“Taking my chances” là buổi workshop chụp ảnh đường phố cực kỳ bổ ích và thú vị dưới sự hướng dẫn của nhiếp ảnh gia đường phố nổi tiếng Jesse Marlow – giảng viên Leica Akademie kiêm đại diện của dòng máy ảnh Leica Q.
Workshop chụp ảnh đường phố bởi đại sứ Leica Jesse Marlow
Workshop “Taking my chances” được tổ chức bởi Leica Akademie Vietnam vào thứ ba tuần vừa rồi (03/12/2018) tại Leica Boutique Hanoi. (Ở Sài Gòn, workshop chụp ảnh đường phố của Jesse Marlow diễn ra vào ngày 06/12/2018).

Với một người đam mê nhiếp ảnh đường phố như tôi, đây là cơ hội vô cùng tuyệt vời để có thể trao đổi, học tập kỹ năng săn ảnh, bắt khoảnh khắc cũng như học hỏi về bố cục của những bức hình đường phố bắt mắt, tạo ấn tượng thị giác thu hút được người xem. Và đặc biệt hơn cả là cơ hội được học tập dưới sự hướng dẫn của một nhiếp ảnh gia tài năng như Jesse Marlow.

Đôi điều về nhiếp ảnh gia Jesse Marlow
Jesse Marlow (1978) là nhiếp ảnh gia người Úc. Ông từng đạt giải thưởng International Street photographer Awards năm 2011. Là một nhiếp ảnh gia thương mại nhưng nhiếp ảnh đường phố mới chính là nơi tên tuổi của Jesse được biết đến nhiều hơn và cũng chính là nơi ông gửi gắm tình cảm cùng sự đam mê được nuôi dưỡng, lớn dần theo từng khung hình ngẫu hứng trên phố.

Buổi workshop chụp ảnh đường phố được mở đầu bằng một clip ngắn của Leica Australia về Jesse Marlow và chiếc máy ảnh ông đồng hành hiện nay, chiếc Leica Q. Ngay sau đó, Jesse bắt đầu buổi nói chuyện giới thiệu và chia sẻ đam mê nhiếp ảnh của mình.

Tôi vô cùng ấn tượng với cách trình bày của Jesse. Người nghe hoàn toàn có thể cảm nhận được tình yêu nhiếp ảnh qua những mẩu chuyện nhỏ, những cột mốc quan trọng trong cuộc đời ông. Mọi chuyện bắt đầu từ lúc ông còn là một cậu bé, luôn được mẹ vốn là một nhà thiết kế thời trang và bố chở đi khắp nơi để chụp ảnh gia đình. Bố mẹ ông luôn rất khắt khe với hoạt động gia đình và ông rất ngạc nhiên khi bố mẹ luôn tìm được những góc sống ảo độc lạ nhất giữa khung cảnh thành phố quen thuộc. Chính việc quan sát cùng bố mẹ này đã cấy vào trong đầu cậu bé Jesse những hạt giống nhiếp ảnh đầu tiên.
Ở độ tuổi lên 8, Jesse quá ấn tượng với những tác phẩm nhiếp ảnh trong cuốn sách “Subway Art” (1984), cậu bé đã bắt mẹ dừng xe ở tất cả những nơi có hình vẽ graffiti để chụp lại ảnh bằng chiếc máy phim Minolta.
Việc chụp ảnh các tác phẩm graffiti kéo dài nhiều năm cho đến khi chàng trai Jesse lần đầu nghe thấy tiếng gọi của nhiếp ảnh. Đó là năm Jesse 19 tuổi, đang theo học tại London và vô tình chụp ra một bức ảnh mà cho đến tận bây giờ, ông luôn coi đó là tác phẩm nhiếp ảnh đường phố đầu tiên của mình.

Trong quá trình học tập tại trường nghệ thuật London, ông lần đầu được tiếp xúc với những bức ảnh của NAG Henri Cartier-Bresson, Lee Friedlander, Garry Winogrand và Joel Meyerowitz. Đây cũng chính là những người có sức ảnh hưởng mạnh đến phong cách ảnh và suy nghĩ của Jesse Marlow, cụ thể là những bức ảnh phim đen trắng với tính documentary cao.
- Henri Cartier-Bresson mang đến khái niệm “decisive moment” và cách nhìn bố cục ảnh mà bất kỳ một NAG đường phố hay phóng sự nào cũng phải nhớ nằm lòng hoặc xăm lên cổ tay nếu cần thiết.
- Alex Webb thì nổi danh với việc tạo chiều sâu vô đối cho bức ảnh bằng bố cục multi-layer đỉnh cao của mình. Ông cùng với Henri là 2 người ảnh hưởng sâu sắc nhất đến Jesse trong những năm học đầu tiên ở London.
- G. Winogrand cho Jesse bài học về việc “break the rule” (Đôi khi đường chân trời trong ảnh chẳng cần phải thẳng)
- J. Meyerowitz, NAG nổi tiếng người Ba Lan, được ghi danh trong Leica Hall of Fame, đã đem đến cho Jesse những bài học về việc đưa câu chuyện vào trong một bức ảnh.
- L. Friedlander thì gây ảnh hưởng đến Jesse bởi những khung hình đầy tính hình học cùng bài học về việc “hãy luôn luôn sẵn sang để chụp, khoảnh khắc đẹp có thể xuất hiện và biến mất bất cứ lúc nào”.
Những “bí kíp” mà bất cứ tay chơi ảnh đường phố nào cũng cần ghi nhớ
Trong buổi workshop chụp ảnh đường phố vừa qua ở Leica Boutique, Jesse cũng chia sẻ với mọi người một số lời khuyên ông rút ra từ chính kinh nghiệm chụp ảnh đường phố của mình:
- Sự tự tin là rất quan trọng
- Khi chụp ảnh đường phố, hãy hòa nhập vào đám đông và đừng trở nên quá nổi bật
- Nên sử dụng ống kính 35mm hoặc 28mm
- 1/500s để chụp người di chuyển trên phố, bắt được các khoảnh khắc động
- Nói không với lens zoom
- Không nên mang túi máy ảnh, đừng biến mình thành NAG trong mắt mọi người
- Ngôn ngữ cơ thể cũng rất cần thiết (Hãy làm động tác giả như nhìn vào màn hình, bấm hết nút này đến nút khác hoặc gãi đầu gãi tai để giả vờ như bạn là một du khách và rằng bạn chẳng thông thạo chiếc máy ảnh này. Điều này khiến cho đối tượng “được” chụp cảm thấy yên tâm hơn)
- Không bao giờ chỉ chụp 1 tấm ảnh, hãy đuổi theo, bám sát đối tượng nếu bạn phát hiện được một chủ thể thú vị và chụp nhiều nhất có thể cho đến khi bạn có được một khung hình tốt.

