Hi vọng rằng, những trải nghiệm tại đại hội thể thao toàn quốc 2018 của mình sẽ giúp ích ít nhiều cho những bạn muốn theo đuổi ảnh thể thao một cách nghiêm túc.
Đại hội thể thao toàn quốc là nơi các tỉnh thành gửi đi những “thành phần” ưu tú nhất để chuẩn bị cho SEA Games 2019 và Olympic 2020 và vì thế chính là dịp cọ xát quý giá cho các vận động viên (VĐV) nước nhà. Đại hội này giúp xây dựng những lớp VĐV trẻ – những người sẽ trở lực lượng nòng cốt của các địa phương trong tương lai, đồng thời cũng có vai trò thúc đẩy phong trào thể dục thể thao trên cả nước.
Và vào những ngày cuối cùng của năm 2018, đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII được tổ chức tại Hà Nội, từ 25/11 đến 10/12. Góp mặt lần này là 63 đoàn, đại diện cho các tỉnh thành trong cả nước cũng như của Quân đội và Công an nhân dân.
Nói là dạo quanh đại hội, tuy nhiên do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, cũng như thời gian có hạn nên mình sẽ chỉ tập trung vào bộ môn Taekwondo – môn trọng điểm của thể thao Việt Nam trong các kì SEA Games, Asiad và Olympic.
Vậy để chụp ảnh thể thao, chúng ta cần chuẩn bị những gì?
Đầu tiên, bạn phải hiểu rõ môn thể thao mình sẽ chụp. Vì nó sẽ giúp bạn phán đoán (khá) chính xác tình huống sẽ xảy ra trên sàn đấu. Nếu như bạn cũng là một người từng đổ mồ hôi, công sức (thậm chí đổ máu) với một môn nào đó thì vấn đề này sẽ dể nắm bắt hơn rất nhiều, mọi thứ sẽ như một cuộc dạo chơi. Bản thân mình cũng có nhiều năm gắn bó với Taekwondo, vì vậy mình biết rằng mình có thể trông chờ những diễn biến gì trên sàn đấu. Còn nếu bạn còn xa lạ với bộ môn thể thao đó, hãy dành thời gian tìm hiểu về nó trước khi trực tiếp cầm máy ra chiến trường.
Đối với võ thuật nói chung và Taekwondo nói riêng, sẽ khó nếu bạn chụp thi đấu đối kháng vì những tình huống xảy ra vô cùng đột ngột, rất khó đoán định. Thật may, chúng ta lại có thể nghe huấn luyện viên và bạn bè của họ đứng ngoài sàn đấu “hò hét” và chỉ đạo, từ đó cũng có thể đoán được diễn biến tiếp theo (thường thì họ sẽ làm theo lời huấn luyện viên, nhưng cũng có khi là không).
Thiết bị là một yêu cầu quan trọng khác, nếu không muốn nói là quan trọng nhất. Các bạn sẽ cần các máy có tốc độ chụp liên tiếp khoảng 6 – 7 hình/giây để có thể chụp thể thao. Do đó, nếu các bạn đang sử dụng các máy như Canon EOS 70D, 80D, 6D Mark II, Nikon D7200, D7500, D610 thì chúng hoàn toàn có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chụp ảnh thể thao, bạn khỏi cần lo nhé!
Bên cạnh đó, những ống kính được khuyên dùng trong nhiếp ảnh thể thao là các ống kính tele từ 85mm cho tới 400, 500mm tuỳ trường hợp. Đối với thể thao trong nhà nói chung và Taekwondo nói riêng, các ống kính thường dùng sẽ không quá tiêu cự 200mm, nhưng cần có khẩu độ lớn để đảm bảo giữ được tốc độ cao (f/2.8, f/2. f/1.8).
Đến đây, sẽ có nhiều bạn cảm thấy băn khoăn, liệu các ống kính như 55 – 250mm có chụp được ảnh thể thao hay không. Câu hỏi này rất khó trả lời. Để chụp ảnh thể thao đóng băng khoảnh khắc, chúng mình sẽ cần tốc độ tối thiểu là 1/800s. Giả sử khẩu độ tối đa của ống kinh là f/2.8, để giữ tốc độ 1/800s, chúng mình sẽ cần đặt ISO 1600. Vấn đề ở đây là, với các ống kính khẩu nhỏ hơn, chúng mình sẽ phải đặt ISO cao hơn dẫn đến ảnh nhiều noise hơn: hoặc hi sinh giảm tốc, khi đó ảnh sẽ dễ bị nhoè. Ống kính tiêu cự dài, khẩu lớn thì đắt, rẻ thì lại chỉ có khẩu nhỏ. Vì vậy, ở đây ít nhất bạn sẽ cần rất nhiều may mắn và kĩ năng với ống khẩu nhỏ để có thể chụp ra các bức ảnh thể thao chất lượng đó.
Đối với mình thì 85mm f/1.8 và 70 – 200mm f/2.8 sẽ là 2 sự lựa chọn hợp lý. 85mm sẽ phù hợp nếu bạn có điều kiện tiến đến sát thảm đấu, cách khoảng 2 – 3m.
Dĩ nhiên, hành trang khi đến với một sự kiện thể thao của mình không gì khác ngoài chiếc Canon EOS 7D Mark II cùng ống kính EF 70-200mm f/2.8L USM.
Và cuối cùng, đừng quên mang theo ít nhất 2 chiếc thẻ nhớ 32GB (2 thẻ là tạm đủ cho cả ngày), cùng 2 cục pin đã sạc đầy nhé (nếu bạn không thể về nhà trong vài ngày thì hãy mang sạc pin và laptop). Muốn biết chụp ảnh thể thao nên dùng thẻ nhớ nào, các bạn hãy quay lại bài viết của chúng mình tại đây.
Thiết bị đã xong, vậy tiếp theo làm gì đây?
Khi mà thiết bị của các bạn đã sẵn sàng, việc tiếp theo là tìm vị trí thích hợp và cài đặt thông số cho máy.
Tìm vị trí chụp ảnh
Đối với vị trí, đây không đơn thuần là bạn kiếm một vị trí “tốt”, không ảnh hưởng đến ai (bạn cho là vậy). Trên thực tế (ở đây mình sẽ chỉ nói đến trường hợp bạn không có thẻ nhà báo), kiếm được vị trí tốt hay không phụ thuộc vào “tầm” của giải đấu, khả năng ngoại giao của bạn cùng cách quan sát hoạt động của bạn.
Nếu giải đấu ở tầm thành phố trở xuống, bạn sẽ thoải mái chạy quanh, miễn là một vài góc gần khu vực chuẩn bị của vận động viên thì không được phép “bén mảng” đến. Nhưng giải ở tầm miền cho đến toàn quốc, nó đòi hỏi óc quan sát của bạn, xem vị trí nào thì không cấm khán giả thì hãy “chiếm” ngay.
Đôi khi những vị trí ở cánh, không tốt như vị trí trên khán đài (vì không có ghế để “an tọa” khi mỏi) lại tốt hơn, cho bạn khung hình thông thoáng hơn và vì thế cũng khá thích hợp cho chụp ảnh thể thao.
Cài đặt thông số chụp ảnh thể thao
Về cài đặt máy, đối với các môn có chuyển động nhanh như võ thuật, cầu lông, tennis… sẽ yêu cầu thời gian phơi sáng cực nhanh, tối thiểu 1/1000 cho tới 1/1600 giây, thậm chí 1/2000. Tuy nhiên, mình lưu ý nhỏ ở đây rằng, chỉ khi các bạn chụp ngoài trời ban ngày với ánh sáng mạnh, hoặc sân vận động, nhà thi đấu cấp quốc gia thì điều kiện ánh sáng mới đủ để giữ tốc cao như vậy.
Bên cạnh đó, hãy nhớ cài đặt AI Servo hoặc AF-C, vì chủ thể lúc này di chuyển liên tục, thay đổi hướng và tốc độ vô cùng đột ngột.
Với các môn được xếp vào hàng thể thao trong nhà như võ thuật thì bạn cần ống kính khẩu độ lớn như 70-200mm f/2.8, 85mm f/1.8, 135mm f/2. ISO trong khoảng 1600 hoặc 3200, tùy theo khả năng của máy và điều kiện ánh sáng thực tế.
Chụp liên tiếp là cài đặt quan trọng khác trong chụp ảnh thể thao. Tối thiểu 6 hình/giây là đủ nhu cầu. Nên nhớ rằng, đã chụp thể thao thì không nên tiếc shot (mặc dù vậy, bạn vẫn nên cẩn trọng trong từng bức hình chụp ra, càng chụp cẩn thận, bạn càng đỡ mất công lọc ảnh, cũng như khoảnh khắc chỉ có 1 lần)
Cuối cùng, nếu có thể, bạn nên chụp RAW. Chẳng may ảnh có hơi tối và sáng chút, bạn vẫn có thể yên tâm chỉnh sửa lại cho vừa mắt.
