Trong sự kiện X-Summit mới diễn ra gần đây, Fujifilm đã cho ra mắt mẫu máy ảnh mạnh nhất của mình: Fujifilm X-H2S. Tiếp nối truyền thống từ chiếc X-H1, chiếc máy này mang đến rất nhiều tính năng quay phim mạnh mẽ, khả năng lấy nét được cập nhật và một phụ kiện rất thú vị cho những người quay phim!
Với những thông số kĩ thuật đã được công bố chính thức, cuộc cạnh tranh giữa Nikon D6 và Canon EOS-1D X Mark III vào mùa hè này chắc chắn sẽ vô cùng kịch tính.
Nikon công bố thông số kĩ thuật của D6: bước chuyển mạnh mẽ từ Nikon D5
Vào tháng 9 năm ngoái, Nikon đã đăng tải thông cáo báo chí về việc đang hoàn thiện chiếc máy ảnh DSLR cao cấp nhất là Nikon D6 cùng ống kính AF-S 120-300mm f/2.8. Đến nay, sau hơn 5 tháng, họ đã ra thông báo chính thức về các thông số kĩ thuật cụ thể của chiếc máy flagship D6. Về cơ bản, D6 là bước chuyển mạnh mẽ so với D5, khiến cuộc cạnh tranh giữa 2 chiếc máy DSLR cao cấp nhất của Canon và Nikon vào mùa hè 2020 tại các sự kiện thể thao lớn sẽ trở nên cực kì hấp dẫn.
Đối với hình thức bên ngoài của Nikon D6, các hình ảnh thực tế và đánh giá ngoại quan đã được chúng mình đăng tải trong một bài viết vào tháng 1 năm nay. Để biết thêm chi tiết, các bạn có thể xem tại đây.
Tuy vậy, vẫn có một chi tiết mới trong thiết kế bên ngoài mà hiện nay 50mm Vietnam mới khám phá ra: khóa chống trộm Kensington. Nhờ chi tiết này, người dùng có thể “cột” thiết bị vào một chỗ mà không sợ kẻ cắp “hack” máy đi chỗ khác. Nếu bạn nào chưa biết, khóa Kensington là chi tiết mà chúng ta thường hay thấy ở các laptop và màn hình rời, một khe nhỏ với biểu tượng khóa in bên cạnh.
Công nghệ bên trong
Hiện nay, khi Nikon đã tiết lộ các thông số cụ thể, chúng ta có thể nhận thấy rằng Nikon D6 là một chiếc máy ảnh rất mạnh mẽ, mặc dù về khả năng quay video vẫn không có nhiều đột biến như nhiều người dùng mong đợi.
Chụp ảnh tĩnh
Cảm biến hình ảnh của D6 vẫn được giữ nguyên độ phân giải 20,8mpx như Nikon D5. Tuy nhiên, nhờ việc nâng cấp bộ xử lý hình ảnh lên Expeed 6, chất lượng hình ảnh ở các giá trị ISO cao thường dùng như ISO 6400 được cải thiện rõ rệt, giúp các nhiếp ảnh gia, ít nhiễu hơn.
Cần nhớ lại 4 năm trước, khi ra mắt D5, Nikon đã gây sốt cho cả cộng đồng khi D5 và D500 đều sở hữu các giá trị ISO đến hàng triệu, Mặc dù vậy, chúng ta có thể thấy rõ ràng các con số này mang tính chất quảng cáo là chính, mà không lâu sau đó, người dùng chẳng mấy ai còn quan tâm đến điều này nữa.
Cùng với đó, đáng kể nhất ở khả năng chụp ảnh là tốc độ chụp liên tiếp tối đa và hệ thống AF qua ống ngắm quang học.
So với Nikon D5 có 153 điểm AF, hệ thống AF của D6 chỉ có 105 điểm. Tuy vậy, điểm vượt trội nằm ở tất cả 105 điểm đều là dạng cross-type, cũng như được bố trí lại vị trí đặt điểm AF, giúp mật độ điểm AF dày đặc hơn D5 đến 1,6 lần.
Theo Nikon công bố, khả năng AF của điểm chính giữa là -4,5EV, trong khi các điểm còn lại là -4 EV, giúp người dùng có thể dễ dàng thực hiện lấy nét vào chủ thể trong điều kiện thiếu sáng hoặc có độ tương phản thấp. Điều này đặc biệt hữu ích cho các phóng viên, nhiếp ảnh gia ghi hình sự kiện ngoài trời tối hoặc thiên nhiên hoang dã.
Bên cạnh đó, một điểm mới giúp D6 vượt trội hơn bất kì một chiếc máy ảnh nào hiện có trên thị trường hiện nay, kể cả các sản phẩm dòng cao cấp nhất là việc cho người dùng tới 17 tùy chọn vùng AF khác nhau, tùy theo nhu cầu và tình huống ghi hình. Điều này đặc biệt hữu ích với các nhiếp ảnh gia và phóng viên trong các sự kiện thể thao lớn.
Đối với tốc độ chụp liên tiếp tối đa, Nikon D6 có thể đạt tới 14 hình/giây khi sử dụng ống ngắm quang học, hoặc 10,5 hình/giây khi cần sử dụng chế độ yên lặng trong các tình huống nhạy cảm, tránh các âm thanh không cần thiết. Khi sử dụng live view, D6 có thể chụp ở tốc độ tới 30 hình/giây với độ phân giải 8mpx, hay 60 hình/giây ở độ phân giải 2mpx.
Quay video
Không có nhiều điều để nói về khả năng quay video của Nikon D6. D6 vẫn có khả năng quay video 4K UHD 30p hay Full HD 60p ở MOV, H.264. Nhưng với D6, Nikon đã bổ sung thêm tùy chọn MP4 và chức năng focus peaking, giúp người dùng sử dụng MF có thể nhìn rõ được hình đang nét ở đâu.
Yếu tố khác
Một điều đáng chú ý trong video demo Nikon D6 là lần đầu tiên Nikon nhắc đến dịch vụ hỗ trợ mang tên “Nikon Professional Services“. Mặc dù trước nay Nikon cũng như đại kình địch là Canon đều có dịch vụ hỗ trợ cho những người dùng cao cấp, chuyên nghiệp, sử dụng các máy DSLR flagship, nhưng chưa bao giờ họ đưa yếu tố này vào video demo máy mới của mình.
Dịch vụ này về cơ bản là vệ sinh thiết bị miễn phí, cũng như cho mượn đồ đạc để tác nghiệp trong các sự kiện lớn.
Do đó, chúng mình đoán rằng (dù không chắc chắn) việc này có thể do Nikon muốn nhắc lại cho những người dùng cao cấp và chuyên nghiệp đang sử dụng DSLR rằng: nếu sử dụng các máy DSLR Nikon, người dùng sẽ nhận được những hỗ trợ kĩ thuật với tiêu chuẩn cao nhất, điều mà các sản phẩm mirrorless hiện nay vẫn chưa có (?).
Về thẻ nhớ, Nikon D6 được trang bị 2 khe thẻ CFExpress. Loại thẻ này trên thị trường hiện nay còn khá mới, cũng như mức giá không hề rẻ. Tuy vậy, với những người dùng chuyên nghiệp, cơ quan báo chí, việc bỏ thêm chi phí để đảm bảo điều kiện tác nghiệp được tốt nhất không phải là điều gì quá to tát.
Ngoài ra, Nikon cho hay trên chiếc D6 có tới 14 nút có thể được thay đổi cài đặt chức năng tùy theo ý người dùng, giúp việc vận hành được trở nên thuận tiện và nhanh chóng hơn. Điều này đặc biệt hữu ích ở môi trường chuyên nghiệp, chúng ta có thể bỏ lỡ khoảnh khắc vì mất thời gian thay đổi cài đặt chụp ảnh.
Thông số kĩ thuật của Nikon D6
- Cảm biến full frame CMOS 20,8mpx, 5568 x 3712
- Bộ xử lý ảnh Expeed 6
- ISO 100 – 102400, mở rộng xuống 50 và lên 3.280.000
- AF quang học: 105 điểm, tất cả dạng chữ thập, chia thành 3 cụm AF
- Chế độ vùng AF: 17 chế độ khác nhau tùy theo ý muốn người dùng
- Phạm vi AF: -4,5 EV đến +18 EV
- Tốc độ chụp liên tiếp: 14 hình/giây
- Ống ngắm quang học độ bao phủ 100%, độ phóng đại 0,72x
- Live view: AF theo tương phản, có thể chụp liên tiếp tối đa tới 60 hình/giây
- Độ phân giải video: 4K 30p, FHD 60p
- Định dạng nén: H.264, MPEG-4
- Quay video time-lapse: Có
- Màn hình: màn hình cố định 3,2 triệu chấm có cảm ứng hoàn toàn
- Khe thẻ nhớ: 2 khe thẻ CFExpress, thay cho 2 XQD trên D5
- Cổng kết nối: mic, tai nghe, USB Type C, HDMI, cổng mạng RJ45, cổng kết nối bộ phát Wi-Fi WT-6A/B/C
- Kết nối không dây: tích hợp Wi-Fi, Bluetooth, điều khiển qua máy tính bảng hoặc điện thoại
- Khung vỏ: Kim loại
- Chống thời tiết: Có
- Khóa chống trộm Kensington: Có
- Pin: EN-EL18c, có thể chụp tới 3580 tấm khi sạc đầy
- GPS: Có
- Đi kèm trong hộp: pin, dây đeo, sạc, sách hướng dẫn sử dụng, thẻ bảo hành chính hãng
Một số hình ảnh chụp thử với Nikon D6 do Nikon công bố
Khi nào sản phẩm này được bày bán?
Nikon D6 dự kiến sẽ được bán chính thức kể từ tháng 4/2020 với mức giá niêm yết 6500$.
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé
Để tìm mua các sản phẩm máy ảnh, máy tính…ưng ý, các bạn có thể ghé thăm tại đây nhé
Cuối cùng, Nikon đã mang flagship D6 đến triển lãm CES 2020 cho khách tham quan chiêm ngưỡng, nhưng không công bố thêm bất kì thông tin cụ thể liên quan.
Nikon D6 được trưng bày tại CES 2020: ngoại hình tương đồng với Nikon D5
Cùng thời điểm với việc ra thông cáo báo chí về chiếc máy DSLR tầm trung mới nhất D780, Nikon cũng mang tới triển lãm CES một nguyên mẫu của sản phẩm dòng cao nhất: Nikon D6. Dưới đây là những hình ảnh mà trang web nổi tiếng thế giới là DPReview ghi lại được tại CES 2020.
Về cơ bản, Nikon D6 có ngoại hình tương tự D5: vỏ kim loại magie, form máy to và vuông như bánh chưng với 2 báng cầm. Vị trí của các nút chức năng, vòng xoay…vẫn được giữ nguyên. Tuy vậy, chúng ta có thể thấy rằng các máy ảnh DSLR fullframe Nikon kể từ D780 trở đi đều được làm phần gù máy giống D850. Khung vỏ kim loại lớn sẽ giúp máy chống chịu tốt hơn, có nhiều không gian để thoải mái sắp xếp linh kiện bên trong.
Ở cạnh trái của máy, chúng ta có thể thấy các cổng như cổng mạng RJ45, tai nghe, mic, USB, bộ phát wifi tầm xa, dây điều khiển, flash, HDMI. Bên dưới là pin của máy.
Ở mặt sau, vẫn là màn hình LCD kích cỡ 3,2 inch. DPReview cho hay họ hi vọng Nikon D6 vẫn giữ lại thiết kế nút bấm có đèn, giúp việc sử dụng trong môi trường tối được dễ dàng. Ở mặt bên phải, chúng ta có thể thấy nắp khe thẻ nhớ. Không rõ Nikon D6 sẽ sử dụng 2 khe thẻ CFExpress, hay dùng song song với chuẩn thẻ XQD cũ?
Với việc chiếc máy tầm trung D780 được sử dụng thuật toán AF của D5, câu hỏi được đặt ra là D6 có được nâng cấp lên nhiều không, mà nếu có thì hiệu năng hơn bao nhiêu. Ngoài ra, Nikon D6 liệu có được nâng tốc độ chụp liên tiếp từ 12 lên 14 hình/giây không? Chúng mình tin rằng điều này khả năng cao phải xảy ra.
Nikon D5 trước đây đã là máy ảnh đầu tiên được Nikon trang bị tính năng quay video 4K. Do đó, không rõ Nikon D6 có cải tiến gì vượt trội hơn ở vấn đề quay phim, liệu có nâng lên 6K, hay vẫn giữ lại 4K nhưng tăng tốc độ khung hình lên, bổ sung thêm Log?
Nikkor Z 70-200mm: ống kính tele xuất sắc cho người dùng Nikon Z
Cùng với thân máy D6, Nikon cũng mang tới CES 2020 một nguyên mẫu của ống kính Nikkor Z 70-200mm f/2.8 cho Nikon Z. Với sự xuất hiện này, bộ ba ống kính zoom khẩu lớn f/2.8, thường được gọi là “Holy Trinity” đã được Nikon hoàn thiện 2/3: đã có 24-70mm f/2.8, còn thiếu 14-24mm f/2.8 hoặc tương tự.
Về cơ bản, ngoại hình và khối lượng của Nikkor Z 70-200mm tương đồng với “tổ tiên” Nikkor F 70-200mm f/2.8E FL ED VR, tuy vậy thiết kế quang học bên trong lại có nhiều sự khác biệt và tân tiến hơn.
Đáng chú ý, trên thân ống không có nút bật tắt chống rung. Chỉ có các nút chọn AF hoặc MF, chọn khoảng focus đầy đủ hoặc từ 0,5m đến vô cực, nút disp và các nút L.Fn. Theo truyền thống của các hãng, các nút có vai trò giống L.Fn trên các ống kính tele thường được đặt mặc định là dừng hoạt động AF ngay khi được ấn. Sau đó cài đặt gì là ở ý muốn người dùng.
Khoảng focus gần nhất của ống kính này là 0,5m ở 70mm và 1m ở 200mm. Chắc chắn rằng đây là điều chưa từng có ở bất kì ống kính 70-200mm nào trên thị trường hiện nay, của cả Nikon hay các hãng khác. Hệ thống chống rung được cho là giữ ổn định hình ảnh ở mức 5 stop (chuẩn CIPA). Đây là con số cao nhất mà Nikon đạt được từ trước tới nay. Nếu điều này thật sự xảy ra, đây có lẽ là ống kính 70-200mm f/2.8 sở hữu hệ thống chống rung tốt nhất trên thị trường.
Theo các thông tin mà Nikon tiết lộ, ống kính này có 21 thấu kính chia trong 18 nhóm. Trong đó có 6 thấu kính ED (tán xạ thấp), 2 thấu kính phi cầu và 1 thấu kính làm bằng flourite (thành phần chính là Canxi Florua).
Không chỉ vậy, ở sản phẩm này, Nikon đã tích hợp thêm “SR” (short wavelength refractive: khúc xạ bước sóng ngắn). Công nghệ SR này tương tự với BR (Blue Refractive: quang khúc xạ phổ xanh) của Canon kể từ 2015 đến nay. Nói một cách đơn giản, khả năng giảm thiểu quang sai của ống kính này sẽ rất tốt nhờ công nghệ trên, thậm chí còn nhỉnh hơn thấu kính flourite truyền thống. Lớp phủ Nano và Arneo của Nikon sẽ giúp hình ảnh chụp được giữ được độ tương phản tốt, ngay cả khi có luồng sáng mạnh chiếu vào.
Như thường lệ, ở phần đuôi ống kính là vòng cao su chống bụi và hơi ẩm. DPReview cho hay, thấu kính cuối cùng ở đuôi ống khá lõm, điều bất thường trong các sản phẩm dòng S.
Cuối cùng, Nikkor Z 70-200mm có 9 lá khẩu, mép tròn. Sản phẩm này có giá 2600$, dự kiến được bán từ tháng sau.
Theo DPReview
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé
Để tìm mua các sản phẩm máy ảnh, máy tính…ưng ý, các bạn có thể ghé thăm tại đây nhé
Cộng đồng người dùng Sony hãy chuẩn bị tinh thần và hầu bao dần là vừa, khi Sony sắp ra mắt một chiếc máy full-frame mới, nhiều khả năng là a9 mark II ngay trong tháng 9/2019 này.
Sony sắp ra mắt a9 mark II hay a7S mark III?
Mới đây, theo tổng hợp của Petapixel, một số nguồn tin “giấu tên” đã nói đến việc Sony sắp ra mắt một chiếc máy ảnh full-frame ngàm E mới, nhưng chưa rõ là a9 mark II hay a7S mark III.
Cần nhắc lại rằng, trong nhiều tháng qua, Sony đã liên tục ra mắt các phiên bản firmware nâng cấp cho các máy dòng a7, nhưng a7S II thì bị ra rìa. Do đó, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng chiếc máy mới hoàn toàn có thể là a7S III hơn là a9 II.
Các nguồn tin ở trên đến từ Nokishita và Sony Alpha Rumors. Ngày hôm qua, Nokishita đã thông báo Sony vừa đăng kí chứng nhận máy ảnh có wifi, trong khi Sony Alpha Rumors cho hay Sony vừa đặt lịch họp báo ngày 5/9 tại triển lãm IFA (Berlin, Đức) và triển lãm IBC 2019 ngày 13/9. Cách đây 4 năm, Sony cũng công bố ra mắt a7S II tại triển lãm IBC 2015.
Tuy nhiên, các nguồn bên trong lại đưa ra thông tin khác so với dự đoán của cộng đồng người dùng bên ngoài. Theo đó, chiếc máy mới sẽ tập trung khả năng ghi hình thể thao thay vì quay video, đồng nghĩa với việc chiếc máy này phải là a9 II. Không chỉ vậy, họ còn nói thêm có thể chiếc máy này sẽ mang theo cảm biến ảnh dạng “xếp chồng” (stacked), làm lu mờ chiếc D6 mà chúng ta vừa được biết cách đây ít ngày.
Vậy khi nào chúng ta sẽ được nhìn thấy cuộc hỗn chiến của các máy ảnh “khủng long”?
Hiện giờ mới là tháng 9/2019, chúng ta vẫn còn nhiều tháng nữa cho tới khi các hãng thực sự đưa hết các quân bài khủng vào bàn đấu Olympic và Euro 2020.
Nhưng chắc chắn một điều rằng, các sự kiện thể thao lớn tầm quốc tế vẫn là sân chơi của DSLR, sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa, Sony mới có thể có chỗ đứng cho dòng a9 của mình.
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé
Để tìm mua các sản phẩm máy ảnh, máy tính…ưng ý, các bạn có thể ghé thăm tại đây nhé
Với việc Nikon D6 được chính thức trình làng, Nikon đã thêm lần nữa cho thấy dù theo đuổi mirrorless, nhưng những DSLR chiến lược cao cấp sẽ không bị bỏ rơi.
Nikon D6 và AF-S 120-300mm f/2.8E: Bộ đôi đẳng cấp
Vào trưa ngày 4/9/2019 theo giờ Việt Nam, Nikon Nhật Bản đã ra thông cáo báo chí về bộ đôi sản phẩm cao cấp dự kiến sẽ là “con bài chủ lực” về DSLR trong năm 2020. Cụ thể hơn, 2 sản phẩm này là: thân máy DSLR cao cấp nhất D6 và ống kính zoom cao cấp AF-S 120-300mm f/2.8E FL ED SR VR, đây cũng đồng thời là sản phẩm chiến lược để hướng tới kì Olympic năm tới được tổ chức tại chính Nhật Bản.
Chưa dừng lại ở đó, theo thông cáo báo chí của Nikon, năm 2019 này là tròn 20 năm ra đời các máy ảnh DSLR Nikon, trong đó có chiếc Nikon D1 – máy ảnh cao cấp một số đầu tiên, cũng như mừng thọ 60 năm hệ ống kính ngàm F. Do vậy, để đánh dấu mốc thời gian rất trọng đại này, Nikon thông báo đến toàn thể cộng đồng người dùng thế giới về 2 sản phẩm trong tương lai của họ là thân máy D6 và ống kính 120-300mm f/2.8.
Nikon tự tin cho hay D6 sẽ là chiếc DSLR tân tiến nhất ở thời điểm nó được công bố, sẽ đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe nhất từ các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp về sự ổn định, hiệu năng làm việc. Do đó, D6 sẽ xứng vai anh cả mới nhất của làng DSLR.
Bên cạnh D6, Nikon cho hay họ đang trong quá trình thử nghiệm ống kính AF-S 120-300mm f/2.8E FL ED SR VR. Đây là sản phẩm để Nikon cạnh tranh sòng phẳng với chiếc Sigma 120-300mm f/2.8 DG OS HSM Sports ra mắt cách đây vài năm. Với tiêu cự và khẩu độ như trên, chúng mình dự đoán ống kính này sẽ có mức giá dao động trong khoảng 5500 – 7500 USD.
Đáng chú ý ở ống kính 120-300mm là 2 chữ cái “SR”. Không rõ SR là viết tắt của yếu tố kĩ thuật nào, nhưng khả năng đây là đột phá mới của Nikon về quang học dành cho các ống kính cao cấp.
Nếu bạn nào đang thắc mắc về tên ống kính Nikon trong thời gian vài năm gần đây thì chúng mình sẽ giải thích như sau, lấy ví dụ là ống kính AF-S 120-300mm f/2.8E FL ED SR VR:
- AF-S: ống kính có AF, sử dụng motor siêu thanh, nhanh và êm (S: silent, hoặc cũng có thể hiểu khác là supersonic. Motor AF siêu thanh được Nikon gọi là SWM: Silent Wave Motor).
- E: Electronic Diaphragm: điều khiển khẩu độ điện tử, loại bỏ lẫy chỉnh khẩu cơ ở đuôi ống kính, các lá khẩu độ sẽ không khép lại khi tháo ống khỏi thân máy. Công nghệ này mới được áp dụng kể từ năm 2013 với ống kính AF-S 800mm f/5.6E FL ED VR, khác với các ống kính G vẫn giữ lại lẫy chỉnh khẩu ở đuôi.
- ED: Extra Dispersion: thấu kính tán xạ cực thấp, giúp điều chỉnh vấn đề quang sai màu hay khiếm khuyết khác về quang học, khiến hình ảnh trở nên sắc nét hơn.
- FL: Flourite: còn được gọi là “Huỳnh thạch”, có công thức hóa học CaF2, được dùng điều chế làm thấu kính, có khả năng chống quang sai màu tốt hơn ED, nhưng khá nhạy cảm với thay đổi nhiệt độ, dễ bị nứt. FL hiện tại chỉ có trên các ống kính siêu tele và zoom tele cao cấp từ 200mm trở đi.
- SR: Chưa được công bố
- VR: Vibration Reduction: Giảm rung, hay thường gọi là chống rung.
Khi nào chúng ta sẽ có thông tin về thông số kỹ thuật, thời điểm bày bán và mức giá chính thức?
Hiện tại, những thông số kĩ thuật mà chúng ta được biết về Nikon D6 bao gồm như sau:
- Hỗ trợ chống rung cảm biến
- Ống ngắm có độ bao phủ 100%, độ phóng đại 0,76x đến 0,78x
- 2 khe thẻ XQD, có thể cập nhật firmware và tương thích với CFexpress
- Tích hợp wifi
- Màn hình cảm ứng hoàn toàn
- Khả năng AF tốt hơn D5
Trong quá khứ, chúng ta thường thấy Canon và Nikon ra mắt các DSLR “đỉnh” ở thời điểm gần nhau, thường là đầu tháng 1 và đầu tháng 2 các năm diễn ra Olympic, ví dụ D4 và EOS-1D X năm 2012, D5 và EOS-1D X Mark II năm 2016. Do đó, chúng ta sẽ còn vài tháng chờ đợi cho tới khi tất cả các thông tin được công khai.
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé
Để tìm mua các sản phẩm máy ảnh, máy tính…ưng ý, các bạn có thể ghé thăm tại đây nhé
Tuy chưa có nhiều thông tin về sản phẩm này, nhưng Nikon chia sẻ rằng họ đang nghiên cứu một chiếc mirrorless có cấu hình tương tự như D5.
Mới đây, ban lãnh đạo Nikon đã thông báo họ đang nghiên cứu và thử nghiệm một chiếc máy ảnh mirrorless mới với vai trò và tính năng tương tự như chiếc DSLR flagship (đầu bảng) của họ, D5.
Họ cũng chia sẻ thêm rằng, sản phẩm này sẽ sớm được công bố, nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể nào. Tuy nhiên chúng ta có thể “đoán già đoán non” rằng thời điểm xuất hiện có thể sẽ từ cuối năm nay cho tới tháng 4 năm sau, cũng nhằm kịp thời gian để cho các phóng viên ảnh có sản phẩm tác nghiệp tại thế vận hội 2020.
Bên cạnh thời điểm, cũng không có một thông số cụ thể nào được đưa ra. Tuy nhiên, để so sánh được với D5 thì chắc chắn là không hề tầm thường một chút nào. Dù sao, chúng ta đã thấy Nikon trở thành hãng thứ hai có một chiếc mirrorless full-frame với cấu hình hứa hẹn là rất cao để cạnh tranh với chiếc Sony A9, khi có cạnh tranh thì sẽ có những sự phát triển và chỉ nghe thôi cũng đã thấy hứa hẹn rồi phải không nào?
Không rõ liệu sản phẩm này có chiếm được cảm tình của những phóng viên, người dùng cao cấp khi họ đã quen với những chiếc DSLR cục mịch nhưng cực kì chắc chắn. Có lẽ chúng ta cần phải chờ đợi thêm vài tháng nữa, khi có thông số rò rỉ mới biết thực sự sức mạnh của sản phẩm mới này như thế nào.
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé
Có phải Olympus đang chuẩn bị “đánh lớn” bằng việc mở màn năm 2019 của họ với siêu phẩm flagship OM-D E-M1X?
Lá cờ đầu của Olympus
Mặc dù không phải là kẻ mở bát của năm 2019 (Sony mới là kẻ châm ngòi năm nay bằng a6400 cùng loạt firmware nâng cấp), nhưng Olympus lại bắt đầu năm mới của họ bằng một siêu phẩm cao cấp mang tên O-MD E-M1X vào lúc 13 giờ 24/1/2019 (theo giờ Việt Nam) tại London (Anh).
Được định hướng là sản phẩm cao cấp nhất, thay thế cho E-M1 Mark II, cũng như giành giật chỗ đứng trong thế giới mirrorless vốn đang quá “hỗn loạn”, Olympus đã thiết kế sản phẩm này với rất nhiều những đột phá, biến E-M1X trở thành “khủng long thu nhỏ” của làng mirrorless.
Diện mạo và sức mạnh khủng long ẩn bên trong là trái tim nhỏ nhắn
Vẻ ngoài miễn chê
Điều dễ nhận ra nhất ở bên ngoài chiếc máy này là một vẻ ngoài cực chuyên nghiệp, nam tính và chắc chắn với lớp vỏ kim loại cứng cáp, cùng một thiết kế hoài cổ cực đẹp.
Vẫn với thiết kế của dòng máy ảnh chuyên nghiệp với grip dọc liền thân máy, đồng nghĩa với không gian cầm nắm của OM-D E-M1X cũng lớn hơn và thao tác thuận tiện hơn khi cầm máy dọc, chiếc grip này cho phép chứa đến 2 pin bên trong.
Với 2 pin bên trong grip, tổng số ảnh có thể chụp được với máy này trên lý thuyết là 870 hình, thực tế có thể lên đến 2850 tấm.
Sức mạnh bên trong
Mặc dù phải chịu thua thiệt rất nhiều trước các đối thủ cùng dòng như EOS-1D X Mark II, D5 hay a9 vì vấn đề sử dụng cảm biến cỡ nhỏ, tuy nhiên Olympus đã bù lại bằng rất nhiều những tính năng kĩ thuật khác.
Không phải Sony, mà Olympus và Panasonic mới là những thương hiệu có truyền thống bê các tính năng và các thông số kỹ thuật khủng lên sản phẩm của mình.
Với chuẩn USB Power Delivery, việc sạc pin cho OM-D E-M1X giờ đây còn nhanh và tiện hơn nữa thông qua cổng sạc USB. Cả 2 cục pin có thể được sạc đầy cùng lúc chỉ trong 2 giờ. Điều này thực sự hữu ích với những người dùng phải di chuyển liên tục, không có nhiều thời gian lưu lại một địa điểm.
Chống rung thân máy – Tính năng khiến cả giới máy ảnh ngả mũ thán phục
Ở bên trong, nổi bật hơn cả là chống rung trong thân máy. Mặc dù không phải người đầu tiên có ý tưởng về tính năng này nhưng Olympus mới là kẻ thành công nhất. Ở E-M1X, khả năng chống rung trong thân máy đã được nâng lên tới 7,5 stop, con số mà tất cả các hãng máy ảnh có nằm mơ cũng chưa thể làm được.
Kỉ lục cho tới lúc này là 6,5 stop, cũng do Olympus nắm giữ trên chiếc E-M1 Mark II (khi sử dụng cùng ống kính 12-100mm). Với 7,5 stop, Olympus đã tự phá kỉ lục của chính mình, đưa họ đến ngưỡng mới của chống rung trong thân máy.
Với con số lý thuyết lên tới 7,5 stop, chúng ta hoàn toàn có thể chụp phơi sáng dài cầm tay lên tới 20 giây! Chưa rõ thực tế đến đâu, nhưng điều này thực sự hữu ích cho những người dùng có trí nhớ không tốt, bỏ quên chân máy ở nhà.
Không chỉ cho chụp ảnh, chống rung trong thân máy còn hiệu quả khi quay phim 4K. Mặc dù với dân quay phim, tripod, monopod, gimbal, steadicam luôn là phụ kiện không thể thiếu. Nhưng nếu chẳng may quên thì tính năng chống rung sẽ chữa cháy rất tốt.
Tính năng quay phim tốt nhưng chưa ấn tượng
Về phần quay phim Olympus OM-D E-M1X được trang bị thông số và công nghệ ở mức tạm ổn.
Với khả năng quay phim 4K ở các frame rate 24/25/30/50/60p và FullHD 24/25/30/50/60/120p nghe qua khá ấn tượng, tuy nhiên về mặt chất lượng thì lại chỉ dừng lại ở 8 bit 4:2:0, hoặc 4:2:2 khi sử dụng bộ ghi rời. Một điểm thua thiệt khá xa so với đối thủ GH5s khi đã có thể quay 10 bit từ lâu.
Olympus O-MD E-M1X cũng được trang bị thêm cả OM-Log400, một profile cho việc quay phim có thể giữ được nhiều chi tiết hơn, tuy nhiên với độ phân giải màu sắc chỉ là 8 bit 4:2:0, chi tiết này cũng chỉ mang tính tô điểm là nhiều.
Một vài tính năng khác
Bên cạnh đó, Olympus đã đưa lên E-M1X một hệ thống cảm biến – kết nối hỗn hợp mang tên “field sensor”: bao gồm cảm biến nhiệt, cảm biến độ sâu, la bàn, GPS. Hệ thống field sensor này đã xuất hiện trên các máy quay hành trình từ khá lâu, tuy nhiên đây là lần đầu nó được đưa lên máy ảnh (Trừ GPS).
Tính năng GPS hiện giờ vô cùng phổ biến trên các máy ảnh, cùng với wifi, NFC, Bluetooth hợp thành bộ 4 tính năng kết nối không dây. GPS trên các máy ảnh hiện nay được thiết kế để kết nối với 3 hệ thống định vị toàn cầu gồm: GPS (Mỹ), Glonass (Nga) và QZSS Michibiki (Nhật).
Có cảm giác như Olympus đang biến chiếc máy ảnh flagship của mình trở thành chiếc action cam cỡ lớn. Cũng như chưa rõ việc đặt nhiều chủng loại cảm biến vào nhằm mục đích gì. Nhưng rõ ràng, một chiếc máy ảnh có thể đo được cả nhiệt độ, độ sâu.. ngoài thực địa nghe qua vô cùng hấp dẫn.
Các thông số kĩ thuật của OM-D E-M1X
- Cảm biến micro four thirds, 17,4 x 13mm, độ phân giải hiệu dụng 20,37mpx, 5184 x 3888
- Tự làm sạch cảm biến: Rung ở tần số cực cao
- Chống rung cảm biến: lên đến 7,5 stop (khi dùng ống Zuiko 12-100mm) hoặc 7 stop với ống kính Zuiko 12-40mm.
- Bộ xử lý hình ảnh: 2 chip
- AF: 121 điểm (cross-type), có thể AF -3,5 đến 20 EV (ở ISO 100 và ống kính khẩu độ f/2.8)
- Tốc độ màn trập tối đa: màn trập điện tử lên tới 1/32000 giây hoặc 1/8000 giây với màn trập cơ; tuổi thọ tối đa 400.000 chu kì.
- Tốc độ chụp liên tiếp tối đa: trên lý thuyết tới 18 hình/giây; lên tới 15 hình/giây ở định dạng RAW, lưu được 103 hình
- Đo sáng: 2-20 EV, ở ISO 100 và khẩu độ f/2.8, có thể chụp anti-flicker (tránh nhấp nháy dưới ánh sáng nhân tạo như đèn ống)
- Picture mode: i-finish, rực rỡ, tự nhiên, phẳng, chân dung, đơn sắc, tùy chọn, e portrait, nước, “color creator”, “art filter”.
- ND filter: tích hợp
- Quay video: 4K UHD 24/25/30/50/60p IPB; FHD 24/25/30/50/60p/120p
- Quay video timelapse: 4K 5fps, FHD 5/10/15fps, HD 5/10/15/30fps.
- Ống ngắm điện tử: 2,36 triệu điểm ảnh, 120fps, thời gian trễ 0,005 giây
- Màn hình: cảm ứng xoay lật
- Thẻ nhớ: 2 khe thẻ SD chuẩn UHS-II
- Ngôn ngữ: 34 ngôn ngữ khác nhau
- Cấu trúc: khung vỏ magie hoàn toàn
- Chống chịu: chuẩn chống nước IPX1
- Kết nối không dây: wifi
- Hệ thống hỗ trợ khác: GPS (ghi lại hành trình di chuyển của máy, kết nối với GLONASS của Nga, Quasi-Zenith Michibiki của Nhật), cảm biến đo áp suất, nhiệt độ, gia tốc
- Pin: thực tế tối đa tới 2850 tấm khi sạc đầy, 2 pin BLH-1
- Kích thước: 44.4 mm x 146,8mm x 75,4mm
- Nặng: 849g chỉ thân máy
Sản phẩm tiềm năng
Chưa rõ E-M1X có làm cho Olympus trở nên đáng quan tâm hơn với số đông người dùng chúng ta không khi điểm yếu cố hữu là cảm biến nhỏ so với các sản phẩm cùng dòng flagship hiện nay. Những người dùng cao cấp thường là cơ quan báo chí lớn, họ cũng không thiếu tiền để đầu tư những sản phẩm mang nhãn Canon và Nikon vốn có cảm biến lớn hơn, phù hợp khi chụp thiếu sáng.
Dù sao, nỗ lực của của Olympus cũng rất đáng hoan nghênh, đặc biệt trong thời kì mảng mirrorless đang vô cùng hỗn loạn. Sony đã có động thái dằn mặt cả thế giới đầu năm, Canon và Nikon có vẻ “ngầm” bắt tay nhau đánh lại Sony. Panasonic đã thành lập liên minh 3 hãng nhằm củng cố vững chắc hơn vị trí của mình trong thế giới mirrorless.
Dự kiến sản phẩm này sẽ được bán ra với mức giá 3000$, nghe qua thì có vẻ hơi chát cho một chiếc máy sử dụng cảm biến micro four thirds, dù là flagship. Nhưng cứ đợi xem, biết đâu những gì mà chiếc máy này thể hiện lại xứng đáng với số tiền phải bỏ ra.
Hi vọng rằng chúng mình sẽ sớm cơ hội trên tay sản phẩm này, mang đến sân vận động và nhà thi đấu để kiểm chứng sức mạnh thật sự của OM-D E-M1X.
Một số hình ảnh demo từ trang DPReview của OM-D E-M1X
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé
Kể từ khi ra mắt, Sony A9 là chiếc máy ảnh không gương lật (Mirrorless) đầu tiên trên thế giới hứng chịu nhiều soi mói đến như vậy. Lời khen có, lời chê cũng có nhưng rốt cục thì mọi người đều phải công nhận: “Sony bắt đầu tiến vào thị trường máy ảnh chuyên nghiệp thật rồi!”
Một vũ khí bí mật mang tên: Stacked-CMOS Sensor
Bỏ qua mọi thông tin mang tính “tâng bốc” và nặng mùi “quảng cáo”, thứ tạo nên sự đặc biệt cho Sony A9 đó chính là cảm biến, nhiều người lúc này sẽ nghĩ: Máy cũng chỉ sử dụng một cảm biến 24.2 Megapixels, tương đương với dòng A7II thì có gì đáng nổi bật? Sai rồi! Cảm biến 24.2 MP của A9 khác hoàn toàn so với các cảm biến khác mà mọi người đang thấy trên thị trường. Nó được xây dựng dựa trên một kiến trúc hoàn toàn mới mà Sony gọi đó là “Stacked-CMOS Sensor”. Trong đó, một sensor hình ảnh giờ đây sẽ có 3 lớp:
- Lớp đầu tiên là lớp pixel thu nhận ánh sáng, hoạt động tương tự như mọi sensor khác
- Lớp thứ hai là lớp bộ nhớ RAM tích hợp kèm bộ chuyển đổi tín hiệu ADC (Analog Digital Converter), tín hiệu điện từ lớp đầu tiên sẽ được chuyển đổi ngay sang dạng số và lưu vào trong RAM trước khi chuyển cho lớp thứ ba
- Lớp thứ ba là bộ vi xử lý BIONZ X làm nhiệm vụ lấy dữ liệu từ lớp thứ hai để xử lý hình ảnh và sau đó ghi vào thẻ nhớ.
Đối với mọi dòng A7 trước đó, 3 thành phần này vốn được tách biệt và chiếm một vị trí trên bo mạch điện tử. Khi lên A9, Sony kết dính cả 3 thứ này vào một khối thống nhất. Điều này giúp rút ngắn khoảng cách kết nối của 3 thành phần, giảm suy hao tín hiệu, làm cảm biến của Sony A9 có thể truyền tải dữ liệu nhanh hơn dòng A7 gấp 20 lần.
Dựa vào lợi thế tốc độ truyền, Sony tiếp tục cải tiến màn trập điện tử. Nếu như các màn trập điện tử thế hệ trước, người sử dụng hay gặp hiện tượng méo hình khi chụp vật thể di chuyển với tốc độ cao. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở cơ chế hoạt động: Khi ấn nút chụp, sensor sẽ kích hoạt quá trình đọc dữ liệu của pixel lần lượt theo hàng từ trên xuống dưới, các pixel được kích hoạt sẽ phơi sáng theo tốc độ màn trập mà người sử dụng đã chỉ định. Quá trình kích hoạt lần lượt này thường diễn ra với tốc độ từ 1/10 đến 1/60 giây, tùy theo chất lượng sensor mà hãng sử dụng. Khi một vật thể chuyển động quá nhanh so với tốc độ mà sensor có thể kích hoạt méo hình chắc chắn xuất hiện.
Vấn đề được khắc phục bằng cách tăng tốc độ kích hoạt pixel của cảm biến lên mức nhanh hơn. Nhưng để làm được điều này, Sony cần phải tăng tốc độ truyền dữ liệu giữa cảm biến và chip BIONZ lên. Và chúng ta đã có Stacked CMOS-Sensor, chỉ cần tăng tốc độ kích hoạt lên thôi là được! Vậy là Sony A9 đã có một màn trập điện tử cao cấp với khả năng chụp ảnh “không méo”. Đấy là chưa kể, Sony còn khuyến mãi thêm tính năng “No Blackout” cực kỳ hữu dụng trong chụp thể thao, y hệt như “Pro Capture” mà Olympus đưa vào E-M1 Mark II vậy.
Thực sự, Stacked-CMOS Sensor đã giúp Sony vượt qua được mọi giới hạn từ trước đến giờ của dòng máy không gương lật khi so kè với DSLR truyền thống.
Trò cũ nhưng vẫn hiệu quả: Tăng điểm lấy nét và thời lượng pin
Việc các máy Mirrorless có nhiều điểm lấy nét theo pha hơn DSLR đang là một xu thế lớn trong việc cạnh tranh và Sony A9 cũng không phải là một ngoại lệ: Cảm biến Full Frame của máy đã được rải kín 693 điểm lấy nét, chỉ chừa lại phần viền là nơi khó lấy nét nhất do mọi tật xấu của ống kính (méo hình, quang sai, tối viền) đều nằm ở đây. Với việc sở hữu số điểm lớn như vậy, Sony A9 chắc chắn sẽ có những lợi thế sau:
- Khả năng bám nét chủ thể trở nên dễ dàng, khi các điểm lấy nét đã nằm kín hết khung hình của máy ảnh. Ngoài ra, độ chính xác cũng được cải thiện khi mà trong một vùng lấy nét, chúng ta có nhiều điểm lấy nét hơn trước.
- Đối với lấy nét một lần, nó quá tiện cho chụp ảnh chân dung khi kiểu gì bạn cũng có ít nhất một điểm pixel nằm ở các vị trí quan trọng như mắt, mũi hoặc môi trong khi nhiều máy DSLR khác lại không có được ưu ái như vậy. Các tính năng lấy nét theo vùng đối với chế độ này cũng nhận được những lợi ích tương tự như đã nói ở phần trên.
Còn về pin thì sao? Xem nào, Sony đã cho Sony A9 một cục pin mới có số hiệu NP-FZ100, trong khi cục pin cũ mà hãng hay sử dụng có số hiệu NP-FW50. 50 và 100 là hơn 2 lần. Điều này cũng có vẻ như Sony muốn ám chỉ thời lượng pin của Sony A9 sẽ gấp đôi so với pin của dòng A7 thông qua số hiệu. Thực tế thì thì đúng là như vậy:
- NP-FZ100 có dung lượng là 2280 mAh trong khi NP-FW50 chỉ là 1020 mAh.
- Một lần sạc của NP-FZ100 cho phép A9 chụp tối đa 480 tấm còn A7 II là 350 tấm
- NP-FZ100 có thể ghép với một cục tương tự nếu như bạn gắn grip cho A9, nâng tổng số shot chụp cho 1 lần sạc lên 960 tấm! Khá nhiều đối với 1 máy ảnh mirrorless.
Nhưng sạn thì vẫn còn
Công nghệ mới, pin trâu hơn, nhiều tính năng nổi trội sẽ khiến nhiều người nghĩ Sony A9 thực sự là một cỗ máy hoàn hảo cho việc chụp ảnh. Đúng! Điều đó sẽ xảy ra nếu như Sony không mắc một vài sai lầm được kể dưới đây.
Đầu tiên là về thiết kế, mọi thứ đối với gắn liền với chiếc máy này dường như to lên: Từ cục pin, khe thẻ nhớ gấp đôi và các lens telephoto mới ra mắt gần đây cũng thế. Nhưng, kích thước và trọng lượng của máy lại không tăng lên nhiều cho lắm và nó dẫn tới một vấn đề: Máy bị mất cân bằng khi gắn các lens quá to như Sony GM 100-400mm f/4.5 – 5.6 chẳng hạn. Sức nặng của lens sẽ dễ dàng làm body bị chúc xuống khi cầm, lực nắm ở body sẽ luôn luôn phải lớn hơn so với lực cầm ở lens để giữ thăng bằng. Ngoài ra, phần ngón tay của người dùng cầm vào báng cũng bị lens đè nén không thương tiếc.
Thứ hai, đó là về màn trập cơ học, xin nhắc lại là MÀN TRẬP CƠ HỌC chứ không phải là điện tử như nhiều người tưởng. Sony có lẽ vì quá tập trung cho màn trập điện tử của máy mà bỏ quên phần cơ học của máy. Sony A9 chỉ có màn trập cơ học tốc độ 5 fps và có độ trễ (shutter lag) khá cao so với nhiều máy Mirrorless khác, không phù hợp cho việc chụp chủ thể chuyển động.
Điều này thực sự khá khó chịu đối với dân chụp thể thao chuyên nghiệp khi phải chụp trong môi trường tối, cần phải đẩy ISO lên cao, màn trập điện tử luôn luôn gặp bất lợi về độ nhạy sáng vì phải hy sinh một phần của cảm biến dành cho công việc phơi sáng, còn màn trập cơ học thì không. Chính vì vậy, ảnh từ màn trập cơ học luôn có ít noise hơn so với màn trập điện tử khá nhiều và các máy mirrorless hướng thể thao như Olympus E-M1 Mark II thường phải làm thêm một màn trập cơ học tốc độ cao để giải quyết vấn đề này. Việc để một màn trập cơ học kém như Sony A9 thực sự khó chấp nhận.
Thứ ba, Sony A9 có hai khe thẻ SD, nhưng chỉ 1 trong số đó hỗ trợ chuẩn UHS-II tốc độ cao, khe còn lại chỉ chạy ở UHS-I. Điều đó phát sinh một vấn đề: Nếu bạn chụp ở chế độ chụp tốc độ cao 20 fps và gắn 2 thẻ nhớ, máy sẽ bị “đơ” một lúc để ghi dữ liệu lên hai thẻ này rồi xóa bộ nhớ đệm. Dù khe thẻ UHS-II được ghi xong trước, bạn sẽ vẫn phải đợi máy ghi xong ở khe UHS-I. Cách duy nhất để tăng tốc là chỉ sử dụng 1 khe thẻ UHS-II, nhưng điều đó sẽ tăng rủi ro dữ liệu cho chính người sử dụng. Bản thân người viết cũng cảm thấy không thích việc xuất hiện của khe thẻ SD trên một thân máy chuyên nghiệp như Sony A9, thay vào đó Sony nên để 2 khe thẻ XQD để khai thác triệt để khả năng của máy.
Thứ tư, Dynamic Range của máy không thực sự cao như dòng Sony A7, cũng không phải là dạng ISO-Invariance (ISO bất biến), việc chỉnh sửa hình ảnh RAW sẽ bị hạn chế cực kỳ nhiều. Lý giải cho việc này, Sony đã đánh đổi Dynamic Range của máy để đổi lại tốc độ xử lý. Dữ liệu ít hơn thì kích thước sẽ nhỏ hơn, thời gian truyền và xử lý cũng sẽ ít hơn, giúp máy đạt được tốc độ chụp liên tiếp 20 fps với cảm biến full frame. Nghe có vẻ hay, nhưng thực tế thì sự tráo đổi này sẽ đẩy máy vào tình cảnh:
- Không phù hợp để chụp chân dung, phong cảnh như dòng A7R
- Không quá tốt để chụp thể thao trong điều kiện thiếu sáng, hiệu năng chụp tối chỉ ngang A7RII thay vì sánh ngang với D5 hoặc 1DX Mark II
Trước đó, Nikon cũng từng làm một điều tương tự với sản phẩm D5 khi hy sinh hết phần Dynamic Range tại ISO thấp để đổi lại một hiệu năng ISO cao cực kỳ khủng khiếp. Tuy nhiên, hãng cũng phải chấp nhận điều tiếng khi bị các trang mạng đánh giá hiệu năng Dynamic Range rất thấp so với đối thủ là Canon 1DX Mark II, không phù hợp cho việc chụp các thể loại bình thường như người cũ D4S. Sony cũng sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích này khi hãng chấp nhận đổi cả 2 (ISO thấp và ISO cao) để lấy tốc độ 20 fps cho dòng A9.
Mọi sự trao đổi đều phải trả giá, điều quan trọng là liệu người sử dụng có muốn đánh đổi hay không. Đối với quan điểm người viết, Sony A9 cũng tương tự như vậy, nếu bạn thực sự coi trọng những đột phá về tốc độ mà nó mang lại và sẵn sàng bỏ qua mọi khuyết điểm, GO FOR IT! Nó rất đáng đó.
Bài viết được dựa theo ý kiến từ nhiều nguồn khác nhau.
Đại khái là trông như một con Capoo
Canon EOS 1DX Mark II – Siêu phẩm mới nhất của Canon đã được chính thức ra mắt tại Việt Nam vào ngày 24/4 vừa qua.
“If memories could be canned, would they also have expiry dates? If so, I hope they last for centuries.”
Theo một nguồn tin đang tin cậy cho biết Sony có thể sẽ tung ra chiếc máy ảnh không gương lật mới nhất, có tên Sony A9 trong thời gian tới. Cũng theo nguồn tin trên, chiếc máy ảnh cao cấp này sẽ mang trong mình một khả năng chụp liên tiếp đến bao giờ chán thì thôi.
“There are 365 days in a year. But there are only 2 days, when one cannot do anything. Yesterday, because it’s over. Tomorrow, because one can’t control it. So I live a day at a time and today is a beautiful day” – Celine Dion