Đến giờ thực hành rồi! Cùng đi chụp ảnh đường phố với Jesse Marlow thôi!
Jesse cho biết, ông không bao giờ setup sẵn ảnh đường phố của mình. Tất cả các khoảnh khắc thú vị trong ảnh của ông đều đến từ việc kiên nhẫn chờ đợi với phương pháp được ông chia sẻ là “fishing technique”.
Ông giải thích phương pháp này rằng, trước hết bạn hãy tìm đến một địa điểm chụp có màu sắc hoặc bố cục tốt, rồi ngồi im đó “buông cần câu” và chờ đợi một chủ thể đi vào khung hình để làm cho bức ảnh thêm thú vị, ngạc nhiên hoặc hài hước. Khi đó cá đã “cắn câu”.

Phần tiếp theo của buổi workshop là phần thực hành. Ở đây, chúng tôi được xuống phố cùng Jesse, anh Nguyễn Gia Phong và các thành viên của Leica Akademie Vietnam. Địa điểm đầu tiên của buổi workshop chụp ảnh đường phố được ông Jesse chọn, chính là chợ Đồng Xuân.
Trước khi đi chụp ảnh, Jesse yêu cầu chúng tôi để tốc độ chụp là 1/500s để đóng băng chuyển động, cũng có nghĩa là tập trung vào khoảnh khắc động trên đường phố. Lấy ý tưởng từ bức hình cover của buổi workshop, chủ đề buổi đi chụp ở chợ Đồng Xuân là “Mũ” (chụp những người đội mũ)

Ở địa điểm chụp, chúng tôi được chia thành hai nhóm, mỗi nhóm khoảng 6 người. Ông Jesse sẽ luân phiên hướng dẫn và đi chụp cùng hai nhóm xung quanh chợ.
Chúng tôi được học cách nhìn ra những chi tiết nhỏ mà hay ho. Những chi tiết này, đôi khi là những tấm bạt xanh quen thuộc, đôi khi lại là nền trời, là một bức tường nơi ánh nắng chiều hắt lên vàng ấm. Chúng tôi dành hơn 1 giờ đồng hồ để đi theo Jesse học sáng tác nhanh.

Sau khi thu được một số thành quả nhất định ở chợ Đồng Xuân, cả đoàn di chuyển về phía bờ hồ. Do thời gian di chuyển hơi lâu, khi Jesse và chúng tôi đến bờ hồ trời đã hơi nhá nhem tối. Ngay lập tức, Jesse yêu cầu chúng tôi hãy thử chụp silhouette và hướng dẫn mọi người cách ngắm bố cục, chọn góc máy để có một bức hình ngược sáng ấn tượng. Khi trời tối dần, chúng tôi di chuyển về phía Tràng Tiền Plaza để chờ đợi một vài khoảnh khắc thú vị khác.
Buổi săn ảnh kết thúc bằng một bữa tối ấm cúng tại nhà hàng Luk Lak, nơi chúng tôi ngồi thảo luận và trao đổi về buổi chụp hình.

Review ảnh chụp trong workshop và review portfolio
Buổi Workshop chụp ảnh đường phố được kết lại với phần chữa ảnh. Trong khi xem những bức ảnh hội viên sáng tác nhanh trong buổi chiều, ông Jesse đã đưa ra khá nhiều góp ý và nhận xét để giúp mọi người cải thiện ảnh của mình. Một số lời khuyên tôi thấy khá bổ ích và cần chú ý, ví dụ như:
- Nên tiến sát hơn vào chủ thể. Đây là một điều mà tôi thấy rất nhiều thành viên tham gia workshop có thể cải thiện. Mọi người chỉ cần tiến 1, 2 bước là đã có thể có ngay một khung hình bố cục sạch, chặt chẽ, nổi bật chủ thể và cảm xúc hơn.
- Tránh những khoảng highlight lớn, ví dụ như mảng tường trắng hay áo trắng vì mắt người thường bị hút vào vùng sáng mà thiếu tập trung vào chủ thể mà bạn đã chụp.
- Khoảnh khắc tự nhiên và “eye-contact” giúp ảnh của bạn trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Và đây là thành quả của tôi sau một buổi chiều thực hành.
Và cả những thành quả của VJ Chikimo trong series Lên Phim Xuống Phố nữa:
Về tác giả
Téng Bếu là một photographer thích chụp ảnh đường phố, anh đồng thời cũng là cây viết sở hữu khá nhiều bài viết liên quan đến kĩ thuật cơ bản, mà người mới chụp ảnh rất nên đọc.
Bạn có thể ghé Instagram của Téng để xem thêm các bức ảnh của anh.
“A dream you dream alone is only a dream. A dream you dream together is reality.”