Những ngày gần đây, trên các diễn đàn ảnh mạng chia sẻ rất nhiều về một câu chuyện buồn: Hãng máy ảnh Olympus đã chính thức bán mình.
Olympus – Cái tên mà kể cả những người không biết quá nhiều về máy ảnh hẳn cũng đã nghe đến một lần trong đời. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi Olympus là một thương hiệu có tuổi đời đã ngoài 80 (chính xác là 84), và luôn ở trong top đầu những thương hiệu máy ảnh lớn trên toàn thế giới.
Thành công của Olympus dựa trên những chiếc máy ảnh, ống kính có thiết kế đẹp hoài cổ, chất lượng rất cao của mình. Dòng ống kính Zuiko của hãng còn luôn được một bộ phận người chơi ảnh gọi yêu là “Leica Châu Á” bởi thiết kế quang học tuyệt vời cùng với màu sắc xanh nhẹ đặc trưng. Trong xuyên suốt lịch sử của hãng, những chiếc Pen-F (cả phiên bản máy phim lẫn máy số), Series OM-D hay dải ống kính Zuiko luôn có chỗ đứng của riêng mình trên bản đồ máy ảnh.
Ngày buồn của những người yêu Olympus
Ai cũng có thời hoàng kim, Olympus ở những thập niên 80, 90 của thế kỉ trước là một ví dụ như vậy với những chiếc máy ảnh phim khá thành công và sau đó là và rất tiếc trong nhiều năm trở lại đây, Olympus đã ở bên kia sườn dốc của những ngày tháng hoàng kim đó. Với sự phát triển và “đánh chiếm” của smartphone, cũng như sự yêu thích công nghệ cảm biến lớn của người dùng, Olympus như một thành trì cuối cùng bảo vệ triết lý: một kích cỡ cảm biến M43 nhỏ nhắn của mình, và cuối cùng đã bị bỏ lại phía sau, khi ngay cả “anh bạn” Panasonic cũng đã cho ra dòng Lumix S với cảm biến kích cỡ full-frame.
Theo các báo cáo tài chính thì Olympus trong nhiều năm trở lại đây chỉ dựa vào việc kinh doanh mảng thiết bị y tế để nuôi sống mảng máy ảnh. Còn dựa trên quan sát của người viết thì mặc dù rất thành công ở thị trường đặc thù Nhật Bản, khi có số lượng người mua rất ổn và luôn đứng top đầu trong báo cáo các năm, những quầy hàng Olympus ở các siêu thị điện máy luôn có người đứng xem khá đông; nhưng rất tiếc ở các thị trường khác thì không được như vậy.
Biểu đồ báo cáo tài chính trên đây cho thấy Olympus đã làm ăn thua lỗ trong nhiều năm liền, thậm chí cả trong thời kì thịnh trị nhất của làng máy ảnh như năm đầu của thập kỉ 2010 thì hãng này vẫn lỗ một cách bền vững. Và khi những ngày đen tối của hai năm qua với con số lỗ kỉ lục lên tới 37,5% vào năm 2019 và chỉ mới qua nửa năm 2020 đã là 23,8%, mọi cố gắng có vẻ đã vô vọng và chuyện gì đến cũng đã phải đến, Olympus đành phải bán mình.
Vào ngày 24/6/2020, Olympus chính thức kí bản ghi nhớ sẽ bán mảng máy ảnh của tập đoàn cho Japan Industrial Partners (JIP), quỹ đầu tư trước đó đã mua lại mạng thương hiệu VAIO của Sony. Hợp đồng mua bán chính thức giữa hai bên nhiều khả năng sẽ được kí vào ngày 30/9 tới đây.
Tương lai nào cho Olympus và người dùng
Thật ra thì việc Olympus đem bán mảng máy ảnh cho quỹ đầu tư JIP, có thể chưa phải là dấu chấm hết cho một thương hiệu. Bởi lẽ, cũng trong thông cáo báo chí của Olympus, hãng cho biết rằng JIP sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển mảng này của Olympus. Theo đó, điều mà JIP sẽ làm đó là tái cấu trúc lại hoạt động của mảng camera, tinh gọn lại các thành phần không cần thiết, giữ vững các bộ phận nghiên cứu trên toàn thế giới, sẽ tiếp tục sản xuất, cũng như bán máy ảnh và ống kính. Được biết, các sản phẩm có trong lộ trình ra mắt vẫn sẽ ra mắt chứ không vì thương vụ này mà hủy bỏ.
JIP sẽ phải gánh trách nhiệm rất nặng nề đó là tìm ra đường sống cũng như phát triển được mảng máy ảnh, trong thời kì khó khăn chung của ngành này trên toàn thế giới với sự xâm lăng của smartphone – điều mà Olympus đã lấy làm lí do cho sự thua lỗ của họ.
Hy vọng rằng sau thương vụ mua bán này, chúng ta có thể sẽ thấy được một Olympus thật khác trong tương lai.

“If memories could be canned, would they also have expiry dates? If so, I hope they last for centuries.”