Dưới đây sẽ là danh sách những sản phẩm tốt nhất TIPA Awards 2020, mà chắc chắn nhiều người trong chúng ta đang hoặc đã lên kế hoạch tậu chúng về.
Những sản phẩm tốt nhất và đáng giá nhất cho năm 2020
Mới đây, hiệp hội báo chí kĩ thuật hình ảnh TIPA (Technical Image Press Association) đã công bố giải thưởng của họ (TIPA Awards 2020) cho các sản phẩm kĩ thuật số – phụ kiện tốt nhất của năm nay – tập hợp rất nhiều các sản phẩm sản xuất trong năm 2019 cho đến nay, cũng như đã xuất hiện từ cuối năm 2018. Vẫn như năm ngoái 2019, danh sách này quy tụ các tên tuổi lâu năm trong ngành ảnh như Canon, Nikon, Sony, Fujifilm, Manfrotto, Godox…
So với năm 2019, chúng ta đã không còn thấy hạng mục máy ảnh DSLR tốt nhất cho người dùng phổ thông / mới bắt đầu nữa. Có lẽ do năm qua hai hãng Canon và Nikon dường như dồn hết sự tập trung vào các dòng máy trung và cao cấp, ở cả DSLR cũng như mirrorless mà bỏ qua dòng phổ thông.
Ngoài ra, đây cũng là năm thứ 2 mà hạng mục máy ảnh fullframe không gương lật quay / chụp tốt nhất thuộc về một sản phẩm dòng Lumix S của Panasonic. Năm nay sản phẩm được xướng tên là chiếc Lumix S1H.
Và giờ hãy cùng 50mm Vietnam điểm qua danh sách các sản phẩm đạt giải thưởng TIPA Award 2020 thôi.
Danh sách các nhà vô địch của TIPA Award 2020:
Máy ảnh DSLR nâng cao tốt nhất: Canon EOS 90D
Mang theo mình cảm biến CMOS APS-C 32,5mpx, hệ thống AF 45 điểm dạng cross-type, tốc độ chụp tối đa đến 10 hình/giây, đi cùng khả năng quay video 4K, Canon EOS 90D là chiếc máy ảnh crop đáng quan tâm cho những người dùng mong chờ ở một sản phẩm mang theo mình những công nghệ mới nhất của Canon, mà chi phí đầu tư ở mức vừa phải.
Với các thông số chính đã được kể trên, EOS 90D là một chiếc máy có thể đáp ứng được nhiều thể loại hình ảnh khác nhau, từ phong cảnh, đời thường, cho đến du lịch, thể thao. Với bộ xử lý ảnh RAW, wifi và Bluetooth được tích hợp sẵn trong máy, EOS 90D có thể làm hài lòng từ những người dùng amateur cho đến các đối tượng nâng cao và có kinh nghiệm.
Máy ảnh DSLR cao cấp tốt nhất cho người dùng có kinh nghiệm và chuyên nghiệp: Nikon D780
Được ra mắt nhằm thay thế cho huyền thoại D750, D780 có đủ khả năng để đáp ứng được yêu cầu của những người dùng cao cấp và chuyên nghiệp, mong đợi một chiếc máy tốt, chi phí đầu tư ban đầu ở mức vừa phải để có thể hồi vốn nhanh. D780 là sự kết hợp giữa tốc độ cao của AF và chụp liên tiếp, chất lượng hình ảnh tốt, khả năng quay video ổn.
Một vài thông số kĩ thuật chủ đạo của Nikon D780 như cảm biến CMOS mới với độ phân giải 24,5 megapixel, bộ xử lý hình ảnh EXPEED 6, tốc độ chụp liên tiếp tối đa 7 hình/giây (ống ngắm quang học), hệ thống AF 51 điểm với 15 điểm cross-type, khả năng quay video 4K, 2 khe thẻ SD chuẩn UHS-II. Rõ ràng, với các thông số trên đây, việc nâng cấp từ D750 lên D780 là hoàn toàn xứng đáng.
