Sony14mm_RV

Sony 14mm f/1.8 GM

Sau những 35mm f/1.4 GM, 50mm f/1.2 GM, ống kính Sony FE 14mm f/1.8 GM (G-Master) là chiếc ống kính mới nhất thuộc nhóm GM (G-Master) mà hãng này cho ra mắt. Hãy cùng xem nó có gì thú vị với bài review của 50mm Vietnam nhé!

Trong bóng đá, người ta có cụm từ là “Prolific Striker” để mô tả về một tiền đạo rất “mắn” bàn thắng, có khả năng liên tục ghi bàn và đem về những chiến thắng cho đội bóng của mình. Còn với ngành công nghiệp hình ảnh nói chung và máy ảnh nói riêng, Sony chắc chắn là một “Prolific Manufacturer”, vì hãng này đã cho thấy khả năng “đẻ” máy ảnh & ống kính với tốc độ rất cao của mình trong những năm gần đây, qua đó gặt hái được quả ngọt khi số lượng người dùng tăng lên một cách chóng mặt.

Tuy vậy, Sony vẫn không có ý định dừng lại, khi chỉ trong nửa đầu của 2021 (1H2021 – First Half 2021), hãng này cho thấy khả năng nghiên cứu và phát triển dường như không hề bị chậm lại bới bất cứ lí do gì. Tính đến giữa tháng 6, Sony đã cho ra mắt tổng cộng 6 sản phẩm, bao gồm:

Mới đây nhất, Sony lại tiếp tục tung ra thêm một chiếc ống kính cao cấp G-Master nữa để chốt sổ nửa đầu năm, đó là chiếc ống kính góc siêu rộng, khẩu lớn: Sony FE 14mm f/1.8 GM.

Tổng Quan về Sony FE 14mm f/1.8 GM

Đầu tiên phải nói rằng Sony không thiếu ống kính góc rộng, khi hãng này sở hữu hàng loạt những: Sony FE 12-24mm f/2.8 GM và f/4 G; 16-35mm f/2.8 GM và f/4 G và cả bản f/4 Zeiss; 20mm f/1.8 G; và cuối cùng là một chiếc ống kính mới ra mắt cuối năm ngoái 24mm f/1.4 GM. Chính sự phong phú của dàn lens chính hãng này đủ sức làm người dùng không cần phải quan tâm đến những hãng thứ 3 như Sigma.

Để đánh chiếm đến những ngóc ngách tận cùng của nhu cầu người dùng, mới đây Sony cho ra đời tiếp luôn chiếc ống kính prime góc siêu rộng (ultra-wide), khẩu lớn Sony FE 14mm f/1.8 GM. Đây là một ống kính nhắm đến những người chơi hệ kiến trúc, nội thất, hoặc những không gian chụp chật hẹp; những shot chụp cần hiệu ứng không gian rộng; hoặc chụp Milky Way – một thể loại rất cần những ống kính góc rộng, khẩu lớn.

Thông tin thêm rằng Sigma cũng đang có một chiếc ống kính có tiêu cự và khẩu độ y hệt là Sigma 14mm f/1.8. Tuy nhiên đây lại là bản DG HSM đã ra mắt một thời gian, dành cho hệ ngàm máy ảnh DSLR của Canon và Nikon, được port (chuyển thể) sang ngàm E mà thôi. Vì vậy về chất lượng hình ảnh và độ tối ưu cho cảm biến máy ảnh mirrorless thì không cần bàn cũng biết là sẽ không thể bằng chiếc 14mm f/1.8 GM mới cứng và dành riêng cho hệ mirrorless này được rồi.

Ngoại hình

Là một chiếc ống kính GM (G-Master) thế hệ mới, nên không có gì lạ khi chiếc Sony FE 14mm f/1.8 GM này lại có chung ngôn ngữ thiết kế với những chiếc ống kính ra cùng khoảng thời gian gần đây như 24mm f/1.4 GM, 35mm f/1.4 GM và 50mm f/1.2 GM. Triết lý thiết kế gọn gàng, trọng lượng nhẹ nhất có thể, một lần nữa được tái hiện trên chiếc ống kính góc siêu rộng, khẩu lớn này.

