Khi nhắc đến 16-35mm f/2.8, suy nghĩ thường thấy của những người chơi ảnh là một chiếc ống kính zoom góc siêu rộng và có khẩu độ lớn để tự tin chinh chiến ở những điều kiện chật hẹp và thiếu sáng với những người chụp ảnh sự kiện; đồng thời nó cũng sẽ ở phân khúc zoom cao cấp nhất của một hãng, vì vậy sẽ cho ra chất lượng ảnh tuyệt vời, đủ để đáp ứng những người chụp ảnh nội thất, phong cảnh, cityscape khó tính nhất. Và Sony FE 16-35mm f/2.8 GM II, chiếc ống kính mới nhất của Sony đã không chỉ vượt ra khỏi những tiêu chí trên, mà nó còn mang lại sự thoải mái cho người dùng với một trọng lượng nhẹ tuyệt vời, không thể phù hợp hơn để trở thành chiếc ống kính phải có/mơ ước với những người dùng Sony.
1. Ngoại hình, trọng lượng và thao tác
Nếu chỉ nhìn qua ảnh hoặc thậm chí ở nhìn tận mắt ngoài đời, các bạn sẽ khó thấy sự khác biệt lớn nhất của chiếc ống kính Sony FE 16-35mm f/2.8 GM II so với phiên bản tiền nhiệm trước đó, bởi cả hai vẫn sở hữu đường kính filter giống nhau là 82mm, cũng như chiều dài không có quá nhiều khác biết (GM II ngắn hơn một chút), nhưng ngay khi cầm lên, không một ai sẽ không thốt lên rằng: “Nhẹ quá nhỉ?”.
Thật vậy, dù cho “chỉ” nhẹ hơn khoảng gần 133g (547g vs 680g của đời I), nhưng sự khác biệt khi cầm lên là rất rõ ràng. Định kiến về trọng lượng nhẹ hơn đối với các thiết bị nhiếp ảnh từ lâu đời hay đi kèm với việc chất lượng của ống kính không cao, nhưng nó lại hoàn toàn không đúng với Sony trong khoảng 2 năm trở lại đây, khi hãng này liên tục ra mắt những chiếc ống kính dòng GM và GM II với trọng lượng nhẹ nhàng và chất lượng ảnh cực tốt, rất được lòng người dùng như: FE 24-70mm f/2.8 GM II, 70-200mm f/2.8 GM II, 35mm f/1.4 GM hay 50mm f/1.2 GM. Mỗi một chiếc ống kính mới nhẹ đi một chút sẽ có ý nghĩa lớn với những ai phải mang theo nhiều ống kính theo hành trình của mình, vì vậy sự cải tiến về trọng lượng và vẫn giữ được chất lượng ống kính này rất được hoan nghênh.
Và nếu bạn cảm thấy việc nhẹ không hẳn là một yếu tố thuyết phục, thì tôi còn một điều nữa có thể sẽ làm bạn quan tâm, đó là sự cân bằng giữa máy ảnh và ống kính. Không khó để nhận ra đa phần các thân máy của Sony đều có hình dáng cũng như trọng lượng nhẹ, và khi những thân máy nhẹ này cắm thêm các ống kính nặng nề, việc cầm nắm sẽ khó khăn hơn nhiều khi bộ máy ảnh lúc đó sẽ có xu hướng bị chúi đầu về phía nặng hơn là ống kính. Chưa dừng lại ở đó, bạn sẽ nhanh cảm thấy mỏi ở tay phải hơn, vì chủ yếu là bạn sẽ phải phát lực cầm nắm ở báng máy bên tay phải cũng như ngón cái tì lên phía sau máy. Nếu bạn không thường xuyên chụp thời gian dài, đó có thể không phải là vấn đề, nhưng với những người chụp sự kiện hoặc phải vừa chụp vừa di chuyển trong thời gian dài, sự mất mất cân bằng giữa máy ảnh và ống kính luôn là một sự khó chịu đáng kể. Với chiếc Sony 16-35mm f/2.8 GM II này, ngay cả khi cắm trên một thân máy nhỏ như Sony a7C mark II, tôi hoàn toàn cảm thấy thoải mái và dễ chịu khi cầm nó và đừng chụp hàng giờ liền.
Một vài điểm nâng cấp khác về ngoại hình của chiếc ống kính này so với đời I có thể nhắc tới như:
- Chiếc Sony FE 16-35mm f/2.8 GM II có vòng khẩu tuỳ chỉnh bằng tay và công tắc de-click. Nếu cải tiến về vòng khẩu tay có lợi cho cả người chụp và quay phim, thì công tắc de-click hướng tới nhóm người dùng quay phim nhiều hơn, khi việc có thể thay đổi khẩu độ mượt mà không điểm dừng là điều dân quay phim rất cần khi gặp phải điều kiện ánh sáng bất chợt thay đổi.
- Chiếc ống kính góc rộng đời II này cũng có tới hai nút gán chức năng cho với đời I. Mặc dù cá nhân người viết không hay dùng tới nút này, nhưng việc thêm nút thứ hai chắc chắn là đã có sự nghiên cứu cũng như lắng nghe từ cộng đồng người dùng Sony.
2. Chất lượng hình ảnh của Sony FE 16-35mm f/2.8 GM II
Về chất lượng hình ảnh, với một chiếc ống kính cao cấp như Sony FE 16-35mm f/2.8 GM II, mình chọn hai hoàn cảnh để thử nghiêm thực tế: Ánh sáng trắng ở một sàn diễn thời trang và ánh sáng tự nhiên nhưng trong điều kiện thiếu sáng.
2.1. Ánh sáng trắng ở sàn diễn thời trang
Với sàn diễn thời trang có nhiều photographer và không được thay đổi vị trí nhiều thì thật ra dải tiêu cự 16-35mm không phải là lý tưởng, vì thực sự góc 16mm quá rộng và nếu muốn chụp được nhiều cỡ ảnh khác nhau cho một bộ ảnh thì không hề dễ dàng. Tôi sẽ bắt đầu với một số hình khởi động có thể dí gần một nữ DJ trước khi show diễn bắt đầu.
Sử dụng thủ pháp dí gần với một ống kính góc siêu rộng như 16-35mm thi sẽ luôn cho cái cảm giác “ngoác” rất đặc thù và gây hiệu ứng thị giác lạ. Về việc kiểm soát méo thì Sony 16-35mm f/2.8 GM II phải nói là đã làm rất rất tốt, khi bạn sẽ không thể thấy được hiệu ứng méo lồi thường thấy ở các ống kính góc rộng, các trục đường thẳng ở hai biên đều giữ nguyên là đường thẳng. Đây rõ ràng là điều mà một chiếc ống kính ở dòng GM II cao cấp phải làm được.
Về chi tiết (detail) với độ sắc nét (sharpness), ống kính này thể hiện rất tốt nhưng không bị quá đanh (thừa clarity), nên kết quả cuối là hình ảnh đem lại cảm giác dễ chịu.
Và chắc chắn là không một nơi nào tốt hơn một sàn diễn thời trang để thử nghiệm khả năng tái hiện màu sắc, chi tiết hơn là một sàn diễn thời trang, nơi mà những chất liệu hay màu sắc của những bộ quần áo cần phải thể hiện trung thực nhất đến với người xem, bởi lẽ những bức ảnh này sẽ dễ dàng đến với công chúng một cách rộng rãi và nhanh hơn rất nhiều so với quy mô một sự kiện vài trăm người.
Và trong một điều kiện có ánh sáng hơi phức tạp hơn một chút thì chiếc ống kính này cũng thể hiện khá tốt, tách bạch về màu sắc và nhân vật.
2.2 Chất lượng hình ảnh ở điều kiện thiếu sáng
Trong chuyến đi Hội An vừa rồi, tôi có mang theo Sony a7C II và 16-35mm f/2.8 GM II, và sau đây là những bức ảnh với bộ đôi này.
Buổi chụp này mang tính ngẫu hứng và không có sắp xếp, toàn bộ ảnh là ảnh chụp ở điều kiện cầm tay (không dùng tripod), và sử dụng hoàn toàn ánh sáng tự nhiên.
Có thể thấy khá rõ ràng là thông qua chất lượng của máy ảnh a7C II, chiếc ống kính 16-35 GM II này cũng được thể hiện sức mạnh rất thoải mái khi những bức ảnh ở điều kiện nhá nhem tối với độ tương phản rất mạnh vẫn được thể hiện ra nhiều lớp chi tiết, độ chuyển sáng tốt.
Ở những bức ảnh này thì khẩu độ luôn ở mức mở lớn nhất f/2.8, một mức độ dễ cho thấy nhiều lỗi quang sai như viền tím, viền xanh hay bóng mờ nhất, nhưng với chiếc Sony FE 16-35mm f/2.8 GM II, nó gần như không hiện ra bất cứ một lỗi quang sai nào.
Tôi có thêm một ví dụ khi chụp ở điều kiện ngược sáng rất mạnh, bạn cũng sẽ không thấy xuất hiện viền tím, bất chấp đang ở khẩu lớn nhất. Điều này chứng tỏ 16-35mm f/2.8 GM II là chiếc ống kính được đầu tư khá kĩ về việc xử lý quang sai, triệt tiêu các hiện tượng méo, viền tím.
Chất lượng vùng out nét (bokeh) cũng được thể hiện tốt, không quá nát hay nhoẻ nhoẹt, tạo cảm giác dễ chịu cho người xem. Hãy xem các tình huống khác nhau như dí gần chủ thể & xoá phông, và khi khoảng nét trải dài từ nét cho tới out dần.
3. Khả năng lấy nét của Sony FE 16-35mm f/2.8 GM II
Lấy nét là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một chiếc ống kính, đặc biệt là với một dải tiêu cự hay được chọn để chụp sự kiện, như 16-35mm.
Hệ thống lấy nét của 16-35mm f/2.8 GM II là hệ thống 4 motor tuyến tính (Extreme Dynamic Linear Motors) để di chuyển các thấu kính, nó có số lượng motor và công nghệ giống với các ống kính zoom gần đây là 24-70mm f/2.8 GM II và 70-200mm f/2.8 GM II, nhằm bảo chứng cho tốc độ lấy nét cực nhanh của hãng.
Thêm vào đó, tôi đang sử dụng chiếc máy Sony a7C II, một trong những chiếc máy mới nhất được thừa hưởng công nghệ lấy nét của những a7R V, và chỉ thua mẫu máy đầu bảng a1, nên việc kết hợp với chiếc 16-35mm f/2.8 GM II là vô cùng hoàn hảo.
Hãy thử nhìn loạt ảnh dưới đây chụp người mẫu bước đi, hoàn toàn không có bất cứ một lo lắng nào khi chụp một loạt động tác di chuyển liên tiếp.
Một vài điểm đáng khen khác phải nhắc tới, đó là mặc dù vẫn là chiếc ống kính có vòng nét điện, nhưng cảm giác phản hồi khi xoay vòng nét là rất tốt, hợp với những bạn muốn thực hiện những cú chuyển nét tay theo ý đồ riêng.
Thêm vào đó, khi xoay vòng nét thì ống kính Sony FE 16-35mm f/2.8 GM II cũng không bị hiện tượng thở (focus breathing), ống kính này không hề làm thay đổi khung hình khi thay đổi khoảng nét.
Tổng kết về Sony FE 16-35mm f/2.8 GM II
Với mức giá 58,5 triệu, đây rõ ràng không phải chiếc ống kính cho tất cả mọi người, nhưng những ai đang truy cầu một chiếc ống kính zoom dải từ góc siêu rộng cho tới rộng, với chất lượng hình ảnh vượt trội, nhiều cải tiến hơn phiên bản đời 1, chiêc Sony FE 16-35mm f/2.8 GM II là chiếc ống kính bạn cần.
Nếu bạn có hứng thú tìm hiểu thêm các thông số chi tiết về sản phẩm này, bạn có thể ghé thăm trang chủ của Sony tại đây.
“If memories could be canned, would they also have expiry dates? If so, I hope they last for centuries.”