Tối ngày hôm qua 15/10, trong sự kiện trực tuyến X-Summit của Fujifilm, hãng này đã cho ra mắt chiếc máy mới nhất của họ, Fujifilm X-S10 và những chiếc ống kính mới.
Lạc loài nhưng lại có lý
Sau khi được chính thức công bố, chiếc Fujifilm X-S10 đã lập tức nhận được khá nhiều lời “body-shaming” đến từ chính những người dùng Fuji, từ Việt Nam cho tới toàn cầu. Họ không thể tin được Fujifilm lại cho ra một chiếc máy có thiết-kế-xấu-đến-như-vậy. Họ cảm thấy X-S10 là một sản phẩm “lạc loài”, không giống với bất cứ người anh em nào trong dàn máy ảnh của Fujifilm cả.

Nhưng ở góc nhìn của một người dùng nhiều máy ảnh các hãng khác nhau, người viết cảm thấy rằng thiết kế của chiếc X-S10 tuy “lạc loài”, nhưng lại “có lý”. Vì thiết kế mới này đã hướng tới khía cạnh công thái học nhiều hơn, tức là dễ cầm nắm, thao tác hơn; điều mà bấy lâu nay Fujifilm không hẳn là mạnh. Quan trọng hơn cả, bên trong một thân máy “lạc loài”, lại là một cấu hình của một chiếc X-T4 phiên bản rút gọn, làm cho chiếc máy này càng “có lý” hơn.
Hãy cùng 50mm Vietnam phân tích nhé!
Vẻ ngoài “lập dị” nhưng là điểm mạnh thao tác
Quay trở lại với thiết kế của Fujifilm X-S10, chắc chắn đây là chiếc máy không nhận được nhiều sự đón nhận của chính người dùng Fujifilm, cách họ phản đối thiết kế này đã là một minh chứng rõ ràng. Tuy nhiên, với những người đang hướng tới một sản phẩm để làm nghề, hoặc từ một nhóm người dùng hãng khác nhìn sang, đây là một thiết kế có phần rất phù hợp.

Một báng cầm sâu giúp việc cầm nắm dễ dàng hơn; các nút thao tác nhanh được chuyển lên đầu như ISO, Q, nút REC; ba bánh xe có thể gắn chức năng; một vòng xoay chế độ PSAM; tất cả những điều này tạo ra một thiết kế hơi hầm hố, “không Fujifilm lắm”, nhưng lập tức cho cảm giác sẽ rất dễ thao tác. Với chiếc X-S10, có lẽ hãng muốn hướng tới việc sẽ tạo ra một chiếc máy để thu hút người dùng từ hãng khác qua, hoặc người mới chưa dùng máy ảnh bao giờ, hoặc hướng tới những ai vẫn đang lăn tăn việc làm nghề bằng máy gì ở phân khúc advance-amateur.
Một sự thay đổi sáng giá so với chiếc máy ở phân khúc gần ngang bằng X-T30 đó chính là việc tích hợp ổ pin và thẻ vào phần dọc của báng cầm. Đây là một thiết kế có thể nói là thông minh khi bạn sẽ không còn phải bực bội với tiết mục lỗ cắm tripod ở rất gần ổ pin của X-T30, bắt buộc người dùng muốn thay pin thì phải tháo cả đế tripod nữa. Tuy nhiên, việc vẫn để ổ thẻ và pin cạnh nhau sẽ làm nóng thẻ lên nhanh hơn.

