Từ lâu, cửa hàng máy ảnh David Chan Co. đã trở thành điểm đến của các tay máy đam mê chụp ảnh film ở Hong Kong, cũng như các tay săn máy ảnh trên thế giới. Cửa hàng này có điều bí ẩn gì khiến các nhiếp ảnh gia yêu thích đến vậy? Câu trả lời sẽ được hé lộ trong bài viết dưới đây.
“- How much is it?
– Not for sale
– Really, you are not selling it?
– Not for sale, I don’t want to sell it.”
Đây là một cuộc hội thoại tiêu biểu bạn dễ dàng bắt gặp tại cửa hàng máy ảnh film lâu đời David Chan Co. Cửa hàng thuộc quyền sở hữu của ông David Chan, ngụ tại tầng hai, tòa nhà thương mại cũ Champagne Court, số 16 – 20 đường Kimberley, Tiêm Sa Chủy, Cửu Long, Hong Kong.
Ông Chan thành lập David Chan Co. và bắt đầu kinh doanh máy ảnh từ những năm 1960. Sau vài thập kỷ kinh doanh, hiện tại ông làm việc với vai trò một nhà sưu tầm máy ảnh.
Các vị khách đến thăm cửa hàng của David Chan thường chia sẻ cảm xúc choáng ngợp trước bức tường máy ảnh film cao chạm trần. Không khó để bạn tìm ra những thương hiệu máy ảnh nổi tiếng như Leica, Nikon, Pentax, Zeiss, Voigtlander, hay Canon ở đây. Nhiều chiếc máy ảnh phim hiếm còn nguyên hộp như Contax S2, Contax G1 – đối thủ một thời của Leica M7; hay Minolta DYNAX 9xi sản xuất năm 1992 – chiếc máy ảnh được mệnh danh là vua tốc độ trong dòng máy ảnh phim.
Dù số lượng máy ảnh trong cửa hàng rất lớn, nhưng chúng vẫn được xếp gọn gàng theo từng khu vực. Đi kèm từng chiếc là những mẩu giấy ghi rõ ràng tên dòng máy, tiêu cự, khẩu độ và giá tiền. Các sản phẩm là “kiệt tác” thường được ông David Chan bọc thêm màng bảo vệ. Ông Chan yêu quý tất cả những chiếc máy ảnh tại cửa hàng.
Tình yêu ông Chan dành cho những chiếc máy ảnh lớn tới nhường nào mới có thể nhìn ra vẻ đẹp khác biệt giữa thiết kế thủ công của nút nhả cửa trập trên Canon 7S và Leica M3? Chắc chắn tình yêu đó đủ lớn để người ta sẵn sàng gọi ông với danh xưng “Camera Guardian”.
“Nhấn nút chụp và lắng nghe âm thanh nhả cửa trập cũng khiến tôi hạnh phúc.” – David Chan
Những mẫu máy ảnh, ống kính được ông Chan yêu thích là những chiếc được hoàn thiện bởi các bậc thầy trong khoảng thời gian trước năm 1980. Ông đành giá chúng là các mẫu máy ảnh và ống kính tuyệt vời nhất. Thiết kế phức tạp của chúng mang đến “hương vị” riêng cho từng bức ảnh. Sự độc đáo bắt nguồn từ việc sử dụng nguyên tố phóng xạ Thori đioxit (ThO2) trong sản xuất ống kính cổ điển. Đặc tính quang học có độ khúc xạ cao, độ tán xạ thấp của ThO2 đã giúp cho các ống kính sản xuất từ những năm 1940 đến 1980 giảm thiểu quang sai màu và sử dụng thấu kính có độ cong thấp hơn.
“Tôi không phải là một nhiếp ảnh gia giỏi. Nhiếp ảnh là một nghệ thuật. Tôi trân trọng những chiếc máy ảnh như những tác phẩm nghệ thuật. Cầm một chiếc máy ảnh trong tay khiến tôi rất hạnh phúc.” – David Chan
Việc sở hữu bộ sưu tập máy ảnh film quý giá đã giúp ông Chan được nhiều người biết đến. Một vài vị khách đến chỉ để ngắm nhìn những chiếc máy ảnh qua cửa kính. Lúc đó, ông Chan – người chủ cửa hàng vô cùng hòa nhã – sẽ mời họ vào bên trong, giới thiệu một vài dòng máy và khuyến khích họ cầm thử chúng.
Ông không thu tiền hướng dẫn cũng không ép ai mua máy ảnh. Ông tận tình hướng dẫn cách sử dụng máy như cách quan sát kim đo sáng và điều chỉnh để lấy nét. Đó là những kiến thức có thể khiến bạn bối rối mỗi khi đứng trước một chiếc máy ảnh có tuổi đời còn lớn hơn mình.
David Chan có thể dành cả tiếng đồng hồ để chia sẻ nhiều điều thú vị như âm thanh giòn tan của chiếc Leica M3 khi lên phim 2 lần (double-stroke), cách sử dụng rangefinder trên dòng máy uncoupled rangefinder – dòng máy được sản xuất vào những năm 1930 của Leica. Câu chuyện đi vào lịch sử của báu vật Nhật Bản, Nikon F, khi cứu sống một nhiếp ảnh gia chiến trường khỏi viên đạn lạc trong cuộc chiến tranh Việt Nam cũng vô cùng hấp dẫn.
Dù bày tỏ yêu thích với những chiếc máy ảnh cổ điển, ông Chan vẫn luôn thể hiện sự công tâm khi đánh giá các dòng máy. Theo ông, sự khác biệt giữa các dòng máy ảnh đến từ đặc trưng văn hóa của đất nước sáng tạo nên chúng hoặc đặc trưng văn hóa của thời kỳ chúng ra đời.
Khi được hỏi vì sao ông không bán những chiếc máy ảnh quý hiếm được trả giá cao. Ông nhẹ nhàng trả lời:
“Những đứa con của tôi không thích máy ảnh cổ điển. Rất đáng tiếc nếu bán tất cả những chiếc máy ảnh này. Nếu tôi bán bộ sưu tập của mình, các thế hệ tiếp theo sẽ không biết được những chiếc máy ảnh cổ điển đẹp đến nhường nào.”
Với tuổi tác ngày một cao của ông David Chan, nhiều người cảm thấy lo ngại về việc vận hành cửa hàng. Những người bạn và khách quen không ngừng hỏi thăm tình hình kinh doanh của David Chan Co. Đáp lại, ông bày tỏ sự lạc quan và trấn an mọi người. Cửa hàng vẫn sẽ hoạt động và không gặp bất cứ khó khăn nào về tài chính.
Ông bày tỏ ở tuổi 70 này mình không duy trì cửa hàng như một nơi để kinh doanh. Đây là nơi dành cho những người bạn, khách hàng của ông đến với nhau và trò chuyện. Ông sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm của mình tới mọi người. Đó là điều ông muốn làm.
Chính nhiều điều trên đã tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng của cửa hàng David Chan Co. Những người biết đến ông Chan hẳn sẽ muốn đến Hồng Kông để tự mình nhìn ngắm những kiệt tác trong “bảo tàng” này, và nghe người “bảo hộ” thân thiện nói “No, no, no, not for sale” một cách đầy vui vẻ.