Có vẻ tháng 10 là thời điểm thích hợp để các hãng công nghệ ra mắt những sản phẩm mới. Apple ra mắt Iphone 12, Panasonic cho ra mắt chiếc máy quay với dạng modul BGH1. Nikon cũng không đứng ngoài, tung ra mắt bản nâng cấp cho dòng máy Mirrorless của mình: Nikon Z6 II and Z7 II.
“Bình Cũ, Rượu Mới”
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Nikon, hãng này sử dụng cách gọi “Mark II” cho sản phẩm của mình. Trước đó họ vẫn hay sử dụng các kí tự “x,s” như D3x, D3s hơn. Tuy vậy, vẫn giống triết lý thiết kế nhiều năm qua của Nikon ở các phiên bản nâng cấp, vẻ bề ngoài của hai mẫu máy này không có điểm nào thay đổi, vẫn chiếc gù nhô lên đặc trưng cùng báng cầm thiết kế đã đi theo bao dòng máy Nikon đem cho người dùng sự thoải mái khi cầm nắm.
Vẫn là màn hình lật lên xuống (tilting screen), chứ không phải kiểu màn hình xoay lật ra ngoài (various angle flipout screen) như các mẫu máy ảnh mới ra mắt của các hãng khác. Các nút bấm vẫn được giữ nguyên. Nếu như bạn tinh ý một chút thì có thể thấy nắp đậy khe thẻ nhớ có to hơn một chút. Vậy thôi. Bên trong máy mới là nơi được cải tiến đáng kể:
- Nâng cấp chip xử lý: 2 chip Expeed 6 thay vì 1 như người tiền nhiệm.
- Hai khe thẻ nhớ: XQD/CFexpress và SD. Khe thẻ CFexpress là khe thẻ Type-B, còn thẻ SD sẽ là thẻ UHS-II
- Có khả năng quay 4K60p (thông số quay ở hai mẫu máy Z6 II và Z7 II là khác nhau)
- Tương thích với mẫu Grip mới – MB-N11
- Khả năng lấy nét vào mắt sẽ hoạt động ở cả chế độ lấy nét toàn khung ngắm (ở các mẫu máy trước, lấy nét vào mắt chỉ hoạt động ở chế độ “Auto-area AF”)
- Hệ thống lấy nét vào mắt hoạt động cả khi bạn quay phim
- Có khả năng vừa sạc vừa sử dụng thông qua cổng sạc USB-C
- Hệ thống lấy nét không thay đổi nhưng hứa hẹn đem lại khả năng lấy nét trong điều kiện thiếu sáng tốt hơn
- Độ phân giải và tốc độ làm mới của EVF không thay đổi (3.69M) nhưng giảm tần suất nháy đen (blackout) khi chụp
- Tăng tốc độ chụp liên tiếp và khả năng lưu trữ của bộ nhớ đệm
Còn lại, cảm biến cũng như hệ thống chống rung bên trong thân máy (IBIS) không có gì thay đổi. Tuy nhiên, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào nâng cấp của từng mẫu máy.
Nikon Z6 II: Cỗ máy đa năng!
Trái tim vẫn là cảm biến Full frame BSI có độ phân giải 24,5 Mpx, nhưng được nâng cấp khả năng lấy nét cũng như chụp liên tục. Ở phiên bản kế nhiệm, Z6 II với gấp đôi chip xử lý có thể chụp lên tới 14fps (so với 12 fps của người tiền nhiệm), nhưng với một số giới hạn như chỉ được dùng chế độ lấy nét 1 điểm, và chất lượng của ảnh RAW bị giới hạn ở 12-bit. Nếu bạn muốn chụp RAW chất lượng 14-bit hoặc lấy nét liên tục trong khi chụp, bạn phải hạ tốc độ chụp xuống 12 fps. Đó vẫn là một con số ấn tượng.
Ngoài ra với chip xử lý mới, bộ nhớ đệm sẽ tăng lên gấp 5 lần, lên tới 124 RAW/200 JPEG.
Là một mẫu máy hướng đến những người dùng hybrid, vừa quay vừa chụp, chế độ quay phim của Z6 II cũng không hề kém cạnh mẫu máy nào trong phân khúc ~ $2000. Với khả năng quay 4k 60p* lên thẻ nhớ với tỉ lệ crop thành APS-C 1.5x; Quay Slo-mo FullHD 120fps; Bit depth và chroma subsampling chỉ dừng lại ở 8-bit 4:2:0; cuối cùng là khi output HDMI thì tuy có thể ghi được chế độ HLG, 10-bit 4:2:2 N-Log, nhưng điểm mấu chốt chí mạng là Z6 II chỉ ghi được 4K@30p chứ không lên được 60fps, có lẽ Nikon vẫn chưa thực sự có thể cạnh tranh ở mảng quay video.
Cũng phải nhắc đến việc quay RAW, Nikon Z6 II có thể quay được RAW, nhưng phải thông qua một bản firmware upgrade có trả phí tại hãng. Lúc đó chiếc máy cuả bạn có khả năng quay video ở định dạng ProRes Raw với bộ ghi ngoài. Hoặc nếu bạn đang sử dụng máy quay của hãng Black Magic và quen thuộc với định dạng Blackmagic RAW, Z6 II cũng có thể làm điều đó với bộ ghi Blackmagic Design Video Assist 12G HDR.
