Có lẽ, mỗi khi nói về chủ đề Báo ảnh thì từ trước đến nay chúng ta sẽ thường nghĩ đây là một lĩnh vực do nam giới thống trị. Tuy nhiên, những nữ phóng viên ảnh không hề bị lép vế. Họ đã tạo ra những ảnh hưởng cũng như thành công nhất định trong lĩnh vực này.


Dự án về những phóng viên ảnh nữ

Nhiều người vẫn thường nghĩ nam giới từ trước đến nay nắm quyền thống trị trong lĩnh vực Báo ảnh. Tuy nhiên, trong suốt lịch sự của lĩnh vực này, những người phụ nữ cũng đã để lại dấu ấn riêng của họ. Yunghi Kim là một trong số đó, cô luôn mong muốn bản thân mình và các nữ đồng nghiệp nhận được sự công nhận một cách xứng đáng. Điều này càng đặc biệt khi họ là những nữ phóng viên ảnh bắt đầu sự nghiệp của mình trong kỷ nguyên ảnh film, thời điểm trước khi thị trường ảnh kỹ thuật số bùng nổ.

Về Yunghi Kim, cô là một phóng viên ảnh từng đoạt nhiều giải thưởng, được mệnh danh là người đã đưa tin về các câu chuyện trên khắp thế giới. Cô là “founder” của trang web Trailblazers of Light, một trang web tôn vinh những người phụ nữ trong lĩnh vực Báo ảnh và những đóng góp mà họ đã thực hiện. Một trong những dự án nổi tiếng nhất mà cô thực hiện là những câu chuyện tài liệu về “comfort women” ở Hàn Quốc, về những nô lệ tình dục bị quân đội Nhật Bản sử dụng trong Thế chiến thứ hai.

Yunghi Kim cho rằng có một thế hệ những “nữ phóng viên ảnh thầm lặng” bị bỏ qua. Và có lẽ công việc của họ sẽ không bao giờ được ai biết đến. Tác phẩm của họ có thể đang nằm trong một tầng hầm cũ kĩ nào đó chất đầy những tờ báo, tạp chí và ảnh. Chúng có thể bị chôn vùi trong một kho lưu trữ mà họ không biết đến hoặc có thể không bao giờ có cơ hội được tiếp cận. Cô nói: “Họ rất can đảm. Họ không hề sợ hãi. Và họ là những người đi trước trong trong một biển những người đàn ông”. Vì thế nên Yunghi Kim đã tự làm điều đó. Cô lập một Website Trailblazers of Light để vinh danh những người tiên phong trong lĩnh vực Báo ảnh.

Tên của hơn 500 phóng viên ảnh đã được liệt kê trên trang web này, bắt đầu từ cuối thế kỷ 19. Những người phụ nữ đã thực hiện phóng sự từ khắp nơi trên thế giới, phần nhiều là ở những vùng có chiến sự hoặc những nơi nguy hiểm. Yunghi Kim nói: điều quan trọng là những cống hiến của họ không bị lãng quên.

Điểm qua một vài cái tên nữ phóng viên nhé!

Và để hiểu hơn về những nữ phóng viên ảnh can đảm này, chúng ta hãy cùng chiêm ngưỡng những bức ảnh tiêu biểu cùng một số thông tin tóm tắt về họ:

Những nữ phóng viên ảnh tiên phong trong lĩnh vực Báo ảnh | 50mm Vietnam
Bức ảnh chụp khi Frances Benjamin Johnston cùng với những đứa trẻ đang nhìn vào máy ảnh của bà. Johnston là một trong những nữ phóng viên ảnh đầu tiên. Bà làm việc cho Bain News Service được thành lập tại Thành phố New York vào năm 1898. Sự nghiệp của bà kéo dài 60 năm và từng làm việc cho nhiều cơ quan hành chính tại Nhà Trắng. Bà cũng được biết đến với những bức ảnh về kiến ​​trúc, trong đó có những công trình kiến ​​trúc lịch sử ở miền Nam.
