Vừa qua, tờ báo Deadline đưa tin MGM đã được cho phép thực hiện bộ phim về đề tài ô nhiễm môi trường “Minamata” với người thủ vai chính là “thuyền trường của tàu ngọc trai đen” – Johnny Depp. Bộ phim không chỉ thu hút nhiều sự chú ý nhờ sự có mặt của Johnny Depp trong tạo hình cho nhân vật W. Eugene Smith, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng với bộ ảnh kinh điển để đời tại Minamata mà còn là những tranh cãi xoay quanh bức ảnh nổi tiếng nhất của ông.
Trong bộ phim, Johnny Depp vào vai một phóng viên ảnh nổi tiếng đã ngắt liên lạc với thế giới nhưng vẫn nhận nhiệm vụ cuối cùng từ biên tập viên của tờ tạp chí Life. Ông tới Minamata, thành phố duyên hải của Nhật Bản, nơi sức khỏe người dân địa phương đang bị tàn phá nặng nề vì ngộ độc thủy ngân, từ những hóa chất một nhà máy gần đó xả vào nguồn nước và thực hiện bộ ảnh cuối cùng của mình.
Death-Flow from a Pipe – Dòng nước chết người từ đường ống
Điều gì có thể khiến một nhiếp ảnh gia trở thành một tượng đài trong nghệ thuật? Tôi cho là những tác phẩm của họ tạo ra đã làm thay đổi thế giới quan của cả thế giới. Và, W. Eugene Smith chính là một ví dụ điển hình này. Bộ ảnh của ông có tựa đề Death-Flow from a Pipe, được thực hiện trong chuyến đi cùng người vợ hai Aileen Mioko Smith đến phía Nam của Minamata.
Tại đây, ông cũng tình cở gặp được Takeshi Ishikawa, trợ lý sau này đã giúp ông rất nhiều trong công việc. Mặc dù Smith chỉ định ở đây khoảng ba tháng nhưng không ngờ ông ấy, người vợ và Takeshi đã ở lại Minamata đến ba năm để thực hiện bài luận ảnh cuối cùng này trước khi ông qua đời vào năm 1978.
Bộ ảnh phản ánh những hậu quả mà ô nhiễm môi trường đã mang đến. Cụ thể là việc thải thủy ngân và kim loại nặng khác ra vịnh Minamata của tập đoàn Chisso, Nhật Bản. Sau một thời gian dài, những chất cực đôc này đã khiến cả ngôi làng Minamato bị nhiễm độc thủy ngân. Từ đây, căn bệnh “Minamata” đã được hình thành. Không những giết chết các loài sinh vật và con người, sự nhiễm độc còn duy trì sang nhiều thế hệ khi những đứa trẻ dị tật bẩm sinh lần lượt ra đời.
Sau khi được đăng trên tạp chí Life ngày 2/6/1972, bộ ảnh của Smoth đã đến được công chúng toàn thế giới. Nó đủ sức mạnh là bản luận tội buộc chính phủ Nhật vào cuộc. Đã có 17.000 đơn kiện được nộp, và đến nay, Chisso và chính phủ đã chấp nhận và bồi thường cho 2.000 đơn.
Tomoko Uemura in Her Bath – Giờ tắm của Tomoko Uemura
Trong hàng ngàn bức ảnh được chụp vào thời gian đó thì gây xôn xao nhất là bức ảnh chân dung có tựa đề Giờ tắm của Tomoko Uemura – Bức ảnh về Ryoko Uemura đang ôm đứa con dị tật chính là Tomoko, trong một bồn tắm ngâm rượu truyền thống của Nhật Bản. Jim Hughes, người viết tiểu sử cho Smith đã tiết lộ trong một bài đăng trên tờ Digital Photojournalist thì chính Ryoko – mẹ của Tomoko đã gợi ý về bức ảnh và mời Smith chứ không phải ông tự ý vào.
Bức ảnh, thuộc một phần của bài luận ảnh trên tạp chí Life có tựa đề: “Death-Flow from a Pipe’’, đã khiến cả thế giới đổ dồn mọi sự chú ý về tập đoàn Chisso và căn bệnh của ngôi làng Minamata. Bức ảnh không chỉ đơn thuần nói về hai mẹ con mà hơn thế đã trở thành một biểu tượng về tác hại của ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên bức ảnh cũng khiến gia đình của Uemura bị giám sát gắt gao, phải đối mặt với những nghi vấn của báo chí và cáo buộc trục lợi. Sau cái chết của Smith vào năm 1978, bản quyền những nghiên cứu tại Minamata được giao cho người con của vợ trước (con của Smith với vợ đầu tiên). Vào năm 1997, trong lễ kỷ niệm 20 năm sau khi Tomako qua đời, một công ty truyền hình của Pháp đã liên hệ với gia đình của Uemura để xin bản quyền của bức ảnh. Tuy nhiên, gia đình Uemura đã từ chối việc xin bản quyền đó và cả yêu cầu phỏng vấn.
Vì sự từ chối này, người vợ hai – Aileen đã tới gặp gia đình Uemura. Theo như Jim Hughes thì Aileen đã đồng ý “trả lại” bức ảnh cho gia đình và nhượng quyền sử dụng.
Vào năm 2001, Aileen đã viết một bài luận tiết lộ lý do không cho phép công bố bức ảnh của Tomoko sau nhiều năm bàn bạc với gia đình Uemura. Cô ấy giải thích rằng:
“Bức ảnh này sẽ chả có nghĩa lý gì nếu không tôn vinh Tomoko. Sẽ là một sự xúc phạm nếu nó tiếp tục được phát hành trái với ý muốn của cô ấy và gia đình. Bức ảnh là tuyên ngôn về cuộc sống của Tomoko, nó phải tôn vinh cuộc sống và sự hy sinh của cô ấy. – aileenarchive.co.jp”
Mặc dù biết được những gánh nặng đối với gia đình Tomoko, người viết tiểu sử – Hughes vẫn đưa ra quan điểm phản bác chống lại việc kiểm soát bản quyền cho bức ảnh, cũng như là tầm quan trọng của bức ảnh trong lịch sử.
“Bức ảnh là một trong những bức ảnh sâu sắc nhất từng được thực hiện. Không chỉ nhắc đến một vụ thảm kịch cụ thể mà bức ảnh còn đại diện cho lòng nhận đạo và sự trắc ẩn. Đương nhiên, có nên đặt cái chung lên trên cá nhân hay không, có lẽ là một câu hỏi sẽ không bao giờ được trả lời thỏa đáng cho tất cả mọi người… Bỏ những mặt tốt sang một bên thì tôi tin rằng việc giấu đi sẽ là một bất lợi lớn cho thế giới. – digitaljournalist.org
Minamata sẽ ra rạp vào đầu năm 2021
Bộ phim của đạo diễn Andrew Levitas dự kiến ra mắt ngày 5/2/2021. Vì tất cả những lí do trên mà chúng mình nghĩ đây sẽ là bộ phim có chủ đề nhiếp ảnh rất đáng xem trong năm tới.
Cuối cùng, suy nghĩ của bạn như nào về tấm ảnh Giờ tắm của Tomoko Uemura, liệu tấm ảnh này có nên được truyền tải rộng rãi đến mọi người hay là mãi mãi ngủ yên trong ngăn kéo tủ? Dù sao thì hãy bình luận để chúng mình biết nhé!