Kênh National Geographic vừa công bố danh sách những tài năng đoạt giải trong cuộc thi ảnh “National Geographic Photo Contest” và những bức ảnh đoạt giải thì khỏi phải bàn về chất lượng và độ sâu ý nghĩa.
Cuộc thi ảnh cực nhanh của National Geographic
National Geographic (NatGeo) vốn là một kênh truyền hình rất tiếng tăm trên thế giới, bạn nào mà hay xem truyền hình cable về các hạng mục thiên nhiên, khoa học, lịch sử chắc không lạ gì kênh này.
Ngoài ra, Natgeo trong nhưng năm gần đây cũng đầu tư rất mạnh về mảng hình ảnh (Kênh Instagram của NatGeo đang có hơn 95 triệu người theo dõi. Một con số quá khủng!). Trong những tháng cuối của năm 2018, kênh này có một tổ chức cuộc thi ảnh trong thời gian khá ngắn, chỉ vỏn vẹn một tháng, từ 15/10/2018 đến 15/11/2018, với 3 hạng mục:
- Wild life (Đời sống hoang dã)
- Places (Địa điểm)
- People (Con người)
Khác với đa phần các cuộc thi ảnh mà chúng ta vẫn thường biết, cuộc thi ảnh này không phải là một cuộc thi ảnh miễn phí. Lệ phí gửi bài trong tuần đầu là 10$ và tiếp tục tăng dần mỗi tuần 5$ cho đến khi đóng cổng nhận bài dự thi. Thêm vào đó, mỗi người dự thi đều có thể gửi về nhiều ảnh cho toàn bộ các chủ đề, miễn là … họ đủ tiền để nộp lệ phí.
Tổng kết 1 tháng, cuộc thi ảnh này của NatGeo đã thu về hơn 10.000 lượt nộp bài (tương ứng với ít nhất là 50.000$ tiền lệ phí thu về).
Giải đặc biệt của cuộc thi ảnh NatGeo 2018
Giải đặc biệt đã được trao cho một nhiếp ảnh gia tài năng có tên là Jassen Todorov. Tác phẩm chiến thắng ở hạng mục Địa điểm.
Trước khi đến với bộ môn nhiếp ảnh, Todorov đã từng là một nghệ sĩ Violin. Từ những năm 2000, Todorov bắt đầu “bẻ lái” sự nghiệp và trở thành một người hướng dẫn bay kiêm luôn nhiếp ảnh gia trên không (aerial photographer).
Bức ảnh đoạt giải đặc biệt được Todorov chụp lại từ trên không, mà cụ thể là ngay bên trên sa mạc Mojave ở California. Bên dưới là cảnh hàng ngàn những chiếc ô tô Volkswagen và Audi xếp thành hàng ngay ngắn. Đây chính là những chiếc ô tô bị thu hồi trong scandal “lừa dối” các bài kiểm tra khí thải của Volkswagen, khiến hãng này lao đao suốt một thời gian dài.
Một bức ảnh thoạt nhìn thì có vẻ “ngay ngắn” nhưng đằng sau đó lại ẩn chứa rất nhiều câu chuyện từ nhiều góc nhìn khác nhau. Todorov chia sẻ rằng tấm ảnh này sẽ giúp người xem có ý thức hơn về thế giới chúng ta đang sống và những tác hại mà chúng ta đang gây ra với “ngôi nhà” này. Ngoài giải Đặc biệt, bức ảnh này đã “tiện tay” ẵm luôn giải nhất chủ đề Địa điểm.
Chủ đề Địa điểm
Giải nhì của chủ đề này là một bức ảnh rất ấn tượng của nhiếp ảnh gia Nicholas Moir. Nicholas Moir là một nhiếp ảnh gia chuyên đi săn bão.
Bức ảnh ghi lại quang cảnh ở Texas khi một cơn siêu bão với sức gió 145km/h đi ngang qua. Bức ảnh được chụp trong một đợt “săn bão” rất thành công của Moir và ekip.
Rẽ sang một hướng khác, bức ảnh đoạt giải ba ghi lại những hậu quả đau thương của chiến tranh ở Syria. Bức ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia Christian Werner khi đang đi săn tin cho trang báo Der Spiegel (Đức).