Với kích thước chỉ dài 99.8mm (gần 10cm), rộng 83mm và trọng lượng chỉ vỏn vẹn 460g; người dùng có thể giảm bớt mối lo về kích thước hay trọng lượng khi mang theo một bộ ống kính gồm nhiều tiêu cự cho các chuyến đi dài.

Thêm vào đó, khi gắn 18mm f/1.4 GM lên một thân máy có dáng tương đối dày dạn như Sony a7R4 hoặc gọn hơn một chút là a7 Mark III, bộ đôi này cũng cho một cảm giác cầm khá thoải mái, không cấn tay, cũng như không bị quá nặng khi cầm trong thời gian dài.

Tuy có một kích thước và trọng lượng ở dạng gọn, nhẹ, tuy nhiên Sony FE 18mm f/1.4 GM vẫn là một ống kính dòng G-Master, nên cũng sẽ vẫn được trang bị các công nghệ weather shield của dòng này. Vì vậy, bạn có thể hoàn toàn an tâm với việc tác nghiệp ở các điều kiện khắc nghiệt.

Trên thân ống thì vẫn là những nút bấm, nút gạt, vòng xoay thường thấy ở thiết kế dòng GM mới gần đây. Chúng ta có vòng khẩu tay từ f/1.8 – f/16, được chia theo mức 1/3 stop và có thể vặn sang A để chỉnh khẩu thông qua bánh xe trên máy.

Vòng khẩu mặc định là ở chế độ chụp ảnh, khi xoay vòng khẩu sẽ chạy theo từng nấc; tuy nhiên bạn có thể chuyển sang chế độ de-click thông qua nút gạt trên thân ống kính, vòng khẩu sau đó sẽ xoay không theo từng nấc nữa, rất phù hợp với những người quay video. Bên tay trái ống kính, như thường lệ sẽ là một nút gán chức năng thêm và một nút gạt chế độ lấy nét AF/MF.

Một vài đặc điểm khác về ngoại hình của ống kính này là có thấu kính phía trước cong lồi, vì vậy Sony đã thiết kế hood (loa che nắng) gắn liền vào ống kính, không thể tháo ra. Vì có thiết kế như vậy nên nắp ống kính phía trước cũng là loại đặc biệt cho những ống kính góc siêu rộng, người dùng cần chú ý và đừng làm mất, không thì sẽ hơi khó mua lại.

Thấu kính trước của Sony FE 14mm f/1.8 GM khá lồi và không dùng filter xoáy như bình thường.

Bạn cũng sẽ không thể gắn được filter lên các ren ở đầu chiếc Sony FE 14mm f/1.8 GM vì độ lồi của ống kính nói trên, thay vào đó sẽ có một khe gắn filter dạng gel ở đuôi ống. Hoặc bạn có thể dùng các bộ filter holder cỡ 100mm chuyên dụng cho nhóm chụp phong cảnh, kiến trúc để lắp filter lên đầu như thường.

Rãnh lắp gel filter ở đuôi ống.

Sức mạnh bên trong và chất lượng hình ảnh

Là một ống kính dòng GM (G-Master) cao cấp nhất của Sony, nên người dùng nói chung và bản thân người viết bài cũng sẽ có những kỳ vọng cao về chất lượng hình ảnh của Sony FE 14mm f/1.8 GM. Nói nhanh về thiết kế của chiếc ống kính này thì bao gồm 14 thấu kính, được chia làm 11 nhóm. Trong đó có:

  • Một thấu kính Super ED (Extreme Dispersion) để giảm vấn đề quang sai viền tím
  • Hai thấu kính XA (Extreme Aspherical) để kiểm soát vấn đề méo, lồi, giúp hình ảnh cho ra chất lượng cao nhất.
  • Lớp tráng phủ Nano AR II giúp giảm thiểu vấn đề ghosting (bóng mờ), lens flare (lóa), giúp giữ được độ tương phản và màu sắc trung thực khi làm việc ở môi trường ánh sáng phức tạp.

Trên đây có thể nói là một thiết kế ống kính có chất lượng cao và phù hợp với nhiều thể loại đòi hỏi độ sắc nét, chi tiết, quang sai kiểm soát tốt.

Trải nghiệm thực tế với Sony FE 14mm f/1.8 GM

Trong quá trình trải nghiệm/đánh giá sản phẩm, người viết không có điều kiện di chuyển, cũng như sở thích với thể loại Milky Way, hoặc phong cảnh kiến trúc, nên đã chọn một thể loại khác để đánh giá chiếc ống kính này mà mình cho là phù hợp. Đó là thể loại chụp chân dung môi trường (environmental portrait) ở điều kiện ánh sáng yếu.

Mình đã chọn một buổi quay video ca nhạc của một nhóm bạn, buổi quay được thực hiện tại một lounge phục vụ rượu, vì vậy có lượng ánh sáng tương đối hạn chế. Trong quá trình quay thì đội quay cũng không can thiệp quá nhiều ánh sáng, nhằm giữ được cảm giác không gian của cảnh quay. Đây hoàn toàn là một địa điểm trải nghiệm khá thú vị với chiếc ống kính góc siêu rộng và có khẩu lên tới f/1.8 này.

Và sau đây là một số hình ảnh được thực hiện bởi Sony FE 14mm f/1.8 GM và thân máy Sony a7R4.

Đầu tiên về mặt cảm giác, không ngoài dự đoán của người viết thì chiếc 14mm f/1.8 GM cho một hiệu ứng tiêu cự rất đặc trưng của dòng ống siêu rộng, khi chúng ta có “mênh mông” chi tiết hiện ra trong hình, kèm theo đó là hiệu ứng độ “ngoác” rất thú vị.

Sony FE 14mm f/1.8 GM Sample Shots

Sony FE 14mm f/1.8 GM Sample Shots

Việc chọn góc chụp sao cho phù hợp với thể loại này cũng là điều khá đau đầu, khi nếu không khéo thì các chi tiết cơ thể như tay, chân, đầu của chủ thể có thể bị kéo giãn theo cách không mong muốn.

Sony FE 14mm f/1.8 GM Sample Shots
Sony FE 14mm f/1.8 GM Sample Shots with Sony a7R4.

Chất lượng hình ảnh khi kết hợp cùng thân máy Sony a7R4 thực sự mang lại cảm giác màu sắc rất tốt, giữ màu da người tốt trong điều kiện ánh sáng môi trường hơi ám vàng.

Sony FE 14mm f/1.8 GM Sample Shots

Ảnh đen trắng cũng giúp bạn có thẻ nhìn thấy rõ hơn về cách tái tạo chi tiết của ống kính.

Sony FE 14mm f/1.8 GM Sample Shots
Sony FE 14mm f/1.8 GM Sample Shots

Với tiêu cự rất rộng 14mm và khẩu f/1.8 thì có lẽ mọi người sẽ có câu hỏi liệu chiếc ống này có thể tách chủ thể khỏi hậu cảnh chút nào không? Và đây là câu trả lời.

Sony FE 14mm f/1.8 GM Sample Shots
Sony FE 14mm f/1.8 GM Sample Shots

Tiếp nữa là với một thân máy có độ phân giải lớn tới 60mpx của Sony a7R4, việc phải giữ mức ISO dùng tốt khoảng ISO 1600, tốc độ chụp khoảng 1/125s hoặc nhanh hơn để tránh bị rung tay, khẩu độ f/1.8 của chiếc 14mm này đã phát huy hiệu quả tương đối ổn. Nhiều tình huống mình đã có thể thay đổi linh hoạt giữa tốc độ chụp lên khoảng 1/200s hoặc ISO thấp hơn đôi chút.

Sony FE 14mm f/1.8 GM Sample Shots

Với 9 lá khẩu, chúng ta cũng khá dễ thấy bokeh ball của 14mm f/1.8 GM trông khá tròn, vùng chuyển từ khoảng nét tới khoảng out net trông cũng tương đối “mượt”.

