Dưới đây sẽ là danh sách những sản phẩm tốt nhất của TIPA Award 2019, mà chắc chắn nhiều người trong chúng ta đang hoặc đã lên kế hoạch tậu chúng về.
Những sản phẩm tiềm năng và đáng tiền nhất năm 2019
Mới đây, hiệp hội nhiếp ảnh báo chí TIPA đã công bố giải thưởng của họ (TIPA Awards 2019) cho các sản phẩm kĩ thuật số – phụ kiện tốt nhất của năm nay – tập hợp rất nhiều các sản phẩm sản xuất năm 2019, cũng như đã xuất hiện từ 2018. Chắc chắn không thể thiếu những tên tuổi lừng danh như Canon, Nikon, Sony, Fujifilm, Manfrotto, Godox…
Đáng chú ý trong bảng xếp hạng này là 2 chiếc máy Sony a6400 và Fujifilm X-T30: 2 sản phẩm có phân cấp tương đương nhau, nhưng lại đứng ở 2 hạng mục khác nhau: người dùng có kinh nghiệm (Expert) và người dùng nâng cao (Advance) . Rất khó để phân biệt rõ ràng 2 khái niệm này, và do đó nảy sinh câu hỏi: phải chăng 2 sản phẩm này quá ngang tài ngang sức, không thể loại bỏ 1 trong 2 nên TIPA đành đặt trong 2 hạng mục khác nhau?
Và giờ hãy cùng 50mm Vietnam điểm qua danh sách các sản phẩm đạt giải thưởng TIPA Award 2019 thôi.
Danh sách các nhà vô địch của TIPA Award 2019
DSLR (phổ thông) tốt nhất: Nikon D3500
D3500 là sự kết hợp giữa công nghệ sản xuất cảm biến hình ảnh tốt nhất trong một thiết kế ngoài nhỏ gọn, dễ làm quen với người mới dùng. Kết hợp cùng 100 năm kinh nghiệm sản xuất ống kính của Nikon, không có gì phải bàn cãi khi D3500 đứng vị trí số 1 cho DSLR phổ thông tốt nhất mà mức giá lại dễ chịu.
Một vài thông số cơ bản của D3500 như cảm biến CMOS 24,2mpx, dải ISO 100 – 25600, tốc độ chụp liên tiếp tối đa 5 hình/giây; khả năng quay video full HD 60p. Kết hợp cùng pin khủng, cho phép chụp tới 1500 tấm khi sạc đầy và kết nối với các thiết bị di động qua ứng dụng Snapbridge, D3500 thực sự là chiếc máy ảnh đáng cân nhắc với người dùng mới cầm máy ảnh và ưa thích đi chơi xa.
Đặt hàng ngay tại đây:
Máy ảnh không gương lật APS-C tốt nhất cho người dùng nâng cao: Fujifilm X-T30
Mặc dù ra mắt chưa lâu, nhưng những gì Fujifilm X-T30 thể hiện là rất đáng nể, ngay cả khi so sánh với các sản phẩm cao cấp hơn. Cùng với X-T3, đây là chiếc máy ảnh thứ hai phá vỡ mốc 24 megapixel (bằng 26mpx) trên cảm biến APS-C. Được trang bị bộ xử lý hình ảnh Quad Core X-Processor 4, Fujifilm có khả năng AF rất tốt, nhận diện khuôn mặt rất nhanh và chính xác, cùng chế độ quay video 4K 10-bit 4:2:2.
Tích hợp cổng USB Type-C và jack 2.5mm, người dùng có thể gắn thêm nhiều các thiết bị và phụ kiện khác nhau vào Fujifilm X-T30, giúp trải nghiệm vận hành trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.
Để kết nối và vận hành máy ảnh từ xa, người dùng có thể tải ứng dụng Fujifilm Camera Remote về điện thoại.
Thêm tùy chọn màu sắc mới xám bạc, vốn chỉ xuất hiện trên các máy ảnh cao cấp hoặc phiên bản hạn chế, giúp người dùng cảm thấy tự tin hơn khi mang theo sản phẩm này đi chơi xa.
Đặt mua ngay tại đây:
Máy ảnh không gương lật tốt nhất cho người dùng có kinh nghiệm: Sony a6400
Sản phẩm “mở bát” năm 2019 của cả làng máy ảnh, nằm ngoài nhiều dự đoán về một sản phẩm cao cấp hơn, tương tự chiếc Nikon D500 hay Canon EOS 7D Mark II. Với phân cấp tương tự a6300 và a6500, không rõ a6400 sẽ thay thế cho sản phẩm nào, hoặc cả 2.
Một vài thông số cơ bản của a6400 như: cảm biến CMOS 24mpx, dải ISO 100 – 1640000, tốc độ chụp liên tiếp tối đa tới 11 hình/giây. a6400 là chiếc máy ảnh đầu tiên được Sony mở rộng ISO lên đến hàng triệu, điều trước giờ chúng ta chỉ được nghe với Nikon ở D5 và D500.
Màn hình lật 180 độ, linh hoạt hơn so với 2 người tiền nhiệm a6300/a6500, tạo sự thoải mái đặc biệt cho đối tượng người dùng vlogger hoặc thích đi du lịch, cần xem mình đang quay gì, nhìn bố cục khung hình
Các bạn có thể đặt mua tại đây:
Máy ảnh cảm biến micro 4/3 chuyên nghiệp tốt nhất: Olympus OM-D E-M1X
Với thông số kỹ thuật trên lý thuyết khá ấn tượng, Olympus OM-D E-M1X này là lựa chọn đáng cân nhắc của những người dùng ưa thích tốc độ cao, thời lượng pin dài và không ưa thích “crop” hay Fullframe.
Đặc điểm chính như cảm biến CMOS Live M MFT 20mpx cùng bộ xử lý Dual TruePic VIII, cho tốc độ chụp liên tiếp tối đa đạt tới 60 hình/giây (khi đo sáng và AF được khóa lại). Tuy nhiên, điểm sáng giá hơn cả ở sản phẩm này là khả năng chống rung trong thân máy tới 7,5 stop – con số mà nhiều hãng máy ảnh có nằm mơ cũng chưa thể làm được, ít nhất trong vài ba năm tới.
Một tính năng mới ở E-M1X là “phát hiện thông minh”, cho phép máy AF theo các phương tiện như ô tô, tàu hỏa, máy bay.
Sản phẩm này hiện có giá niêm yết là 75 triệu đồng, phân phối bởi công ty Schmidt Marketing Vietnam.
Máy ảnh không gương lật fullframe tốt nhất cho người dùng nâng cao: Canon EOS RP
Canon EOS RP là một trong những sản phẩm hứng chịu “gạch đá” nhiều nhất từ dư luận, kể từ sau EOS 6D cho đến nay, do thông số kĩ thuật trên giấy nghe kém ấn tượng, đặc biêt khi nó được ra mắt vào năm 2019.
Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế của sản phẩm này từ người dùng lại cho thấy tín hiệu khá hơn so với “trên giấy”. Kích thước nhỏ gọn, cùng màn hình xoay lật cảm ứng, giao diện thân thiện như truyền thống trước giờ, giúp người dùng nhanh chóng làm chủ sản phẩm, cảm thấy thuận tiện trong quá trình vận hành.
Với những người dùng ưa thích Canon và mong đợi ở một chiếc máy ảnh không gương lật fullframe nhưng giá vừa phải, EOS RP là lựa chọn có thể cân nhắc.
Đặt hàng ngay tại đây:
Máy ảnh không gương lật fullframe tốt nhất cho người dùng có kinh nghiệm: Nikon Z6
Cùng với Z7, Z6 là nước cờ nghiêm túc thật sự của Nikon khi bước chân vào thế giới mirrorless. Các thông số kĩ thuật cơ bản khá ấn tượng như: cảm biến CMOS 24mpx, ISO 100 – 51200, tốc độ chụp liên tiếp tối đa tới 12 hình/giây, 273 điểm AF và khả năng quay video 4K.
Với các thông số lý thuyết như trên, Z6 thực sự đáp ứng tốt được nhu cầu của người dùng cần chụp ảnh cũng như quay phim.
Đặt hàng ngay tại đây:
Máy ảnh không gương lật fullframe chuyên nghiệp tốt nhất: Nikon Z7
Hình thức ngoài và thông số kĩ thuật tương tự chiếc Z6, nhưng nổi bật ở độ phân giải cực cao, lên tới 45,7mpx – phù hợp cho những người dùng cần chụp dịch vụ quảng cáo và in ấn khổ lớn. Bên cạnh đó, chiếc máy này có dải ISO 64 – 25600, mở rộng lên 102400.
Không chỉ mạnh ở chụp ảnh, Z7 còn có khả năng quay phim rất tốt: 4K và FHD 120p, hỗ trợ chống rung điện tử và focus peaking. Do vậy, Z7 đủ sức đáp ứng nhu cầu của những người dùng chuyên nghiệp khó tính nhất.
Đặt hàng ngay tại đây:
Máy ảnh fullframe không gương lật quay/chụp tốt nhất: Panasonic Lumix S1
Với truyền thống sản xuất máy quay truyền hình lâu năm, không có gì có thể gây khó dễ cho Panasonic trong quá trình tạo ra chiếc máy ảnh có thể làm tốt cả 2 nhiệm vụ quay và chụp mang tên Lumix S1.
Những thông số cơ bản của S1 về khả năng quay video: 4K 25/30p toàn cảm biến, xuất video ngoài 4K 25/30p 10-bit 4:2:2; 4K 60p với V-Log. Đây là những thông số kĩ thuật cực mạnh mà Panasonic mang lại cho người dùng, đặc biệt là những người làm nội dung trên internet. Cho đến giờ, chưa có bất cứ sản phẩm nào ở thời điểm này có thể qua mặt Lumix S1, trừ chính sản phẩm của Panasonic.
Bên cạnh đó, khả năng chụp ảnh của S1 cũng khá ghê gớm: chống rung trong thân 5 trục, khi kết hợp cùng các ống kính S mới, cho khả năng chống rung tối đa tới 6 stop, đứng thứ nhì thị trường hiện nay. Ở chế độ phân giải cao, chiếc Lumix S1 có thể ghi lại những bức hình ở độ phân giải lên tới 96mpx. Có được điều này là nhờ vào bộ xử lý hình ảnh thế hệ mới nhất mang tên Venus.
Sản phẩm hiện tại còn chưa được bày bán…
Máy ảnh cảm biến khổ trung (medium format) tốt nhất: Fujifilm GFX 50R
Hướng đến đối tượng khách hàng có kinh nghiệm, chiếc Fujifilm GFX 50R với cảm biến lớn 51,4mpx hứa hẹn sẽ làm hài lòng cả những người kĩ tính nhất. Không sử dụng cảm biến X-Trans như thường lệ, với cảm biến công nghệ Bayern cùng kích thước cảm biến medium-format, chiếc máy này có thể tạo ra những bức ảnh có độ phân giải cực cao, cho độ sắc nét và khả năng tái tạo chi tiết ảnh rất tốt.
GFX 50R vẫn có khung thân bền bỉ tương đương, người dùng vẫn có thể cầm theo và sử dụng trong những môi trường vô cùng khắc nghiệt
Và mặc dù sử dụng cảm biến lớn, tuy nhiên chiếc máy vẫn có kích thước rất nhỏ gọn. Bên cạnh đó, nếu người dùng là tín đồ của mạng xã hội, họ có thể kết nối điện thoại với GFX 50R qua ứng dụng Fujifilm Camera Remote.
