Sẽ sớm thôi, chúng ta sẽ thấy Nikon trình làng một chiếc máy Z mới ở dòng máy cấp thấp (Nikon Z5 chăng?) nhằm cạnh tranh với Canon EOS RP vừa xuất hiện cách đây chưa lâu.
Khi Nikon “thả thính” một chiếc thân máy Z mới
Nhân dịp triển lãm thiết bị điện tử tiêu dùng CP+ đang diễn ra tại Nhật, hãng Nikon tiếp tục “thả thính” một loạt sản phẩm có thể sẽ được ra mắt trong năm nay, bao gồm một thân máy Z cấp thấp cùng nửa tá ống kính cao cấp S.
Đến thời điểm này, chúng ta đã nhìn thấy rõ ràng những động thái quyết liệt từ phía Nikon, theo đúng tuyên bố của họ từ cuối 2018 về việc dồn sức trong năm 2019 cho mirrorless. Mặc dù chậm hơn Canon, nhưng không có nghĩa là Nikon tỏ ra đuối sức trong cuộc chạy đua mirrorless, mà vẫn là các bước tiến vô cùng chắc chắn.
Và giờ hãy điểm qua những gì đặc sắc mà Nikon mang tới triển lãm CP+ 2019 có liên quan tới mirrorless thôi.
Hé lộ thông tin chiếc Z mới tại CP+
Trong CP+ năm nay, Nikon ngoài bộ đôi Z6 và Z7 thì một đại diện của Nikon cũng cho biết là hãng đang nghiên cứu và chuẩn bị cho ra mắt một chiếc máy Z “giấu tên”. Một chiếc máy mới, có thể sẽ có tên là Nikon Z5. Nikon cũng cho hay sản phẩm “Nikon Z5” này nhắm vào đối tượng khách hàng trung bình hoặc mới bắt đầu tiếp xúc với máy ảnh nhưng tài chính tốt, tương tự chiếc Canon EOS RP.
Chưa rõ sản phẩm tiếp theo này có thông số cụ thể ra sao, tuy nhiên chúng mình đoán rằng Nikon sẽ không làm các fan phải thất vọng. Bên cạnh đó, có khả năng chiếc “Nikon Z5” này sẽ không sử dụng thẻ nhớ XQD, thay vào đó là thẻ SD chuẩn UHS-II. Mặc dù thẻ nhớ UHS-II không rẻ như UHS-I, nhưng ít nhất điều này vẫn làm người dùng dễ chịu hơn thẻ nhớ XQD – giá “chưa dễ chịu”, cũng như cần đầu đọc riêng (và đắt).
Kèm theo đó là nửa tá ống kính mới
Chưa dừng lại ở sản phẩm “giấu tên”, Nikon tiếp tục trưng bày thêm nửa tá ống kính mới dòng S bao gồm:
- Nikkor Z 24mm f/1.8 S (dự kiến ra mắt 2019)
- Nikkor Z 85mm f/1.8 S (dự kiến ra mắt 2019)
- Nikkor Z 70-200mm f/2.8 S (dự kiến ra mắt 2019)
- Nikkor Z 20mm f/1.8 S (dự kiến ra mắt 2020)
- Nikkor Z 50mm f/1.2 S (dự kiến ra mắt 2020)
- Nikkor Z 14-24mm f/2.8 S (dự kiến ra mắt 2020)
Mặc dù số lượng ống kính được ra mắt trong năm nay không nhiều như đối thủ Canon, nhưng điều này cũng không làm cho Nikon Z yếu thế trước dòng EOS R. Với kinh nghiệm hơn 100 năm sản xuất ống kính nhiếp ảnh và thiết bị quang học dân sự/quân sự, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng chất lượng các sản phẩm của Nikon.
Đáng chú ý ở 4 ống kính 20mm f/1.8 S, 24mm f/1.8 S, 14-24mm f/2.8 S và 70-200mm f/2.8 S là vẻ ngoài giống với các ống kính ngàm F cho DSLR, chỉ khác ở điểm có phần vỏ đuôi dài hơn.
Xu hướng của Nikon (và một số hãng khác) là ống kính có thêm vòng điều chỉnh thông số (gán thông số tùy ý người dùng). Do dựa trên thiết kế ống kính ngàm F, nên việc kéo dài đuôi ống còn nhằm tạo thêm không gian để đặt vòng chỉnh thông số.
Thêm nữa, dường như Nikon đang “phổ thông” chi tiết màn hình LCD lên trên các ống kính S mới. Tuy vậy không phải ống kính nào cũng có màn hình để người dùng biết được khoảng nét trong khung hình của mình ở đâu. Đây cũng là điều mình đánh giá không cao về độ chi tiết ở các ống kính mirrorless Nikon nói riêng, cũng như các hãng khác nói chung, nếu so với các ống kính DSLR được in vạch báo hoặc có cả cửa sổ đo rõ ràng.
Chi tiết này đặc biệt hữu ích với những người cần dùng MF như phong cảnh, thiên văn (trong đêm tối không có điểm sáng ở xa “vô cực” thì MF là điều bắt buộc). Và đáng tiếc ống kính góc rộng như 20mm S, 24mm S có thân ống “trắng trơn”, không có bất cứ chỉ báo nào cho người dùng.
Chuyện gì sẽ diễn ra trong năm 2019?
Chưa rõ được tiếp theo Nikon sẽ có động thái gì, tuy nhiên những gì chắc chắn những gì Nikon chuẩn bị ra mắt sẽ làm người dùng cảm thấy thoải mái, tin tưởng ở sản phẩm đang dùng, cũng như khiến đối thủ phải mất ăn mất ngủ.
Nếu mọi thứ đúng như kế hoạch, cho đến hết năm 2019 Nikon sẽ đảm bảo dải tiêu cự cơ bản cho người dùng dòng Z, từ 14mm cho tới 200mm, đáp ứng được cho hầu hết các nhu cầu như chân dung, phong cảnh, thiên văn, kiến trúc, đường phố, sự kiện, thể thao trong nhà.
Cuối cùng, nếu Nikon chuẩn bị ra một chiếc Z cho nhóm khách hàng phổ thông, liệu có khả năng Nikon trình làng một chiếc mirrorless flagship như DSLR D5, nhất là năm 2020, Nhật Bản là chủ nhà của Olympic mùa hè – dịp cho các hãng máy ảnh đua nhau phô diễn cơ bắp?
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé
Những thông tin gần đây cho biết sẽ không có sự xuất hiện của ống kính DSLR nào trong năm nay đến từ hai ông lớn Nikon và Canon. Thế trận 2 đánh 1 sắp diễn ra?
Nikon: ống kính DSLR im hơi lặng tiếng
Mới đây trang web Nikon Rumors đã đăng tải thông tin về những ống kính dự kiến được Nikon ra mắt trong năm 2019. Không có bất cứ thông tin nào nhắc đến ống kính ngàm F, thay vào đó chỉ có ống cho hệ Z. Điều này tạo ra nghi vấn Nikon sẽ chỉ ra mắt ống kính Z trong năm nay?
Điều này cũng không làm các Nikonian quá bất ngờ vì Nikon đã đăng tải lộ trình ra mắt ống kính Z cho tới (khả năng cao) giữa năm 2020. Theo đó, trong năm 2019, dự kiến sẽ có 6 ống kính cho Z ra mắt gồm:
- “Siêu khủng long” 58mm f/0,95 S Noct
- 20mm f/1.8
- 85mm f/1.8
- 24-70mm f/2.8
- 70-200mm f/2.8
- 14-30mm f/4
Nikon Rumors cho hay họ đã được báo trước khả năng “rất cao” ống kính 58mm Noct sẽ được ra mắt vào tháng 1 này. Có lẽ phải tới cuối tháng chúng ta mới biết.
Riêng với 5 ống kính còn lại, chưa rõ khi nào sẽ được ra mắt, có lẽ sẽ rải rác từ giờ đến hết năm. Chúng mình tin rằng thời điểm xuất hiện sẽ rơi vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 (cùng ống 58mm), tháng 6 và tháng 10.
Canon: dốc toàn lực cho ống kính RF
Cũng như Nikon, trong một cuộc phỏng vấn ngắn với các chuyên viên của chi nhánh Canon châu Âu của trang Lensvid vào Photokina 2018 đã tiết lộ về kế hoạch ra ống kính năm 2019:
Chúng tôi sẽ tập trung vào ống kính RF trong năm sau, thay vì dàn trải cho mỗi thứ một ít. Do đó, trong năm 2019 sẽ không có ống kính DSLR nào được ra mắt
Theo một nguồn tin khác, những ống kính Canon RF sẽ ra mắt năm sau bao gồm 7 chiếc:
- RF 16-35mm f/2.8L (Chúng tớ nghe nói là 15 chứ không phải 16mm)
- RF 24-70mm f/2.8L
- RF 70-200mm f/2.8L
- RF 105mm f/1.4L
- RF 85mm f/1.8
- RF Ống kính Macro (có khả năng là 90mm)
- RF Ống kit thường (không thuộc dòng L)
Nói về những chiếc ống kính thì ống kit không thuộc dòng R dự kiến sẽ đi kèm chiếc EOS R dòng phổ thông sẽ ra mắt năm sau. Chưa rõ ống kính này có tiêu cự gì, nhưng với tiền lệ ống EF trước đây (EF 24-105mm f/3.5-5.6 IS STM), chúng mình tin ống kit này cũng là 24-105mm f/3.5-5.6. Một ống kính khác mà chúng tớ tin rằng cũng sẽ có giá bình dân, chính là chiếc 85mm f/1.8, đây sẽ là chiếc lens chân dung phù hợp với tầm tiền khoảng 10 triệu.
Còn với dải 3 ống kính zoom huyền thoại 16-35mm, 24-70mm và 70-200mm, đây chắc chắn là những sản phẩm sẽ ra mắt năm sau để thể hiện “độ lực” của Canon, cũng như hỗ trợ tốt nhất cho những người đã sở hữu EOS R.
Đáng chú ý trong số những chiếc lens này là sự xuất hiện tin đồn về ống kính 105mm f/1.4L. Tiếp sau 28-70mm f/2L thì đây là ống kính nổi bật thứ 2 của hệ RF. Với thiết kế của ngàm EF trước đây, các kĩ sư Canon hoàn toàn có thể thiết kế được ống kính tương tự, điều này không phải không có căn cứ khi Nikon với một chiếc ngàm nhỏ hơn đã có thể ra mắt được ống kính này rồi.
Tuy vậy có thể họ cảm thấy không cần thiết nên hệ EF cho tới giờ chưa có bất kì thông tin về sự xuất hiện của ống kính 105mm f/1.4. Thay vào đó, Canon “ỉm hàng” cho tới khi ra đời hệ RF. Ngàm lớn hơn đồng nghĩa với thiết kế cấu trúc ống tele khẩu to như thế này sẽ dễ dàng thực hiện hơn.
Trở lại với sự kiện chính là sẽ không có ống EF nào cho DSLR trong năm nay, việc tạm dừng không có nghĩa Canon sẽ bỏ rơi DSLR cùng hệ ống tích tụ hàng chục năm kinh nghiệm của họ. Chắc chắn rằng, sang năm 2020 – thời điểm diễn ra Olympic Tokyo, các ống kính DSLR sẽ xuất hiện trở lại.
Tạm kết
Việc cả Nikon và Canon chỉ có thông tin về việc ra mắt ống kính mirrorless khiến dân tình vô cùng “bối rối”. Đầu tiên người dùng DSLR sẽ cảm thấy hoang mang , băn khoăn phải chăng sẽ bị hãng bỏ rơi, không hỗ trợ nữa. Tiếp theo, có phải Canon/Nikon có kế hoạch “đánh hội đồng” Sony không?
Bỏ rơi thì chắc chắn sẽ không xảy ra, bởi F và EF đều là tinh hoa của hàng chục năm nghiên cứu, sản xuất thiết bị quang học của cả 2 hãng. Mirrorless là mảnh đất mới sẽ được tập trung hỏa lực, nhưng không vì thế mà bỏ đất cũ mà đi.
Còn nếu quả thực xảy ra sự kiện 2 thế lực hàng đầu làng máy ảnh kết hợp để phá thế độc tôn của Sony, thị trường sẽ trở nên kịch tính chưa từng có. Có lẽ hai hãng đã quá ngán ngẩm với việc Sony liên tục khẳng định mình là số 1 về mirrorless full-frame rồi.
Bên cạnh đó, không thể thiếu những cuộc khẩu chiến trên mạng giữa fan của các hãng Canon – Nikon với Sony. Lần đầu tiên chúng ta sẽ được chứng kiến người dùng Canon và Nikon đứng cùng chung chiến tuyến chăng?
Năm 2019 vừa đi qua được vài ngày, chúng ta sẽ còn rất nhiều thời gian để đón xem những sản phẩm mirrorless tiếp theo trong năm nay của 2 ông lớn sừng sỏ nhất làng máy ảnh này.
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé.
Hi vọng rằng, những trải nghiệm tại đại hội thể thao toàn quốc 2018 của mình sẽ giúp ích ít nhiều cho những bạn muốn theo đuổi ảnh thể thao một cách nghiêm túc.
Đại hội thể thao toàn quốc là nơi các tỉnh thành gửi đi những “thành phần” ưu tú nhất để chuẩn bị cho SEA Games 2019 và Olympic 2020 và vì thế chính là dịp cọ xát quý giá cho các vận động viên (VĐV) nước nhà. Đại hội này giúp xây dựng những lớp VĐV trẻ – những người sẽ trở lực lượng nòng cốt của các địa phương trong tương lai, đồng thời cũng có vai trò thúc đẩy phong trào thể dục thể thao trên cả nước.
Và vào những ngày cuối cùng của năm 2018, đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII được tổ chức tại Hà Nội, từ 25/11 đến 10/12. Góp mặt lần này là 63 đoàn, đại diện cho các tỉnh thành trong cả nước cũng như của Quân đội và Công an nhân dân.
Nói là dạo quanh đại hội, tuy nhiên do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, cũng như thời gian có hạn nên mình sẽ chỉ tập trung vào bộ môn Taekwondo – môn trọng điểm của thể thao Việt Nam trong các kì SEA Games, Asiad và Olympic.
Vậy để chụp ảnh thể thao, chúng ta cần chuẩn bị những gì?
Đầu tiên, bạn phải hiểu rõ môn thể thao mình sẽ chụp. Vì nó sẽ giúp bạn phán đoán (khá) chính xác tình huống sẽ xảy ra trên sàn đấu. Nếu như bạn cũng là một người từng đổ mồ hôi, công sức (thậm chí đổ máu) với một môn nào đó thì vấn đề này sẽ dể nắm bắt hơn rất nhiều, mọi thứ sẽ như một cuộc dạo chơi. Bản thân mình cũng có nhiều năm gắn bó với Taekwondo, vì vậy mình biết rằng mình có thể trông chờ những diễn biến gì trên sàn đấu. Còn nếu bạn còn xa lạ với bộ môn thể thao đó, hãy dành thời gian tìm hiểu về nó trước khi trực tiếp cầm máy ra chiến trường.
Đối với võ thuật nói chung và Taekwondo nói riêng, sẽ khó nếu bạn chụp thi đấu đối kháng vì những tình huống xảy ra vô cùng đột ngột, rất khó đoán định. Thật may, chúng ta lại có thể nghe huấn luyện viên và bạn bè của họ đứng ngoài sàn đấu “hò hét” và chỉ đạo, từ đó cũng có thể đoán được diễn biến tiếp theo (thường thì họ sẽ làm theo lời huấn luyện viên, nhưng cũng có khi là không).
Thiết bị là một yêu cầu quan trọng khác, nếu không muốn nói là quan trọng nhất. Các bạn sẽ cần các máy có tốc độ chụp liên tiếp khoảng 6 – 7 hình/giây để có thể chụp thể thao. Do đó, nếu các bạn đang sử dụng các máy như Canon EOS 70D, 80D, 6D Mark II, Nikon D7200, D7500, D610 thì chúng hoàn toàn có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chụp ảnh thể thao, bạn khỏi cần lo nhé!
Bên cạnh đó, những ống kính được khuyên dùng trong nhiếp ảnh thể thao là các ống kính tele từ 85mm cho tới 400, 500mm tuỳ trường hợp. Đối với thể thao trong nhà nói chung và Taekwondo nói riêng, các ống kính thường dùng sẽ không quá tiêu cự 200mm, nhưng cần có khẩu độ lớn để đảm bảo giữ được tốc độ cao (f/2.8, f/2. f/1.8).
Đến đây, sẽ có nhiều bạn cảm thấy băn khoăn, liệu các ống kính như 55 – 250mm có chụp được ảnh thể thao hay không. Câu hỏi này rất khó trả lời. Để chụp ảnh thể thao đóng băng khoảnh khắc, chúng mình sẽ cần tốc độ tối thiểu là 1/800s. Giả sử khẩu độ tối đa của ống kinh là f/2.8, để giữ tốc độ 1/800s, chúng mình sẽ cần đặt ISO 1600. Vấn đề ở đây là, với các ống kính khẩu nhỏ hơn, chúng mình sẽ phải đặt ISO cao hơn dẫn đến ảnh nhiều noise hơn: hoặc hi sinh giảm tốc, khi đó ảnh sẽ dễ bị nhoè. Ống kính tiêu cự dài, khẩu lớn thì đắt, rẻ thì lại chỉ có khẩu nhỏ. Vì vậy, ở đây ít nhất bạn sẽ cần rất nhiều may mắn và kĩ năng với ống khẩu nhỏ để có thể chụp ra các bức ảnh thể thao chất lượng đó.
Đối với mình thì 85mm f/1.8 và 70 – 200mm f/2.8 sẽ là 2 sự lựa chọn hợp lý. 85mm sẽ phù hợp nếu bạn có điều kiện tiến đến sát thảm đấu, cách khoảng 2 – 3m.
Dĩ nhiên, hành trang khi đến với một sự kiện thể thao của mình không gì khác ngoài chiếc Canon EOS 7D Mark II cùng ống kính EF 70-200mm f/2.8L USM.
Và cuối cùng, đừng quên mang theo ít nhất 2 chiếc thẻ nhớ 32GB (2 thẻ là tạm đủ cho cả ngày), cùng 2 cục pin đã sạc đầy nhé (nếu bạn không thể về nhà trong vài ngày thì hãy mang sạc pin và laptop). Muốn biết chụp ảnh thể thao nên dùng thẻ nhớ nào, các bạn hãy quay lại bài viết của chúng mình tại đây.
Thiết bị đã xong, vậy tiếp theo làm gì đây?
Khi mà thiết bị của các bạn đã sẵn sàng, việc tiếp theo là tìm vị trí thích hợp và cài đặt thông số cho máy.
Tìm vị trí chụp ảnh
Đối với vị trí, đây không đơn thuần là bạn kiếm một vị trí “tốt”, không ảnh hưởng đến ai (bạn cho là vậy). Trên thực tế (ở đây mình sẽ chỉ nói đến trường hợp bạn không có thẻ nhà báo), kiếm được vị trí tốt hay không phụ thuộc vào “tầm” của giải đấu, khả năng ngoại giao của bạn cùng cách quan sát hoạt động của bạn.
Nếu giải đấu ở tầm thành phố trở xuống, bạn sẽ thoải mái chạy quanh, miễn là một vài góc gần khu vực chuẩn bị của vận động viên thì không được phép “bén mảng” đến. Nhưng giải ở tầm miền cho đến toàn quốc, nó đòi hỏi óc quan sát của bạn, xem vị trí nào thì không cấm khán giả thì hãy “chiếm” ngay.
Đôi khi những vị trí ở cánh, không tốt như vị trí trên khán đài (vì không có ghế để “an tọa” khi mỏi) lại tốt hơn, cho bạn khung hình thông thoáng hơn và vì thế cũng khá thích hợp cho chụp ảnh thể thao.
Cài đặt thông số chụp ảnh thể thao
Về cài đặt máy, đối với các môn có chuyển động nhanh như võ thuật, cầu lông, tennis… sẽ yêu cầu thời gian phơi sáng cực nhanh, tối thiểu 1/1000 cho tới 1/1600 giây, thậm chí 1/2000. Tuy nhiên, mình lưu ý nhỏ ở đây rằng, chỉ khi các bạn chụp ngoài trời ban ngày với ánh sáng mạnh, hoặc sân vận động, nhà thi đấu cấp quốc gia thì điều kiện ánh sáng mới đủ để giữ tốc cao như vậy.
Bên cạnh đó, hãy nhớ cài đặt AI Servo hoặc AF-C, vì chủ thể lúc này di chuyển liên tục, thay đổi hướng và tốc độ vô cùng đột ngột.
Với các môn được xếp vào hàng thể thao trong nhà như võ thuật thì bạn cần ống kính khẩu độ lớn như 70-200mm f/2.8, 85mm f/1.8, 135mm f/2. ISO trong khoảng 1600 hoặc 3200, tùy theo khả năng của máy và điều kiện ánh sáng thực tế.
Chụp liên tiếp là cài đặt quan trọng khác trong chụp ảnh thể thao. Tối thiểu 6 hình/giây là đủ nhu cầu. Nên nhớ rằng, đã chụp thể thao thì không nên tiếc shot (mặc dù vậy, bạn vẫn nên cẩn trọng trong từng bức hình chụp ra, càng chụp cẩn thận, bạn càng đỡ mất công lọc ảnh, cũng như khoảnh khắc chỉ có 1 lần)
Cuối cùng, nếu có thể, bạn nên chụp RAW. Chẳng may ảnh có hơi tối và sáng chút, bạn vẫn có thể yên tâm chỉnh sửa lại cho vừa mắt.
Ảnh demo đại hội thể thao toàn quốc 2018
Và giờ thì hãy cùng 50mm Vietnam đến xem môn Taekwondo có gì hay ho nhé.
Bộ môn Taekwondo tại Đại hội thể thao toàn quốc 2018 ban đầu sẽ tổ chức ở cung điền kinh Mỹ Đình (Hà Nội). Tuy nhiên sau đó chuyển vị trí tới nhà thi đấu quận Bắc Từ Liêm, diễn ra từ ngày 2 đến 7/12/2018.
Giáp điện tử được đưa vào sử dụng từ năm 2010, dần phổ biến từ 2011 với ý định giúp cho trận đấu có kết quả được công minh hơn. Tuy vậy, nó cũng tồn tại một vài vấn đề như dù vận động viên đã hứng chịu đòn tấn công của đối phương vào trúng giáp, với lực khá mạnh nhưng điểm vẫn không được tính, khiến các cổ động viên và huấn luyện viên mừng hụt.
“Giáp đỏ” là võ sĩ Phạm Đăng Quang, dù mới 17 tuổi nhưng đã sở hữu nhiều thành tích ở cấp độ châu lục. Gần đây nhất, vào tháng 5 vừa qua, cậu đã giành được huy chương bạc đối kháng nam tại giải vô địch Taekwondo trẻ toàn châu Á, tổ chức tại nhà thi đấu Phú Thọ, TP HCM.
Từ vòng loại cho đến khi vào chung kết và giành huy chương vàng, cậu luôn luôn cho thấy sự áp đảo trước các đối thủ.
Đáng chú ý nhất trong ngày 4/12 là 2 trận chung kết đối kháng nam giữa đội Hà Nội – CAND và TP HCM – Quân đội.
Chung kết nam giữa đội Hà Nội với Công an nhân dân chiều ngày 4/12. CAND là đơn vị có phong trào Taekwondo rất mạnh, do đây là môn võ quan trọng trong công tác huấn luyện chiến sĩ. Đây có lẽ là trận chung kết “nhộn” nhất do cả 2 võ sĩ đều đã thấm mệt sau cả ngày dài trong thời tiết mùa hè của tháng 12 (:v). Càng về cuối, điều này càng thể hiện rõ sau mỗi lần ra đòn và di chuyển, cả 2 võ sĩ phải dừng lại để… thở.
Cả 2 đều là các đội lớn, do đó mỗi lần ra trận, các võ sĩ sẽ có lực lượng cổ động viên hùng hậu theo sau để hò hét và khích lệ tinh thần. Không khí tại nhà thi đấu lúc này không khác gì chỉ có Hà Nội và CAND.
Cuối cùng, đội Hà Nội đã giành được thắng lợi một cách kịch tính.
Chung kết nam giữa đội TP HCM (võ sĩ Phạm Đăng Quang) với Quân đội ngay sau trận trên.
Tại trận chung kết ở ĐHTT toàn quốc lần này, cậu đã giành chiến thắng trước những nỗ lực trong vô vọng của đối thủ.
Quyền (Poomsae) – được ví như tinh hoa của Taekwondo. Phần đông mọi người đều nghĩ đòn tay trong Taekwondo ít hoặc vô dụng, nhưng thực tế trong các bài quyền, số đòn tay mới là chủ đạo. Các đòn chân không chiếm nhiều trong quyền.
Phần thi quyền được được tổ chức vào ngày 6/12. Hiển nhiên, không thể không có Châu Tuyết Vân – hot girl của làng thể thao Việt Nam.
Đối kháng đồng đội là nội dung thi đấu được ấn định vào ngày cuối cùng (7/12). Theo đó, mỗi đội sẽ có 5 người, thi đấu trong 3 hiệp, mỗi hiệp 5 phút, thời gian nghỉ giữa hiệp là 1 phút. Bất cứ đội nào xin rút bớt người vì bất kì lí do gì, đội kia sẽ được cộng thêm 10 điểm.
Tạm kết
Đến đây, có lẽ những bạn nào có sở thích chụp ảnh thể thao đã phần nào hiểu thêm về thể loại mình đang muốn theo đuổi đúng không nào. Dĩ nhiên, để theo đuổi được một cách nghiêm túc cần khá nhiều công sức và tiền bạc. Dù vậy, chỉ cần bạn kiên trì, thành công sẽ sớm đến với các bạn. Chúc các bạn sẽ sớm có được những bức ảnh thể thao để đời!
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé.
Tin hay không tùy bạn, nhưng với cô phóng viên thể thao Kuk Thew ở dưới đây, chiếc máy ảnh thật sự đã thay đổi cuộc đời của cô và đưa cô đến vị trí mà trước giờ cô chưa từng nghĩ tới.
Các bạn Hà Nội đang hứng thú và tính chuyện đi xem giải đua xe Grand Prix sẽ được tổ chức lần đầu ở thủ đô vào tháng 4/2020 có lẽ nên sợ dần đi là vừa.
Đua xe Grand Prix và nguy cơ tai nạn tiềm tàng
Mới đây tại Macao (Trung Quốc) trong giải đua xe Grand Prix, một tai nạn vô cùng hi hữu đã xảy ra: một chiếc xe đua đã mất lái, va chạm với một xe của đội khác, bị bay lên và rồi hạ cánh (đúng là bay thật) trúng khu báo chí.
Tưởng như chuyện đùa, chỉ xảy ra trong các bộ phim hành động như Taken hay Transporter, nhưng việc này lại hoàn toàn có thật. Khi xảy ra tai nạn, chiếc xe bay với vận tốc lên tới 276 km/h, làm 5 người bị thương. Trong số những người bị thương có nữ lái xe Sophia Floersch bị gãy cột sống, 1 tài xế khác, 1 nhân viên hỗ trợ và 2 phóng viên ảnh là Minami Hiroyuki và Chan Weng Wang.
Có lẽ sẽ có bạn cảm thấy ngạc nhiên tại sao lại có nữ lái xe ở đây. Rất đơn giản, bởi vì trên thực tế, giải này dành cho nữ giới. Được biết thêm, lúc này cô gái chỉ mới 17 tuổi (quả là cô gái có cá tính mạnh mẽ).
Mặc dù chấn thương vô cùng nặng, nhưng dường như thần chết đã bắt hụt cô gái. Việc phẫu thuật cho cô gái sẽ diễn ra trong tuần này. Ngay lập tức trên Twitter, cô đã đăng tải dòng trạng thái đầy lạc quan:
Just wanted to let everybody know that I am fine but will be going into Surgery tomorow morning. Thanks to the @fia and @hwaag_official @MercedesAMGF1 who are taking great care of me.
Thanks to everybody for the Supporting messages.
Update soon.— Sophia Floersch (@SophiaFloersch) November 18, 2018
Tạm dịch: Tôi chỉ muốn nói rằng tôi vẫn ổn và sẽ phẫu thuật vào sáng mai. Cảm ơn @fia và @hwaag_official @MercedesAMGF1 đã quan tâm chăm sóc tôi rất nhiều. Cảm ơn mọi người vì những tin nhắn động viên. Tôi sẽ cập nhật tình hình nhanh thôi.
Nhà báo Úc thường trú tại Hồng Kông Christian Hart là một trong năm người tác nghiệp tại khu báo chí bị chiếc xe bay đến. Anh kể lại:
Mọi thứ diễn ra trong chớp mắt, âm thanh lúc đó thật ghê gớm. Trong khi tôi đang mải mê chụp thì có thứ gì đó bay vèo đến, mọi thứ trở nên hỗn độn, đồ đạc văng khắp nơi.
Lisboa là góc chụp nổi tiếng với chúng tôi, đó là một khúc cua tay áo sang phải. Không ai trong chúng tôi có thể hình dung ra nguy cơ tiềm tàng về tai nạn nghiêm trọng tại vị trí này.
[…]
Khi tai nạn xảy ra, tôi đang dùng Sony A9 và ống kính 70-200mm. Tôi đã cố gắng hết mức để thu được hình ảnh về vụ tai nạn.
Tôi tin rằng, thật may mắn cho cả chúng tôi và cô ấy (Sophia Floersch) khi khu gian báo chí được lắp ráp khá chắc chắn, không đổ sụp, và giữ ngay chiếc xe đua lại. Bằng không, có thể cô ấy đã mất mạng.
Tôi không dám tưởng tượng về cảnh chúng tôi đứng ở bên trái gian báo chí, nơi hứng chịu hoàn toàn cú va chạm. Thật may, tôi vẫn còn nguyên vẹn, nhưng 1 người đã phải vào viện. Hi vọng anh ấy sớm bình phục.
Một số hình ảnh về tai nạn tại giải đua xe Grand Prix Macao
Tạm kết
Nhiều bạn xem xong chắc cũng cảm thấy hơi lo ngại về giải đua xe Grand Prix tại Hà Nội sắp tới, chẳng may đi xem rồi bị “vạ lây”. Dù sao, các bạn cũng không cần quá lo lắng, xác suất xảy ra những tai nạn như thế này vô cùng nhỏ. Đồng thời, ban tổ chức sẽ phải sắp xếp và tính toán hàng rào đủ chắc chắn để đảm bảo an toàn cho khán giả.
Hi vọng rằng, giải đua xe Grand Prix F1 tại thủ đô vào năm 2020 sẽ thành công tốt đẹp và không “dính” những tai nạn hay sự cố đáng tiếc.
Theo Petapixel
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé.
Cùng với sự ra mắt của dòng EOS R, Canon có vẻ cũng đang chuẩn bị cho sự xuất hiện của nhiều ống kính RF mới. Tin đồn mới nhất sẽ về ống kính siêu tele DO.
Ống kính siêu tele – nơi phô diễn sức mạnh
Mảng ống kính tele trước giờ luôn là thế mạnh của các hãng DSLR “sừng sỏ” như Canon và Nikon, nơi tích lũy kinh nghiệm hàng chục năm nghiên cứu và sản xuất quang học của họ. Do đó khi trình làng các dòng mirrorless fullframe mới, họ cũng không hề giấu diếm ý định sản xuất các ống kính tele và siêu tele.
Chiếc siêu tele đầu tiên cho hệ ngàm mới RF
Mới đây trang web CanonRumors đã đăng tải thông tin về ống kính mới cho EOS R, mà nhiều khả năng sẽ là ống kính siêu tele sử dụng công nghệ DO (Diffractive optics – nhiễu xạ quang học).
Chắc chắn sẽ có nhiều bạn cảm thấy băn khoăn tại sao chưa có 70-200mm mà đã có siêu tele. Điều này thực ra không khó hiểu, khi Canon vừa ra mắt một đôi 70-200mm vào đầu tháng 6 vừa qua, cũng như EF 300mm f/2.8L USM là ống kính tele đầu tiên của hệ EOS (1987), được xếp vào hàng siêu tele, có lẽ Canon muốn làm một cú lịch sử lặp lại chăng?
Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là điểm cộng với những người dùng mong muốn ở một ống kính siêu tele dành cho mirrorless, thay vì phải mua ngàm chuyển để lắp ống EF (Rất nhiều khách hàng tỏ ra không thích ngàm chuyển, tạo cảm giác “thừa thãi không cần thiết).
Để tránh việc tạo ra khối lượng quá lớn cho “hành trang”, ống kính này được Canon sử dụng thiết kế DO, giúp tiết giảm đáng kể khối lượng ống kính so với thiết kế thông thường.
Cũng theo Canon Rumors, nguồn tin đó cho hay ống kính này sẽ không nhiều khả năng được sản xuất trên quy mô thương mại (thế thì nói làm gì nhỉ?)
Tương lai bí ẩn
Không rõ Canon đang “giấu hàng” gì, nhưng ít nhất chúng ta vẫn có thể suy luận được sớm muộn sẽ phải có một ống kính tiêu cự 200-300mm xuất hiện, làm phong phú hơn cho hệ ống RF.
Mặc dù vậy, trong suốt thời gian từ khi EOS R xuất hiện đến nay, chúng ta đã nghe quá nhiều các tin đồn về các ống kính RF sắp xuất hiện. Các tin tức này không thể kiểm chứng được, nên không thể nói trước được bất cứ điều gì về tương lai mirrorless fullframe của Canon.
Chúng mình sẽ cập nhật thêm tới các bạn ngay khi xuất hiện tin tức liên quan đến EOS R.
Theo Canon Rumors
Đừng quên chờ đón những thông tin mới từ các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé!
Những tín đồ của ống kính mang nhãn hiệu Sigma sẽ không thể vui mừng hơn khi hãng này vừa công bố về việc ra mắt bộ 5 ống kính mới, bao gồm cả tiêu cự 70-200mm thần thánh.
Không uổng công chờ đợi
Mới đây trang web Nokishita đăng tải thông tin về việc Sigma chuẩn bị ra mắt thêm bộ 5 ống kính mới cho người dùng hệ máy ảnh full-frame vào dịp Photokina tới đây. Đối với các tín đồ của Sigma thì sự chờ đợi của họ bao nhiêu năm qua giờ đã được đáp ứng.
Các ống kính sẽ xuất hiện bao gồm:
- Sigma 28mm f/1.4 DG HSM Art
- Sigma 40mm f/1.4 DG HSM Art
- Sigma 56mm f/1.4 DC DN (Cho mirrorless)
- Sigma 70-200mm f/2.8 DG OS HSM Sports
- Sigma 60-600mm f/4.5-6.3 OS HSM Sports
Mặc dù có tới 5 ống kính nhưng sự chú ý có lẽ sẽ tập trung về chiếc 70-200mm f/2.8 nhiều hơn, vốn là tiêu cự “thần thánh”, cũng là ống kính cần có đối với khá nhiều những người làm dịch vụ và dân chuyên nghiệp.
Nhìn lại lịch sử thì Sigma trước giờ luôn đuối hơn so với các hãng khác ở các tiêu cự tele, đặc biệt là 70-200mm, vốn là thế mạnh của 2 ông lớn Canon và Nikon, cũng như hãng “for” Tamron, chiếm được sự tin tưởng rất lớn của người tiêu dùng nhờ chất lượng sản phẩm tốt, cũng như giá cả vừa túi tiền (đối với Tamron).
Do đó Sigma chắc hẳn kì vọng rất lớn vào sản phẩm mới lần này, với hi vọng nó sẽ trở thành “con bài chiến lược”, giúp Sigma giành lấy phần nào thị phần ống kính tele từ tay 3 hãng trên.
Không rõ tốc độ AF cùng hiện tượng focus breathing của ống kính 70-200mm này sẽ như thế nào, nhưng với việc được xếp vào dòng Sports thì có thể thấy AF của ống này sẽ nhanh gần bằng các sản phẩm chính hãng, cũng như cải thiện phần nào focus breathing (mặc dù cũng không có hi vọng nhiều lắm).
Minh họa hiện tượng focus breathing với ống Sigma 50-100mm
Về ngoại hình, với những hình ảnh được đăng tải thì có thể thấy ống 70-200 mới của Sigma sẽ có kích thước tương tự với sản phẩm chính hãng, không đến mức to và nặng quá khổ như một số ống kính trước đây (Cụ thể ống 85mm f/1.4A hay 105mm f/1.4A), khiến việc sử dụng hơi bất tiện, nhất là trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, ống kính này được đưa xuống khá nhiều đặc điểm riêng có trên các ống kính tele và siêu tele cao cấp nhất (từ 200mm đổ lên), bao gồm nút dừng AF ở giữa thân ống cùng nút tùy chỉnh C1/C2. Hiện tại, Sigma chưa công bố việc đưa 2 tính năng này lên sẽ hữu ích đến đâu, nhưng điều này cho thấy hãng đã dành rất nhiều thời gian và công sức cho sản phẩm này.
Một số hình ảnh về các ống kính mới
- Sigma 28mm f/1.4 DG HSM Art
- Sigma 40mm f/1.4 DG HSM Art
- Sigma 56mm f/1.4 DC DN
- Sigma 70-200mm f/2.8 DG OS HSM Sports
- Sigma 60-600mm f/4.5-6.3 OS HSM Sports
Tương lai hứa hẹn
Với những gì đã đạt được trong nửa thập kỉ qua với dòng ống kính Art, hoàn toàn có thể thấy các ống kính mới với 70-200 là trung tâm sẽ giúp Sigma tiếp tục chiếm được sự tin tưởng của người dùng trong thời gian tới. Dự đoán rằng ống kính 70-200mm này sẽ có giá khoảng từ $1300 đến $1400. Đây là một mức giá vừa phải, chỉ bằng 2/3 sản phẩm chính hãng, làm hài lòng cho các tín đồ của Sigma.
50mm Việt Nam sẽ chuyển tải tới các bạn thêm nếu như chúng mình có cơ hội được trải nghiệm các sản phẩm mới này.
Theo Nokishita
Trong bài viết này bọn mình sẽ tổng hợp những video và hình ảnh được ghi lại bằng “đôi bạn cùng tiến” Nikon Z6 – Z7 với các ống kính F và Z.
Việc Nikon ra mắt cặp đôi mirrorless Z6 – Z7 chẳng khác gì sét đánh giữa ban ngày, “kinh thiên động địa”, làm cho cộng đồng người dùng Nikon bấy lâu nay như chợt tỉnh giấc, cũng đồng thời khiến cho đối thủ sừng sỏ “không nói thì ai cũng biết là ai” nổi tiếng với TV và Playstation phải nóng mắt, như ngồi trên đống lửa khi đứa con cưng A7 III đang ở tình thế như bị con dao sắc lẹm kề vào cổ.
Bây giờ khi tất cả đã rõ ràng về ngoại hình và thông số kĩ thuật, cái mà chúng ta tò mò tiếp theo đó là video và ảnh ghi lại từ bộ đôi mới này ra sao. Chắc chắn rằng với kinh nghiệm của mình, thiết bị của Nikon chắc chắn sẽ cho ra sản phẩm tốt (hoặc cực tốt).
Trong bài viết này, 50mm Việt Nam sẽ tổng hợp những video cùng các hình ảnh được ghi lại bằng bô đôi Z6 – Z7, cũng như đánh giá từ các kênh uy tín.
Video demo
Video của DPReview
tại 8:24 người xem có thể thấy ảnh chụp thử với Z7 và 70-200 f/2.8E FL ED VR qua ngàm chuyển, ảnh ra sắc nét, không bị out.
Video của DPReview minh họa cho khả năng bám chủ thể nhanh và chính xác của Z7
Video demo khả năng nhận diện khuôn mặt
ngay cả khi chủ thể..quay gáy lại thì máy vẫn không chuyển sang đối tượng khác.
Đánh giá từ trang bán lẻ B&H,
Nhìn qua khá ảo, chúng ta cũng có thể thấy chiếc ống siêu tele cho DSLR mới nhất AF-S 500mm f/5.6 E PF ED VR ra cùng lúc với bộ đôi này,
Demo profile màu N-Log mới của Nikon
Review nhanh chiếc Z7 bởi Kai Wong
Từ phút 6:30 trở đi, Kai demo tính năng tracking video khá tốt.
Review từ digiDIRECT
Review từ Tony and Chelsea Northrup
Có so sánh qua với D750, D850, A7 III và A7R III
Review từ Gordon Laing, ông cho rằng sản phẩm mới vẫn chưa đủ mạnh để “thịt” Sony
Hình ảnh mẫu
Tạm kết
Có thể thấy chất lượng hình ảnh và video của bộ đôi này khá ổn, cùng với hệ ống kính khổng lồ mà Nikon gây dựng trong suốt bao năm qua thì chắc chắn những sản phẩm này sẽ làm hài lòng cả những người dùng khó tính nhất, mặc dù rằng, một số hạn chế vẫn hiển hiện ra, như việc thời lượng pin không được cao (Mặc dù dùng biến thể “b” của pin EN-EL15, một trong những cục pin trâu bò nhất của Nikon, cũng như so với FZ-100 của Sony A7 III), và việc chỉ có 1 khe thẻ XQD, người dùng sẽ phải tốn thêm mớ tiền cho “bộ nhớ”.
Chắc chắn rằng, thời gian tới đây chúng ta sẽ thấy “thế giới” mirrorless sẽ có những sự chuyển biến đáng kể, mà cụ thể Nikon đe dọa nghiêm trọng đến thị phần của Sony, cũng như đứa con A7 III và A7R III.
Dưới đây là những bí mật nho nhỏ có thể bạn chưa từng nghe về ống kính Canon EF. Có những điều nghe tưởng khó tin, nhưng nó lại hoàn toàn là sự thật.
Đây sẽ là tin mừng cho các Canonian đang sử dụng các máy EOS dòng M, cũng như những ai đang trông đợi ở một ống kính zoom tele cao cấp.
Hãy cân nhắc trước khi xem, bởi lẽ nếu không giữ được bình tĩnh sau khi ngắm những hình ảnh về kho thiết bị khủng dưới đây thì hầu bao của các bạn sẽ vơi đi đáng kể đấy.
Dường như các Canonian sẽ cảm thấy phấn khởi khi biết tin Canon sẽ cho ra mắt “dàn sao mai” phân khúc cấp thấp trong tháng này.
Hãy cùng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Ống kính nào chụp chân dung tốt nhất?” trong tập 9 của Nhiếp Ảnh 360 Mùa 2 nhé!
“If memories could be canned, would they also have expiry dates? If so, I hope they last for centuries.”
Tiếp theo phần 1 của Kỷ nguyên Canon EOS, 50mm Vietnam xin tiếp tục giới thiệu cho các bạn về những thành tựu 30 năm qua của một trong những hãng máy ảnh “to béo” nhất thế giới, Canon.