Máy ảnh DSLR tốt nhất cho người dùng chuyên nghiệp: Canon EOS-1D X Mark III
Ra mắt vào tháng 1/2020 nhằm thay thế cho EOS-1D X Mark II đã được 2 năm tuổi, EOS-1D X Mark III mang theo kì vọng ở Canon về một chiếc máy ảnh làm được tốt ở chụp ảnh lẫn quay phim, đáp ứng tốt những yêu cầu đặt ra từ các nhiếp ảnh gia, phóng viên cũng như các nhà làm phim chuyên nghiệp. Ngoài ra, đây cũng là động thái đón đầu cho Olympic 2020 được tổ chức tại Nhật, dù nay đã bị hoãn do lo ngại về COVID-19.
Một vài thông số chủ đạo của EOS-1D X Mark III bao gồm: cảm biến CMOS Fullframe 20,2 megapixel, bộ xử lý hình ảnh DIGIC X, ISO 100 – 819200, hệ thống AF 191 điểm AF, tốc độ chụp liên tiếp tối đa 16 hình/giây (ống ngắm quang học), bộ nhớ đệm 1000 hình RAW, khả năng quay video 5,5K hoặc 4K 60p, hỗ trợ Canon Log, 10-bit 4:2:2, 2 khe thẻ nhớ CFExpress Type B.
Máy ảnh không gương lật nâng cao tốt nhất: Nikon Z50
Được Nikon ra mắt trong thời kì thị trường máy ảnh đang rất hỗn loạn với cuộc tranh giành thị phần mảng mirrorless, Z50 được kì vọng sẽ giúp Nikon giành được một chỗ đứng trong cuộc chơi mà họ đã bỏ lỡ khá lâu. Với khá nhiều các thông số kĩ thuật trong mình tương tự chiếc DSLR D7500 xuất hiện từ năm 2017, Nikon Z50 được nhắm đến đối tượng khách hàng nâng cao và amateur. Việc tính năng tương tự D7500 được hi vọng sẽ khiến Z50 có thể cạnh tranh được với các sản phẩm đang có trên thị trường từ các đối thủ Canon, Fujifilm và Sony.
Một vài thông số kĩ thuật chủ đạo của Nikon Z50 bao gồm: cảm biến CMOS APS-C 20,8mpx, bộ xử lý ảnh EXPEED 6, ISO 100 – 204800, tốc độ chụp liên tiếp tối đa 11 hình/giây, khả năng quay video 4K 24p/30p, FHD 120p, 1 khe thẻ nhớ SD chuẩn UHS-I.
Máy ảnh không gương lật tốt nhất cho người dùng có kinh nghiệm: Sony a6600
Được Sony ra mắt trong vai trò là chiếc máy ảnh Sony Alpha cao cấp nhất dùng cảm biến crop, a6600 được trang bị những tính năng tân tiến nhất của Sony nhằm đáp ứng được tốt khả năng chụp ảnh cũng như quay video. Dù vậy, hình thức bên ngoài của a6600 vẫn mang nhiều điểm tương đồng các máy khác trong dòng a6000.
2 điểm khác biệt đáng chú ý nhất nằm ở màn hình có thể lật đứng lên 180 độ, giúp việc selfie và làm vlog được dễ dàng hơn, cũng như cục pin FZ100 thay vì FW50 như trước kia, giúp kéo dài thời gian hoạt động.
Một vài thông số kĩ thuật chính bao gồm: cảm biến CMOS APS-C 24,5 megapixel, ISO 100 – 102400, hệ thống AF 425 điểm, hỗ trợ AF theo mắt động vật và bám chủ thể theo thời gian thực, chụp liên tiếp tối đa 11 hình/giây, chống rung 5 trục, quay video 4K 30p.