Hiện tại máy đã nhận đặt trước với mức giá $1999 cho thân máy không, hoặc $2599 khi kèm ống kính Z 24-70mm F/4 S. Mức giá này có những cái tên rất mạnh như Canon R6, Panasonic S5 hay chiếc máy hơi cũ hơn chút nhưng vẫn rất mạnh là Sony a7 III. Chúng ta hãy cùng chờ đón những bài so sánh giữa các mẫu máy này.
*: Tính năng này sẽ được đem tới thông qua một bản cập nhật vào tháng 2 năm 2021.
Nikon Z7 II: Tiếp thêm sức mạnh!
Z7 là mẫu máy ảnh với cảm biến BSI độ phân giải lớn, 45,7Mpx, đem lại chất lượng hình ảnh tuyệt vời. Với lần nâng cấp này, Z7 II đã trở nên mạnh mẽ hơn chút ít với những thay đổi nhỏ nhưng không nhỏ.
Tốc độ chụp liên tiếp đã tăng lên con số 10fps, thêm 1 so với chiếc Z7. Nhưng cũng dễ hiểu bởi dung lượng file của Z7 II là khá lớn, bù vào đó thì với chip xử lý Expeed 6 kép, bộ nhớ đệm của máy đã được mở rộng thêm 3.3 lần, lên tới 50 ảnh RAW/200 ảnh Jpeg chụp liên tiếp mới ngừng.
Tính năng quay phim cũng được Nikon tiếp lực với khả năng quay 4K/60p mà chỉ bị crop nhẹ (1.08x). Ngoài ra với cổng mini HDMI, máy có thể suất video với chất lượng 12-bit N-log hoặc HDR(HLG) để người dùng có thể ghi ra bộ ghi ngoài, nhưng vẫn chỉ là 4K30p thôi nhé.
Mức giá không thay đổi, vẫn là $2999 cho thân máy, hoặc $3599 cho ống kính Z 24-70mm F/4 S. Để kể đến những cái tên ở phân khúc máy ảnh trên $3000, Canon R5, Sony a7R mark IV hay Panasonic Lumix S1R sẽ được xướng đến.
Mỗi chiếc máy đều có những điểm mạnh, yếu riêng, làm thị trường máy ảnh cao cấp trở nên giằng co và hấp dẫn hơn.
Ơn giời, Battery Grip “chân chính” đây rồi!
Với dòng máy Z, Nikon chưa cho ra mắt được một mẫu Grip có thể điều khiển nào. Mẫu MB- N10 chỉ có duy nhất một tác dụng là lắp pin vào và giúp tăng thời gian hoạt động của máy, không giúp người dùng có thể cầm máy hoặc thao tác theo chiều dọc dễ dàng hơn. Và đi kèm với Z6 II và Z7 II, Nikon đã cho ra mắt grip MB-N11. Grip này giúp những người hay chụp chân dung cầm nắm máy dễ hơn rất nhiều khi đã có những nút bấm hay joystick để thao tác. Trên grip cũng có cổng USB-C, người dùng có thể cắm nguồn điện từ cục sạc dự phòng hay ổ cắm, tăng thời gian sử dụng máy.
Một tính năng rất hay là khi grip được cắm đủ 2 viên pin, máy sẽ ưu tiên dùng viên bên ngoài (gần nắp đóng mở), để nếu khi cần, có thể mở ra và thay nóng (hot swap) viên pin mới mà không cần dừng sử dụng hoặc tắt máy. Rất phù hợp với người chụp cường độ cao, người chơi time-lapse và cả những người quay video nữa.
Nikon, bản nâng cấp này liệu có hơi muộn không?
Vào thời điểm ra mắt mẫu máy này, có nhiều ý kiến cho rằng Nikon nên làm dòng máy Nikon Z với những trang bị như này ngay từ thời điểm đầu ra mắt. Nhưng đối với người viết, không có hãng máy ảnh nào có thể làm một chiếc máy ảnh vừa lòng tất cả. Mọi thừ đều cần những bước đệm, để thăm dò thị trường. Với Z6, Z7, hai mẫu Fullframe ở tầm giá trung bình và cao, tiếp đó là Z50 – mẫu máy crop nhỏ gọn ngàm Z. Gần đây nhất là Z5 – mẫu máy Fullframe Mirrorless rẻ nhất của hãng. Nikon đã phủ kín thị trường bằng các mẫu máy ảnh phù hợp.
Tuy những nâng cấp lần này của Nikon không quá nhiều, nhưng lại là những nâng cấp có ảnh hưởng trực tiếp tới thao tác và trải nghiệm của người dùng cấp cao. Liệt kê nhanh những thay đổi như: Gấp đôi chip xử lý trên mỗi chiếc máy, người dùng sẽ được hưởng lợi bởi khả năng “nuốt” file khá mượt mà kể cả chiếc máy độ phân giải lớn như Z7 II; thêm vào đó là việc gia tăng thêm một khe SD UHS-II cũng làm tăng tính đa đạng của việc sử dụng sản phẩm; hoặc việc cho vừa sạc vừa sử dụng cũng là một trong những nâng cấp đáng chú ý.
Điểm trừ duy nhất của lần ra mắt này có lẽ thuộc về khả năng quay video vẫn còn khá hạn chế khi không có chất lượng file cao 10-bit 4:2:2 như một số hãng như Canon, Pana đã làm, ngoài ra là việc giới hạn output HDMI chỉ là 4k30p cũng là một giới hạn cho người muốn dùng Z6 II hay Z7 II cho công cuộc video.