Máy ảnh compact tốt nhất: Ricoh GR III
Với những người dùng chỉ cần một chiếc máy ảnh thật gọn nhẹ khi ra đường, thay vì cả balo đầy thân máy và ống kính nặng nề, Ricoh GR III là lựa chọn xứng đáng cân nhắc. Tuy chỉ là một chiếc máy ảnh compact, nhưng với cảm biến crop (APS-C) cùng ống kính fix một tiêu cự 28mm f/2.8, RIcoh GR III không quá e ngại điều kiện thiếu sáng.
Ngoài ra, cũng không thể không nhắc tới là dòng Ricoh GR bấy lâu nay vẫn được coi là “ông hoàng compact của thể loại ảnh đường phố”.
Sản phẩm này có giá niêm yết là 21.990.000 đồng, được phân phối chính hãng bởi công ty Ti Xi Ai Việt Nam.
Máy ảnh compact siêu zoom tốt nhất: Sony RX100 VI
Cảm biến CMOS 20mpx, ống kính Zeiss Vario Sonnar T*, có zoom quang học tương đương 24-200mm, chống rung đến 4 stop ở 200mm; hệ thống AF 340 điểm với thời gian AF chỉ 0,03 giây, có hỗ trợ Eye AF, tốc độ chụp tối đa tới 24 hình/giây với AF/đo sáng liên tục; quay video 4K có S-Log3 và S-Gamut.
Với các thông số kĩ thuật cơ bản như trên, cùng phần cứng vô cùng mạnh mẽ, RX100 VI xứng đáng ở ngôi vị máy ảnh compact siêu zoom tốt nhất, đánh bại các sản phẩm tương tự từ các hãng đối thủ.
Đặt mua ngay tại đây:
Điện thoại chụp ảnh tốt nhất: Huawei P30 Pro
Huawei P30 Pro nổi bật với bộ 4 camera, camera chính có độ phân giải 40mpx. 1 camera có tiêu cự tương đương 27m f/1.6, 1 camera 20mpx có tiêu cự tương đương 16mm cho những khung hình góc cực rộng và 1 camera có tiêu cự tương đương 125mm cho những khung hình ở xa, thậm chí để chụp trăng sao.
Với P30 Pro, người dùng có thể thoải mái sáng tạo ở mọi góc hình khác nhau, từ cực rộng cho tới rất xa, từ tòa nhà nọ sang tòa nhà kia, hoặc thu nhỏ đến macro ở khoảng cách chỉ 2,5cm.
Thiết kế cảm biến hình ảnh mới RYB thay vì RGB truyền thống, được Hoa Vĩ đặt tên là SuperSpectrum, kết hợp cùng bộ xử lý AI Kirin 980 7nm và thuật toán tự phát triển, P30 Pro có khả năng chụp ảnh rất tốt ngay cả trong điều kiện thiếu sáng, độ sáng cao hơn 40%.
Đặt hàng ngay tại đây:
Ống kính góc rộng 1 tiêu cự cho DSLR tốt nhất: Samyang XP 10mm f/3.5
Samyang XP 10mm f/3.5 – sản phẩm “hời” đáng cân nhắc cho những người thích góc siêu rộng có hầu bao không quá dày hoặc không cầu kỳ vấn đề nhãn hiệu, mà chất lượng lại rất tốt, độ méo hình cực thấp. Thiết kế ngoài khá đơn giản, gọn nhẹ và đặc biệt là chỉ có manual focus – vốn thích hợp cho những tay máy chụp phong cảnh, vũ trụ, kiến trúc..
Một vài thông số cơ bản gồm: 18 thấu kính trong 11 nhóm (7/11 là thấu kính đặc biệt, giúp gia tăng độ sắc nét, giảm quang sai, méo hình, bóng ma..), khoảng focus gần nhất 0,26m, 9 lá khẩu; Khung vỏ bằng hợp kim nhôm.
Sản phẩm này hiện chưa có giá chính thức tại Việt Nam.