Không còn những vòng xoay Shutter, ISO; và theo đó là sự hiện diện của những vòng xoay “vô danh” có thể gắn chế độ, cũng như những nút tắt đảm bảo cho việc thao tác. Có thể những người dùng Fujifilm quen rồi sẽ nói việc các vòng xoay shutter, ISO là nét đặc trưng, sử dụng thông thường hay kể cả đi làm nghề có vấn đề gì đâu? Tuy nhiên, với việc hướng tới đối tượng người mới mua máy ảnh hoặc từ hãng khác chuyển sang, thiết kế của X-S10 sẽ dễ làm quen hơn cả, vì thực ra chiếc máy này cũng đang được làm giống các thiết kế đã tối ưu từ DSLR ra mà thôi.
Điểm mạnh cuối cùng mà chiếc X-S10 này sở hữu, chính là chiếc màn hình xoay lật (flipout screen). Cá nhân người viết không thích các dòng màn hình lật (tilting screen) lắm, vì nó không quá phù hợp với việc quay phim, cũng như các góc lật có phần cứng nhắc. Vì vậy, màn hình xoay lật cảm ứng trên X-S10 là một điểm mạnh không thể phủ nhận.
Tựu chung lại, khi nhìn chiếc X-S10, nó có vẻ được lai với những thiết kế đến từ Canon hoặc Olympus nhiều hơn, tuy nhiên cũng không phải điều gì quá tệ. Cơ mà, có lẽ năm nay giải thưởng danh giá Red Dot Award sẽ không đến với thiết kế của chiếc X-S10, điều mà những người anh em khác trong dàn máy ảnh Fujifilm thường xuyên được nhận hàng năm.
Sức mạnh bên trong của Fujifilm X-S10
Nếu không quá khó tính với vẻ ngoài “không Fujifilm lắm” thì khi đọc vào thông số bên trong, bạn hẳn sẽ khá ấn tượng với chiếc máy có giá $999 này.
Được chia sẻ cấu hình gần như tương tự với Fujifilm X-T4, khi có chip xử lý X-Processor 4, cảm biến X-Trans thế hệ thứ 4, và cuối cùng là hệ thống chống rung mới, lên tới 6 f-stops nhưng lại nhỏ và nhẹ hơn tới 30% so với module chống rung của X-T4, nhiều người hẳn sẽ tin đây sẽ là cấu hình của “chiếc máy tương lai” X-T40 mới phải. Được biết, X-S10 cũng là chiếc máy ở tầm trung đầu tiên được trang bị cảm biến chống rung chuyển động cơ học (motion sensor retention mechanism), giúp giảm thiểu những ảnh hưởng khi bấm nút chụp. Hệ thống chống rung này cũng sẽ hoạt động tương tự khi quay video.
Khả năng lấy nét liên tục cũng là điểm mà chiếc Fujifilm X-S10 được thừa hưởng từ X-T4 với 2.16 triệu pixel lấy nét pha (phase detection), cho phép tốc độ lấy nét có thể nhanh đến mức 0.02 giây, và đặc biệt là khi dùng với ống XF 50mm f/1.0 mới của hãng thì còn có thể lấy nét ở điều kiện siêu siêu siêu tối -7EV. Chiếc máy mới cũng đã được thêm vào khả năng đuổi nét theo chuyển động của vật thể, chủ thể, giống với việc bắt chuyển động của mắt và mặt (EyeAF và Face Detection), điều mà X-T30 không có.
X-S10 có khả năng chụp liên tiếp khá ấn tượng khi có thể lên tới 30 hình/s không bị nháy đen (blackout) ở chế độ màn trập điện tử. Ở chế độ màn trập cơ học, X-S10 cũng đạt được tốc độ chụp là 8 hình/s.
X-S10 cũng là chiếc máy tầm trung hiếm hoi được trang bị đủ 18 giả lập film của Fujifilm cho đến lúc này, giống hệt so với Fujifilm X-T4. Những Eternal, Bleach By Pass và đặc biệt là màu giả lập film Classic Negative vô cùng được yêu thích gần đây sẽ đều có mặt trên X-S10.
Về khả năng quay video, X-S10 cũng không làm người ta cảm thấy thất vọng khi có thể quay 4K30p 8-bit 4:2:0 ngay trong thẻ và 10-bit 4:2:2 nếu dùng bộ ghi ngoài thông qua cổng HDMI. Video 4K của Fujifilm X-S10 đã dùng công nghệ Oversample từ hình ảnh 6K, vì vậy chất lượng hình ảnh sẽ rất cao, cũng như giảm nhiễu tốt hơn. Ở chế độ quay high-speed, chiếc máy này có thể ghi được những thước film Full HD 1080 ở framerate lên tới 250fps, tức là có thể làm chậm lên tới 10 lần chuyển động của chủ thể.
Về mặt các cổng kết nối, X-S10 cũng có đủ micro HDMI, cổng micro 3.5mm và cổng USB-C có thể sạc hoặc chuyển đổi làm cổng tai nghe, rất phù hợp với nhóm đối tượng làm video.
Ngày lên kệ và giá bán của Fujifilm X-S10
Fujifilm X-S10 sẽ được lên kệ vào khoảng tháng 11 với giá $999 với body không (khoảng 23 triệu).
Chiếc máy này hứa hẹn sẽ là một lựa chọn dành cho những ai định hướng tới việc làm nghề ở phân khúc trung cấp.
Dải ống kính mới được công bố của Fujifilm
Cũng trong sự kiện tối qua, Fujifilm cũng đã công bố sự xuất hiện của 3 ống kính mới (không kể XF 50mm f/1.0) bao gồm:
- Phiên bản mới của ống kính Fujinon XF 10-24mm F4 R OIS WR
- Ống kính XF18mm F1.4
- Ống kính 70-300mm F4-5.6 OIS
Hai chiếc 18mm f/1.4 (quy đổi ra 27mm) và 70-300mm f/4-5.6 (quy đổi ra là 105-450mm) là hai chiếc ống kính mới hoàn toàn, hướng tới người chụp ảnh đường phố (18mm f/1.4) và những người thích hứng thú với chim cò, động vật hoang dã, thể thao (70-300mm).
Còn với chiếc 10-24mm, đây là một bất ngờ nho nhỏ của Fujifilm tới với người dùng. Các tin đồn trước đây đều cho rằng sẽ là một ống kính thế hệ thứ 2 (Mark II), tuy nhiên hãng này vẫn giữ nguyên cấu trúc thấu kính, chỉ chỉnh sửa lại một số điểm trong thiết kế, thêm vào khả năng chống chịu thời tiết, nâng cấp một chút khả năng chống rung (+1 stop) và cuối cùng là thêm vào vòng khẩu vật lý.
Tựu chung là một phiên bản mới 2020 nhưng không phải là mark II, có lẽ hãng này chưa cảm thấy việc nâng cấp này là đủ, nên chưa gọi là ống kính thế hệ thứ 2.

“If memories could be canned, would they also have expiry dates? If so, I hope they last for centuries.”