Máy ảnh với cảm biến crop tốt nhất cho người dùng chuyên nghiệp: X-Pro3
Được thiết kế với ý tưởng mang lại trải nghiệm nhiếp ảnh “cổ điển”, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt, tính năng tân tiến, X-Pro3 hướng đến đối tượng người dùng có kinh nghiệm và chuyên nghiệp, mong muốn một chiếc máy ảnh “đơn giản” để ghi hình thường ngày.
Điểm đặc biệt ở X-Pro3 đó là khung vỏ titan, so với vỏ nhôm và magie như thường thấy trước đây, giúp chiếc máy nhẹ hơn mà vẫn đảm bảo chắc chắn. Bên cạnh đó, thiết kế màn hình lật với 2 màn hình, trong đó khi gập màn hình “mặc định”, màn hình lớn sẽ nằm trong, bên ngoài là một màn hình nhỏ chỉ hiển thị vài thông số.
Các thông số kĩ thuật cơ bản của X-Pro3 bao gồm: cảm biến BSI-CMOS X-Trans 26 megapixel, ISO 80 – 51200, hệ thống AF 425 điểm, khả năng quay video 4K UHD, 4K DCI, ống ngắm quang học lai điện tử, độ phóng đại 0,87x, bao phủ 95% khung hình.
Máy ảnh không gương lật fullframe tốt nhất cho người dùng có kinh nghiệm: Sigma fp
Nằm trong kế hoạch đẩy mạnh liên minh 3 hãng Panasonic – Sigma – Leica trong cuộc cạnh tranh mảng mirrorless mà đứa con chung là hệ ngàm L, Sigma trình làng chiếc máy ảnh dùng ngàm L đầu tiên của mình mang tên fp. Mặc dù gọi là máy ảnh nhưng Sigma fp lại được hướng đến đối tượng làm phim cao cấp và chuyên nghiệp, vậy nên Sigma cũng tối giản thiết kế của fp trở nên vuông vức như 1 cái hộp, nhỏ gọn hơn các sản phẩm tương tự từ Sony, Canon, Nikon.
Thông số kĩ thuật chủ đạo của Sigma fp bao gồm: cảm biến CMOS fullframe BSI – CMOS 24,6mpx, ISO 100 – 25600, tốc độ chụp liên tiếp tối đa 18 hình/giây, hệ thống AF theo tương phản với 49 điểm, khả năng quay video 4K 30p, FHD 120p, hỗ trợ Cinema DNG và H.264.
Máy ảnh không gương lật fullframe chuyên nghiệp tốt nhất: Sony a7R IV
Được ra mắt thay thế cho a7R III đã có dấu hiệu xuống sức sau vài năm, a7R IV mang trong mình trọng trách một chiếc máy ảnh có độ phân giải cao để đáp ứng được nhu cầu in ấn khổ lớn chất lượng cao, cũng như phải quay video tốt (mặc dù không có nhiều thông số vượt trội so với a7R III, trừ độ phân giải).
Tuy nhiên, a7R IV vẫn có những tính năng mới của Sony như AF theo mắt, hay Pixel Shift Multi Shooting: chụp 16 hình ở độ phân giải tối đa và cho ra ảnh cuối cùng có độ phân giải 240 megapixel.
Một vài thông số kĩ thuật của Sony a7R IV: cảm biến CMOS fullframe 61 megapixel, chống rung 5,5 stop, ISO 100 – 102400, hệ thống AF 425 điểm theo tương phản và 567 điểm theo pha, hỗ trợ AF mắt và AF mắt động vật, chụp liên tiếp tối đa tới 10 hình/giây, quay video 4K 30p, FHD 120p.
Máy ảnh fullframe không gương lật quay/chụp tốt nhất: Panasonic Lumix DC-S1H
Mặc dù là một chiếc máy ảnh, nhưng Lumix S1H lại được định hướng dành cho đối tượng làm phim chuyên nghiệp. Mang theo mình những tính năng quay phim tân tiến nhất từ các dòng máy quay cao cấp của Panasonic cũng như những thông số “khủng” nhất như khả năng quay video 6K, Dual Native ISO, dải tương phản động tới 14 stop…, Lumix S1H hoàn toàn có thể làm hài lòng những người dùng khó tính nhất.