Ảnh demo đại hội thể thao toàn quốc 2018
Và giờ thì hãy cùng 50mm Vietnam đến xem môn Taekwondo có gì hay ho nhé.
Bộ môn Taekwondo tại Đại hội thể thao toàn quốc 2018 ban đầu sẽ tổ chức ở cung điền kinh Mỹ Đình (Hà Nội). Tuy nhiên sau đó chuyển vị trí tới nhà thi đấu quận Bắc Từ Liêm, diễn ra từ ngày 2 đến 7/12/2018.
Giáp điện tử được đưa vào sử dụng từ năm 2010, dần phổ biến từ 2011 với ý định giúp cho trận đấu có kết quả được công minh hơn. Tuy vậy, nó cũng tồn tại một vài vấn đề như dù vận động viên đã hứng chịu đòn tấn công của đối phương vào trúng giáp, với lực khá mạnh nhưng điểm vẫn không được tính, khiến các cổ động viên và huấn luyện viên mừng hụt.
“Giáp đỏ” là võ sĩ Phạm Đăng Quang, dù mới 17 tuổi nhưng đã sở hữu nhiều thành tích ở cấp độ châu lục. Gần đây nhất, vào tháng 5 vừa qua, cậu đã giành được huy chương bạc đối kháng nam tại giải vô địch Taekwondo trẻ toàn châu Á, tổ chức tại nhà thi đấu Phú Thọ, TP HCM.
Từ vòng loại cho đến khi vào chung kết và giành huy chương vàng, cậu luôn luôn cho thấy sự áp đảo trước các đối thủ.
Đáng chú ý nhất trong ngày 4/12 là 2 trận chung kết đối kháng nam giữa đội Hà Nội – CAND và TP HCM – Quân đội.
Chung kết nam giữa đội Hà Nội với Công an nhân dân chiều ngày 4/12. CAND là đơn vị có phong trào Taekwondo rất mạnh, do đây là môn võ quan trọng trong công tác huấn luyện chiến sĩ. Đây có lẽ là trận chung kết “nhộn” nhất do cả 2 võ sĩ đều đã thấm mệt sau cả ngày dài trong thời tiết mùa hè của tháng 12 (:v). Càng về cuối, điều này càng thể hiện rõ sau mỗi lần ra đòn và di chuyển, cả 2 võ sĩ phải dừng lại để… thở.
Cả 2 đều là các đội lớn, do đó mỗi lần ra trận, các võ sĩ sẽ có lực lượng cổ động viên hùng hậu theo sau để hò hét và khích lệ tinh thần. Không khí tại nhà thi đấu lúc này không khác gì chỉ có Hà Nội và CAND.
Cuối cùng, đội Hà Nội đã giành được thắng lợi một cách kịch tính.
Chung kết nam giữa đội TP HCM (võ sĩ Phạm Đăng Quang) với Quân đội ngay sau trận trên.
Tại trận chung kết ở ĐHTT toàn quốc lần này, cậu đã giành chiến thắng trước những nỗ lực trong vô vọng của đối thủ.
Quyền (Poomsae) – được ví như tinh hoa của Taekwondo. Phần đông mọi người đều nghĩ đòn tay trong Taekwondo ít hoặc vô dụng, nhưng thực tế trong các bài quyền, số đòn tay mới là chủ đạo. Các đòn chân không chiếm nhiều trong quyền.
Phần thi quyền được được tổ chức vào ngày 6/12. Hiển nhiên, không thể không có Châu Tuyết Vân – hot girl của làng thể thao Việt Nam.
Đối kháng đồng đội là nội dung thi đấu được ấn định vào ngày cuối cùng (7/12). Theo đó, mỗi đội sẽ có 5 người, thi đấu trong 3 hiệp, mỗi hiệp 5 phút, thời gian nghỉ giữa hiệp là 1 phút. Bất cứ đội nào xin rút bớt người vì bất kì lí do gì, đội kia sẽ được cộng thêm 10 điểm.
Tạm kết
Đến đây, có lẽ những bạn nào có sở thích chụp ảnh thể thao đã phần nào hiểu thêm về thể loại mình đang muốn theo đuổi đúng không nào. Dĩ nhiên, để theo đuổi được một cách nghiêm túc cần khá nhiều công sức và tiền bạc. Dù vậy, chỉ cần bạn kiên trì, thành công sẽ sớm đến với các bạn. Chúc các bạn sẽ sớm có được những bức ảnh thể thao để đời!
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé.