Sony E 11mm f/1.8, 15mm f/1.4 G và PZ 10-24mm f/4 G là ba chiếc ống kính góc rộng cho hệ cảm biến APS-C mới nhất mà Sony đã trình làng trong năm 2022 vừa rồi. Sẽ có những câu hỏi về việc những chiếc ống kính này phù hợp với ai? dùng cho việc gì? Và hy vọng bài viết sau đấy sẽ giải đáp phần nào cho các bạn những thắc mắc đó.
Tổng quan về bộ ba ống kính
Trở lại những năm 2012, Sony khi đó mới trình làng hệ máy ảnh mirrorless, ở thủa chập chững đó, việc có quá ít lựa chọn ống kính là một trong những điểm yếu dễ bị công kích nhất của hãng cũng như hệ máy này. Sau 10 năm, mọi việc đã thay đỏi hoàn toàn, những người dùng máy ảnh mirrorless Sony giờ đau đầu với việc chọn ống kính, bởi lẽ hãng này đang có bộ sưu tập ống kính dày đặc bậc nhất trên thị trường và có thể phục vụ mọi nhu cầu từ nhiếp ảnh cho tới quay phim.
Khởi đầu với những chiếc máy ảnh có cảm biến crop, thế nên Sony cũng rất chăm chút hệ cảm biến này. Trong năm 2022 vừa qua, Sony đã tung liên tiếp ba chiếc ống kính góc siêu rộng cho cảm biến APS-C (Crop), bao gồm: Sony E 11mm f/1.8, Sony E 15mm f/1.4G và Sony E PZ 10-20mm f/4 G. Hai trong ba chiếc ống kính thuộc dòng G cao cấp hứa hẹn chất lượng hình ảnh tốt, còn chiếc 11mm f/1.8 thuộc phân khúc phổ thông hơn.
Vậy tại sao Sony lại ra một lúc tới ba chiếc ống kính góc siêu rộng? Và nó sẽ phục vụ cho những ai đây?
Sony E 11mm f/1.8 – Cho những ai hay tác chiến một mình (soloist)
Về mặt ngoại hình thì ngôn ngữ chung của ba chiếc ống kính đều là nhỏ gọn, Sony E 11mm f/1.8 cho cảm giác cầm thoải mái nhẹ nhàng, không có nhiều tuỳ chỉnh như vòng khẩu, nút de-click; thay vào đó chỉ có vòng nét, công tắc AF/MF và điểm sáng là một nút gán chức năng. Việc cố gắng đưa thêm một nút có thể gán chức năng vào thân ống nhỏ và chỉ ở dòng phổ thông thực sự là một cố gắng đáng ghi nhận của Sony. Vì thuộc dòng phổ thông, nên bề mặt của Sony E 11mm f/1.8 có bề mặt bóng và trơn nhẹ, không có độ nhám như các ống kính dòng G.
Với tiêu cự 11mm, khi cắm lên một chiếc máy ảnh cảm biến crop, chúng ta sẽ có góc nhìn quy đổi là 16,5mm (hay tạm gọi là 16mm) trên cảm biến Full-frame. Đây là góc nhìn rất rộng, cho khả năng thu nhiều chi tiết vào khuôn hình, và đặc biệt khi kết hợp với khẩu độ lớn là f/1.8 thì vô cùng hợp cho những người sáng tạo nội dung hay tác chiến một mình. Thật vậy, góc nhìn 16mm (sau khi quy đổi) hợp cả từ việc tự setup góc quay trong nhà, cho đến việc cầm và di chuyển với góc selfie vlog ngoài trời.
Và như đã nói về khẩu độ f/1.8, tính hiệu quả về khả năng xoá phông cũng phải được nhắc đến, đặc biệt là khi quay vlog selfie; và cũng đừng quên khẩu f/1.8 sẽ là cứu cánh rất lớn cho máy ảnh nói chung và những chiếc máy ảnh có cảm biến APS-C nói riêng, trong những tình huống ánh sáng yếu.