Một vài thông số chủ đạo của Lumix S1H bao gồm: cảm biến CMOS fullframe 24 megapixel, ISO 50 – 204800, chống rung cảm biến 5 trục, 225 điểm AF, chụp liên tiếp tối đa 6 hình/giây, quay video 6K 24p H.265, 4K 60p H.265, FHD 120p H.265, bitrate đạt mức 400Mbps.
Máy ảnh cảm biến khổ trung (medium format) tốt nhất: Fujifilm GFX100
Với việc ra mắt GFX100, Fujifilm đã đẩy độ khó của cuộc chơi medium format lên thêm 1 bước, cũng như đây là chiếc máy medium format khủng nhất mà hãng này từng sản xuất. Điểm khác biệt của GFX100 ở cảm biến so với các máy ảnh khác mà Fujifilm từng sản xuất là thiết kế dùng bộ lọc Bayer, thay vì X-Trans.
Nhờ cảm biến lớn, nên dù độ phân giải cực cao mà Fujifilm GFX100 vẫn có đẩy ISO tới 102400, mức cực cao với tất cả các máy ảnh thương mại trên thị trường hiện nay.
Một vài thông số chủ đạo của GFX100: cảm biến BSI-CMOS 102 megapixel, ISO 100 – 12800, tốc độ chụp liên tiếp tối đa 5 hình/giây, khả năng quay video 4K UHD, 4K DCI (4K 30p), FHD 120p.
Máy ảnh compact tốt nhất cho người dùng có kinh nghiệm: Sony RX100 VII
Được coi như chiếc a9 nhưng ở phiên bản compact, Sony RX100 VII mang theo mình những tính năng tân tiến và mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của các khách hàng có kinh nghiệm và nâng cao, mong muốn một chiếc máy ảnh compact nhưng phải quay phim và chụp ảnh tốt.
So với RX100 VI, RX100 VII được bổ sung thêm tính năng AF theo mắt, cũng như chế độ chụp liên tiếp cực cao 90fps trong tích tắc. Đối với quay video, RX100 VII có thể quay ở mức 1000 hình/giây. Đây thực sự là những tính năng ấn tượng mà Sony có thể dành cho một chiếc máy ảnh compact cao cấp.
Máy ảnh compact vlog tốt nhất: Canon Powershot G7X Mark III
Được Canon trình làng, hướng đến nhóm khách hàng phổ thông cần một chiếc máy ảnh nhỏ gọn hoặc những ai thích làm vlog, G7X Mark III có thể đáp ứng được tốt những gì mà người dùng mong đợi.
Một tính năng vô cùng độc đáo của G7X Mark III là khả năng livestream khi quay video, tất nhiên là chỉ hoạt động với Youtube thôi. Để sử dụng tính năng này, người dùng cần đăng kí tài khoản ở dịch vụ Canon Image Gateway. Đối với các tín đồ của mạng xã hội, tính năng này là điểm cộng rất lớn, khi mà một chiếc máy ảnh compact nhỏ gọn ở mức giá vừa phải lại có thể thực hiện livestream, giúp họ có thể lấy le với bạn bè với người thân ở nhà.
Máy ảnh compact premium tốt nhất: Fujifilm X100V
Nhắm đến đối tượng khách hàng đam mê nhiếp ảnh, có kinh nghiệm, mong đợi 1 chiếc máy ảnh với những công nghệ tiên tiến mà nhỏ gọn để xuống phố, Fujifilm X100V thực sự là ứng viên phù hợp nhất. Mang trong mình các thông số kĩ thuật tương tự X-T3 và X-T30 trong vóc dáng compact, X100V chắc chắn sẽ làm hài lòng những khách hàng cầu toàn nhất, cũng như giúp chúng ta không bỏ lỡ bất kì khoảnh khắc hiếm có nào.