Ống kính 1 tiêu cự cho DSLR tốt nhất: Sigma 40mm f/1.4 DG HSM Art
40mm f/1.4 DG HSM Art là 1 trong những ống kính cao cấp mới nhất đến từ hãng Sigma, trong tương lai sẽ có phiên bản dành cho các máy sử dụng ngàm L. Sigma 40mm f/1.4 DG HSM Art được thiết kế với tiêu chuẩn cao nhất của hãng này, hứa hẹn sẽ đáp ứng tốt cho nhu cầu ghi hình phân giải cao trong tương lai (chụp hình tĩnh 50-60mpx, quay phim 8K).
Tương tự các ống kính khác thuộc dòng Art, chiếc 40mm f/1.4 DG HSM này có độ sắc nét cao ngay cả ở khẩu độ tối đa f/1.4, khả năng triệt tiêu quang sai cực tốt nhờ vào các thấu kính đặc biệt SLD và FLD.
Một vài thông số kĩ thuật của Sigma 40mm f/1.4 DG HSM Art: 16 thấu kính trong 12 nhóm, 9 lá khẩu mép tròn và khoảng AF gần nhất ở 0,4m. Theo Sigma tuyên bố, đây là ống kính đầu tiên được hãng này thiết kế theo các tiêu chuẩn của ống kính điện ảnh, nhằm phục vụ cho cả những người làm phim chuyên nghiệp.
Sản phẩm này hiện có giá bày bán là 26.500.000 đồng.
Ống kính zoom góc rộng tốt nhất cho DSLR: Tokina Opera 16-28mm f/2.8 FF
Opera 16-28mm f/2.8 FF được Tokina thiết kế nhằm thay thế cho chiếc AT-X 16-28mm f/2.8 Pro FX, với motor AF mới Silent Drive nhanh hơn và êm mượt hơn, cũng như chất lượng quang học cao hơn, đáp ứng nhu cầu ghi hình ở độ phân giải cao ngày càng tăng. Đây là lựa chọn đáng cân nhắc cho những người dùng không cầu kì vấn đề nhãn hiệu sản phẩm
Một vài đặc điểm cơ bản của Tokina Opera 16-28mm: 15 thấu kính trong 13 nhóm (với 6 thấu kính đặc biệt), khoảng AF gần nhất là 0,28m. Thấu kính trước được làm khá lớn, mặc dù dễ tổn thương hơn do cong lồi lớn, nhưng đổi lại hình ảnh thu được sẽ ít méo hơn và ít tối góc hơn.
Việc chuyển đổi AF-MF của chiếc ống này khá dễ dàng – đẩy vòng nét lên hoặc kéo xuống, thay vì gạt nút như phần lớn các ống kính AF trên thị trường hiện nay.
Sản phẩm này hiện chưa rõ giá niêm yết chính thức tại nước ta.
Ống kính zoom siêu tele tốt nhất: Sigma 60-600mm f/4.5-6.3 DG HSM Sports
Sigma 60-600mm f/4.5-6.3 DG HSM Sports sẽ là lựa chọn đáng cân nhắc với những người dùng cần ghi hình sự kiện thể thao ngoài trời (ban ngày) hoặc trong môi trường thiên nhiên hoang dã, cần giữ khoảng cách xa với các loài thú hung dữ như hổ, báo… nhờ vào dải zoom lớn đến 10x, chất lượng quang học cao và độ bền thân vỏ tốt.
Chiếc ống này được thiết kế có khả năng chống chịu tốt trước điều kiện bên ngoài, thân vỏ chống bụi và nước giọt bắn vào. Phần thấu kính được tráng phủ chống dầu và nước.
Một vài đặc điểm kĩ thuật bao gồm: 25 thấu kính trong 19 nhóm, 9 lá khẩu, kích thước 268,9 x 120,4 (ở trạng thái cơ bản – không zoom).
Sản phẩm này có giá 45.500.000 đồng.
Ống kính zoom tele chuyên nghiệp tốt nhất: Sigma 70-200mm f/2.8 DG HSM Sports
Được thiết kế dành cho những người dùng có kinh nghiệm/chuyên nghiệp tác nghiệp trong những điều kiện thời tiết, môi trường không tốt, ống kính Sigma 70-200mm f/2.8 DG HSM Sports có kết cấu khung vỏ chắc chắn, chống bụi, ẩm cũng như chất lượng quang học cao, thấu kính có lớp phủ chống dầu.
Với các đối tượng chuyển động nhanh, thiết kế chống rung quang học mới được hỗ trợ bởi cảm biến tốc độ trong lòng ống sẽ giúp người dùng bắt cứng mọi khoảnh khắc mà không lo mờ nhòe, ngay cả khi lia máy.
10 thấu kính tán xạ thấp rải đều trong lòng ống hứa hẹn sẽ giúp người dùng thu được những bức ảnh chất lượng cao, sắc nét từ tâm ra tới rìa, giảm thiểu quang sai đến tối đa.
Sản phẩm này hiện có giá niêm yết là 31.000.000 đồng.
Ống kính tele 1 tiêu cự chuyên nghiệp tốt nhất: Canon EF 400mm f/2.8L IS III USM
Khối lượng nhẹ (bớt 1kg so với phiên bản tiền nhiệm IS II USM) – đặc điểm ghi điểm đáng giá của Canon EF 400mm f/2.8L IS III USM trong mắt dân chuyên nghiệp. Mặc dù vậy, nhẹ đi nhưng bề ngoài nhìn vẫn không hề kém ấn tượng so với sản phẩm tiền nhiệm, tuy vậy, đáng chú ý là màu sơn ngoài đã được thay đổi từ trắng “cháo lòng” sang trắng sáng “như Omo“.
Một vài đặc tính cơ bản: 17 thấu kính trong 13 nhóm bao gồm UD và flourite, có lớp phủ Air Sphere, Super Spectra, flourine, motor AF USM truyền thống; 9 lá khẩu; khoảng AF gần nhất 2,5m; chống rung tới 5 stop; hỗ trợ full-time manual (xoay vòng nét ngay cả khi nút gạt AF/MF đang ở AF).
Sản phẩm này hiện chưa rõ giá niêm yết tại nước ta.
Ống kính 1 tiêu cự tốt nhất cho máy ảnh không gương lật APS-C: Canon EF-M 32mm f/1.4 STM
Khối lượng nhẹ (235g), khẩu độ lớn (f/1.4), chất lượng quang học khá tốt trong tầm giá, chiếc EF-M 32mm f/1.4 STM là lựa chọn “ưu tú” nhất cho người dùng EOS M muốn quay phim/chụp ảnh, cũng như cần ống kính tí hon để đi chơi xa.
Motor STM hứa hẹn sẽ giúp người dùng ghi được những video đẹp mắt, chuyển nét mượt mà, êm ái và không tạo tạp âm trong quá trình sử dụng.
Một vài đặc điểm kĩ thuật: 14 thấu kính trong 8 nhóm, sử dụng lớp phủ SSC giúp giảm lóe hình và bóng ma, khoảng AF gần nhất 0,23m, độ phóng đại 0,25x
Sản phẩm này chưa rõ giá niêm yết tại Việt Nam.
Ống kính 1 tiêu cự tốt nhất cho máy ảnh không gương lật fullframe: RF 50mm f/1.2 L USM
Khẩu độ lớn f/1.2, AF nhanh (motor USM dạng vòng), chất lượng quang học cao, sắc nét, RF 50mm f/1.2L USM hứa hẹn sẽ là sản phẩm sáng giá trong mắt những người dùng EOS R.
Cấu trúc trong với 15 thấu kính chia trong 9 nhóm, gồm UD và phi cầu; sử dụng lớp phủ ASC, SSC, flourine. Bên cạnh đó, khoảng AF gần nhất của ống đạt tới 40cm, 10 lá khẩu hứa hẹn sẽ cho bokeh tròn và đẹp mắt. Ở bên ngoài, ống kính được tích hợp thêm một vòng xoay, cho người dùng tùy gán thông số vào đây như khẩu/tốc/ISO..
Sản phẩm này hiện có giá 56.500.000 đồng.
Ống kính tele 1 tiêu cự tốt nhất cho máy ảnh không gương lật fullframe: Sony FE 135mm f/1.8 GM
Được trình làng với đối tượng chụp cưới, thời trang và thể thao trong nhà, cùng 11 lá khẩu ở trong, hứa hẹn sẽ giúp người dùng Sony FE 135mm f/1.8 GM thu được những bức ảnh có bokeh tròn trịa và bắt mắt.
Một vài đặc điểm bên trong như 13 thấu kính, gồm có một số thấu kính đặc biệt như ED, Super ED và phi cầu sẽ giúp hình ảnh thu được sắc nét, hạn chế tối đa quang sai.. Nhờ 4 motor AF mang tên extreme dynamic linear, ống kính này có thể bám theo chủ thể rất nhanh và chính xác.
Ở bên ngoài, ống kính được thêm vào 2 nút focus cho người dùng gán chức năng liên quan đến AF tùy nhu cầu.
Sản phẩm này hiện có giá niêm yết là 40.000.000 đồng.
Ống kính zoom góc rộng tốt nhất cho máy ảnh không gương lật fullframe: Nikon Nikkor Z 14-30mm f/4 S
Được thiết kế khá nhỏ nhẹ (485g), trơn, Nikkor 14-30mm f/4 S là lựa chọn sáng giá cho người dùng Nikon Z. Ống kính sẽ mở rộng chiều dài khi zoom. Ở mặt trước, người dùng có thể lắp filter nếu muốn (cỡ 82mm).
Cấu trúc trong với 14 thấu kính, có thấu kính đặc biệt ED, lớp phủ lừng danh Nano, hỗ trợ AF bởi motor bước STM, hứa hẹn sẽ ống kính sẽ AF nhanh và chính xác, cũng như mượt mà và không tạo tiếng động khi sử dụng để quay video.
Ngoài ra, ống kính có một vòng xoay có thể gán manual focus, chỉnh khẩu độ hoặc bù sáng.
Sản phẩm này hiện chưa có giá chính thức tại Việt Nam.
Ống kính zoom chuẩn tốt nhất cho máy ảnh không gương lật fullframe: Tamron 28-75mm f/2.8 Di III RXD
Tamron 28-75mm f/2.8 Di III RXD là sự lựa chọn sáng giá cho những người dùng Sony E mà không quá hùng mạnh về tài chính hoặc không cầu kì thương hiệu.
Một vài đặc điểm của Tamron 28-75mm f/2.8 Di III RXD: Lớp phủ BBAR giảm lóe hình và bóng ma; motor AF RXD cho hiệu suất AF rất tốt, tốc độ AF nhanh và chính xác. Mặc dù không phải sản phẩm cao cấp, nhưng Tamron 28-75mm vẫn được trang bị các vòng cao su tại vị trí quan trọng nhằm chống bụi, ẩm lọt vào trong lòng ống kính.
Với số đo 3 vòng là 550g và 117,8mm, Tamron 28-75mm f/2.8 Di III RXD thực sự là sản phẩm phù hợp cho gần hết những thể loại ảnh chụp thông thường.
Sản phẩm này có giá khoảng 19 triệu đồng, được phân phối chính hãng bởi công ty Hoằng Quân – nhà phân phối các sản phẩm như Benro, Lowepro…
Ống kính siêu tele 1 tiêu cự chuyên nghiệp tốt nhất cho máy ảnh không gương lật: Sony FE 400mm f/2.8 GM OSS
Sony FE 400mm f/2.8 GM OSS được tích hợp motor AF extreme dynamic Linear, hứa hẹn sẽ hoạt động hiệu quả hơn các motor AF hiện tại, đảm bảo ưu việt hơn khi dùng trên các thân máy trong tương lai.