Werner kể lại rằng, để chụp được bức ảnh, anh đã phải trèo lên tầng thượng của một ngôi nhà đổ nát để có được một bức ảnh toàn cảnh. Werner đã bị shock nặng vì tất cả đã hoàn toàn bị huỷ diệt và không có dấu hiệu nào của sự sống.
Chủ đề Con người
Giải nhất chủ đề Con người là một bức ảnh được chụp bởi nữ nhiếp ảnh gia Mia Collis.
Nhân vật chính của Mia là David Muyochokera, một người “thợ ảnh” trong ngày làm việc cuối cùng trong suốt 37 năm ở một studio địa phương ở Kenya. David tâm sự rằng, với sự phổ cập của điện thoại và selfie, chẳng còn mấy ai muốn chụp ảnh chân dung ở studio nữa. Đó là lý do ông phải đóng cửa tiệm ảnh và chuẩn bị dọn về quê sinh sống.
Bức ảnh giải nhì ghi lại hình ảnh một bé gái đang tận hưởng dòng nước mát trong “bể bơi vịt” sau cả ngày dài nóng nực.
Bé gái này là con gái của Todd Kennedy, chủ nhân của giải thưởng này.
Và nhiếp ảnh gia dành giải ba chính là Avishek Das. Bức ảnh của Das khắc hoạ tình cảm và sự lo lắng của một người cha theo đạo Hindu dành cho người con mới sinh của mình.
Das chia sẻ rằng, người cha đang tham gia một lễ hội truyền thống để cầu mong những điều may mắn và loại bỏ điềm không lành cho con trai. Ở đó, người ta sẽ dùng móc sắt để móc vào người người cha và đôi khi người cha sẽ bị treo hẳn lên dây thừng. Das đã may mắn ghi lại được khoảnh khắc thiêng liêng khi người cha hôn đứa con mới sinh và chuẩn bị trở thành “vật hiến tế”.
Chủ đề Hoang dã
Đời sống hoang dã là một trong những thể loại nhiếp ảnh khó nhằn nhất. Ở đây, người chụp không những cần phải nghiên cứu và kiên trì chờ đợi, họ cần phải đầu tư khá khá cho bộ gear nữa.
Và giải nhất của chủ đề này, cũng không có gì đáng ngạc nhiên, đã bị “cướp đi” bởi một nhiếp ảnh gia “chuyên ngành” chụp hoang dã có tên là Pim Volkers. Bức ảnh giải nhất ghi lại cảnh tượng đàn Linh dương đầu bò đang vượt sông Mara (Tanzania).
Bức ảnh đoạt giải nhì được chụp bởi Jonas Beyer trong một lần đi leo núi ở Greenland. Beyer may mắn gặp được một con bò núi (Ox) và nhanh chóng chụp lại nó.
Chốt lại danh sách người đoạt giải là nữ nhiếp ảnh gia Alison Langevad, chuyên về nhiếp ảnh thể thao và hoang dã. Langevad chia sẻ rằng, trước đó vài tháng, cô đã có cơ hội chụp hai chú tê giác này. Thế nhưng lần này, hai chú tê giác đã bị cắt sừng, bởi chính nhân viên khu bảo tồn như một nỗ lực để ngăn chặn việc tê giác bị giết bởi những kẻ săn trộm.
Theo Petapixel
Đọc đến đây, nếu các bạn đang hứng khởi và lên kế hoạch tham dự vào năm sau, thì tin buồn dành cho các bạn đây. Cuộc thi ảnh này rất tiếc không dành cho thí sinh có quốc tịch Việt Nam. Ở Châu Á, chỉ có một vài quốc gia được thông qua, ví dụ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Malaysia.
Thế nhưng cũng đừng buồn nhé, vì ngoài NatGeo, còn rất nhiều các cuộc thi ảnh khác cho những bạn muốn thử sức, ví dụ như Nikon Photo Contest với giải thưởng lên đến 100 triệu đồng và vẫn còn nhận bài đến tháng 1/2019.
Đừng quên ghé thăm website của 50mm Vietnam để cập nhật những thông tin nhiếp ảnh mới, được chúng mình update liên tùng tục nhé!