Có thể kể ra một vài thông số chủ đạo của Fujifilm X100V bao gồm: cảm biến BSI-CMOS 26mpx, dải ISO 50 – 51200, hệ thống AF 425 điểm, chụp liên tiếp tối đa tới 11 hình/giây, ống ngắm lai quang học và điện tử, khả năng quay video 4K 30p 200Mbps, FHD 120p 200Mbps.
Điện thoại chụp ảnh tốt nhất: Huawei P40
Đây là chiếc điện thoại duy nhất được TIPA vinh danh là điện thoại có khả năng chụp ảnh đẹp nhất, dù Huawei đang phải chịu sự cạnh tranh từ nhiều đối thủ, cũng như chiêu trò cấm vận (bẩn) từ chính phủ Mỹ.
Nhờ ống kính siêu rộng 40 megapixel có khẩu độ f/1.8 ở camera chính, hay 2 camera tele 3x và 10x với độ phân giải 8 megapixel, đi kèm phần cứng rất tốt, Huawei P40 có thể đáp ứng tốt mong đợi từ người dùng với các khung cảnh từ rộng đến xa, mà chất lượng hình ảnh vẫn đảm bảo “ổn”.
Ống kính 1 tiêu cự cho DSLR tốt nhất: Tamron SP 35mm f/1.4 Di USD
Với khẩu độ f/1.4 đi kèm một mức giá cực kì dễ chịu so với các sản phẩm chính hãng Canon hay Nikon, Tamron SP 35mm f/1.4 Di USD là một sự lựa chọn hời cho những người dùng không cầu kì vấn đề nhãn hiệu, đặt chất lượng quang học lên trên hết.
So với các sản phẩm tương tự trong tầm giá, Tamron SP 35mm f/1.4 Di USD là sản phẩm thực sự rất tốt xét trên mọi tiêu chí: chất lượng hình ảnh sắc nét (ở mức vừa đủ, không nét gai như Sigma), màu sắc đẹp, chất lượng hoàn thiện vỏ ống tốt.
Ống kính zoom góc rộng tốt nhất cho DSLR: Tokina atx-i 11-16mm f/2.8 CF
Nếu bạn là đang sử dụng DSLR của Canon và Nikon, mong đợi ở ống kính zoom góc rộng, khẩu độ lớn mà giá thành vừa phải, chất lượng quang học tốt thì atx-i 11-16mm f/2.8 CF của Tokina nên được cân nhắc để tậu về.
Với khối lượng và kích thước vừa phải (91,7 x 84mm, 555g), ống kính này hoàn toàn thích hợp cho những chuyến du lịch dài ngày, đặc biệt với những ai thích leo trèo rừng núi, nơi hoang vắng để ghi lại những bức ảnh phong cảnh, hay bầu trời đêm.
Ống kính macro tốt nhất: Venus Optics Laowa 100mm f/2.8 2x Ultra Macro APO
Được thiết kế dành cho người dùng máy ảnh Sony ngàm E, đi với mức giá dễ chịu hơn so với hàng chính hãng, ống kính Laowa 100mm f/2.8 2x Ultra Macro APO là lựa chọn đáng quan tâm cho những người dùng cần chụp sản phẩm, hay ghi lại hình ảnh các chi tiết nhỏ của cây cối hay côn trùng.
Mặc dù không được trang bị motor AF, nhưng với người dùng ống kính Macro thì việc vê nét tay sẽ cho cảm giác vùng nét được chính xác hơn là thực hiện AF.
Ống kính cho DSLR chuyên nghiệp tốt nhất: Nikon AF-S 120-300mm f/2.8 E FL ED SR VR
Được Nikon trình làng cùng chiếc máy ảnh DSLR flagship D6, ống kính 120-300mm f/2.8 này là ống kính zoom tele đầu tiên của hãng này, cũng như trong 2 hãng sản xuất DSLR truyền thống là Canon và Nikon, vượt ngoài tiêu cự 70-200mm truyền thống mà có khẩu độ f/2.8.
