Chắc chắn các Nikonian sẽ cảm thấy tò mò tại sao NASA tin tưởng Nikon đến vậy và cách họ mang những chiếc máy ảnh Nikon lên vũ trụ.
Vì đâu NASA dính “bùa yêu” từ Nikon?
Có thể các bạn không tin, trong khi Canon được các chị em tín nhiệm (nhờ màu da trắng hồng “lừa tình”) thì cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA lại tin tưởng Nikon và cho hãng này “bay” cùng các phi hành gia.
Nếu các bạn còn nhớ, cách đây vài ngày chúng mình đã có bài viết nhắc đến trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Còn hôm nay chúng ta sẽ biết về việc NASA đầu tư máy ảnh cho các phi hành gia trên ISS tốn kém thế nào.
Đầu tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu xem tại sao NASA tin tưởng Nikon đến vậy.
Sản phẩm của cả 2 ông lớn Ca/Ni đều rất tốt, chứng tỏ được sự “trâu bò” của mình trong thời gian dài, tin dùng trong nhiều điều kiện, thậm chí tại ngoài chiến trường nơi bom rơi lửa đạn và mạng người có khi tính theo phút. Tuy nhiên, vươn đến tầm vũ trụ thì chỉ có Nikon thực sự đạt thành công.
Có nhiều lý do cho việc này, tuy nhiên không mấy ai biết chắc chắn cả. Theo một topic đăng trên DPReview, Canon đã từng được NASA mua về cho các phi hành gia nhưng sự cố đã xảy ra khi tàu vũ trụ được phóng đi. Sự rung lắc rất mạnh trong quá trình này làm cho thấu kính flourite (công thức hóa học: CaF2 – công nghệ thấu kính Canon vẫn tự hào hàng chục năm qua) bị hư hỏng, làm ống kính trở nên vô dụng.
Và từ đó NASA loại bỏ hẳn Canon trong “hành trang” vào vũ trụ, thay bằng Nikon (Mặc dù thời điểm hiện tại các ống kính cao cấp của Nikon đã sử dụng công nghệ thấu kính FL – flourite).
Dưới đây là dòng trạng thái mà phi hành gia người Đức Alexander Gerst – thuộc cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) đăng tải trên Twitter, cảnh ông đang cắt tóc cho phi hành gia Nga Sergei Prokopyev ở khoang “Zvezda” (Звезда – Ngôi sao). Có thể thấy hàng tá thiết bị mang nhãn Nikon được treo trên tường – trừ chiếc máy quay có lẽ của Sony.
One of the few times during this mission when I was nervous, and Sergey afraid. / Einige der wenigen Momente während dieser Mission, in dem ich nervös war, und Sergey Angst hatte. @roscosmos #Horizons pic.twitter.com/9QSJE5tEzt
— Alexander Gerst (@Astro_Alex) November 10, 2018
Tạm dịch: Một trong số ít lần mà tôi cảm thấy lo lắng còn Sergey thì lo sợ trong chuyến đi này.
Vậy máy ảnh được chuyển lên ISS ra sao?
Khi Nikon ra mắt D5 vào đầu năm 2016, ngay lập tức NASA đặt hàng 55 chiếc (nhà chả có gì ngoài tiền), và chuyển lên trạm vũ trụ quốc tế 10 chiếc vào cuối năm 2017. Nếu chi phí mua máy nghe đã thấy “choáng”, chi phí vận chuyển còn “ngợp” hơn nữa. Ví dụ: một bộ máy trong ảnh dưới đây có giá 23.000$, nhưng đòi hỏi chi phí vận chuyển (tính chia ra cho bộ máy này) 137.000$, tiền công đắt gấp 6 lần tiền hàng.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi “xe thồ” là các tàu vũ trụ, đòi hỏi chi phí duy trì và vận hành cực kì tốn kém. Hơn nữa, thời gian và địa điểm phóng cũng phải được lựa chọn kĩ càng để đảm bảo “ngày lành tháng tốt”, thời tiết thuận lợi.
Mỗi lần phóng, tàu con thoi của Mỹ có thể chở theo 22,6 tấn hàng hóa với tổng chi phí nửa tỷ USD (1000$ cho mỗi 0,45kg hàng hóa). Như vậy, bộ máy D5 6500$ + ống nhân tiêu cự 1,4x 500$ + AF-S 800mm f/5.6E 16.300$ với khối lượng 6,2kg sẽ tiêu tốn 137.100$ để hàng từ người gửi địa cầu đến khách ISS.
Và đó cũng là mức giá để chúng ta có những bức ảnh hoặc video tuyệt đẹp về cái nôi của loài người.
Tạm kết
Đến đây chúng ta chắc đã hiểu được tại sao các nhà du hành lại tin tưởng Nikon hơn các hãng khác rồi đúng không nào. Hi vọng rằng trong tương lai chúng ta sẽ có được chứng kiến thêm những video và hình ảnh tuyệt đẹp về cái nôi của loài người từ trạm vũ trụ quốc tế.
Theo Petapixel
Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé.
