Tokina 85mm f/1.8 vướng vào nghi án đạo nhái ống kính từ Viltrox?

Tokina 85mm f/1.8 vướng vào nghi án đạo nhái ống kính từ Viltrox? | 50mm Vietnam

Tokina là một cái tên tuy không được phổ biến trong khoảng thời gian gần đây, tuy nhiên cũng có thể nói là một thương hiệu có tiếng trong làng ảnh thế giới. Với gần 50 năm phát triển, nhưng mới đây hãng đã bị dân tình xôn xao réo tên vì nghi án đạo nhái ống kính 85mm f/1.8 từ một thương hiệu mang tên Viltrox đến từ đất nước tỉ dân. 

Tokina được thành lập bởi một nhóm kĩ sư quang học có kinh nghiệm làm việc tại Nikon, qua gần 50 năm phát triển, hãng đóng vai trò là một đơn vị sản xuất ống kính thứ ba lắp trên các dòng máy ảnh phổ biến (3rd party lens). Mặc dù tên tuổi có phần lép vế với Sigma và Tamron, nhưng Tokina luôn cố gắng tạo ra những ống kinh chất lượng, làm thoả mãn những ai yêu mến hãng. Nổi bật nhất trong đó chính là chiếc Opera 50mmf1.4 với chất lượng ảnh không thể xem thường.

Gần đây nhất, hãng cũng đã cho ra mắt một ống kính chân dung tầm trung, chất lượng ổn áp với giá là 499$, không ai khác đó chính là chiếc Tokina ATX-M 85mm f/1.8.

Nguồn gốc sự việc

Là một tiêu cự phổ thông cho người chụp chân dung và cũng là một lựa chọn thêm cho người dùng nên Tokina 85mm f/1.8 cũng nhận được khá nhiều sự quan tâm của giới chơi ảnh nước ngoài. Tuy nhiên, số phận lận đận, chiếc ống kính mới ra mắt nhưng đã dính ngay nghi án lùm xùm đạo nhái, khi bị chính trang sonyalpharumours (một trang web hàng đầu về tin đồn) bóc phốt.

Vào một ngày đẹp trời, một người đã phát hiện sự trùng hợp đến lạ kì của Tokina 85mm f/1.8 và chiếc ống kính của Viltrox 85mm f/1.8 có cấu trúc giống nhau đến lạ kì.

Tokina 85mm f/1.8 vướng vào nghi án đạo nhái ống kính từ Viltrox? | 50mm Vietnam

Bằng mắt thường, ta cũng thế thấy được sự trùng hợp ở đây, từng thấu kính và cấu trúc sắp xếp thấu kính đều hoàn toàn trùng khớp. Điều khiến người dùng đặt câu hỏi hoài nghi về chất lượng ống kính, về đội ngũ sản xuất của Tokina, liệu hãng có vẻ đã hết “tài nguyên” và mua bằng sáng chế này từ Viltrox?

Một điểm đáng chú ý ở đây, chiếc ống kính Viltrox rẻ hơn hẳn 100$ (Viltrox 85mm f/1.8 có giá $399), vậy liệu chiếc ống kính Tokina 85mm f/1.8 có thực sự vượt trội để xứng đáng với khoản chênh lệch kia không? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ. Được biệt, cả 2 ống kính đều có xuất xứ Made in China.

Bạn hoàn toàn có thể xem bài giới thiệu về chiếc ống kính Tokina 85mm f/1.8 tại đây.

Câu chuyện không cũ

Trong quá khứ, đã có nhiều trường hợp sao chép công thức ống kính, điển hình là những ống kính của Đức với những bản sao nằm tại Nga. Và trong vài năm trở lại đây thì vụ việc nổi tiếng nhất đó chính là: Ống kính Zeiss Batis 85mm f/1.8 và ống kính Tamron 85mm f/1.8.

Câu chuyện đã nhận được rất nhiều sự chú ý khi một sản phẩm cao cấp hơn như Zeiss Batis nhưng lại dùng công thức quang học của một ống kinh tầm trung. Và chất lượng thì thì tuỳ vào sở thích/cảm nhận của mỗi người, nhưng có thể thấy là chiếc ống kính Zeiss có giá cao hơn hẳn ($1200 so với $750 của Tamron).

Theo nhiều nguồn tin vỉa hè, Zeiss không có nhiều thời gian để phát triển dòng ống kính giá rẻ có thể AF cho Sony, nên đã bí mật mua lại công thức này từ Tamron.

Công thức thấu kính không phải là tất cả

Để cấu tạo nên một chiếc ống kính thì công thức đóng vai trò như định hướng sản xuất và là nơi để các hãng khoe ra những công nghệ mới nhất của mình. Nếu như bạn chưa biết thì bên cạnh cấu trúc thấu kính, hai điều quan trọng khác của một ống kính đó chính là chất lượng thấu kính và lớp tráng phủ (coating). Hai yếu tố này sẽ quyết định rất nhiều chất lượng hình ảnh và màu sắc của một tấm ảnh. Với mỗi hãng quang học, họ sẽ dùng công nghệ, kĩ thuật riêng để sản xuất sản phẩm của mình. Như Leica, Zeiss, Canon hay Nikon,… tất cả có những bí quyết để khiến sản phẩm luôn nổi bật. Như vậy, công thức thấu kính không hoàn toàn giải quyết được câu chuyện về chất lượng hình ảnh, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng bên trong sản phẩm.

Ngoài ra, một yếu tố vô cùng quan trọng mà người dùng cũng cần cân nhắc chính là khả năng lấy nét của ống kính. Nếu ống kính rẻ hơn mà lấy nét tốt hơn thì quá tốt, nhưng nếu ống kính đắt hơn $100 mà lấy nét tốt hơn thì cũng đáng phải suy ngẫm đúng không nào?

Về trường hợp của Tokina và Viltrox, có thể giống nhau về công thức, tuy nhiên, câu chuyện đánh giá cần phải để thời gian và người dùng trả lời. Với giá chênh lệch lên 100$, hy vọng Tokina sẽ có những điểm nổi bật để có thể kéo người dùng về phía mình và đảm bảo cho thương hiệu có một lịch sử phát triển không hề nhỏ.