Với tiêu cự dài đến 300mm và khẩu độ lớn f/2.8, ống kính 120-300mm f/2.8 là lựa chọn hàng đầu cho các phóng viên, nhiếp ảnh gia cho các sự kiện thể thao trong nhà, giúp ghi hình ở khoảng cách lớn mà vẫn đảm bảo ảnh được đủ sáng.
Ống kính 1 tiêu cự tốt nhất cho máy ảnh không gương lật Micro Four Thirds: Panasonic LEICA DG VARIO – SUMMILUX 10-25mm f/1.7 ASPH
Thiết kế mang trong mình những công nghệ và tiêu chuẩn tốt nhất của Leica, ống kính Panasonic LEICA DG VARIO – SUMMILUX 10-25mm f/1.7 ASPH là lựa chọn tốt nhất cho những người dùng cao cấp và chuyên nghiệp đang sử dụng máy ảnh Panasonic. Tiêu cự quy đổi của sản phẩm này so với Fullframe là 20-50mm, do đó ống kính này có thể đáp ứng được tốt các thể loại ảnh từ góc rộng đến “trung bình”, mà chất lượng hình ảnh cực kì xuất sắc.
Ống kính “chuẩn” 1 tiêu cự tốt nhất cho máy ảnh không gương lật fullframe: Nikon NIKKOR Z 58mm f/0.95 S Noct
Mang trên mình những tinh túy và kinh nghiệm hơn 1 thế kỉ sản xuất thiết bị quang học, ống kính NIKKOR Z 58mm f/0.95 S Noct có thể coi như biểu tượng mới về sức mạnh và khả năng của hệ máy mirrorless và ống kính ngàm Z sẽ mang lại trong tương lai.
Mặc dù không phải là hãng đầu tiên làm ra ống kính có khẩu độ lớn hơn f/1, nhưng đây là ống kính đầu tiên mang khẩu độ f/0.95 ở tiêu cự 58, so với các hãng khác chỉ dừng lại ở 50mm. Điều này cho thấy Nikon có thể làm ra được những ống kính tiêu cự dài mà khẩu độ lớn, không chỉ cho các máy ảnh dòng Z mà còn cho cả hệ DSLR ngàm F hiện có.
Ống kính góc rộng 1 tiêu cự tốt nhất cho máy ảnh không gương lật: Samyang AF 14mm f/2.8 RF
Nếu như hệ RF chưa có ống kính góc cực rộng 14mm, cũng như EF 14mm có mức giá quá “mặn”, sản phẩm tương tự từ Samyang là Samyang AF 14mm f/2.8 RF thực sự là cứu cánh cho những người dùng EOS R mong đợi một ống kính 14mm mà chi phí đầu tư ở mức vừa phải, mà chất lượng thu được là khá tốt.
Với chiều dài 9,53cm và khối lượng chỉ 484g, Samyang AF 14mm f/2.8 RF thực sự rất gọn nhẹ, phù hợp để mang theo trong các chuyến du lịch hay tác nghiệp dài ngày.
Ống kính zoom góc rộng tốt nhất cho máy ảnh không gương lật: Sigma 14-24mm f/2.8 DG DN Art
Nếu như bạn là một tín đồ của Sigma, mong chờ một ống kính zoom góc cực rộng với khẩu độ lớn thì Sigma 14-24mm f/2.8 DG DN Art thực sự là lựa chọn xứng đáng. Cần nhắc lại rằng Sony hiện tại chưa có ống kính với thông số tương tự, nếu không kể đến chiếc 12-24mm f/4 FE, có khẩu độ nhỏ hơn mà giá thì cao hơn khá nhiều (bù lại góc rộng hơn 2mm).
Chú ý rằng, hiện tại ống kính này có 2 phiên bản cho ngàm L (Panasonic Lumix S) và ngàm E (Sony E).