Những nữ phóng viên ảnh tiên phong trong lĩnh vực Báo ảnh | 50mm Vietnam
Dickey Chapelle là một phóng viên chiến trường đã đi khắp thế giới để đưa tin về các cuộc xung đột khác nhau. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cô đã tham gia cùng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trong trận chiến Iwo Jima. Cô cũng đã thu thập những tư liệu về trận chiến Okinawa. Vào năm 1965, trong lúc Chapelle đang đưa tin về Chiến tranh Việt Nam thì cô đã bị giết chết bởi một quả mìn. Cô là nữ phóng viên chiến trường đầu tiên của Mỹ thiệt mạng khi đang tác nghiệp.
nu-phong-vien-anh-3
Lynsey Addario chụp ảnh phiến quân ở vùng Darfur của Sudan vào năm 2004. Addario đã đưa tin về các cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo ở nhiều quốc gia, bao gồm Afghanistan, Iraq, Libya, Syria và Somalia. Công việc của cô ở Afghanistan đã đóng góp vào giải thưởng Pulitzer mà The New York Times giành được vào năm 2009 cho phóng sự quốc tế. Addario còn từng bị bắt cóc hai lần khi làm việc trong vùng chiến sự. Cuốn hồi ký của cô, “It’s What I Do”, là một trong những cuốn sách bán chạy nhất của New York Times.
nu-phong-vien-anh-4
Phóng viên chiến trường Pháp Isabel Ellsen xử lý phim trong phòng tắm khách sạn ở Ả Rập Xê Út vào năm 1991. Cô đã ở đó để đưa tin về Chiến tranh vùng Vịnh. Cô cũng đề cập đến các cuộc xung đột ở những nơi khác trên thế giới. Một cuốn sách về những trải nghiệm của cô đã được chuyển thể thành bộ phim “Những bông hoa của Harrison”, lấy bối cảnh ở Nam Tư bị chiến tranh tàn phá.
nu-phong-vien-anh-5
Homai Vyarawalla là nữ phóng viên ảnh đầu tiên của Ấn Độ. Những hình ảnh của cô đã ghi lại đất nước của chính mình, đặc biệt là cuộc đấu tranh giành độc lập, từ những năm 1930 cho đến những năm 70. Trong khi làm việc với British Information Services, cô đã chụp ảnh nhiều nhà lãnh đạo của đất nước mình cũng như các vị chức sắc đến thăm. Nhiều bức ảnh của cô đã được xuất bản dưới biệt danh là Dalda 13. Sau đó, cô được trao tặng Padma Vibhushan, giải thưởng dân sự cao thứ hai của Ấn Độ.
nu-phong-vien-anh-6
Charlotte Brooks (ảnh chụp khi cô đứng bên trong một miệng cống được chụp năm 1957). Brooks là nữ phóng viên nhiếp ảnh duy nhất của tờ Look, tạp chí Mỹ xuất bản hai tuần một lần đưa tin chính về những câu chuyện chung thú vị từ năm 1937 đến năm 1971. Vào thời điểm mà hầu hết phụ nữ bị giới hạn bởi việc đưa những tin tức nhẹ nhàng, Brooks lại đề cập đến các vấn đề tương tự các đồng nghiệp nam của cô đang đề cập, những vấn đề bao gồm chính trị và chủng tộc.
nu-phong-vien-anh-7
Stephanie Sinclair là phóng viên ảnh về các vấn đề liên quan đến nhân quyền trên toàn cầu. Loạt ảnh về nạn tảo hôn đã truyền cảm hứng cho cô thành lập tổ chức phi lợi nhuận Too Young to Wed, nhằm mục đích trao quyền cho bé gái và chấm dứt nạn tảo hôn ở khắp mọi nơi. Tại đây, cô gặp một người phụ nữ ở Kenya có con gái tham gia Hội thảo ảnh Tehani. Hội thảo đã đưa máy ảnh cho các cô gái trẻ để họ kể nên câu chuyện của chính mình.
Amy Sancetta đã đưa tin về nhiều sự kiện thể thao lớn trên thế giới trong suốt sự nghiệp của mình với tờ Associated Press. Cô ấy đã chụp cho Super Bowl, World Series, World Cup và Thế vận hội,…Không chỉ chụp về đề tài thể thao, cô cũng là nhiếp ảnh gia cho doanh nghiệp quốc gia AP. Những bức ảnh của cô về chiến dịch tranh cử tổng thống của Bill Clinton là một phần của giải thưởng Pulitzer năm 1993.
Heidi Levine hoạt động chính tại Jerusalem, nơi từng là tiền tuyến của nhiều cuộc xung đột Trung Đông trong suốt sự nghiệp của cô. Tác phẩm đề cập đến cuộc chiến năm 2014 ở Gaza đã giúp cô giành được Giải thưởng Anja Niedringhaus đầu tiên cho sự can đảm, cống hiến của cô với công việc của mình. Cô nói: “Một số người nhìn chúng tôi như những con nghiện quá khích, nhưng đối với tôi và phần lớn các đồng nghiệp mà tôi đã biết trong suốt sự nghiệp của mình, chúng tôi chỉ đơn giản là nghiện tạo ra sự khác biệt trong thế giới này. Tôi muốn khán giả của mình biết rằng, đối với tôi, công cụ quan trọng nhất mà tôi mang theo không phải là máy ảnh, mà là trái tim và sự đồng cảm của tôi dành cho những người mà tôi đã ghi lại.”
Marion Carpenter là một trong những nữ nhiếp ảnh gia đầu tiên của Nhà Trắng. Cô là người phụ nữ đầu tiên tham gia Hiệp hội Nhiếp ảnh gia Tin tức của Nhà Trắng. Cô cũng là người phụ nữ duy nhất trong số các nhiếp ảnh gia đi cùng Tổng thống Mỹ Harry Truman. Một người phụ trách chuyên mục của Washington Times-Herald từng phàn nàn rằng Carpenter “chọc cười” theo cách của cô ấy để có được những bức ảnh của một thượng nghị sĩ. Sau đó, Carpenter vô tình gặp người phụ trách chuyên mục trên trong căng tin của Thượng viện và cô đã ném súp vào mặt anh ta.
Jessie Tarbox Beals được tờ Buffalo Inquirer thuê vào năm 1901. Việc này khiến cô trở thành nữ nhân viên nhiếp ảnh đầu tiên của một tờ báo Mỹ. Cô cũng được biết đến với công việc của mình tại World’s Fair năm 1904, nơi mà cô đã chụp những bức ảnh bằng cách đứng trên những chiếc thang hoặc chụp từ một chiếc khinh khí cầu. “Nếu một người sở hữu sức khỏe và sức mạnh, một sự nhạy bén với tin tức… thêm một bộ trang phục phù hợp với việc chụp ảnh và khả năng chen lấn, người đó đã có đủ yếu tố cần thiết nhất để trở thành một nhiếp ảnh gia thời sự”. Cô nói với một tờ báo St. Louis
Sharon Farmer là người Mỹ gốc Phi đầu tiên được thuê làm nhiếp ảnh gia chính thức của Nhà Trắng – vị trí mà chỉ có 11 người nắm giữ kể từ khi nó được thành lập vào năm 1961. Farmer chụp ảnh cho Tổng thống Bill Clinton, người được nhìn thấy trong bức ảnh cùng cô và con chó Buddy và chú mèo Socks của ông. Farmer bắt đầu làm việc tại Nhà Trắng dưới thời Clinton vào năm 1993, và được thăng chức làm nhiếp ảnh gia chính thức của Nhà Trắng vào năm 1998.
Carol Guzy dính đầy bùn trên người khi cô chụp ảnh hàng người nhận bánh mì tại một trại tị nạn ở Kukes, Albania, vào năm 1999. Guzy, một cựu nhiếp ảnh gia của Washington Post, là nhà báo đầu tiên trong lịch sử giành được bốn giải thưởng Pulitzer. “Ngày trước, thường xuyên có những câu chuyện về bất bình đẳng khi có rất ít những gương mặt nữ trong giới phóng viên ảnh. Và giờ đây thật tuyệt khi các sinh viên nhìn vào các thế hệ trước của họ, những người đi trước và nhận ra rằng những điều này không còn có thể ngăn cản đam mê của họ nữa”, Guzy nói. “Tôi thật may mắn khi có các biên tập viên tin tưởng tôi nhưng cũng truyền cảm hứng cho tôi. Hơn nữa, hầu hết các nữ phóng viên ảnh mà tôi biết đều rất tận tâm và cống hiến cho công việc của mình. Có thể nói thông qua lăng kính máy ảnh, chúng tôi nói lên tiếng nói của chính mình.”
Dorothea Lange, người cầm máy ảnh ngồi trên nóc một chiếc ô tô năm 1930. Cô nổi tiếng với những bức ảnh chụp những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc Đại suy thoái. Bức ảnh “Người mẹ di cư” của Lange về người lao động Florence Owens Thompson là một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng nhất của thời đại. Vào thời điểm đó, Lange đang làm nhiếp ảnh gia cho Cục Tái định cư, một cơ quan chính phủ đang tìm cách nâng cao nhận thức của cộng đồng về những người nông dân đang gặp khó khăn.
Joan E. Biren (Bức ảnh này được chụp khi cô đang chụp ảnh buổi tuần hành về Tu chính án Quyền bình đẳng tháng 3 ở Washington vào năm 1978). Biren, hay còn gọi là JEB, đã được ghi nhận trong cộng đồng LGBT trong nhiều thập kỷ. “Tôi bắt đầu chụp ảnh vào thời điểm mà hầu như không thể tìm thấy hình ảnh chân thực của những người đồng tính nữ”, cô nói với The New York Times vào năm ngoái. “Tôi muốn những bức ảnh của mình được mọi người nhìn thấy. Tôi tin rằng chúng có thể giúp xây dựng một phong trào đấu tranh cho sự giải phóng của chúng ta.”
Margaret Bourke-White chụp bức ảnh trên đỉnh một tòa nhà ở Thành phố New York vào năm 1931. Lúc đó bà đang làm việc cho tạp chí Fortune và là nhân viên nhiếp ảnh đầu tiên của công ty này. Trong sự nghiệp của mình, Bourke-White đã biên soạn nhiều tác phẩm đầu tiên. Cô là người phụ nữ đầu tiên được thuê làm phóng viên ảnh cho tạp chí Life. Cô là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đầu tiên của phương Tây được phép vào Liên Xô. Và cô là nữ phóng viên chiến trường đầu tiên được chứng nhận làm việc tại các vùng chiến sự trong Thế chiến thứ hai.
Ami Vitale, một nhiếp ảnh gia của tạp chí National Geographic, mặc trang phục gấu trúc khi ghi lại hình ảnh các cơ sở Trung Quốc dành riêng cho việc cứu loài gấu này. Đó là những trang phục mà các công nhân làm ở đó thường hay mặc bởi vì họ không muốn những con gấu quá quen thuộc với con người. Vitale đã đi đến hơn 100 quốc gia trong sự nghiệp của mình, cô từng chứng kiến ​​không chỉ bạo lực và xung đột mà còn là vẻ đẹp siêu thực và sức mạnh bền bỉ của tinh thần con người. Trong những năm gần đây, cô chuyển hướng tập trung vào những câu chuyện về động vật hoang dã và môi trường. “Kết hợp kể chuyện và nhiếp ảnh mang tới một sức mạnh vô hình giúp ta vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ và giúp chúng ta hiểu nhau hơn”, cô nói. “Chúng nhắc nhở chúng ta về mối liên hệ sâu sắc của con người với tất cả sự sống mà chúng ta chia sẻ trên hành tinh này.”
Akili Ramsess (bức ảnh được chụp năm 1981) là giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhiếp ảnh Báo chí Quốc gia. Trước đó, cô đảm nhận nhiều vai trò khác nhau tại các tòa soạn trên khắp nước Mỹ. Cô nói: “Tôi rất thích đứng sau máy ảnh, tôi nhận ra rằng mình cần phải lên tiếng trong tòa soạn với tư cách là một người ủng hộ hình ảnh trực quan, đặc biệt là về hình ảnh của người da màu và phụ nữ.” “Trong quá trình theo đuổi đam mê của mình, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình là người đi trước. Là một phụ nữ Mỹ gốc Phi, tôi đang đi trên con đường mà chỉ một số ít người đi. Nhiếp ảnh như một công cụ giúp tôi kể nên câu chuyện của mình.”
Bức ảnh Karen T. Borchers chụp tay ném bòng Dave Dravecky của San Francisco Giants trong giải đấu World Series 1989. Đó là mùa giải bị gián đoạn bởi trận động đất Loma Prieta. Borchers đang làm việc cho tờ San Jose Mercury News vào thời điểm đó và tờ báo đưa tin về trận động đất đã giành được giải thưởng Pulitzer. Borchers làm việc cho Mercury News từ năm 1982 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2012.
Berenice Abbott được biết đến nhiều nhất với tác phẩm về phong cảnh đường phố biến đổi của thành phố New York trong những năm 1930. Bà cũng chụp ảnh các danh nhân thế giới của đầu thế kỷ 20. Bà thừa nhận bản thân muốn đưa khoa học vào trong nhiếp ảnh.
Ruth Fremson, nhiếp ảnh gia cho The New York Times, làm việc tại Pakistan vào năm 2001. Cô đã đưa nhiều tin quốc tế trong suốt sự nghiệp của mình, bao gồm cả cuộc chiến ở Iraq và cuộc chiến tranh intifada lần thứ hai ở Trung Đông. Cô cũng đưa tin về các cuộc tấn công 11/9 và hậu quả của chúng ở Pakistan và Afghanistan. Cô giành được hai giải thưởng Pulitzer và hiện đang làm việc tại Seattle, nơi cô đưa tin các câu chuyện về Tây Bắc Thái Bình Dương cũng như các quốc gia.
Michelle Agins (ảnh vào năm 1972) trở thành nhiếp ảnh gia của New York Times vào năm 1989. Cô đã được đề cử hai lần cho giải Pulitzer, và vào năm 2001, cô và các đồng nghiệp của mình đã giành được giải Pulitzer phóng sự quốc gia cho loạt bài “Cuộc đua được sống ở Mỹ như thế nào.” Cô cảm thấy có trách nhiệm phải giúp đỡ những phụ nữ trẻ da màu khác muốn trở thành phóng viên ảnh. “Thật là thú vị bởi vì tôi đi bộ đến nhiều nơi và ở đó: ‘Có huyền thoại. Có kỳ lân của chúng ta ở ngay đó.” Bởi vì kỳ lân rất hiếm, cũng giống như các nữ phóng viên ảnh da màu.” cô chia sẻ.
Mary Ellen Mark (bức hình chụp vào năm 2008) là một trong những nhiếp ảnh gia tài liệu hàng đầu trong thế hệ của bà. Công việc của bà kéo dài nhiều thập kỷ, và đối tượng của bà trải dài từ những người nổi tiếng đến các nhà lãnh đạo thế giới đến những người ở rìa xã hội. Bà trở nên nổi tiếng vào những năm 1960 và gây dựng được danh tiếng là một nhiếp ảnh gia dũng cảm giúp những người mà bà chụp lấy lại được phẩm giá và sự công bằng cho họ. “Mary Ellen có khả năng đặc biệt là nhìn thấy sâu trong tâm hồn bạn. Bà giống như một người phụ nữ mang linh hồn của một con rắn”, người bạn Kelly Cutrone nói sau Mark qua đời vào năm 2015.
Bức ảnh này của Callie Shell chụp bởi Tổng thống Barack Obama trong khi Shell đưa tin về chiến dịch tranh cử của Obama vào năm 2008. Trong 15 năm, Shell đã chụp hàng nghìn bức ảnh về Obama và gia đình của ông, ghi lại thời gian họ tiến vào Nhà Trắng. Shell cũng là nhiếp ảnh gia chính thức của Al Gore trong nhiệm kỳ phó tổng thống của ông. Shell nói: “Thật là một chuyến đi tuyệt vời và vinh dự khi được nhìn thấy và chụp ảnh tất cả những người và những nơi tôi có mặt. Sự nghiệp của cô hiện đã gần bước sang năm thứ 40. “Tôi đã được bao quanh bởi những người phụ nữ mạnh mẽ và xuất sắc với tư cách là người cố vấn, đồng nghiệp, biên tập viên và sếp.”
Alexandra Boulat chụp ảnh những người tị nạn Afghanistan ở Pakistan vào năm 2001. Cô là một nữ phóng viên ảnh người Pháp đồng sáng lập VII Photo Agency. Tác phẩm của cô đã xuất hiện trên các tạp chí như National Geographic, Newsweek và Time. Những phóng sự mà cô thu thập là những câu chuyện về cuộc khủng hoảng Balkan, cuộc xâm lược Iraq và nạn buôn bán trẻ em ở Romania.
Tấm ảnh này của Esther Bubley được chụp vào năm 1944, bà bắt đầu sự nghiệp của mình bằng cách ghi lại cuộc sống của người Mỹ tại quê nhà trong Thế chiến thứ hai. Sau đó, bà đi khắp thế giới trong “thời kỳ hoàng kim” của phóng viên ảnh, chụp ảnh cho các tạp chí nổi tiếng như Life and Ladies ‘Home Journal. “Bubley tiếp cận các nhiệm vụ của mình với sự tò mò thực sự, tạo ra những bức chân dung đầy thử thách và bền bỉ về cuộc sống bình thường”, theo  National Museum of Women in the Arts.
Wendy Maeda chụp ảnh trận chung kết NBA năm 1985. Cô là một trong những phụ nữ người Mỹ gốc Á đầu tiên được thuê làm phóng viên ảnh toàn thời gian cho một tờ báo. Cô đã đưa tin tức, sự kiện và tin thể thao cho The Boston Globe. “Cô ấy giống như một người em gái của chúng tôi”, Yunghi Kim nói.
Trong hình, Mary F. Calvert đang thu thập những tư liệu về bệnh bại liệt xảy ra ở Nigeria vào năm 2010. Cô nói: “Tôi chuyên về các vấn đề nhân quyền được báo cáo không đầy đủ và bị lãng quên, đồng thời tích cực tìm kiếm các dự án về những người bị gạt ra ngoài lề và bị lãng quên nhất của xã hội”. Một trong những dự án gần đây của cô, được The New York Times đăng tải, kể về những người đàn ông bị tấn công tình dục khi phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ. Cô đã nhận được một số danh hiệu cho loạt ảnh này, bao gồm cả Canon Female Photojournalist Award.
Eve Arnold là người phụ nữ đầu tiên gia nhập công ty uy tín Magnum Photos. Trong sự nghiệp của mình, bà đã chụp ảnh cho nhiều nhân vật nổi tiếng và các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Nữ hoàng Elizabeth II, Malcolm X, Jacqueline Kennedy, Marilyn Monroe và Joan Crawford. Nhưng bà cũng dành sự chú ý của mình cho những người nghèo và những người bị tước quyền. Bà nói với BBC năm 1990: “Tôi không coi ai là người bình thường hay phi thường. Tôi thấy họ chỉ đơn giản là những con người đứng trước ống kính của tôi”.
Sally Soames đeo mặt nạ phòng độc ở Israel sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Iraq năm 1991. Là phóng viên ảnh người Anh từng làm việc cho các tờ báo The Observer và The Sunday Times, các bức ảnh của cô cũng xuất hiện trên các ấn phẩm khác như Newsweek và The New York Times. Cô làm việc trong các vùng chiến sự nhưng cũng chụp chân dung của các nhà lãnh đạo thế giới và những người nổi tiếng như Andy Warhol, Muhammad Ali và Sean Connery. Khi cô ấy chụp ảnh cho Ali, anh ấy nói với cô rằng anh ấy chưa từng gặp một nữ nhiếp ảnh gia nào trước đây.
Những nữ phóng viên ảnh tiên phong trong lĩnh vực Báo ảnh | 50mm Vietnam
Lee Miller, nhân vật đứng ở giữa, đang nói chuyện với những người lính trong cuộc giải phóng Rennes, Pháp, năm 1944. Bà từng là một người mẫu trước khi trở thành một nhiếp ảnh gia thời trang và mỹ thuật. Trong Thế chiến thứ hai, bà là nhiếp ảnh gia chính thức về chiến tranh của tạp chí Vogue ở London, và bà đã chụp ảnh ở các trại tập trung, London Blitz và trong cuộc giải phóng ở Paris. Bà được mô tả là người phụ nữ trong thời chiến: “Giống như những người phụ nữ mà bà chụp ảnh, Miller rất may mắn, kiên quyết và sở hữu khiếu hài hước mạnh mẽ”, Rachel Cooke của The Guardian viết vào năm 2015.
Những nữ phóng viên ảnh tiên phong trong lĩnh vực Báo ảnh | 50mm Vietnam
Anja Niedringhaus là một phóng viên ảnh người Đức từng làm việc cho Associated Press. Cô bị giết vào năm 2014 khi đang đưa tin về cuộc bầu cử tổng thống của Afghanistan. Một cảnh sát Afghanistan đã nổ súng vào cô và đồng nghiệp của cô, Kathy Gannon, khi họ đang đợi bên trong một chiếc xe hơi. Gannon sống sót sau cuộc tấn công. “Anja đã cho thấy một khía cạnh của Afghanistan mà ít ai từng thấy. Đó chỉ là một mất mát tàn khốc”, một đồng nghiệp nói với tạp chí Time. Trước Afghanistan, Niedringhaus đã làm việc ở nhiều khu vực xung đột và đã dành một thập kỷ để phục vụ các cuộc chiến tranh ở Nam Tư cũ. Santiago Lyon, phó chủ tịch và giám đốc hình ảnh của AP, cho biết Niedringhaus “luôn tình nguyện thực hiện những nhiệm vụ khó nhất và rất kiên cường trong việc thực hiện chúng hết lần này đến lần khác. Cô ấy thực sự tin vào sự cần thiết của hiện chứng”.
Những nữ phóng viên ảnh tiên phong trong lĩnh vực Báo ảnh | 50mm Vietnam
Paula Bronstein cưỡi trên lưng một chiếc xe máy ở Jakarta, Indonesia, năm 1998. Bronstein tác nghiệp chủ yếu tại châu Á và đã chụp ảnh nhiều khu vực có xung đột trong suốt ba thập kỷ qua. Cô nói: “Thường thì tôi cố gắng tập trung vào những câu chuyện được đưa tin ít liên quan đến các vấn đề con người, kinh tế và chính trị, phơi bày những nạn nhân thầm lặng của xung đột”, cô nói. Cuốn sách nổi tiếng của cô “Afghanistan: Giữa hy vọng và sợ hãi” ghi lại cuộc sống hàng ngày ở đất nước này, cho thấy những tiến bộ đã đạt được nhưng cũng là những vết sẹo đã để lại sau nhiều năm chiến tranh.

Tạm kết

Rõ ràng là qua những bức ảnh cũng như những thông tin về những nữ phóng viên ảnh được lồng ghép đan xen, chúng ta có thể thấy những đóng góp to lớn mà họ đã mang lại cho xã hội. Tuy nhiên nếu không có những trang web tôn vinh họ như Trailblazers of Light của Yunghi thì có lẽ những cống hiến này sẽ chả có ai biết đến. Trong số họ đã những người trong lúc đi làm nhiệm vụ phải bỏ mạng vì bom đạn, có người phải vào nhà giam đến 2 lần khi ghi lại những trận chiến khốc liệt. Tại sao họ vẫn kiên trì theo đuổi công việc? Cá nhân người viết cho rằng họ không chỉ liều mình vì công việc mà hơn cả họ chỉ đơn giản muốn cống hiến, đóng góp sức mình cho những giá trị sau này.

Trong những bức ảnh về các nữ phóng viên ảnh trên, mình đặc biệt ấn tượng với Heidi Levine với câu nói truyền cảm hứng mạnh mẽ : “Một số người nhìn chúng tôi như những cong nghiện quá khích, nhưng đối với tôi và phần lớn các đồng nghiệp mà tôi đã biết trong suốt sự nghiệp của mình, chúng tôi chỉ đơn giản là nghiện tạo ra sự khác biệt trong thế giới này”.
“Tôi muốn khán giả biết rằng, đối với tôi, công cụ quan trọng nhất tôi mang theo không phải là máy ảnh, mà là trái tim và sự đồng cảm của tôi dành cho những người mà tôi đã ghi lại.”

Vậy còn bạn? Bạn cảm nhận về những nữ phóng viên ảnh “phi thường” này như thế nào? Hãy bình luận cho 50mm Vietnam biết nhé!