Nhập môn ảnh bộ với Max Pinckers cùng Leica Vietnam

Nằm trong chuỗi workshop được tổ chức bởi Leica Akademie Vietnam, Leica Talkshow và Masterclass nhiếp ảnh báo chí – tư liệu ‘Vision, Approach and Portfolio by Max Pinckers’ đã diễn ra vào hai ngày 24-25/03/2019 vừa qua tại Hà Nội. Buổi talkshow và workshop đem đến cho người tham dự rất nhiều thông tin bổ ích, thú vị liên quan đến sáng tác ảnh bộ qua những chia sẻ hết sức tỉ mỉ, ví dụ chi tiết từ NAG Max Pinckers.

NAG Max Pinckers chuẩn bị cho buổi workshop tại Leica Boutique, 14 Ngô Quyền

Max Pinckers là ai?

Max Pinckers (1988) là một nhiếp ảnh gia hiện đang sinh sống ở Brussels, Bỉ. Anh đã xuất bản một số sách ảnh như Lotus (2011), The Fourth Wall (2012) và Will They Sing Like Raindrops or Leave Me Thirsty (2014). HIện anh đang là nghiên cứu sinh chuyên ngành Nghệ thuật tại Royal Academy of Fine Arts (KASK), Ghent. Max cũng đã có những triển lãm riêng tại MOCAK, Ba Lan năm 2016, Bảo tàng nghệ thuật Philadelphia, Mỹ năm 2015 và Trung tâm nghệ thuật đương đại – Bozar ở Bỉ năm 2015 cùng một số triển lãm nhỏ khác. Năm 2018, Max Pinckers đã giành được Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới – Oskar Barnack (Leica Oskar Barnack Award) với bộ ảnh “Red Ink” ghi lại cuộc sống thường nhật ở Triều Tiên.

Năm 2015, Max thành lập Lyre Press, một đơn vị xuất bản độc lập và trở thành thành viên dự bị của Magnum Photos.

50mm Vietnam đã có cơ hội tham dự buổi workshop của Max được tổ chức tại Leica Boutique, 14 Ngô Quyền và sau đây là một số nội dung chính mà Max đã chia sẻ trong buổi workshop này:

– Phần 1: Giới thiệu bộ ảnh “Red Ink” đoạt giải Leica Oskar Barnack Award 2018.

– Phần 2: Chia sẻ các kinh nghiệm chọn ảnh, cũng như tìm kiếm các cuộc thi nhiếp ảnh.

– Phần 3: Workshop ảnh bộ.

  1. Giới thiệu bộ ảnh “Red Ink”

Như 50mm Vietnam đã đề cập, Max tự xuất bản khá nhiều sách ảnh và trong lần workshop này Max đã giới thiệu khá chi tiết các project anh từng thực hiện, các video behind the scenes cùng với đó là các bộ ảnh mà anh đã xuất bản. Các bạn có thể tự mình truy cập và xem ở trang web của Max.

Anh Nguyễn Gia Phong – đại diện Leica Boutique Vietnam giới thiệu cuốn sách “Red Ink”

Bộ ảnh “Red Ink” được Max thực hiện theo đơn đặt hàng của tờ The New Yorker cùng với trợ lý của anh là Victoria Gonzalez-Figueras và phóng viên người Mỹ Evan Osnos để ghi lại cuộc sống thường nhật ở Pyongyang, Bắc Triều Tiên vào tháng Tám, 2017. Trong chuyến công tác 4 ngày đó, Max cùng bạn của anh bị người của chính phủ kiểm soát hết sức chặt chẽ. Khi nhận ra rằng việc đưa những hình ảnh thực sự về cuộc sống ở Triều Tiên là điều không thể, Max đã chuyển hướng bộ ảnh của mình sang một cách thể hiện nghệ thuật để đem đến cho người xem cảm nhận chân thực nhất về đất nước Triều Tiên. Cả bộ ảnh Max đều sử dụng ánh sáng flash tương đối gắt khiến các sự vật, sự việc mà Max có cơ hội ghi lại trông tự nhiên một cách hết sức giả tạo. Và đây cũng chính là góc nhìn về Triều Tiên mà Max có thể được phép chứng kiến và muốn kể lại với độc giả.

Anh cũng tiết lộ cảm hứng cho concept của bộ ảnh này đến từ những thước phim đầy màu sắc của đạo diễn Wes Anderson. Bộ ảnh “Red Ink” mà anh xuất bản gồm hơn 100 ảnh về Triều Tiên, ở đây 50mm Vietnam giới thiệu với các bạn 10 ảnh mà Max đã chọn từ “Red Ink” để gửi tham gia Leica Oskar Barnack Award và đoạt giải năm 2018.

Các bạn cũng có thể xem ảnh của những người đã từng thắng giải Leica Oskar Barnack Award cùng với ảnh thắng giải của Max tại đây.

Từ việc chọn 10 ảnh để tham dự từ hơn 100 bức ảnh, Max đã hướng dẫn mọi người một số điều cần lưu ý để việc lựa chọn ảnh trở nên chính xác và hiệu quả. Đây cũng là nội dung chính phần 2 của buổi workshop.

