Với firmware dự kiến đươc ra mắt vào đầu năm 2020, chiếc Sigma fp sẽ được nâng cấp đáng kể về khả năng quay video, trong đó có thêm Log và ghi video RAW qua cổng HDMI.
Mới đây, trang web Cinema5D đã thực hiện cuộc phỏng vấn nhanh với đại diện của hãng Sigma. Theo những gì mà Cinema 5D chia sẻ, đại diện của Sigma khẳng định chiếc máy ảnh Sigma fp sẽ có Log và khả năng ghi video RAW qua firmware mới nhất.
Cụ thể hơn, Cinema5D đã phỏng vấn với chuyên viên lập kế hoạch sản phẩm của Sigma là ông Takuma Wakamatsu trong triển lãm inter BEE 2019. Trong cuộc phỏng vấn này, ông đã đề cập đến một vài tính năng sẽ được đưa lên Sigma fp, như CinemaDNG khi xem lại sản phẩm vừa ghi, chụp ảnh tĩnh khi đang quay video.
Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định khả năng quay video RAW (qua HDMI) và có Log ở bản cập nhật firmware tiếp theo cho Sigma fp. Việc ghi video RAW qua HDMI sẽ giúp Sigma fp có thể hoạt động với các thiết bị bên ngoài như Ninja Atomos V, cũng như khả năng hậu kì linh hoạt hơn và chất lượng video cao hơn nhờ có Log.
Hiện tại, đó là tất cả những gì chúng ta biết về những cải tiến trong tương lai của Sigma fp. Mặc dù vậy Sigma chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể cho firmware, nhưng Cinema5D đưa ra lưu ý rằng firmware này sẽ xuất hiện vào đầu năm 2020.
Với những thông tin này, chúng ta càng thấy rõ hơn Sigma fp sẽ là một chiếc máy thiên về quay nhiều hơn là chụp, điều mà đã được dự đoán ngay từ khi fp lộ diện thiết kế.
Theo DPReview
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé
Nếu bạn là fan cứng của hãng Sigma, hẳn sẽ cảm thấy cực kì tò mò về quá trình mà hãng này sản xuất ra chiếc máy ảnh Sigma fp như thế nào
Với ý định giữ kín mọi thông tin về giá cả cũng như thời điểm bày bán cho đến khi chính thức công bố, nhưng mới đây giá niêm yết của máy ảnh Sigma fp đã bị rò rỉ trên mạng vì lỗi ngớ ngẩn từ phía bộ phận kĩ thuật.
Không lâu sau khi trình làng Sigma fp, Sigma ngay lập tức trình làng bộ ba ống kính, trong đó đáng kể nhất là ống kính 35mm f/1.2 DC DN Art.
Sigma 35mm f/1.2 DC DN Art: quái vật khẩu lớn cho Sigma fp
Không lâu sau khi trình làng máy ảnh không gương lật fullframe “cây nhà lá vườn” đầu tiên của mình mang tên Sigma fp, Sigma giới thiệu luôn bộ ba ống kính mới cho người dùng fullframe . Cụ thể hơn, các ống kính này bao gồm:
- 14-24mm f/2.8 DG DN Art
- 35mm f/1.2 DG DN Art
- 45mm f/2.8 DG DN Contemporary
Được biết rằng, các ống kính đều thiết kế dành cho các máy ảnh Sony E cũng như Sigma fp. Với kinh nghiệm thiết kế ống kính qua nhiều năm của mình, sẽ không có gì phải nghi ngại về chất lượng của các ống kính Sigma Art, mà nổi bật nhất là độ sắc nét rất cao, thậm chí vượt mặt các ống kính chính hãng.
Và giờ chúng ta hãy cùng điểm qua về những đặc điểm nổi bật của từng ống kính trên thôi.
Sigma 14-24mm f/2.8 DG DN Art
Được thiết kế cho Sigma fp cũng như các máy ảnh Sony E, tuy vậy 14-24mm DG DN Art lại được thiết kế hoàn toàn dành riêng cho máy ảnh fullframe không gương lật, thay vì được chỉnh sửa lại từ phiên bản DC HSM Art.
Đối với tất cả các ống kính dành cho máy ảnh không gương lật, Sigma đều đặt thêm cụm “DN”. “DG” cho thấy ống kính này dành cho máy ảnh fullframe.
Với góc cực rộng lên tới 14mm, chiếc 14-24mm f/2.8 DG DN Art thực sự là lựa chọn số một cho những tay máy cần ghi hình sự kiện đông người cũng như thích chụp ảnh thiên văn.
Thiết kế bên ngoài của 14-24mm f/2.8 DG DN Art cũng không khác nhiều so với phiên bản DC HSM Art, hình thức khá to béo, phần đầu ống lớn với lens hood thiết kế liền. Tuy nhiên, do là ống cho máy không gương lật nên phần thước đo trên thân bị loại bỏ. Khối lượng ống khá nặng, tới 795g.
Ở cấu trúc trong, ống kính này bao gồm 18 thấu kính chia trong 13 nhóm, với 1 thấu kính FLD, 5 thấu kính SLD, cùng 3 thấu kính phi cầu. Với 9/18 thấu kính là thấu kính đặc biệt, hứa hẹn hình ảnh từ 14-24mm f/2.8 DG DN Art sẽ có độ sắc nét cực cao, gần như không xảy ra quang sai, cầu sai.
Bên cạnh đó, ống kính này có11 lá khẩu bên trong sẽ giúp cho những bức hình có bokeh đẹp hay ngôi sao 22 cánh, hay lớp phủ NPC (Nano Porous Coating) giúp giữ hình ảnh có chất lượng tốt dù chụp ngược sáng mạnh.
Một số ảnh chụp thử từ Sigma 14-24mm f/2.8 DG DN Art:
35mm f/1.2 DG DN Art
Cũng như 14-24mm f/2.8 DG DN Art, 35mm f/1.2 DG DN Art được thiết kế mới hoàn toàn và dành cho các máy ảnh fullframe không gương lật. Tuy vậy, điều đáng chú ý nhất của ống kính này là khẩu độ cực lớn f/1.2, mà đây cũng là ống kính f/1.2 có AF đầu tiên mà Sigma sản xuất ra.
Thiết kế vỏ bên ngoài cũng không có thước đo như các ống cho DSLR, tuy nhiên nếu bạn để ý kĩ sẽ thấy có điểm giống 35mm f/1.4 DG HSM Art (mặc dù không rõ ràng). Tuy nhiên, Sigma 35mm f/1.2 DG DN Art tích hợp vòng chỉnh khẩu độ trên thân máy. Tùy theo cá nhân mà người dùng có thể chọn chỉnh khẩu từ trên thân máy, hoặc chọn các giá trị khẩu độ thủ công in sẵn trên vòng nét.
Trong bộ 3 ống kính ra mắt lần này, chiếc 35mm f/1.2 béo nhất, nặng tới 1090g, chưa bao gồm nắp lens. Cỡ filter cho ống kính này là 82mm (khá tốn kém cho một chiếc filter cỡ 82mm, loại “tử tế”). Kích cỡ ống kính này là 87.8mm × 136.2mm.
Ở cấu trúc bên trong, ống kính này có 17 thấu kính trong 12 nhóm, với 3 thấu kính LD và 3 thấu kính phi cầu (1 là thấu kính phi cầu “kép”). Với 6/17 thấu kính là loại đặc biệt, Sigma kì vọng ống kính này sẽ “chiến đấu” được với những chiếc máy ảnh có độ phân giải cực cao, 40 – 50mpx trở lên, vốn đang xuất hiện rất nhiều.
Cũng như chiếc 14-24mm, ống kính Sigma 35mm f/1.2 cũng được trang bị 11 lá khẩu, hứa hẹn những bức ảnh phơi sáng với ngôi sao 22 cánh, hay những đốm bokeh tròn trịa.
Cuối cùng, motor AF được sử dụng là motor siêu thanh HSM (Hyper Sonic Motor). Nhưng khác với các ống kính cho DSLR, việc xoay vòng nét sẽ không làm dịch chuyển cụm thấu kính focus khi không có nguồn điện.
Một số hình ảnh chụp thử từ Sigma 35mm f/1.2 DG DN Art:
Sigma 45mm f/2.8 DG DN Contemporary
Ống kính 45mm f/2.8 DG DN được xếp vào dòng C (Contemporary), nhằm mục đích cân bằng giữa giá cả và chất lượng quang học tốt. Sigma cố gắng thiết kế sản phẩm này hướng vào đối tượng khách hàng bình dân, chất lượng tốt, giá rẻ nhưng đủ gọn nhẹ để cầm theo chụp ảnh hằng ngày.
45mm f/2.8 DG DN có thiết kế ngoài tương tự các ống kính một tiêu cự của thời kì máy ảnh SLR, tuy vậy nó vẫn có motor AF trong.
Cấu trúc bên trong của ống kính này gồm 8 thấu kính trong 7 nhóm, với 1 thấu kính phi cầu (khá ít so với 2 ống kính dòng Art bên trên). 45mm f/2.8 DG DN có 7 lá khẩu, kém 4 lá so với bộ đôi ở trên. Đương nhiên càng nhiều lá khẩu, chi phí sản xuất và giá thành càng tăng lên. Dù sao, 7 lá khẩu với người dùng phổ thông vẫn là mức chấp nhận được, có thể cho ra những bức ảnh với bokeh tròn.
Khác với 2 ống kính Art ở trên, chiếc 45mm f/2.8 sử dụng motor AF là STM, mặc dù chậm hơn không nhiều, nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng, cũng như hiệu quả và độ chính xác khi sử dụng. Tất nhiên, việc sử dụng motor STM giúp tiết giảm chi phí khá nhiều lần.
Một số hình ảnh chụp thử từ Sigma 45mm f/2.8 DG DN Contemporary:
Khi nào các sản phẩm này được bày bán?
Dự kiến ống kính 14-24mm sẽ được ra mắt vào tháng 8/2019, trong khi ống kính 35mm f/1.2 và 45mm f/2.8 sẽ xuất hiện vào tháng 7/2019. Hiện tại chưa có thông tin cụ thể về giá cả cho các ống kính này, chúng ta sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa mới biết con số chính xác, cũng như mức giá thực tế tại các cửa hàng.
Theo Petapixel
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé
Bằng việc trình làng chiếc máy mirrorless full-frame nhỏ nhất thế giới mang tên fp, Sigma đang cho thấy sẽ dấn sâu hơn nữa vào cuộc cạnh tranh với các ông lớn Sony, Canon, Nikon.
Sigma fp: chiếc fullframe không gương lật nhỏ nhất thế giới
Mới đây Sigma đã ra thông cáo báo chí về sản phẩm mới nhất của họ mang tên “Sigma fp“. Cụ thể hơn, đây một chiếc máy ảnh ống kính rời không gương lật full-frame, mà theo họ là nhỏ nhất thế giới. Đây đồng thời cũng đánh dấu sự xuất hiện của hãng thứ 5 trong cuộc chiến máy ảnh mirrorless có cảm biến full-frame ở phân khúc phổ thông.
Cách đây chưa lâu, chúng ta đã nghe đến việc liên minh 3 hãng Leica, Sigma, Panasonic được thành lập, và sản phẩm tiên phong của liên minh này chính là Panasonic S1/S1R với ngàm L, cùng thiết kế khá giống chiếc SL của Leica. Do đó, cũng không có gì khó hiểu khi Sigma có thể trình làng sản phẩm may sảnh mirrorless full-frame, nhằm góp phần gia tăng hơn nữa sức mạnh của liên minh này.
Thiết kế bên ngoài
Đặc điểm đầu tiên cần nhắc tới là kích cỡ vô cùng tí hon, nếu so với các sản phẩm máy ảnh khác cùng được trang bị cảm biến full-frame. Theo Sigma công bố, kích cỡ của fp là 112.6 × 69.9 × 45.3mm (dài x cao x rộng) cùng khối lượng 422g khi đã lắp pin và thẻ nhớ. Do đó, Sigma fp cực kì nhỏ gọn so với các sản phẩm từ đối thủ như Canon, Nikon, Sony hay “đồng đội” Panasonic S1.
Dưới đây là một vài hình ảnh so sánh kích thước:
Mặc dù kích cỡ nhỏ, nhưng fp vẫn được thiết kế đầy đủ các nút chức năng đủ làm hài lòng những người dùng nâng cao hay chuyên nghiệp.
Ngàm của Sigma fp là ngàm L. Tuy vậy, nếu người dùng có nhu cầu sử dụng ống kính cho DSLR, họ có thể mua ngàm chuyển EF-L và có thể gắn được tất cả các ống kính Sigma Art cho ngàm Canon EF.
Mặc dù vậy, việc thiết kế kích thước nhỏ sẽ dẫn đến mật độ nút trên thân máy cao, cũng như phần tay cầm nhỏ, khiến thao tác cầm nắm và điều khiển sẽ không hoàn toàn thoải mái, đặc biệt không hợp với những ai có bàn tay lớn.
Màn hình của Sigma fp có kích thước 3,2 inch, 2,1 triệu điểm ảnh và có cảm ứng. Cũng theo Sigma, máy fp được thiết kế có thể chống bụi, nước rất tốt, dù cho kích thước tí hon như các máy ảnh dòng phổ thông.
Từ các hình ảnh thiết kế không thật sự quá tiện dụng cho việc chụp ảnh kể trên, 50mm Vietnam xin phép võ đoán là sản phẩm này có lẽ sẽ không thật sự nhắm vào đối tượng chụp ảnh, mà nhiều khả năng là một chiếc máy sinh ra để quay phim. Các máy quay thường có thiết kế nhỏ nhắn hơn, vì sẽ có các phụ kiện mở rộng lắp thêm nên cũng không phải lo lắng về việc cầm nắm có khó khăn hay không như máy ảnh.
Funfact: Nếu bạn để ý kĩ, sẽ thấy thiết kế ngoài vuông vắn của Sigma fp khá giống một chiếc máy ảnh crop dòng bình dân của Canon là Canon EOS M10.
Công nghệ bên trong
Ở công nghệ bên trong, Sigma fp được trang bị cảm biến BSI – CMOS Bayer (Chứ khong phải Foveon của Sigma) có độ phân giải 24,6mpx, con số khá phổ thông trong nhiều năm qua, đảm bảo cho in ấn khổ lớn. Dải ISO của fp là 100 – 25600, không rộng như nhiều máy full-frame hiện nay, nhưng mức này là hoàn toàn đủ cho các nhu cầu bình thường, ngay cả dùng cho làm việc.
Tốc độ chụp liên tiếp tối đa của chiếc máy này lên tới 18 hình/giây và bộ nhớ đệm có thể lưu được tối đa 12 hình. Điều này có nghĩa là chúng ta chỉ chụp liên tiếp tối đa trong 2/3 giây, con số khá ít ỏi. Mặc dù vậy, chiếc máy này dường như không được thiết kế cho các phóng viên ảnh nên thời gian 2/3 giây khi chụp ở tốc độ tối đa cũng không phải vấn đề quá nghiêm trọng.
Tuy vậy, đặc điểm công nghệ thu hút nhất của Sigma fp là khả năng quay phim. Theo Sigma, fp có thể hỗ trợ quay phim điện ảnh khi máy này có thể quay CinemaDNG RAW 4K 24p ở 12 bit ra thiết bị ngoài qua cổng USB 3.1. Ngoài ra, Sigma fp hỗ trợ hiển thị Waveform màu sắc, độ phơi sáng; cũng như điều khiển “shutter angle” và “time code”.
Về cơ chế lấy nét, khá bất ngờ khi Sigma vẫn đang dùng bộ lấy nét 49 điểm tương phản, bất chấp việc hầu hết các máy ảnh mirrorless trên thị trường đã chuyển sang lấy nét theo pha. Mặc dù, Sigma cũng cung cấp thông tin là có hỗ trợ lấy nét mắt và mặt, tuy nhiên với công nghệ lấy nét theo tương phản thì bọn mình dự đoán là nó sẽ khá chậm. Có vẻ tác động của liên minh Leica, Panasonic và Sigma đang tác động khá mạnh lên chiếc FP này, vì Leica SL cũng đang sử dụng bộ lấy nét tự động 49 điểm theo tương phản này.
Cuối cùng, Sigma cho hay Sigma fp sẽ được bán ra kèm các phụ kiện như hotshoe, ống ngắm điện tử…
Các thông số kĩ thuật của Sigma fp
- Cảm biến: Full-frame Bayer BSI – CMOS 24,6mpx
- Lưu trữ: thẻ nhớ SD hoặc ổ cứng SSD qua cổng USB 3.0
- Ngàm ống kính: ngàm L
- Định dạng ảnh: RAW (DNG) 12/14-bit, JPEG (Exif2.3), RAW + JPEG
- Kích cỡ ảnh (tối đa): 6000 x 4000
- ISO: 100 – 25600
- Chế độ crop: 1,5 lần
- Tốc độ chụp liên tiếp: tới 18 hình/giây, bộ nhớ đệm tối đa 12 hình RAW
- AF: 49 điểm AF theo tương phản, hỗ trợ AF mắt và khuôn mặt
- Có thể kích hoạt AF khi ấn nửa nút chụp hoặc nút AEL
- Quay phim: CinemaDNG (8bit, 10bit, 12bit), MOV H.264 (ALL-I / GOP)
- Độ phân giải: 4K 24/25/30p, FHD 24/25/30/50/60/100/120p
- Hỗ trợ ghi với Ninja ATOMOS Inferno, Blackmagic
- Ngôn ngữ: 17 ngôn ngữ
- Cổng kết nối: tai nghe, mic, USB type C 3.1 Gen 1, HDMI
- Pin: BP-51
- Kích cỡ: 112.6 x 69.9 x 45.3mm
- Khối lượng: 370g (chỉ thân máy), 422g (khi lắp pin và thẻ nhớ)
Khi nào sản phẩm này sẽ được bán ra?
Dự kiến Sigma fp sẽ được bán từ mùa thu năm nay, nhưng chưa có bất kì thông tin nào liên quan đến mức giá của sản phẩm này, cũng như phiên bản fp sử dụng cảm biến Foveon. Có lẽ chúng ta sẽ phải chờ đến hết mùa hè năm nay mới có thông tin cụ thể hơn từ phía Sigma.
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé