Từ Việt Nam, chiếc Fujifilm X-T2 cho đến nhà máy Fujifilm ở Nhật Bản

Bài viết này kể về hành trình ghé thăm nhà máy sản xuất ống kính của Fujifilm tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, Nhật Bản của 50mm Vietnam. Người viết đã có dịp đến đây vào năm 2019, tuy nhiên, trong hành trình có một vài sự cố. nên bài viết này đến tận 2024, 5 năm sau mới đến được với những bạn đọc. Tôi rất tự hào và cảm ơn Fujifilm Vietnam đã tạo điều kiện để tôi được là bên media hiếm hoi của Việt Nam và nếu không nhầm thì là duy nhất đến giờ được ghé thăm nhà máy này, đáng tiếc theo tìm hiểu của tôi thì nhà máy đã đóng cửa và chuyển dịch sang nước khác.

Bài viết sẽ hơi dài và có một số chi tiết kể ngọn nguồn của cơ duyên này, hy vọng là bạn đọc sẽ có kiên nhẫn đọc hết.

Chuyến đi khởi đầu từ chiếc máy X-T2

Người viết cũng đồng thời là người sáng lập 50mm Vietnam – tôi là Bùi Quang Huy. Tôi có cơ duyên được bắt đầu với nhiếp ảnh từ năm 2011 và đến năm 2015 thì bắt đầu với dự án 50mm Vietnam. Kinh nghiệm với máy ảnh và ống kính của tôi khá phong phú nhưng gói gọn phần lớn ở hãng Canon vì có hơn 2 năm làm chuyên viên sản phẩm mảng máy ảnh của Canon tại Lê Bảo Minh – nhà phân phối sản phẩm Canon tại Việt Nam và trước đó là hơn 2 năm cũng vẫn với máy ảnh Canon. Trước khi đến với Fujifilm vào cuối 2018 và đầu 2019, tôi chủ yếu sử dụng máy ảnh Canon và có một năm dùng Sony.

Từ Việt Nam, chiếc Fujifilm X-T2 cho đến nhà máy Fujifilm ở Nhật Bản | 50mm Vietnam - Chuyên Trang Nhiếp Ảnh
Combo Fujifilm X-T2 và 35mm f/2 WR của tôi

Nói về cơ duyên với Fujifilm thì thời 2018-2019 thì máy ảnh của hãng này luôn được khen ngợi vì thiết kế rất phong cách, màu ảnh thì đẹp ngay từ file gốc, nhưng thường hay được đánh giá chỉ phù hợp người chơi ảnh theo sở thích, chứ không phù hợp để làm nghề. Nhưng bản thân tôi là một người yêu thích các thiết bị nhiếp ảnh và thấy xu thế của thế giới dùng Fujifilm tăng lên, nên tôi đã bán chiếc Canon EOS 6D đang có lúc đó và tậu cho mình bộ combo Fujifilm X-T2 và lens 35mm f/2 WR.

Kể từ thời điểm này thì kênh 50mm Vietnam cũng bắt đầu lên nhiều nội dung về Fujifilm hơn và tình cờ tôi cũng có sự kết nối tốt hơn với những người làm trong hãng, từ đó mở ra các cơ hội tham gia họp báo, sử dụng thử sản phẩm và đặc biệt quan trọng là chiến dịch ra mắt Fujifilm X-T30 tại Việt Nam. Team 50mm Vietnam khi đó đóng góp tới 4 người xuất hiện làm diễn giả cho X-T30 và ngay sau đó thì hãng chính thức có lời mời tôi tham gia chuyến đi Nhật Bản vào tháng 5/2019, với tư cách là đơn vị media duy nhất trong chuyến đi, đồng hành cùng 3 X-Photographer: anh Chu Việt Hà, anh Danny Nguyễn và Hậu Lê.

Từ Việt Nam, chiếc Fujifilm X-T2 cho đến nhà máy Fujifilm ở Nhật Bản | 50mm Vietnam - Chuyên Trang Nhiếp Ảnh
Từ trái qua phải: Anh Chu Việt Hà, anh Danny Nguyen, 50mm Vietnam, Hậu Lê và FujiPhe

Tôi nghĩ đây thực sự là một cơ duyên tuyệt vời vì tôi được đến đất nước tôi rất yêu thích, thông qua sự nghiệp liên quan đến nhiếp ảnh của mình.

Đi tham quan nhà máy – factory tour là như thế nào?

Trong thời gian đi Nhật, tôi còn có vinh dự được gặp các Youtuber, nổi tiếng trên thế giới đến từ DPreview, DigitalRev v.v. trong sự kiện ra mắt chiếc máy ảnh đỉnh cao của hãng là GFX 100. Tuy nhiên, đây không phải phần chính của bài viết này, tôi sẽ tập trung hơn vào chuyến đi đến nhà máy của Fujifilm ở thành phố Sendai, tình Miyagi sau sự kiện một ngày.

Từ Việt Nam, chiếc Fujifilm X-T2 cho đến nhà máy Fujifilm ở Nhật Bản | 50mm Vietnam - Chuyên Trang Nhiếp Ảnh
Chúng tôi và bộ đôi Chris và Jordan của DPreview (bây giờ là Petapixel)

Chuyến đi bắt đầu từ khoảng 8h sáng, với một đoàn các media, youtuber nổi tiếng với số lượng gần 50 người mà đã xuất hiện ở buổi lễ ra mắt sản phẩm hôm trước. Nó khác hoàn toàn với một chuyến đi mà ai cũng có thể tham gia, những người ở đây đều được lên danh sách trước đó vài tháng và đều là media partner hoặc KOL nổi tiếng trong ngành tin tức nhiếp ảnh, với mục đích sẽ truyền tải những hình ảnh, video về một trong những nhà máy lớn nhất của Fujifilm tại quê nhà Nhật Bản với khán giả trên toàn thế giới.

Khung cảnh chuyến tàu rất Nhật Bản

Mọi thứ đã thú vị ngay từ đầu với những người lần đầu tới với Nhật Bản như tôi, khi hơn nửa thời gian di chuyển là bằng phương tiện trứ danh của đất nước này – Tàu Shinkansen hay còn được dịch sang tiếng anh là Bullet Train (ý nói tốc độ nó nhanh như đạn bắn). Từ ga chính Tokyo tới ga Sendai có tổng chiều dài quãng đường lên tới 350km và tôi chỉ mất khoảng 1 tiếng rưỡi trên tàu mà thôi. Nghe thì có vẻ không đọ lại được với tốc độ máy bay, nhưng sự đúng giờ, không phải chờ đợi quá lâu và thủ tục đơn giản chính là những điểm cộng cực lớn.

Để mô tả nó nhanh như thế nào thì bạn có thể xem cảnh quay bằng máy X-T30 để biết là nó chạy nhanh đến mức chiếc máy ảnh này quay toàn là ra Rolling Shutter luôn!

Sau khi đến được ga trung tâm Sendai, chúng tôi còn phải chuyển sang một lần xe oto nữa để đến được nhà máy của Fujifilm. Thời tiết khá đẹp để mọi người có thể ngắm nhìn một đô thị khác, không phải những nơi đã nổi tiếng như Tokyo, Osaka v.v

Linh vật của thành phố Sendai

Sau khoảng 40 phút di chuyển thì chúng tôi đã đến được nhà máy Taiwa (tên của nhà máy này). Cảm nhận ban đầu về nhà máy thì không phải quá lớn, vì bản thân đã được ghé nhưng nhà máy mảng auto như Toyota thì nhà máy Fujifilm cũng ở cỡ trung thôi.

Từ Việt Nam, chiếc Fujifilm X-T2 cho đến nhà máy Fujifilm ở Nhật Bản | 50mm Vietnam - Chuyên Trang Nhiếp Ảnh

Ngay cửa vào nhà máy, Fujifilm có trưng bày một số sản phẩm máy ảnh, ống kính; một phiên bản ống kính super tele FUJIFILM XF 100-400mm f/4.5-5.6 R LM OIS WR được rã thành từng chi tiết nhỏ trông rất ấn tượng, và cuối cùng là một quầy trưng bày một vài sản phẩm thuộc nhóm mỹ phẩm Astalift của Fujifilm.

Từ Việt Nam, chiếc Fujifilm X-T2 cho đến nhà máy Fujifilm ở Nhật Bản | 50mm Vietnam - Chuyên Trang Nhiếp Ảnh

Nếu bạn chưa biết thì Fujifilm là nạn nhân của thời đại số (digital age), doanh thu phim cuộn của họ giảm thê thảm và công ty đứng trên bờ vực sụp đổ, nhưng rồi một quyết định bất ngờ đã xoay chuyển tất cả, giữ cho Fujifilm tồn tại, quay trở lại ngành ảnh vào năm 2012 và thánh công rực rỡ đến bây giờ, đó chính là việc họ tham gia vào ngành công nghiệp mỹ phẩm và biến mình thành ông lớn ở mảng này ngay trên sân nhà Nhật Bản, một thị trường vô cùng khó tính.

Vậy bên trong nhà máy này, họ làm gì?

Quay trở lại với chuyến thăm nhà máy, chúng tôi có ít phút tập trung tại một phòng họp chung để được phổ biến 1 số thông tin về nhà máy và chia nhóm. Thông qua phần chia sẻ, tôi cũng được biết thêm rằng nhà máy Sendai này là một nhà máy theo dạng điểm tập kết, nó không phụ trách vai trò sản xuất bất cứ linh/cấu kiện nào, nhưng là nơi tập hợp tất cả thành phần của những chiếc ống kính, máy ảnh của Fujifilm đến từ các nhà máy, sau đó lắp ráp hoàn chỉnh và có các khâu kiểm tra, đóng gói thành phẩm tại đây.

Chúng tôi được chia làm 8 nhóm, nhóm ít người nhất là 7 người và nhóm nhiều nhất là 9. Để giúp chuyến đi tiết kiệm thời gian hơn, ban tổ chức đã sắp xếp cho các nhóm gần như xuất phát cùng một lúc, nhưng lại đến các khu vực khác nhau và sẽ có hành trình đi hết được các điểm giống nhau nhưng lại không hề phải chờ đợi. Một sự chu đáo tuyệt vời của ban tổ chức.

Người Việt duy nhất trong đoàn = )

Quy trình lắp ráp ở đây có thể tóm gọn trong các khâu: Các khay thành phần được chuyển đến bàn hoặc dây chuyền lắp ráp, kiểm tra xem có bụi hay hỏng gì không, lắp ráp, thử nghiệm đột xuất để kiểm tra sản phẩm lỗi.

Là một nhà máy có liên quan đến việc lắp ráp ống kính và máy ảnh, chắc hẳn mọi người sẽ tưởng tượng ra khâu chuẩn bị để chính thức bước vào nhà máy cũng rất cẩn thận đúng không? Tuy nhiên, trên thực tế nhà máy được chia ra làm 2 khu: Khu “bảo hộ vừa vừa” và khu tuyệt đối cần phải mặc đồ bảo hộ.

Khu bảo hộ vừa vừa bao gồm một số khâu: Gắn các mảng da lên máy, gắn các dây cable nối giữa các cấu kiện, các khâu sau khi lắp ráp xong như kiểm tra lại thiết bị, đóng hộp sổ sách.

Từ Việt Nam, chiếc Fujifilm X-T2 cho đến nhà máy Fujifilm ở Nhật Bản | 50mm Vietnam - Chuyên Trang Nhiếp Ảnh
Một nhân viên nhà máy đang đóng gói hộp sách HDSD
Từ Việt Nam, chiếc Fujifilm X-T2 cho đến nhà máy Fujifilm ở Nhật Bản | 50mm Vietnam - Chuyên Trang Nhiếp Ảnh
Một nhân viên khác đang kiểm tra độ hoàn thiện sau khi lắp ráp
Từ Việt Nam, chiếc Fujifilm X-T2 cho đến nhà máy Fujifilm ở Nhật Bản | 50mm Vietnam - Chuyên Trang Nhiếp Ảnh
Vệ sinh ống kính nếu có bất cứ dấu vết nào
Từ Việt Nam, chiếc Fujifilm X-T2 cho đến nhà máy Fujifilm ở Nhật Bản | 50mm Vietnam - Chuyên Trang Nhiếp Ảnh
Một nhân viên khác đang tiến hành hàn mạch

Với khâu bảo hộ tuyệt đối, ngay cả là khách tham quan thì bạn cũng phải mặc 1 bộ quần áo bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, đeo khẩu trang, rồi bước qua một khoang thổi bụi siêu mạnh để hạn chế hết mức những yếu tố ngoại cảnh như sợi tóc, hạt bụi ở đâu đó có thể rơi vào ống kính, máy ảnh trong quá trình lắp ráp.

Từ Việt Nam, chiếc Fujifilm X-T2 cho đến nhà máy Fujifilm ở Nhật Bản | 50mm Vietnam - Chuyên Trang Nhiếp Ảnh
Đoàn tôi sau khi “full giáp”
Từ Việt Nam, chiếc Fujifilm X-T2 cho đến nhà máy Fujifilm ở Nhật Bản | 50mm Vietnam - Chuyên Trang Nhiếp Ảnh
Đi qua phòng khử bụi

Trong quá trình tham quan, tôi nhận thấy khâu kiểm tra và xử lý các hạt bụi trên thấu kính hoặc cảm biến là khâu không thể bỏ qua. Việc vận chuyển từ nơi khác đến, rồi trong nhà máy vẫn có thể có các hạt bụi xuất hiện, nên việc kiểm tra là vô cùng quan trọng. Chắc chắn các bạn sẽ không muốn chiếc ống kính hay máy ảnh mình vừa đập hộp, nhìn qua đã thấy hạt bụi đúng không nào? Một rắc rối siêu lớn cho các đại lý luôn ấy chứ!

Từ Việt Nam, chiếc Fujifilm X-T2 cho đến nhà máy Fujifilm ở Nhật Bản | 50mm Vietnam - Chuyên Trang Nhiếp Ảnh

Ở quy trình thử nghiệm khả năng lấy nét của ống kính, sẽ có một mặt phẳng được đặt nghiêng để thử khoảng nét có chuẩn xác với điểm lấy nét hay không, với những chiếc ống bị lỗi lấy nét chưa chuẩn xác, kĩ thuật viên của nhà máy sẽ có thể “tune” – tinh chỉnh việc này bằng một thao tác lấy tuốc nơ vít và vặn tiến, lùi 1 chút, không quá phức tạp. Nhưng đây là với những người hiểu rõ họ đang làm gì thôi nhé, không khuyến khích anh em tự thử.

Điểm làm tôi nghĩ rằng giá máy ảnh cao thực ra là một điều hợp lý vì thực ra có rất nhiều khâu cần đến bàn tay con người, ví dụ ngoài hai khâu kể trên, tôi còn được thấy khâu dán những miếng da lên chiếc máy ảnh GFX, nó đòi hỏi sự khéo léo và cả tốc độ nữa vì mỗi người kĩ thuật viên luôn phải gắn xong toàn bộ mảng da của chiếc máy chỉ trong một khoảng thời gian nhất định, người hướng dẫn viên của chúng tôi thậm chí còn bấm giờ để cho người xem thấy một kĩ thuật viên lành nghề chỉ cần vài phút để hoàn thành khâu này.

Khác với các chuyến đi trước đó mà tôi từng được tham dự, Fujifilm khuyến khích người tham gia thử nghiệm 1 số khâu ví dụ như gắn miếng da lên máy; soi, lau thấu kính và thử việc “Tune” nét kể trên, tăng tương tác và tạo niềm vui cho khách tham quan.

Team tham quan thử lau bụi cho thấu kính

Một điểm thú vị nho nhỏ nữa ở trong nhà máy này đó là các kệ hàng, các biển chỉ dẫn, các poster đều có nhiều thứ tiếng, và đặc biệt là tiếng Việt, điều này chứng tỏ trong dây chuyền lắp ráp này sẽ có rất nhiều người Việt.

Một số hình ảnh khác

Cảm biến và hệ thống chống rung của một chiếc GFX(?)

Lời kết về ký ức vụn vặt

Ở trên thì là những ký ức còn sót lại của tôi sau 5 năm kể từ ngày tham quan nhà máy của Fujifilm tại Sendai. Có 2 điểm đáng tiếc với tôi trong chuyến đi này đó là:

  • Thời gian đi tham quan trùng vào việc tôi có chút vấn đề về mắt nên việc quan sát nhà máy không được trọn vẹn 100%.
  • Thứ hai là chiếc ống kính của tôi mang đi đợt đó cũng có vấn đề về chip xử lý nên lẽ ra nội dung này sẽ là một video, nhưng các đoạn footage liên tục bị ngắt vì lỗi ống kính nên để thuận tiện hơn thì tôi đã chuyển về dạng bài viết, và vì thế cũng có những cảm xúc chưa được liền mạch và đứt gãy sau một thời gian dài.

Nội dung này suýt nữa đã không được xuất bản, nhưng thông qua tìm hiểu về nhà máy thì được biết giờ nhà máy có thể đã không còn hoạt động (vì không được liệt kê trên website của tập đoàn nữa) nên tôi cũng cố gắng để truyền tải nội dung này đến với độc giả của 50mm Vietnam trong khả năng có thể, với tư cách là một bên media hiếm hoi được Fujifilm gửi gắm cơ hội này.