vietnam

Phía sau lần lượt là ống ngắm điện tử EVF lên tới 5.6 triệu điểm và chiếc màn hình lật 3 chiều với độ phân giải lên tới 2.1 triệu điểm ảnh. Những thông số trên là cực kì ấn tượng với những chiếc EVF và Màn hình LCD hiện nay.

Tuy nhiên, Panasonic đã bất ngờ sử dụng thiết kế màn hình lật khá giống với Fujifilm ở các dòng X-T chứ không phải lật xoay giống trên dòng GH của hãng nữa.

Mặt sau của Panasonic S1 và S1R

S1/S1R cũng được trang bị vỏ ngoài bằng hợp kim với khả năng chống chịu thời tiết khá tôt. Đặc biệt là dáng vẻ của 2 chiếc máy này đều khá to, hầm hố chứ không phải là dạng be bé như đa phần các sản phẩm trên thị trường. Bạn hoàn toàn có thể xem video trải nghiệm dưới đây của B&H Photo để xem độ to của chiếc S1R.

Một số điểm chú ý nho nhỏ khác như: Màn trập có tuổi thọ lên đến 400,000 shots, có thể chụp đến 60 hình/s ở độ phân giải 8 mpx.

Panasonic S1R – Dành cho dân phong cảnh, studio, thời trang

Chúng ta sẽ nhắc đến chiếc S1R trước tiên, cũng giống với Sony dùng chữ R dành cho phân khúc người chơi ảnh cần độ phân giải cao, Pana cũng đã làm như vậy với chiếc S1R của mình.

Sở hữu số megapixel là 47, đây chính là chiếc máy rất phù hợp cho dân chơi thuộc thể loại phong cảnh, chụp chân dung studio hoặc thời trang cao cấp cần in biển bảng lớn.

Với những chiếc máy ảnh có độ phân giải lớn, thường thì khả năng xử lý nhiễu cũng không quá tốt, tuy nhiên Panasonic đẫ khá mạnh dạn để mức ISO cao nhất có thể lên tới 51200, kèm theo một câu bảo đảm nho nhỏ đại ý là: Cảm biến của chúng tôi đã đạt được tỉ lệ S/N (Signal/Noise) là rất tốt, vì vậy mặc dù số megapixel có to, chất lượng hình ảnh cũng sẽ là rất ấn tượng.

Panasonic S1 và S1R - Oscar sớm cho máy ảnh tốt nhất 2019? | 50mm Vietnam

Và nếu bạn là một tay cuồng megapixel và cảm thấy 47mpx là chưa đủ? Đừng lo, với chế độ High Resolution, bạn hoàn toàn có thể tích hợp 8 bức ảnh vào với nhau và sẽ được một bức siêu phân giải lên tới 187mpx.

Về mặt quay video, Pana đã có sự phân chia rất rõ ràng khi chiếc S1R này sẽ bị hạn chế khá nhiều về khả năng quay phim, ví dụ như chỉ có thể quay ở 4K 60p nhưng bị crop khung hình, ngoài ra chất lượng output cũng không quá ấn tượng: 8 bit 4:2:0. Nhưng với S1 ở dưới đây, câu chuyện lại khác hẳn.

Panasonic S1 – Chiếc máy sẽ làm rung chuyển thị trường

Không phải S1R, chiếc máy có giá cao hơn ($4500 cho body và 1 ống kit 24-70mm f/4), mà chiếc Panasonic S1 mới là điều mà chúng ta sẽ cần quan tâm hơn cả. Tại sao lại như vậy?

Sử dụng một cảm biến full-frame có độ phân giải khá phổ thông: 24.2 mpx, vì vậy không khó hiểu khi S1 có thể có dải ISO lên tới 51200 (Có thể mở rộng lên 204800). Với khả năng xử lý nhiễu liên tục được nâng cấp từ GH5, GH5s, có lẽ chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng được chiếc máy này trong những hoàn cảnh thiếu sáng ngặt nghèo. Về mặt tốc độ lấy nét, đây có lẽ sẽ là điểm dễ bị đem ra so sánh nhất, tuy nhiên chúng ta sẽ cần đợi xem xét thêm sau.

Panasonic S1 và S1R - Oscar sớm cho máy ảnh tốt nhất 2019? | 50mm Vietnam Panasonic S1 và S1R - Oscar sớm cho máy ảnh tốt nhất 2019? | 50mm Vietnam

Về phần quay video, nói không ngoa thì đây sẽ là chìa khóa để Panasonic làm mưa làm gió trong thời gian tới. Với việc gần như bê nguyên thông số quay video của GH5 lên cảm biến full-frame, Panasonic S1 quá mạnh!

Hãy thử xem một video về chủ đề ẩm thực – Bánh Bao của Việt Nam dưới đây để thưởng thức chất lượng hình ảnh tuyệt vời của S1.

Và giờ hãy cùng điểm qua thông số quay video nào:

  • Có thể quay 4K 60fps không crop khi output ra bộ ghi ngoài – Và bị giới hạn thời gian quay 29:59 phút.
  • Nếu quay không có bộ ghi ngoài thì sẽ là 4K 30/24fps 
  • Full HD 1080/120fps (??? vì hiện tại vẫn chưa có thông tin phần này).
  • Hai thông số quay mà nhiều người không biết đó chính là Chroma Subsampling (Ví dụ: 4:2:2 hoặc 4:2:0) và Bit Depth (8 bit, 10 bit), nó sẽ quyết định rất nhiều đến chất lượng hình ảnh của bạn. Ở phần này thì với việc bỏ thêm một số tiền nhỏ để nâng cấp (truyền thống là $100), bạn sẽ có chiếc máy ảnh full-frame đầu tiên có thể quay 4k60fps, 10 bit 4:2:2. Hứa hẹn chất lượng video tuyệt hảo và chưa có một chiếc máy ảnh nào có thể vươn tới.
  • S1 cũng sẽ được trang bị profile màu V-Log, không phải VLog (video blog) nhé = ) 

Kẻ soán ngôi Sony?

Với những gì mà Pana đang liệt kê ra cho S1/S1R và bảng thành tích khá ấn tượng từ những chiếc GH5, GH5s, chắc hẳn Panasonic sẽ là một đối trọng rất lớn cho Sony kể từ năm 2019 này trở đi.

Những chiếc GH5(s) tuy mang lại thành công và đồng thời là tiếng vang cho Panasonic vì chất lượng hình ảnh tuyệt hảo, nhưng luôn bị những kẻ cuồng công nghệ dè bỉu bởi cảm biến Micro Four Thirds nhỏ bé. Cơ mà từ giờ, chắc là mọi việc sẽ thay đổi từ dòng S này của Pana.

Vẫn còn đó những nghi ngại với chiếc màn hình lật kiểu Fuji, bộ lấy nét theo tương phản, khả năng bắt nét theo chủ thể ở video có tốt không? Hoặc hệ ống kính liệu có đầy đủ? Nhưng với những gì 50mm Vietnam đọc được trên giấy tờ, không phải Canon, cũng chả phải Fujifilm mà chính Panasonic mới có thể là kẻ ngáng chân vĩ đại.

Năm 2019 mới chỉ đi qua tháng thứ 2, nhưng nếu Panasonic biến thông số trên giấy tờ thành hiện thực, có lẽ giải Oscar máy ảnh tốt nhất năm 2019 đã có chủ.

Giá cả và ngày lên kệ

Hai chiếc máy này sẽ đều lên kệ vào khoàng tháng 4/2019. Giá cả như sau:

Panasonic S1R Body có giá $3699 hoặc $4599 với kit 24-105mm f/4.

Panasonic S1 Body có giá: $2499 hoặc 3399 với kit 24-105mm f/4.

Về mặt giá cả là không có quá nhiều sự chênh lệch với bộ đôi A7 Mark III và A7R Mark III của Sony. Vì vậy hoàn toàn có thể là một đối trọng tốt.

Mặc dù đã được đánh tiếng từ Photokina 2018, nhưng phải đến tận lúc này, bộ đôi mirrorless fullframe Panasonic S1 và S1R mới chính thức được ra mắt.

Khi “bố đẻ mirrorless” chính thức tham chiến

Mặc dù đã được đánh tiếng kể từ triển lãm Photokina 2018, nhưng phải hơn 3 tháng sau, Panasonic mới chính thức trưng bày các sản phẩm này trước công chúng tại triển lãm CES 2019

Kể từ lúc này, chúng ta đã được chứng kiến một trong những hãng góp phần khai sinh ra mirrorless chính thức tham chiến, cạnh tranh với các đối thủ lớn như Canon, Nikon, Sony.

Không nằm ngoài dự đoán, cũng như các tin tức rò rỉ, thông số kỹ thuật của bộ đôi Panasonic S1 và S1R này vô cùng mạnh mẽ, đủ làm cho các đối thủ phải cảm thấy lo ngại.

Đáng chú ý, tại lần trưng bày này, Panasonic tiết lộ thêm 2 đặc điểm kỹ thuật khác, chưa từng có (mà có thể phải rất lâu nữa mới có) trên sản phẩm mirrorless fullframe của các hãng đối thủ.

Chúng bao gồm HLG và “chế độ phân giải cao“.

HLG là viết tắt của Hybrid Log Gamma. Theo đó, ở chế độ này, những hình ảnh mà máy chụp được sẽ có độ tương phản rất tốt, các chi tiết tại vùng ảnh sáng và tối vẫn được giữ lại đầy đủ. Kết quả ta có một bức ảnh HDR vô cùng sống động.

Để có thể thấy hết những gì mà bức ảnh mang trong mình, chúng ta sẽ phải xem ảnh trên các màn hình có thể hiển thị HDR.

Hybrid Log Gamma (hoặc chức năng tương tự với một cái tên khác) đang rất phổ biến trên các máy ảnh của Sony, Fujifilm, Panasonic như Sony a7 III, Fujifilm X-T3… Tuy nhiên chức năng này cho tới giờ chỉ được thiết kế cho quay phim mà không cho chụp ảnh tĩnh.

Bằng việc sử dụng HLG cho chụp ảnh, Panasonic giúp cho người dùng có thểm một cách để chụp ảnh HDR, cho chất lượng cực cao mà vô cùng sống động.

Thứ 2 là “chế độ phân giải cao“. Đây là tính năng không hề xa lạ trên các sản phẩm trang bị cảm biến m4/3 của Olympus và Panasonic (và 2 hãng này cùng nhau đưa công nghệ này lần đầu tiên lên máy ảnh ống kính rời).

Dịch chuyển cảm biến trong thân

Một cách ngắn gọn, khi sử dụng chế độ phân giải cao, máy sẽ kích hoạt bộ phận chống rung trong thân máy, dịch chuyển cảm biến trong thân máy để ghi hình tại các vị trí khác nhau. Sau đó, bộ xử lý của máy sẽ tự động ghép các tấm hình lại với nhau, cho ra bức hình có độ phân giải cực cao, kích thước lớn gấp nhiều lần so với bức ảnh chụp thông thường.

Vấn đề của chức năng này là cảm biến phải đủ nhỏ để trong máy có không gian cho việc di chuyển cảm biến. Do đó, khi kích cỡ thân máy không khác gì so với đối thủ, mà vẫn có không gian cho cảm biến fullframe di chuyển thì đây là sự đột phá của Panasonic trước các đối thủ.

Chế độ phân giải cao này vô cùng hữu ích cho thể loại ảnh phong cảnh hoặc ghi lại các tác phẩm hội họa, giúp người dùng có được những bức hình vô cùng chi tiết.

Tương lai khốc liệt và khó đoán định

Với kinh nghiệm 10 năm thiết kế và sản xuất máy ảnh không gương lật, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng bộ đôi mới này của Panasonic sẽ trở thành ngôi sao sáng trong vũ trụ mirrorless fullframe, một lần nữa tạo ra xu thế mới cho thị trường thế giới.

Tuy vậy, trong hoàn cảnh Sony đang làm thị trường rất tốt với dòng a7, phủ từ phổ thông đến cao cấp, cùng 2 ông lớn hàng đầu Canon và Nikon đang ồ ạt “đổ quân” tham chiến, Panasonic dường như hành động khá trậm trễ.

Dù sao, muộn vẫn còn hơn không. Hiển nhiên, không ai muốn thấy mình tạo ra xu hướng mới cho thị trường, nhưng “đứa khác” lại làm công tác quảng bá tốt hơn.

2019 vừa bắt đầu được hơn 1 tuần, chúng ta vẫn còn 1 năm dài phía trước để chứng kiến cuộc tranh giành miếng bánh thị trường giữa các hãng máy ảnh . Hãy chờ xem!

Một vài hình ảnh chụp thử với Lumix S1/S1R

Theo DPReview

Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé.

Bộ đôi Lumix S1 và S1R là câu trả lời của Panasonic cho những ai ưa thích và mong đợi suốt một thời gian dài ở chiếc máy fullframe của hãng này, cũng như khẳng định việc họ không hề có ý định đứng ngoài cuộc chơi và bỏ rơi thị phần cho đối thủ.