  1. Xây dựng bộ ảnh

Để minh họa cho việc chọn lựa, kết nối những bức ảnh Max có lấy một ví dụ từ cuốn sách “Will They Sing Like Raindrops of Leave Me Thirsty” mà anh xuất bản năm 2014 với bối cảnh chụp tại Ấn Độ. Xuyên suốt trong cuốn sách là câu chuyện về những cặp đôi tại Ấn Độ mà anh dành 4 tháng rong ruổi ghi lại.

Max cho biết tất cả ảnh đều là anh chụp một cách ngẫu nhiên và khi trở về nhà anh tự biên tập thành cuốn sách với nhiều câu chuyện khác nhau. Dưới đây là một trong những câu chuyện đó.

Từ ví dụ trên Max có khuyên mọi người một số chú ý trong việc xây dựng ảnh bộ như sau:

  • Kể câu chuyện cụ thể
  • Sử dụng sequence photos – chuỗi ảnh chụp liên tiếp để câu chuyện trọn vẹn
  • Phải có connecting image – ảnh kết nối để chuyển mạch câu chuyện
  • Chia ảnh thành các nhóm riêng: ảnh tĩnh vật, ảnh cận, ảnh nội thất, ngoại thất, phong cảnh.. sau đó chọn ra ảnh tốt nhất
  • Bộ ảnh nên bao gồm: ảnh một người, phong cảnh, tĩnh vật, nhóm người hay cụm đồ vật.
  1. Portfolio review

Trước buổi workshop, thành viên tham dự được khuyến khích chuẩn bị một bộ ảnh đã chụp để Max có thể cho nhận xét cũng như các hướng dẫn cần thiết để việc xây dựng bộ ảnh được hiệu quả.

Max và tôi đang thảo luận về bộ ảnh

Max có đặt ra cho tôi một số câu hỏi về bộ ảnh trên:

– Chủ đề bộ ảnh là gì hay bạn muốn thể hiện điều gì?

– Bộ ảnh này bạn thực hiện khi đi bộ hay đi xe đạp hay cách bạn thực hiện như nào?

– Bạn chụp ảnh này ở những đâu?

Những câu hỏi này tôi nghĩ cũng chính là những câu hỏi đầu tiên mà chúng ta nên đặt ra khi nghĩ đến việc sáng tác ảnh bộ.

Bản thân tôi chưa bao giờ hoàn thành một bộ ảnh nên khi được yêu cầu chuẩn bị ảnh mang đến workshop tôi đơn giản chỉ là chọn lựa những tấm hình có xe đạp từ đợt đi Nhật Bản của tôi. Do đó, sau khi nghe Max nhận xét tôi nhận ra bộ ảnh này thiếu hoàn toàn câu chuyện, cách thực hiện quá đơn giản, địa điểm chụp bó hẹp, tất cả dẫn đến bộ ảnh không có gì đặc sắc ngoài những hình ảnh đời thường rời rạc.

Max có gợi ý tôi thử thay đổi cách tiếp cận nhưng vẫn giữ nguyên chủ thể là chiếc xe đạp, có lẽ vì tôi trót bảo tôi có niềm yêu thích với những chiếc xe đạp ở bên Nhật Bản khi thuyết trình về lý do thực hiện bộ ảnh của mình. Max giới thiệu với tôi bộ tranh của họa sỹ Hokusai có tên là “36 views of mount Fuji”. Các bức tranh trong bộ này đều thấp thoáng hình ảnh của núi Phú Sĩ xuất hiện ngẫu nhiên ở mọi góc khung hình với các kích cỡ, góc nhìn khác nhau. Nếu áp dụng vào bộ ảnh xe đạp mà tôi muốn theo đuổi, một gợi ý là hãy chụp những bức ảnh sinh hoạt, phong cảnh, đường phố… bất cứ thể loại gì tôi muốn nhưng hãy khéo léo lồng hình ảnh chiếc xe đạp ở những góc xa vào trong khung hình. Nếu hoàn thành tôi nghĩ sẽ đặt tên cho bộ ảnh là “Xe đạp ơi”!

Bộ tranh “36 views of mount Fuji” của Hokusai

Max cũng chia sẻ về bộ ảnh xe đạp ảnh đã chụp khi còn là sinh viên tuy nhiên chủ thể anh chọn lại là khuôn mặt lơ đễnh của người đạp xe trên đường. Để thực hiện bộ ảnh, Max chọn một góc đường nhất định, đặt flash gắn lên trên cây và đứng chụp chân dung cận của những người đạp xe.

Như vậy, cùng một chủ thể nhưng cách tiếp cận khác nhau, cách thể hiện khác nhau, ảnh chụp ra sẽ có những đặc trưng riêng, thể hiện cá tính cũng như tính nghệ thuật riêng của người chụp.

Một số hình ảnh khác ở buổi portfolio review:

Max hướng dẫn học viên chọn lựa ảnh từ bộ ảnh do một thành viên mang đến workshop
Chọn lựa, phân tích

Bộ ảnh của một học viên dần hình thành
Trao đổi thêm về việc lựa chọn ảnh