Khả năng xử lý méo góc của chiếc ống kính góc siêu rộng này cũng rất tốt, bạn sẽ thấy rất rõ ràng với bức ảnh chụp một chiếc cửa với các tấm gỗ dươi đây.
Dưới đây là một số hình ảnh chụp với Sony E 11mm f/1.8
Sony E PZ 10-20mm f/4 G – Hướng đến nhóm người dùng quay phim (filmmaker)
Chiếc ống zoom góc siêu rộng (Ultra-wide angle) dải tiêu 10-20mm với ngoại hình siêu nhỏ là điều gây bất ngờ lớn nhất trong bộ ba này, khi thậm chí nó chỉ còn dài xấp xỉ như chiếc 11mm f/1.8 ở trên. Cũng thuộc dòng ống kính G, tuy nhiên Sony đã tính toán để chiếc ống kính này có sự giản lược đáng kể về các nút bấm hay công tắc, trên chiếc Sony PZ E 10-20mm f/4 chỉ bao gồm: Vòng nét, vòng zoom, công tắc AF/MF và thanh chỉnh tốc độ – khoảng zoom.
Sự vắng mặt của những vòng khẩu tay, nút de-click hay nút bấm gán chức năng, có thể sẽ làm người dùng đôi chút tiếc nuối, nhưng đánh đổi bằng ngoại hình siêu gọn nhẹ thì là hoàn toàn xứng đáng.
Về hướng đối tượng người dùng, chiếc Sony E PZ 10-20mm f/4 G này sẽ phục vụ các đối tượng như sau:
- Người chụp ảnh phong cảnh: Bởi có dải tiêu cự 10-20mm (quy đổi trên full-frame là 15-30mm) và khẩu f/4.
- Người chụp ảnh và quay cần góc rộng trong điều kiện ánh sáng tốt: Vì khẩu F/4 trên cảm biến APS-C sẽ đòi hỏi lượng ánh sáng dồi dào để tránh bị nhiễu ảnh nhiều.
- Người quay phim cần góc rộng và các hiệu ứng zoom chuyển động mượt mà: Đây là chiếc ống kính duy nhất có chữ PZ trong cả ba ống, chữ PZ đại biểu cho Power Zoom, đây là tính năng giúp người dùng có thể điều chỉnh việc zoom trong dải tiêu cự rất mượt mà thông quá thao tác trên máy hoặc trên ứng dụng Imaging Edge mà không cần chạm vào ống kính.
Như đã nói ở trên thì chiếc ống này có thể phục vụ nhiều nhóm người dùng, nhưng cá nhân người viết cho rằng nó sẽ rất phù hợp với nhóm người làm phim (Filmmaker) bởi tính năng Power Zoom sẽ cho phép người dùng nhóm này tối ưu hết các hiệu quả của ống kính. Thêm nữa thì với việc khi quay thì tốc độ màn trập không cần phải duy trì ở mức quá nhanh, nên khẩu độ F/4 cũng không phải là vấn đề.
Các động tác máy zoom chậm khi làm phỏng vấn, hoặc Dolly Zoom sẽ dễ thực hiện hơn bao giờ hết với Power Zoom, đặc biệt là khi kết hợp khả năng lấy nét liên tục của bộ combo ống kính và máy ảnh Sony Alpha. Tính năng này giúp đơn giản hoá lượng kĩ thuật phải thao tác và có thể sẽ chỉ cần một người cũng có thể làm được, thay vì 2 đến 3 người theo lý thuyết.
Về chất lượng hình ảnh, chiếc ống kính zoom dòng G này cũng giúp cho khả năng chụp hay quay từ những chiếc máy Crop được thăng hạng lên rất nhiều.