Sony FE 14mm f/1.8 GM Sample Shots

Một thân máy như a7R4 với số megapixel lớn thì thi thoảng nếu bạn muốn, cũng hoàn toàn có thể crop để có một bức ảnh với bố cục ổn hơn và chất lượng hình ảnh lúc này khi nhìn gần của 14mm f/1.8 cũng rất rất ổn.

Sony FE 14mm f/1.8 GM Sample Shots
Sony FE 14mm f/1.8 GM Sample Shots

Tổng kết chung về chất lượng hình ảnh thì chiếc ống kính này thực sự làm rất tốt ở độ sắc nét, màu sắc, cũng như hiệu ứng tiêu cự và cảm giác “rộng ngoác” mang lại từ một chiếc ống góc siêu rộng với tiêu cự 14mm.

Lưu ý: Hình ảnh có qua chinh sửa ở phần da của người mẫu.

Tốc độ lấy nét của Sony FE 14mm f/1.8 GM

Tốc độ lấy nét của một chiếc ống kính luôn là điều cần quan tâm với một chiếc ống kính. Với Sony FE 14mm f/1.8 GM, chiếc ống này cũng đang trang bị công nghê motor lấy nét linear mới gần đây với hai trục đẩy thấu kính di chuyển tới lui, giống với những chiếc 24mm f/1.4 GM, 35mm f/1.4 GM gần dây. Nhờ vậy mà hiệu suất lấy nét của Sony FE 14mm f/1.8 GM là rất ấn tượng.

Đặc biệt là khi kết hợp lên một chiếc thân máy có công nghệ lấy nét cao như a7R4 thì gần như mình không có gì phải phàn nàn.

Về khả năng tracking thì vì góc nhìn 14mm là rất rộng, mà việc tracking chủ thể vào mắt hay vào mặt sẽ cần tỉ lệ mặt chiếm khoảng 3-5% khung hình, nên trong một số trường hợp khi tỉ lệ gương mặt chưa chiếm đủ phần trăm trong khuôn hình thì sẽ cần hỗ trợ lấy nét một chút. Còn khi tỉ lệ này đã đủ thì việc tracking của 14mm f/1.8 không gặp vấn đề gì.

Xử lý méo hình thông qua profile

Hiện tại thì profile ống kính của Sony FE 14mm f/1.8 cho file RAW đã có trên Adobe Photoshop và Lightroom. Thường thì các profile này sẽ giúp điều chỉnh một số vấn đề liên quan đến méo hình, tối góc v.v.

Với Sony FE 14mm f/1.8 GM, như bạn có thể thấy ở GIF trên của 50mm Vietnam, profile lens correction có hỗ trợ giảm bớt tối góc, cũng như trải phẳng ra một chút, nhưng không đáng kể. Sony đã thực sự làm rất tốt khả năng xử lý méo, quang sai ở chiếc ống kính này.

Lưu ý: GIF có chất lượng hình ảnh khá thấp, nhằm demo khả năng xử lý tối góc và dung lượng file nhỏ nhất có thể để tăng tốc tải trang và dễ tưởng tượng.

Tổng kết

Với tiêu cự siêu rộng và khẩu mở lớn, chiếc Sony FE 14mm f/1.8 GM là một ống kính khá đặc thù. Như đã trình bày ở ngay đầu bài, nó sẽ đặc biệt phù hợp cho một số thể loại như: Kiến trúc, phong cảnh, nội thất, milky-way và một số thể loại đòi hỏi hiệu ứng tiêu cự siêu rộng này. Tuy vậy, chất lượng hình ảnh của Sony FE 14mm f/1.8 GM mang lại thực sự tương xứng với giá tiền của nó ($1598). Nếu bạn là người dùng Sony thực sự yêu thích hoặc cần tới tiêu cự 14mm này, đây sẽ là chiếc ống kính không thể thiếu của bạn.

Để tìm hiểu thêm về cách thức mua hàng và thông tin của nhà sản xuất về chiếc ống kính này, bạn có thể bấm vào đây.