Theo báo cáo của BCN, thị trường máy ảnh tại Nhật Bản đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi sau khoảng thời gian đầy khó khăn bởi sự xuất hiện của COVID-19. Trong đó, Canon đang thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc của mình trong thị phần máy ảnh full-frame và “phả hơi nóng vào gáy” Sony.
Thị trường máy ảnh Nhật Bản đầu năm 2020.

Dựa trên báo cáo của BCN, tính đến tháng Tư, thị phần của máy ảnh không gương lật so với những dòng máy khác đã sụt giảm vô cùng lớn, khi số lượng máy bán ra chỉ chiếm 19.7%, ít hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này đã phục hồi nhanh chóng từ tháng Bảy. Đến tháng Chín, doanh số bán hàng đã phục hồi ở mức 97,8% (tổng số đơn vị bán ra) và 90,3% (tổng giá trị thị trường) so với cùng kỳ năm ngoái.
Canon đang đe dọa Sony tại thị phần mirrorless full-frame.
Cụ thể, với dòng máy ảnh full-frame không gương lật, Sony đã hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường này với 100% thị phần vào năm 2018, nhưng ở những năm sau đó, con số này ngày càng sụt giảm do sự tham gia của các ông lớn khác như Canon, Nikon, Panasonic… Mặc dù Sony vẫn chiếm hơn 50% máy ảnh không gương lật bán ra trên thị trường, nhưng tỷ lệ doanh thu hàng năm của công ty này đã giảm đáng kể từ 2018, đặc biệt là trong năm nay.
Nguyên nhân của sự việc này là do Canon đã quyết định chơi tất tay, khi giảm giá bán của chiếc EOS RP xuống ở mức loanh quanh $1000 (23 triệu ở Việt Nam), biến nó trở thành chiếc máy ảnh full-frame không gương lật có giá hời nhất trên thị trường; thêm vào đó thì là sự ra đời hai chiếc máy ảnh không gương lật full-frame mới có tính năng khá mạnh là EOS R5 và R6 vào đầu năm nay, giúp người dùng củng cố niềm tin hơn vào thương hiệu này. Tính đến thời điểm hiện tại, doanh số bán hàng của Canon đã tăng lên 34,7%, trong khi thị phần của Sony giảm xuống còn 43,9%.

Ở mặt khác, tuy vẫn còn cách biệt khá xa với hai ông lớn ở trên, nhưng Panasonic cũng đang dần chứng tỏ vị thế của mình với những siêu phẩm quay phim Lumix S1H hoặc chiếc Lumix S5 mới ra mắt có giá cả phải chăng hơn, và đã chiếm được 5,8% thị phần bán hàng.
Với Nikon, hai máy ảnh mới Z6 II và Z7 II vẫn chưa được tung ra thị trường, do đó doanh số bán hàng của hãng hiện nay gần như không thay đổi. Nhưng thực ra với việc yếu kém trong khâu marketing cũng như nguồn lực tài chính không quá dồi dào, rất khó để Nikon có thể quay trở lại vị thế năm nào và tạo ra “cuộc đua tam mã”.
Nếu bạn nhìn vào biểu đồ doanh số bán hàng theo thời gian, cho đến trước 2020, chưa có công ty nào tiếp cận đến gần con số của Sony (43,9%). Tuy nhiên năm nay, Canon đang có những bước tiến vượt bậc với 34,7% thị phần.

Tổng kết lại, sau khoảng thời gian khó khăn do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, thị trường máy ảnh tại Nhật Bản đang dần có những bước phục hồi. Trong đó, Canon đang đe dọa vị thế của Sony tại thị phần máy ảnh không gương lật full-frame với “chiếc máy ảnh full-frame giá hủy diệt” – EOS RP, mẫu EOS R được cập nhật firmware khá ổn, và hai mẫu máy mới là Canon EOS R5 và R6.
Ở Việt Nam, bức tranh cũng là khá tương đồng khi trong một năm vừa qua EOS RP được giảm giá rất sâu, tạo điều kiện để người dùng tiếp cận. Bất chấp tính năng không mạnh mẽ bằng những A7c hay A7 Mark III, giá cả đã, đang và sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc lựa chọn của khách hàng, nhất là ở Việt Nam – một đất nước rất chuộng cảm biến full-frame.

“Stay hungry. Stay foolish”