Một số hình ảnh chụp từ ống kính Sony E PZ 10-20mm f/4 G
Sony E 15mm f/1.4 G – Hẹp hơn với 11mm nhưng cao cấp hơn nhiều
Được công bố trong đội hình ống kính G, vì vậy chiếc 15mm f/1.4 G của Sony có chất lượng vỏ ngoài trội hơn so với chiếc 11mm f/1.8 ở trên, nhưng vẫn giữ được sự nhỏ gọn và nhẹ đáng kể. Cũng phải nói thêm là trong bộ ba ống kính được nhắc đến trong bài viết, Sony E 15mm f/1.4 G là chiếc ống có thiết kế đầy đủ “ADN” của dòng G nhất: Gọn nhẹ, bề mặt nhám, có vòng khẩu tay, công tắc de-click, công tắc AF/MF, nút gán chức năng, và logo G.
Có thể nhiều người không đồng ý, nhưng với người viết, Sony E 15mm f/1.4 G là một bản nâng cấp thú vị của chính ống 11mm f/1.8. Góc nhìn của 15mm f/1.4 G khi quy đổi trên full-frame sẽ là 22,5mm (so với 16.5mm của 11mm f/1.8), chắc chắn tạo ra những hiệu ứng tiêu cự khác nhau, nhưng nếu bạn là một Content Creator đang đi tìm một chiếc ống kính phù hợp với các góc quay selfie, góc setup và thực sự gọn nhẹ để mang theo thì chỉ có thể chọn một trong hai ống này, và góc nhìn cũng như khả năng mở khẩu của 15mm f/1.4 G sẽ làm người dùng dễ kiểm soát hơn.
Khẩu f/1.4 ngoài việc giúp xoá phông tốt hơn một chút với tiêu cự 15mm, nó cũng giúp cho việc thu sáng tốt hơn tới 2/3 stop so với f/1.8. Điều này cho phép bạn tăng được một chút tốc độ khi chụp để giảm việc rung tay, nhoè hình; hoặc giảm ISO được một vài nấc, đồng thời cũng giảm nhiễu ảnh tốt hơn cho một cảm biến APS-C.
Như đã nói ở trên về việc đây là một phiên bản nâng cấp của chiếc 11mm f/1.8, nên đối tượng người dùng chủ yếu sẽ vẫn là những người ưa thích góc nhìn và hiệu ứng của những chiếc ống kính góc siêu rộng, những người thích chụp cityscape, thích làm video content creator và dân du lịch nói chung. Ngoài ra, những người thích chụp thể loại MilkyWay (Dải ngân hà) có lẽ cũng sẽ rất thích một chiếc ống kính góc siêu rộng và có khẩu độ lớn thế này.
Về mặt chất lượng hình ảnh và khả năng lấy nét, Sony E 15mm f/1.4 G cũng cho thấy đẳng cấp của lens G, độ nét “căng đét” ngay cả ở khẩu f/1.4, vì vậy toàn bộ hình ảnh chụp thử dưới đây đều được chụp ở khẩu lớn nhất. Thêm nữa là khi gặp các nguồn sáng phức tạp, Sony E 15mm f/1.4 G cũng xử lý khá “nuột” và cho ra kết quả làm hài lòng người chụp.
Một vài hình ảnh chụp với Sony E 15mm f/1.4 G
Tổng kết
Trên đây là những nhận định của 50mm Vietnam về ba chiếc ống kính góc siêu rộng của Sony dành cho cảm biến APS-C (Crop). Việc tiếp tục cho ra đời những chiếc ống kính mới là một cam kết của Sony đối với người dùng, về sự phát triển bền vững trên các hệ máy ảnh khác nhau, không chỉ là những dòng máy ảnh đắt tiền.
Nếu bạn quan tâm đến ba chiếc ống kính kể trên và muốn tham khảo thêm thông tin, vui lòng ghé những đường link dưới đây:
“If memories could be canned, would they also have expiry dates? If so, I hope they last for centuries.”