Thay vì sử dụng nhiều thấu kính lớn đặt về phía nửa đầu ống, Sony lại đặt nhiều thấu kính nhỏ tập trung về nửa sau ống, làm giảm đáng kể khối lượng ống kính. Cấu trúc trong chứa 3 thấu kính flourite giúp giảm hiện tượng quang sai và cầu sai. Sony FE 400mm cũng tương thích với ống nhân tiêu cự 1,4x và 2x – vốn quan trọng với những nhiếp ảnh gia thiên nhiên hoang dã.
Tùy từng đại lý mà sản phẩm này có giá khác nhau, tuy nhiên, giá niêm yết trung bình là ~310.000.000 đồng.
Phần mềm hình ảnh tốt nhất: Skylum Luminar 3
Không phải Lightroom, cũng chả phải Capture One, Lumiar 3 của Skylum mới là cái tên được xướng lên ở hạng mục phần mềm chỉnh sửa ảnh.
Phần mềm Luminar 3 cung cấp không gian làm việc vô cùng thuận tiện cho người dùng, cũng như mở rộng giao diện tùy ý. Bên cạnh đó, phần mềm này hỗ trợ bộ lọc AI Sky Enhancer giúp việc chỉnh sửa nền trời trong ảnh trở nên dễ dàng.
Đèn flash tốt nhất: Godox WITSTRO AD400Pro
Godox WITSTRO AD400Pro sử dụng nguồn điện 400W, thời gian hồi đèn 0,01-1 giây, bóng đèn công suất 30W, có thể chụp liên tiếp tới 12 tấm ở 1/16 công suất, đồng bộ tốc độ cao 1/8000 giây. Đèn này có thể hoạt động thành nhóm đèn chính/đèn nhại khi kết hợp với các đèn flash khác của Godox gắn trên máy ảnh.
Đèn này hoạt động nhờ nguồn điện trực tiếp hoặc pin sạc Lithium, cho phép chụp tới tối đa 390 tấm.
Sản phẩm này hiện có giá là 13.000.000 tại Việt Nam.
Chân máy chuyên nghiệp tốt nhất: Uniqball iQUICK3Pod
Chân máy Uniqball iQUICK3Pod được thiết kế hoàn toàn từ sợi cacbon (10 lớp sợi). Khi mở rộng hết cỡ, chân máy này cao tới 1,57m. Các chân được thiết kế mở độc lập cho phép sử dụng trên nhiều địa hình, cũng như hạ xuống gần sát đất (độ cao 8,9cm). Khi gập gọn lại hết cỡ, chân dài 56,4cm – vô cùng gọn nhẹ, phù hợp cho làm việc cả ngày cũng như đi du lịch.
Đáng lưu ý, khả năng đỡ của chân này đạt tới tối đa 45kg – xứng đáng cho vị trí vô địch.
Sản phẩm này chưa có sẵn tại Việt Nam.
Chân máy du lịch tốt nhất: Manfrotto Befree GT Carbon Fiber
Khả năng chống đỡ tới 10kg trên khối lượng 1,5kg, chiều dài khi thu gọn 43cm và mở rộng là 162cm, Manfrotto Befree GT Carbon Fiber là sản phẩm đáng lưu ý cho những người dùng hay đi chơi xa.
Sản phẩm này hiện chưa có sẵn tại thị trường Việt Nam, giá nhập về khoảng 10 triệu đồng.
Balo máy ảnh tốt nhất: Lowepro Whistler Backpack 450 AW II
Được thiết kế khá lớn, có thể mang theo nhiều thân máy, ống, phụ kiện, đồ dùng và chống được điều kiện thời tiết bên ngoài, Lowepro Whistler Backpack 450 AW II là lựa chọn xứng đáng cho dân chuyên nghiệp. Vỏ làm bằng sợi 420 Nylon Ripstop và phủ TU/TPU giúp balo này có thể chống mài mòn và bị xé rách rất tốt, cũng như chống nước – hữu ích cho các nhiếp ảnh gia thiên nhiên hoang dã.
Sản phẩm này chưa có sẵn tại thị trường nước ta.
Để biết thêm chi tiết các sản phẩm của TIPA Award 2019, các bạn có thể xem thêm tại đây.
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé