Đúng như dự đoán, vào buổi chiều ngày 12/4/2017, Nikon đã chính thức công bố chiếc máy ảnh mới nhất của hãng với tên gọi: Nikon D7500, nối tiếp người tiền nhiệm Nikon D7200. Rất nhiều fan Nikon đã mong chờ giây phút này, tất cả đã òa lên rồi lại thất vọng chỉ vì một lý do duy nhất: Máy bị cắt nhiều quá!

THIẾT KẾ MỚI VỚI SỨC MẠNH CỦA D500

Trong lần xuất hiện này, Nikon đã đem một triết lý thiết kế hoàn toàn mới cho chiếc máy ảnh D7500 của mình: Toàn thân máy giờ đây được bọc một lớp vỏ đen nhám, vuông vức, với khu vực báng cầm được làm nhỏ lại và lõm sâu vào trong. Phía trên của D7500, ta có thể thấy phần gù trung tâm khá là to nhưng lại nhô ra rất ngắn, đủ để không làm ảnh hưởng tới việc điều khiển các lens Tilt-Shift mà hãng vừa ra mắt trong thời gian gần đây. Các thành phần khác như màn hình LCD phụ, nút bấm, bánh xe chế độ đều bố trí gần nhau hơn giống như D750 vậy.

Nikon D7500 Body | 50mm Vietnam Official Site
Chân dung chính thức của Nikon D7500
Nikon D7500 Body | 50mm Vietnam Official Site
Phía trên của Nikon D7500

Một thay đổi đáng giá khác: Máy sử dụng màn hình LCD cảm ứng có khả năng lật lên xuống, giúp người chụp ảnh có thể chụp ở những góc khó (trên cao, hất từ dưới lên, chụp ngang hông) mà bình thường không thể ngắm được.

Nikon D7500 Body | 50mm Vietnam Official Site
Màn hình của Nikon D7500 có thể lật được như D500 và D750
Nikon D7500 Body | 50mm Vietnam Official Site
Và đây là khi bạn đóng nó lại, nhìn cũng gọn gàng phải không?

Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần bề nổi của Nikon D7500, còn phần chìm của nó là hệ thống máy móc, Nikon đã mang tất cả những thứ tinh túy nhất của D500 xuống một máy ảnh nằm ở phân khúc thấp hơn, bao gồm:

  • Cảm biến APS-C 20.9 Megapixels
  • Dải ISO 100-51200
  • Chip xử lý hình ảnh Expeed 5
  • Cân bằng trắng thế hệ mới
  • Cảm biến đo sáng 180,000 điểm ảnh RGB có khả năng nhận diện khuôn mặt và trợ giúp bắt nét chuẩn xác khi chụp ở tốc độ cao. Hỗ trợ tính năng đo sáng ưu tiên Highlight
  • Tốc độ chụp cao với 8 khung hình / giây (thấp hơn một chút so với 10 hình / giây của D500)
  • Hỗ trợ Radio Trigger không dây, giúp điều khiển đèn flash thế hệ mới của Nikon (SB-5000)
  • Khả năng lấy nét và bám nét theo nhóm điểm AF
  • Cửa trập thế hệ mới với tuổi thọ 150.000 Shot tích hợp bộ theo dõi điện tử đảm bảo luôn được đánh chính xác khi chụp ở tốc độ cao.
  • TÍch hợp Bluetooth + Wifi, thay vì là NFC + Wifi như trước

Điều đó cũng có nghĩa: D7500 có khả năng chụp thiếu sáng rất tốt, y hệt như D500 vậy. Nói một cách chi tiết hơn, bạn cứ nghĩ: Một bức ảnh “chấp nhận được” đối với thế hệ trước là tầm ISO nằm trong khoảng 1600 đến 3200 thì giờ nó sẽ được nâng lên khoảng 6400 đến 12800 trên cảm biến của D500. Bù lại, bạn sẽ mất đi 3 megapixels so với cảm biến thế hệ cũ để đạt được điều trên, nhưng ai ngồi bận tâm so sánh giữa 21 Megapixels và 24 Megapixels chứ?

Nikon D7500 Bench | 50mm Vietnam Official Site
Kết quả chụp thử ở ISO 12800 với Nikon D500, Pentax KP, 7D Mark II và Nikon D7200

Dưới đây là bảng so sánh thông số kỹ thuật của D7500 với D7200 và D500

Tính năng / Máy ảnh D500 D7500 D7200
Độ phân giải 20.9 Megapixels 20.9 Megapixels 24.2 Megapixels
Dải ISO 100-51200 100-51200 100-25600
Chip xử lý hình ảnh Expeed 5 Expeed 5 Expeed 4
Đo sáng 180,000-pixel RGB Sensor 3D Color Matrix Metering III 180,000-pixel RGB Sensor 3D Color Matrix Metering III 2,016-pixel RGB sensor 3D Color Matrix Metering II
Tự cân nét lens Không
Số điểm lấy nét 153 điểm 51 điểm 51 điểm
Tốc độ chụp 10 fps 8 fps 6 fps
Hỗ trợ trigger flash không dây Không
Khe thẻ nhớ SDXC + XQD 1x SDXC 2x SDXC
Màn hình LCD cảm ứng, lật 170 độ LCD cảm ứng, lật 170 độ LCD bình thường
Kết nối không dây Wifi + NFC + Bluetooth Wifi + Bluetooth Wifi + NFC
Trọng lượng 760g 640g 675g
Giá khởi điểm 1999 USD 1250 USD 1200 USD

VÀ LỊCH SỬ CHÍNH THỨC LẶP LẠI!!

Nếu như bạn theo dõi bài viết trước tại 50mm Vietnam, tôi đã từng nhắc đến một trường hợp Nikon đưa những thứ tinh túy nhất của dòng cao cấp xuống một máy ảnh cấp thấp hơn để giúp nó chiếm lĩnh thị trường lúc đó là D90D300. Đến hôm nay, điều đó lại xảy ra một lần nữa trên chính D7500D500, bạn có thể sẽ rất vui mừng và nghĩ là mình được mua D500 với một mức giá rẻ hơn. Không hẳn vậy! Nikon đủ khôn để nhận ra điều này, hãng không muốn việc ra mắt D7500 động chạm đến doanh số của dòng D500 cao cấp, cũng giống như D90 không thể chạm vào D300. Một loạt những hạn chế đã được tung ra nhằm tách biệt rõ ràng giữa hai phân khúc Advanced (D500/D750)Mid-end (D7500/D610) thay vì bị hòa lẫn như thời D7000 đổ đi, đó là:

Nikon D7500 Body | 50mm Vietnam Official Site
D7500 bị cắt gọt khá nhiều những thứ làm nên một chiếc máy chuyên nghiệp.
  • Cắt giảm số lượng khe thẻ SD từ 2 khe thẻ xuống còn 1 khe, chỉ hỗ trợ thẻ nhớ ở tốc độ UHS-I
  • Loại bỏ lẫy đo sáng lens MF AI/AI-S, bạn vẫn có thể cắm các lens Nikon MF cổ để chụp, nhưng không còn khả năng đo sáng trên Viewfinder nữa
  • Không còn cổng kết nối grip bên ngoài máy nữa, hãng cũng không làm grip chính thức cho máy, bắt buộc phải đợi grip đến từ các hãng thứ ba.
  • Thời lượng pin bị giảm, còn 950 kiểu so với 1100 kiểu của thế hệ trước dù dùng pin thế hệ mới mang mã hiệu EN-EL15a có dung lượng cao hơn.

Như vậy, nếu như trước đây phân khúc Mid-end APS-C của Nikon vốn đóng luôn vai trò là máy ảnh cho phân khúc người nâng cao Advanced (cận chuyên nghiệp, cận high-end) vì sự thiếu vắng của các máy crop sau D300 trong một thời gian dài (trước khi có D500) thì giờ mọi thứ đã trở nên rất rõ ràng. Muốn có những tính năng chuyên nghiệp ư? Hãy mua D500 hoặc D750, không thì chí ít mua máy ảnh Full Frame dòng đại trà như D610 của chúng tôi đi!! Không thì bạn vẫn có thể hạnh phúc với chất lượng hình ảnh của D500, nhưng chịu khó mang thêm cục pin và thẻ nhớ xịn nhé.

Nikon History | 50mm Vietnam Official Site
D7000 series giống như một chiếc máy ảnh gánh cả vai trò của D90 và D300 ở thế hệ sau vậy (Ảnh: ShunCheung.com)

Quay trở lại lịch sử D90D300 một chút, hồi hai chiếc máy này mới ra mắt, đã khá nhiều người (trong đó bao gồm cả tôi) nghĩ rằng chỉ cần mua D90 thôi là đủ, tại sao lại phải cần D300 làm gì khi sự chênh lệch lúc đó là: AF, đo sáng MF, thẻ nhớ thực sự là không cần thiết, chỉ cần một thẻ SD dung lượng cao là đủ. Điều quan trọng nhất là ISO, chất lượng hình ảnh của hai máy là tương đương nhau không có gì phải chối cãi. Ấy vậy mà khi sử dụng một thời gian dài sử dụng, tôi thực sự cảm thấy khó chịu khi hệ thống AF của máy (bị cắt giảm) có quá ít điểm lấy nét, thẻ nhớ thì từng chết 1 cái ngay trong khi chụp và không có cái nào để backup cùng lúc. Và sau một thời gian dài chụp chính với D90, tôi quyết định mua luôn D750 và đẩy D90 trở thành máy backup cho công việc của mình. Mọi thứ sau đó đều  thực sư suôn sẻ và tôi khá hài lòng với combo này.

VẬY D7500 CÓ PHẢI LÀ CHIẾC MÁY ĐÁNG MUA KHÔNG?

Câu trả lời là có! Nếu như bạn đang sở hữu D3300, D5300 và muốn nâng lên một chiếc máy đời cao hơn một chút, chụp tối ngon lành, nhiều công nghệ mới và quan trọng là không phải thay đổi ống kính thì D7500 là một lựa chọn tối ưu. Ngoài ra, đối với dân chuyên nghiệp, đang sở hữu một chiếc máy ảnh Full Frame làm công việc chính, D7500 cũng là một lựa chọn tốt để làm máy ảnh backup cho công việc của mình nhờ trọng lượng nhỏ, tốc độ chụp ảnh nhanh và bộ AF 51 điểm lấy nét cao cấp của mình. Một lý do khác đó là dòng D7500 thường xuống giá rất nhanh so với dòng D500, nên chắc chắn người mua sẽ có giá hời chỉ sau 1 năm ra mắt.

Câu trả lời là không! Nếu như bạn đã sở hữu D7100 hoặc D7200 trước đó, Full Frame luôn là một lựa chọn tốt hơn cho những người đang sở hữu hai chiếc máy này, cả về chất lượng hình ảnh cũng như những tính năng đi kèm. Tại sao bạn phải đổi ngang phân khúc với chất lượng không thay đổi nhiều trong khi bạn lại có thể vươn lên phân khúc Full Frame đại trà?