Có phải Olympus đang chuẩn bị “đánh lớn” bằng việc mở màn năm 2019 của họ với siêu phẩm flagship OM-D E-M1X?

Lá cờ đầu của Olympus

Mặc dù không phải là kẻ mở bát của năm 2019 (Sony mới là kẻ châm ngòi năm nay bằng a6400 cùng loạt firmware nâng cấp), nhưng Olympus lại bắt đầu năm mới của họ bằng một siêu phẩm cao cấp mang tên O-MD E-M1X vào lúc 13 giờ 24/1/2019 (theo giờ Việt Nam) tại London (Anh).

Được định hướng là sản phẩm cao cấp nhất, thay thế cho E-M1 Mark II, cũng như giành giật chỗ đứng trong thế giới mirrorless vốn đang quá “hỗn loạn”, Olympus đã thiết kế sản phẩm này với rất nhiều những đột phá, biến E-M1X trở thành “khủng long thu nhỏ” của làng mirrorless.

Diện mạo và sức mạnh khủng long ẩn bên trong là trái tim nhỏ nhắn

Vẻ ngoài miễn chê

Điều dễ nhận ra nhất ở bên ngoài chiếc máy này là một vẻ ngoài cực chuyên nghiệp, nam tính và chắc chắn với lớp vỏ kim loại cứng cáp, cùng một thiết kế hoài cổ cực đẹp.

Olympus lên tiếng với siêu phẩm OM-D E-M1X | 50mm Vietnam

Vẫn với thiết kế của dòng máy ảnh chuyên nghiệp với grip dọc liền thân máy, đồng nghĩa với không gian cầm nắm của OM-D E-M1X cũng lớn hơn và thao tác thuận tiện hơn khi cầm máy dọc, chiếc grip này cho phép chứa đến 2 pin bên trong.

Với 2 pin bên trong grip, tổng số ảnh có thể chụp được với máy này trên lý thuyết là 870 hình, thực tế có thể lên đến 2850 tấm.

Sức mạnh bên trong

Mặc dù phải chịu thua thiệt rất nhiều trước các đối thủ cùng dòng như EOS-1D X Mark II, D5 hay a9 vì vấn đề sử dụng cảm biến cỡ nhỏ, tuy nhiên Olympus đã bù lại bằng rất nhiều những tính năng kĩ thuật khác.

Không phải Sony, mà Olympus và Panasonic mới là những thương hiệu có truyền thống bê các tính năng và các thông số kỹ thuật khủng lên sản phẩm của mình.

Với chuẩn USB Power Delivery, việc sạc pin cho OM-D E-M1X giờ đây còn nhanh và tiện hơn nữa thông qua cổng sạc USB. Cả 2 cục pin có thể được sạc đầy cùng lúc chỉ trong 2 giờ. Điều này thực sự hữu ích với những người dùng phải di chuyển liên tục, không có nhiều thời gian lưu lại một địa điểm.

Chống rung thân máy – Tính năng khiến cả giới máy ảnh ngả mũ thán phục

Ở bên trong, nổi bật hơn cả là chống rung trong thân máy. Mặc dù không phải người đầu tiên có ý tưởng về tính năng này nhưng Olympus mới là kẻ thành công nhất. Ở E-M1X, khả năng chống rung trong thân máy đã được nâng lên tới 7,5 stop, con số mà tất cả các hãng máy ảnh có nằm mơ cũng chưa thể làm được.

Kỉ lục cho tới lúc này là 6,5 stop, cũng do Olympus nắm giữ trên chiếc E-M1 Mark II (khi sử dụng cùng ống kính 12-100mm). Với 7,5 stop, Olympus đã tự phá kỉ lục của chính mình, đưa họ đến ngưỡng mới của chống rung trong thân máy.

Với con số lý thuyết lên tới 7,5 stop, chúng ta hoàn toàn có thể chụp phơi sáng dài cầm tay lên tới 20 giây! Chưa rõ thực tế đến đâu, nhưng điều này thực sự hữu ích cho những người dùng có trí nhớ không tốt, bỏ quên chân máy ở nhà.

Không chỉ cho chụp ảnh, chống rung trong thân máy còn hiệu quả khi quay phim 4K. Mặc dù với dân quay phim, tripod, monopod, gimbal, steadicam luôn là phụ kiện không thể thiếu. Nhưng nếu chẳng may quên thì tính năng chống rung sẽ chữa cháy rất tốt.

Tính năng quay phim tốt nhưng chưa ấn tượng

Về phần quay phim Olympus OM-D E-M1X được trang bị thông số và công nghệ ở mức tạm ổn.

Với khả năng quay phim 4K ở các frame rate 24/25/30/50/60p và FullHD 24/25/30/50/60/120p nghe qua khá ấn tượng, tuy nhiên về mặt chất lượng thì lại chỉ dừng lại ở 8 bit 4:2:0, hoặc 4:2:2 khi sử dụng bộ ghi rời. Một điểm thua thiệt khá xa so với đối thủ GH5s khi đã có thể quay 10 bit từ lâu.

Olympus O-MD E-M1X cũng được trang bị thêm cả OM-Log400, một profile cho việc quay phim có thể giữ được nhiều chi tiết hơn, tuy nhiên với độ phân giải màu sắc chỉ là 8 bit 4:2:0, chi tiết này cũng chỉ mang tính tô điểm là nhiều.

Một vài tính năng khác

Bên cạnh đó, Olympus đã đưa lên E-M1X một hệ thống cảm biến – kết nối hỗn hợp mang tên “field sensor”: bao gồm cảm biến nhiệt, cảm biến độ sâu, la bàn, GPS. Hệ thống field sensor này đã xuất hiện trên các máy quay hành trình từ khá lâu, tuy nhiên đây là lần đầu nó được đưa lên máy ảnh (Trừ GPS).

Tính năng GPS hiện giờ vô cùng phổ biến trên các máy ảnh, cùng với wifi, NFC, Bluetooth hợp thành bộ 4 tính năng kết nối không dây. GPS trên các máy ảnh hiện nay được thiết kế để kết nối với 3 hệ thống định vị toàn cầu gồm: GPS (Mỹ), Glonass (Nga) và QZSS Michibiki (Nhật).

Có cảm giác như Olympus đang biến chiếc máy ảnh flagship của mình trở thành chiếc action cam cỡ lớn. Cũng như chưa rõ việc đặt nhiều chủng loại cảm biến vào nhằm mục đích gì. Nhưng rõ ràng, một chiếc máy ảnh có thể đo được cả nhiệt độ, độ sâu.. ngoài thực địa nghe qua vô cùng hấp dẫn.

Các thông số kĩ thuật của OM-D E-M1X

  • Cảm biến micro four thirds, 17,4 x 13mm, độ phân giải hiệu dụng 20,37mpx, 5184 x 3888
  • Tự làm sạch cảm biến: Rung ở tần số cực cao
  • Chống rung cảm biến: lên đến 7,5 stop (khi dùng ống Zuiko 12-100mm) hoặc 7 stop với ống kính Zuiko 12-40mm.
  • Bộ xử lý hình ảnh: 2 chip
  • AF: 121 điểm (cross-type), có thể AF -3,5 đến 20 EV (ở ISO 100 và ống kính khẩu độ f/2.8)
  • Tốc độ màn trập tối đa: màn trập điện tử lên tới 1/32000 giây hoặc 1/8000 giây với màn trập cơ; tuổi thọ tối đa 400.000 chu kì.
  • Tốc độ chụp liên tiếp tối đa: trên lý thuyết tới 18 hình/giây; lên tới 15 hình/giây ở định dạng RAW, lưu được 103 hình
  • Đo sáng: 2-20 EV, ở ISO 100 và khẩu độ f/2.8, có thể chụp anti-flicker (tránh nhấp nháy dưới ánh sáng nhân tạo như đèn ống)
  • Picture mode: i-finish, rực rỡ, tự nhiên, phẳng, chân dung, đơn sắc, tùy chọn, e portrait, nước, “color creator”, “art filter”.
  • ND filter: tích hợp
  • Quay video: 4K UHD 24/25/30/50/60p IPB; FHD 24/25/30/50/60p/120p
  • Quay video timelapse: 4K 5fps, FHD 5/10/15fps, HD 5/10/15/30fps.
  • Ống ngắm điện tử: 2,36 triệu điểm ảnh, 120fps, thời gian trễ 0,005 giây
  • Màn hình: cảm ứng xoay lật
  • Thẻ nhớ: 2 khe thẻ SD chuẩn UHS-II
  • Ngôn ngữ: 34 ngôn ngữ khác nhau
  • Cấu trúc: khung vỏ magie hoàn toàn
  • Chống chịu: chuẩn chống nước IPX1
  • Kết nối không dây: wifi
  • Hệ thống hỗ trợ khác: GPS (ghi lại hành trình di chuyển của máy, kết nối với GLONASS của Nga, Quasi-Zenith Michibiki của Nhật), cảm biến đo áp suất, nhiệt độ, gia tốc
  • Pin: thực tế tối đa tới 2850 tấm khi sạc đầy, 2 pin BLH-1
  • Kích thước: 44.4 mm x 146,8mm x 75,4mm
  • Nặng: 849g chỉ thân máy

Sản phẩm tiềm năng

Chưa rõ E-M1X có làm cho Olympus trở nên đáng quan tâm hơn với số đông người dùng chúng ta không khi điểm yếu cố hữu là cảm biến nhỏ so với các sản phẩm cùng dòng flagship hiện nay. Những người dùng cao cấp thường là cơ quan báo chí lớn, họ cũng không thiếu tiền để đầu tư những sản phẩm mang nhãn Canon và Nikon vốn có cảm biến lớn hơn, phù hợp khi chụp thiếu sáng.

Dù sao, nỗ lực của của Olympus cũng rất đáng hoan nghênh, đặc biệt trong thời kì mảng mirrorless đang vô cùng hỗn loạn. Sony đã có động thái dằn mặt cả thế giới đầu năm, Canon và Nikon có vẻ “ngầm” bắt tay nhau đánh lại Sony. Panasonic đã thành lập liên minh 3 hãng nhằm củng cố vững chắc hơn vị trí của mình trong thế giới mirrorless.

Dự kiến sản phẩm này sẽ được bán ra với mức giá 3000$, nghe qua thì có vẻ hơi chát cho một chiếc máy sử dụng cảm biến micro four thirds, dù là flagship. Nhưng cứ đợi xem, biết đâu những gì mà chiếc máy này thể hiện lại xứng đáng với số tiền phải bỏ ra.

Hi vọng rằng chúng mình sẽ sớm cơ hội trên tay sản phẩm này, mang đến sân vận động và nhà thi đấu để kiểm chứng sức mạnh thật sự của OM-D E-M1X.

Một số hình ảnh demo từ trang DPReview của OM-D E-M1X

Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé

Tương lai của hệ máy EOS R sẽ rất khó đoán định, nhưng khi mirrorless đang là xu thế mới, lấn át dần vai trò của DSLR thì đây sẽ là trọng điểm được Canon đầu tư nghiên cứu và phát triển. Hãy cùng nghe các kĩ sư của Canon nói gì về sản phẩm này.