Ống kính zoom chuẩn tốt nhất cho máy ảnh không gương lật: Sigma 24-70mm f/2.8 DG DN Art
Đây được coi như sự thay thế phù hợp cho người dùng máy ảnh mirrorless ngàm L của Panasonic, hay ngàm E của Sony mà số tiền bỏ ra ban đầu nhẹ nhàng hơn khá nhiều. Chất lượng quang học tốt, gần như không có quang sai, độ sắc nét cao, ống kính Sigma 24-70mm f/2.8 DG DN Art là lựa chọn phù hợp cho n
Ống kính zoom tele tốt nhất cho máy ảnh không gương lật: Canon RF 70-200mm f/2.8L IS USM
Mặc dù mang theo mình là hình thức béo tròn, không thuôn dài như các phiên bản 70-200mm dành cho ngàm EF, nhưng đây vẫn là nỗ lực của Canon trong việc thu ngắn thiết kế của ống kính này lại, cũng như lấp đầy các tiêu cự cơ bản cho hệ ống kính RF. Không chỉ ngắn hơn, phiên bản của hệ RF này còn nhẹ hơn đôi chút so với EF 70-200mm f/2.8.
Với RF 70-200mm, hệ ống kính RF đã khá đầy đủ các tiêu cự cơ bản kể từ 15mm cho đến tele ở mức 200mm, đáp ứng gần như hết các thể loại ảnh mà chúng ta hay chụp.
Ống kính chân dung cao cấp tốt nhất: Canon RF 85mm f/1.2L USM DS
Canon trước nay nổi tiếng với 2 ống kính 50mm f/1.2L và 85mm f/1.2L, huyền thoại của hệ ngàm EF. Đến nay khi hệ RF được ra đời, Canon quyết định nối dài huyền thoại đó bằng cách trình làng ống kính RF 85mm f/1.2L USM DS, với chất lượng quang học và tốc độ AF tốt hơn phiên bản EF.
Điều đáng chú ý ở phiên bản này là yếu tố DS hay Defocus, giúp điều chỉnh nhẹ vùng bokeh, khiến những bức ảnh chân dung mà chúng ta thu được trông “ảo” và bắt mắt hơn.
Trên đây là những ống kính và thân máy ảnh được vinh danh. Vậy còn các sản phẩm như phụ kiện hay dịch vụ hỗ trợ khác thì sao? Dưới đây sẽ là những cái tên khác, có thể có những thương hiệu mà chúng ta chưa từng nghe bao giờ:
Phần mềm hình ảnh tốt nhất: DxO PhotoLab 3
Thẻ nhớ tốt nhất: CFExpress Extreme Pro 2.0 Type B
Máy in ảnh nhỏ gọn tốt nhất: Fuji Instax Mini Link
Giấy in ảnh tốt nhất: Hahnemühle Natural Line
Đèn flash tốt nhất: Nissin MG80 Pro Flash
Đèn chiếu sáng tốt nhất: ARRI Orbiter
Chân máy chuyên nghiệp tốt nhất: Uniqball iQUICK3Pod
Chân máy du lịch tốt nhất: Manfrotto Befree GT XPRO
Củ tripod tốt nhất: Gitzo 3-way
Màn hình tốt nhất cho chỉnh ảnh: BenQ PhotoVue SW321C
Màn hình tốt nhất cho làm video: LG Ultrawide 38WN59C
Phụ kiện điện thoại tốt nhất: Godox R1
Công cụ cân chỉnh màu sắc tốt nhất: X-Rite i1Display Studio / i1Display Pro Plus
Đơn vị in ấn hình ảnh tốt nhất: WhiteWall Masterprint
Dịch vụ hình ảnh tốt nhất: CEWE PHOTOBOOK
Công nghệ hình ảnh tiên tiến nhất: Nhận diện chủ thể theo thời gian thực của Sony
Để biết thêm chi tiết các sản phẩm của TIPA Award 2020, các bạn có thể xem thêm tại đây.
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé