1. Đo sáng là thế nào nhỉ? Đo sáng chuẩn không cần chỉnh như thế nào bây giờ?
Có lẽ bất cứ một người chụp ảnh nào cũng biết đến tầm quan trọng của ánh sáng trong Nhiếp ảnh. Ai cũng thừa biết rằng ánh sáng chan hòa thì ảnh bao giờ cũng dễ đẹp hơn là ảnh chụp trong hoàn cảnh thiếu sáng. Tuy nhiên, không phải ma mới nào cũng biết đo sáng là cái gì, chứ đừng nói đến việc đo sáng chuẩn không cần chỉnh. Mà cay cú một nỗi là chính vì cái sự “lơ mơ” này, khi ở cùng một điều kiện ánh sáng, có người lại chụp siêu đẹp, còn ma mới lại đành hùi hụi tiếc nuối ôm máy ra về.
Vậy bạn đã bao giờ nghe đến những cụm từ như là Đo sáng điểm, Đo sáng Ma Trận hay Quy tắc “18 shades of grey” chưa? Nếu chưa thì bài viết hôm nay sẽ là bài “vỡ lòng” về đo sáng, giúp các bạn thoát xác thành một người đo sáng chuẩn không cần chỉnh đấy.
2. Để đo sáng chuẩn không cần chỉnh thì phải hiểu những điều cơ bản trước
“18 shades of grey” nghe có vẻ giống tên một bộ phim nào đó phải không nào? Tuy nhiên, những sắc thái được nhắc tới ở đây lại không sexy như trong phim nhưng lại cực kỳ logic nhé.
Nào hãy thử tưởng tượng chiếc máy ảnh thân yêu của bạn chỉ có thể “cảm” được màu đen và trắng, hay nói cách khác là chỉ nhận biết được sáng và tối, chứ không nhận biết được màu sắc nhé. Và quy trình đo sáng chuẩn không cần chỉnh cho một bức ảnh là như thế này. Đầu tiên, máy ảnh sẽ đo điểm sáng nhất và tối nhất trong bức ảnh, sau đó tùy thuộc vào chế độ đo sáng mà bạn đang sử dụng (đo sáng điểm, đo sáng chính giữa, …), chiếc máy sẽ tính toán để cho ra một bức ảnh có sắc thái xám 18%, độ xám tốt nhất để giúp bạn nhận diện các chi tiết. Đây chính là quy tắc “18% Grey” mà bạn có thể bắt gặp đâu đó trên các tài liệu về Nhiếp ảnh.
Như ở hình ảnh trên, tôi dùng chế độ Đo sáng toàn khung (evaluative/matrix metering). Điểm sáng nhất chính là những bức tường trắng, chiếc áo màu trắng của cô bé đang đạp xe và điểm tối nhất là quần của cô bé đó và các cánh cửa tối màu. Máy ảnh sẽ tính toán để đo sáng làm sao giúp bạn có được một bức ảnh có độ xám 18%, không quá sáng và cũng không quá tối.
3. Ba chế độ cơ bản giúp bạn đo sáng chuẩn không cần chỉnh
3.1 Đo sáng toàn khung (Evaluative/Matrix Metering)
Với chế độ đo sáng toàn khung, máy ảnh sẽ chia khung hình ra làm nhiều khu vực và áp dụng thuật toán đặc biệt (của từng hãng) để đo sáng cho toàn bộ khung hình, từ đó bức ảnh chụp ra sẽ có độ sáng trung bình giữa tất cả các chi tiết trong ảnh. Đây là một chế độ khá hay được sử dụng trong các bức ảnh phong cảnh hoặc trong những điều kiện ánh sáng chan hòa.
Thường thì máy ảnh sẽ nhận được ánh sáng chính xác như bạn muốn (đặc biệt là trong những trường hợp ánh sáng lý tưởng). Nhưng thỉnh thoảng thì đời cũng không như là mơ, đó chính là khi bạn chụp những cảnh tối hay nghệ thuật một chút (Low key chẳng hạn), có thể bạn sẽ không có được sản phẩm đúng ý mình cho lắm.
- Hữu dụng khi nào: Phù hợp với đa số trường hợp, đặc biệt là chụp phong cảnh, hoặc các khung hình có ánh sáng chan hòa.
- Không khuyến khích hoặc không hiệu quả: Các ca chụp ngược sáng.
3.2 Đo sáng điểm (Spot Metering)
Với chế độ này, máy ảnh sẽ đo sáng từ một điểm cố định trong khung hình. Chính vì vậy, đây còn đc gọi là chế độ đo sáng điểm và với chế độ này, sẽ có 3 – 5% khung hình được đo sáng tuỳ theo điểm lấy nét (do bạn tự chọn). Chế độ này rất phù hợp với các bức ảnh chân dung bán thân hoặc các khung hình có ánh sáng phức tạp.
- Hữu dụng khi nào: Phù hợp với các trường hợp chụp ngược sáng, các khung hình có độ chênh sáng cao hoặc các trường hợp dễ bị cháy sáng như chụp áo dài, chụp đồ màu trắng.
- Không khuyến khích hoặc không hiệu quả: Khi chụp các trường hợp có ánh sáng chan hòa, đơn giản.
3.3 Đo sáng trung tâm (Center-Weighted Metering)
Với chế độ đo sáng trung tâm, máy ảnh sẽ đo ánh sáng phần giữa khuôn hình và cân sáng bức ảnh của bạn dựa vào đó. Chế độ này khác với đo sáng toàn khung ở chỗ nó sẽ chỉ đo sáng phần ở giữa và bỏ qua các chi tiết khác ở góc ảnh, ví dụ nếu bạn chụp một bức ảnh chân dung cận cảnh với mặt trời xuất hiện ở góc hình, trong trường hợp này máy sẽ hoàn toàn bỏ qua mặt trời mà chỉ tập trung vào chủ thể ở trung tâm bức hình.
- Hữu dụng khi nào: Phù hợp với khi bạn muốn ưu tiên các chủ thể chiếm phần lớn ở trung tâm khung hình.
- Không khuyến khích hoặc không hiệu quả: Khi chủ thể không nằm ở trung tâm khung hình.
4. Chế độ đo sáng chúng tôi dùng nhiều nhất:
Chế độ đo sáng mà các phó nháy của 50mm Vietnam ưa dùng nhất chính là đo sáng điểm (Spot-Metering). Chính vì máy ảnh đo sáng từ một khu vực nhỏ trong khung hình, bạn có thể chọn được giá trị phơi sáng bạn muốn một cách chính xác và nhanh chóng. Đây chính là cách để bạn có được độ phơi sáng hoàn hảo “trong một nốt nhạc”.
Tuy nhiên, là một người chụp ảnh thì cũng nên có sự linh hoạt bạn nhé, trong các trường hợp ánh sáng đơn giản, chan hòa thì chế độ Đo sáng toàn khung (Evaluative metering) sẽ giúp bạn có những bức ảnh ổn hơn nhiều đấy!
Đó là tất cả những gì có trong bài viết này, chúng tôi rất hi vọng thông qua bài viết này, các bạn đã hiểu thêm một chút về đo sáng, nếu có bất cứ thắc mắc hay góp ý nào, hãy gửi feedback cho bọn mình qua fanpage của 50mm Vietnam nhé!
Hẹn gặp lại các huynh đệ trong số tới của “Bí kíp nhập môn”!
Hôm nay 50mm Vietnam sẽ đưa đến cho những fashionista mê nhiếp ảnh một vài gợi ý nho nhỏ về phụ kiện thời trang, đó là những huy hiệu và miếng vá đến từ Asilda Store. Đây là những sản phẩm của nhiếp ảnh gia Anastasia Petukhova, người sáng lập của dòng sản phẩm gồm những miếng vá và huy hiệu mang phong cách nhiếp ảnh dành cho những người yêu thích nhiếp ảnh và tất nhiên là cả thời trang nữa.
Một đoạn video trong series Matt Mangham’s Analog xuất hiện trên mạng vài tháng trước đã bật mí hình ảnh Petukhova và những sản phẩm của cô. Đoạn video dài 4 phút giới thiệu về dự án nhiếp ảnh film có sự tham gia của Petukhova cũng như những sản phẩm cô đang kinh doanh.
[ecko_vimeo]136842883[/ecko_vimeo]
Dưới đây là một số thiết kế đang được bán tại trang website của Asilda Store:
Huy hiệu và miếng vá “Best Job” được bán với giá $7.50
Huy hiệu và miếng vá “Think First” được bán với giá $7.50
Miếng vá “I Shoot Film” được bán với giá $10
Miếng vá “Go Out and Shoot” được bán với giá $10
Miếng vá “Vision is Everything” được bán với giá $8.50
Miếng vá “Never Stop Shooting” được bán với giá $7.50
Huy hiệu “Shoot with Purpose” được bán với giá $7.50
Huy hiệu “Stop and Look” được bán với giá $7.50
Huy hiệu “Wedding Photographer” được bán với giá $10
Huy hiệu “Vintage Photographer” được bán với giá $10
Chúng tôi sẽ rất háo hức nhìn thấy một ngày nào đó các bạn comment với chúng tôi rằng: Bạn đã sở hữu những phụ kiện nho nhỏ này thông qua lời giới thiệu của 50mm Vietnam đấy nhé!
Với anh em chụp ảnh, có lẽ RAW chẳng phải là một thuật ngữ xa lạ. Tuy nhiên, đối với nhiều người dùng phổ thông và những ma mới trong làng nhiếp ảnh, định dạng ảnh RAW có lẽ vẫn là một “người lạ” chờ được tìm hiểu kỹ càng hơn.
1. Chụp ảnh RAW khác gì so với chụp ảnh “thông thường”?
Đầu tiên, RAW là một loại định dạng ảnh. Điểm khác biệt giữa định dạng ảnh RAW và định dạng JPEG phổ thông nằm ở quá trình đọc và nén file.
- Với JPEG – loại định dạng ảnh phổ biến nhất, khi một tấm ảnh được chụp, máy ảnh sẽ nén các điểm ảnh mà nó nhận được. Điều này có nghĩa là bạn sẽ nhận được một bức ảnh gồm những điểm ảnh đã được nén dẫn đến chất lượng ảnh có thể bị giảm đi.
- Với RAW thì hoàn toàn khác. Khi bạn chụp một bức ảnh ở định dạng RAW, máy ảnh sẽ nhận và ghi lại tất cả những gì cảm biến máy ảnh ghi nhận được. Điểm ảnh trên một tấm ảnh RAW sẽ không bị nén. Chính vì vậy, file RAW thường có dung lượng lớn hơn bởi các điểm ảnh ở định dạng này không bị nén.
2. Xử lí hậu kỳ với định dạng ảnh raw như thế nào?
Bạn sẽ cần những phần mềm hậu kỳ đặc biệt để xử lí ảnh RAW. Chính vì một tấm ảnh RAW bao gồm mọi thứ cảm biến máy ảnh “nhìn” thấy, bạn sẽ cần chỉnh sửa rồi nén file ảnh lại để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Trớ trêu thay, thường thì sau bao nhiêu công đoạn, sản phẩm cuối cùng của bạn lại là một bức ảnh với định dạng JPEG. Vậy tại sao bạn cần chụp RAW vậy? Lý do đơn giản nhất là vì định dạng ảnh RAW cho bạn khả năng kiểm soát độ nén của tấm ảnh. Và bạn biết gì không? Chính bạn sẽ là người chỉnh sửa và xử lí các điểm ảnh theo đúng phong cách và sở thích của bạn, chứ không phải chiếc máy ảnh của bạn.
Bởi những lí do đã nêu, chính bạn sẽ là người kiểm soát những thông số của bức ảnh như cân bằng trắng, độ tương phản, vùng tối, vùng sáng, màu sắc và độ bão hòa màu kể cả sau khi tấm ảnh đã được chụp. Chỉ có một trở ngại duy nhất đó chính là bạn sẽ cần một phần mềm đặc biệt để có thể làm được như trên.
Phần lớn các máy ảnh sẽ đi kèm với phần mềm xử lí định dạng ảnh RAW cho máy tính của bạn. Với những người mới, đây là một điểm xuất phát tốt nếu bạn muốn táy máy một chút với định dạng ảnh RAW. Nhưng bạn sẽ mất kha khá thời gian để quen với những phần mềm này đấy nhé. Một cách khác cho những anh em ưa vọc vạch đó chính là những phần mềm chỉnh sửa ảnh như Aperture, Lightroom hay Photoshop; những phần mềm này thậm chí còn mạnh mẽ và hữu ích hơn rất nhiều so với những phần mềm mặc định của máy ảnh. Trong một số trường hợp, khi chiếc máy ảnh của bạn quá đời mới và tân tiến, có thể các phần mềm nêu trên sẽ chưa kịp update để hiểu được định dạng ảnh raw từ chiếc máy ảnh mới của bạn. Lúc này, bạn chỉ còn lôi đĩa ra cài và quẩy phần mềm mặc định cho máy thôi.
3. Tính thực tiễn của định dạng ảnh RAW
Có một vài vấn đề bạn sẽ cần cân nhắc trước khi quyết định có sử dụng định dạng ảnh RAW hay không.
- Đầu tiên, không phải máy ảnh nào cũng có thể chụp ảnh RAW. Phần lớn máy ảnh DSLR ngày nay đều có thể chụp được RAW nhưng một vài máy point-and-shoot (máy ảnh du lịch) cũ hơn sẽ không có tính năng này.
- Thứ hai, dung lượng file RAW lớn hơn khá nhiều so với ảnh JPEG, chính vì vậy bạn sẽ cần tới những chiếc thẻ nhớ với dung lượng lớn hơn. Tuy nhiên, hiện nay thẻ nhớ khá rẻ nên có lẽ đây cũng sẽ không phải là một vấn đề lớn.
- Và cuối cùng, là một lợi thế cho “phe” định dạng ảnh Raw. Bạn có thể dễ dàng chuyển định dạng ảnh RAW thành JPEG nhưng sẽ không có chiều ngược lại. Có lẽ đây là một sự thật đã quá hiển nhiên, bởi file RAW chứa đầy đủ thông tin cảm biến máy ảnh ghi nhận được trong khi JPEG chỉ là tập hợp của những điểm ảnh đã được nén lại. Bạn không thể chuyển ngược file đã nén thành file đầy đủ được.
4. RAW và JPEG – bạn chọn ai?
Đọc đến đây có lẽ các bạn cũng đã hiểu qua thế nào là RAW và thế nào là JPEG, và chắc cũng có suy nghĩ của bản thân rồi, tuy nhiên 50mm Vietnam cũng vẫn sẽ đưa ra vài lời khuyên giúp các bạn chọn được loại file phù hợp nhất với từng mục đích sử dụng.
Nếu bạn đã hài lòng với những tấm hình đã và đang chụp, bạn chẳng cần đến những Photoshop hay Lightroom làm gì vì tự thấy ảnh của mình hơi bị đẹp rồi thì có lẽ bạn sẽ chẳng cần sờ đến RAW đâu. Tuy JPEG sẽ giới hạn việc chỉnh sửa của bạn, bạn vẫn có thể trang điểm qua cho những tấm hình của mình khá là nhanh.
Cơ mà, nếu bạn thích vọc vạch ảnh ọt hoặc định hướng muốn làm kinh tế với những bức ảnh của mình thì hãy thử RAW đi. Định dạng này chính là trợ thủ đắc lực trong việc chỉnh sửa ảnh nếu bạn muốn trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đấy. Kể cả những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cũng có thể phải dành khá nhiều thời gian để chỉnh sửa tác phẩm của mình, chính vì vậy nếu bạn muốn cạnh tranh với những cao thủ thì hãy dành thời gian luyện công thêm đi nhé. Có một vài người đã nói rằng việc chỉnh sửa hậu kì chiếm tới 30% thành công bức ảnh của họ cơ đấy nhé!
5. Hãy cứ thử đi nào!
50mm Vietnam có lời khuyên cho các bạn là: Hãy cứ thử đi nào các chàng, trai cô gái, tôi cá là các bạn sẽ ngạc nhiên bởi sức mạnh của RAW trong quá trình hậu kì vì khả năng điều chỉnh cực mạnh của nó. Nhưng cũng nên nhớ là RAW tuy mạnh mẽ, nhưng không phải vạn năng và không phải trường hợp nào cũng có thể cứu cánh cho các tấm chụp ảnh không tốt. Và rằng một bức ảnh đẹp còn cần đến cả người cầm máy nữa, một bức ảnh RAW cũng sẽ chỉ là một bức ảnh tầm thường nếu bạn quá dựa vào việc chỉnh sửa chứ không quan tâm đến việc “bấm máy”.
Đừng quên theo dõi những thông tin nhiếp ảnh mới nhất được 50mm Vietnam cập nhật liên tùng tục trên website. Và cũng đừng quên kết nối với bọn mình qua fanpage nhé! 50mm sẽ rất vui nếu nhận được phản hồi từ các bạn. Và nếu các bạn muốn học thêm về nhiếp ảnh cơ bản thì nhớ click vào đây nhé. Có vô vàn những kiến thức rất lý thú đang chờ đợi các bạn đó! Cảm ơn các bạn rất nhiều.
Có lẽ nhiều anh em đã khá quen với việc Photoshop đột quỵ giữa chừng. Hãy nghĩ thử xem, nếu như bạn đã và đang làm việc vất vả trên với Photoshop rồi đột nhiên cửa sổ Photoshop tắt phụt, kèm theo thông báo: “Adobe Photoshop has stopped working…“. Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Tức giận? Chán nản? Khó chịu vì lại muộn deadline hay thậm chí tiếc nuối vì mất đi “kiệt tác để đời”? Nhiều người đã chấp nhận sống chung với lũ. Tuy nhiên, luôn luôn có cách để giải quyết mọi vấn đề, ví dụ như lăn chuột xuống một chút và đọc nốt bài viết này chẳng hạn.
Điều đầu tiên cần làm là hãy update bản mới nhất cho Photoshop của bạn đi (à nhưng mà nhớ google xem võ lâm đồng đạo có đấm đá gì về phiên bản mới nhiều không đã nhé), tiếp theo là cài đặt cả các driver mới nhất cho phần cứng máy tính của bạn nữa. Xong xuôi hết cả rồi thì bắt tay luyện các chiêu thức bí truyền này của 50mm Vietnam thôi:
1. Hãy dọn dẹp máy tính của bạn nào:
Photoshop yêu cầu khá nhiều bộ nhớ trên máy tính của bạn. Vậy nên hãy kiểm tra xem các ổ đĩa của bạn có bị đầy hay không, sau đó hãy thử xóa hay chuyển những file không cần thiết sang một ổ đĩa khác nhé.
Đây cũng là một thói quen tốt để máy tính của bạn chạy mượt hơn nhiều đấy.
2. Hãy hạn chế mở nhiều thứ một lúc:
Bạn đang làm việc với nhiều dự án cùng một lúc? Việc mở đến cả chục cái cửa sổ một lúc có lẽ là chuyện bình thường với bạn? Hãy cố hạn chế việc này nhé, đóng bớt những cửa sổ bạn không dùng đến sẽ cải thiện tốc độ của Photoshop kha khá đấy.
Với những layer cũng vậy, nhiều người mở đến cả trăm layer một lúc mà không biết rằng chính những layer này làm Photoshop chậm đi và có thể dẫn đến đột quỵ. Vậy làm thế nào để tránh những trường hợp này? Hãy hợp nhất hay làm phẳng (flatten) một vài layer của bạn để giảm dung lượng file cũng cải thiện tốc độ xử lí nhé. Việc này tưởng như hơi mất thời gian nhưng nếu tập được thì sẽ rất tốt cho cả việc tổ chức quản lý layer.
3. Thử cài đặt tốc độ xử lí của Photoshop xem nào:
Bạn có thể chỉnh những thông số liên quan tới ổ cứng, mức sử dụng bộ nhớ, lịch sử và bộ đệm bằng cách chọn Edit > Preferences > Performance.
Điều chỉnh những thông số trên sẽ giúp cải thiện bộ nhớ cũng như tốc độ hệ thông của bạn rất nhiều đấy. Một số lưu ý cần chỉnh đó là:
- Dung lượng RAM bạn để cho Photoshop là bao nhiêu? Thường thì tôi để ở mức 60% dung lượng mà tôi có.
-
Scratch Disks: Đây cũng là một phần cực kì quan trọng. Tùy chọn này sẽ cho phép bạn lựa chọn ổ đĩa nào sẽ là nơi chứa Cache của Photoshop. Nếu bạn hay phải làm việc với những file lớn thì tôi khuyên là nên lựa chọn một ổ đĩa nào có dung lượng trống còn nhiều
4. Thử tổng vệ sinh Photoshop cái nhỉ?
Photoshop thường gây đầy ổ đĩa vì chương trình này tạo ra bộ nhớ đệm (Cache) khi các bạn sử dụng những lệnh như Undo, Clipboard và truy cập History. Nếu bạn đã hoàn thành một file rồi và không cần sử dụng đến lệnh Undo (ctrl + Z) trong file đó nữa chẳng hạn, hãy vào Edit > Purge > All. Việc xóa hết lịch sử làm việc sẽ giúp giải phóng RAM cho máy tính của bạn. À nhưng cũng đừng lo nếu như một ngày đẹp trời bạn lỡ ấn vào nút Purge này, bạn luôn có thể Undo lệnh xóa vừa rồi nhé.
Và nếu bạn có thuốc khác cho căn bệnh này?
50mm Vietnam mong rằng với những mẹo nhỏ trên thì tình trạng đột quỵ sẽ ít xảy ra hơn với Photoshop của bạn.
Và nếu các bạn còn giải pháp khác cho vấn nạn này? Có nút comment ngay bên dưới để bạn có thể cứu giúp những cho các nghệ sĩ đang đau khổ vì mất đi đứa con tinh thần của mình nhé.
Sau mỗi lần tác nghiệp, chắc hẳn photographer nào cũng muốn “làm phép” một chút với tác phẩm của mình, nhưng phải chọn định dạng file ảnh nào cho chuẩn đây? cách cshVới hơn 25 loại định dạng khác nhau để chọn thì trông cũng khá là hoa mắt phải không? Đừng lo nhé! Trong bài viết này, 50mm Việt Nam sẽ chọn ra 5 định dạng cơ bản nhất và giúp bạn hiểu hơn về điểm mạnh và điểm yếu của từng loại định dạng.
Phơi sáng là một “môn nghệ thuật” tạo ra những bức hình tuyệt vời với hiệu ứng siêu ảo. Hãy cùng 50mm Việt Nam tìm hiểu về cách phơi sáng “đúng chuẩn” và về môn nghệ thuật đặc biệt này nhé.