Theo dòng về những video Lên Phim Xuống Phố (#LPXP) thời gian gần đây, 50mm Vietnam xin gửi đến các bạn một bài về Cấu tạo máy ảnh phim!
Hiểu về cấu tạo máy ảnh phim
Nếu chỉ nhìn bên ngoài thì một chiếc máy ảnh phim phổ thông cũng không khác gì nhiều so với máy ảnh kĩ thuật số, đặc biệt là khi mang so với một vài dòng máy của Fujifilm. Tuy nhiên, trên nhiều phương diện, một chiếc máy ảnh phim vừa giống lại vừa khác máy ảnh kĩ thuật số.
Để bắt đầu “khai thác” chiếc máy phim và dấn thân vào cuộc chơi phưu lưu hào hứng này, đầu tiên, chúng mình cần phải hiểu được cấu tạo máy ảnh phim, về các bộ phẩn cơ bản nhất của nó.
Trên thực tế, có nhiều hãng sản xuất máy ảnh phim và mỗi hãng lại (có thể) có những đặc trưng rất riêng. Việc “giải phẫu” một chiếc duy nhất để áp lên toàn bộ những chiếc máy khác có lẽ hơi sai. Thế nhưng, để có một cái nhìn bao quát đầu tiên, hãy giả sử rằng bạn đang có một chiếc Nikon FE và hãy cùng mình đưa nó lên “bàn mổ” nhé. (Đừng lo, vì rất nhiều các máy ảnh phim khác từ Canon, Minolta hoặc Pentax đều có cấu trúc khá tương đồng, có chăng cũng chỉ khác ở cách sắp xếp các nút thôi).
Cấu tạo máy ảnh phim cơ bản
Kết cấu mặt trước
Về cơ bản, chiếc máy phim bao gồm các “bộ phận cơ thể” như sau
- Kim/Núm ISO: trên máy ảnh phim, chỉ số ISO được điều chỉnh đúng theo chỉ số ISO của cuộn phim. Nhớ điều chỉnh ISO đầu tiên sau khi lắp phim vì thao tác này rất hay bị bỏ quên.
- Cần tua phim: vừa có tác dụng để tua lại phim sau khi chụp xong, vừa là chiếc lẫy để mở nắp buồng phim.
- Ống kính: chiếc ống kính thông dụng nhất cho máy phim là 50mm và thường có khẩu độ khá lớn (f/1.7 hay f/1.8). Các thao tác điều chỉnh khẩu độ và lấy nét được thực hiện trực tiếp và hoàn toàn thủ công bằng cách xoay các vòng khẩu độ và vòng lấy nét trên ống kính.
- Núm tốc độ: để điều chỉnh tốc độ chụp. Vòng tốc độ ở chiếc máy ảnh phim thường khá hạn chế. Ở chiếc Nikon FE này, vòng tốc độ nằm trong khoảng 1/1000s đến 1/8s. Vào những ngày trời nắng to thường rất khó để chụp ảnh xoá phông, trừ khi chúng mình sử dụng ND Filter.
- Cần lên phim: chính là đặc trưng của chiếc máy ảnh phim. Sau mỗi shot, chúng mình phải lên phim. Điều này tương tự với việc lên cò súng. Khi súng có đạn nhưng chưa lên cò, chúng mình không bắn được, nghĩa là sẽ không chụp được ảnh.
- Kim chỉ kiểu: cho chúng mình biết cuộn phim đã được “đốt” bao nhiêu kiểu. Ở đây, có hai điều cần lưu ý. Khi vừa lắp phim vào, kim chỉ vào “S”. Tiếp nối S sẽ là 2 kiểu trống, đồng nghĩa với việc chúng mình vẫn bấm chụp bình thường nhưng sẽ không nhận lại ảnh được. Khi kim chỉ vào kiểu số 1, lúc này chúng mình chắc chắn sẽ ghi lại được hình ảnh (chỉ không chắc là sẽ đẹp hay không)
- Nút chụp: để bấm chụp *tách*
Kết cấu mặt sau
- Buồng lắp phim: là nơi “giam giữ” của cuộn phim trong lúc chúng mình chụp
- Muỗng phim: nơi giữ và lưu trữ dải phim đã được chụp. Dải phim sẽ được cuộn dần vào muỗng mỗi lần chúng mình bấm chụp. (Nếu cảm thấy khó hiểu, hãy check video 5 bước chụp ảnh phim để hiểu “cơ chế” của chiếc muỗng này)
- Màn chập: khi bấm nút chụp, chiếc màn này mở ra, cho phép ánh sáng tiếp xúc với phim để tạo ra hình ảnh.
- Rãnh che sáng: gồm những miếng mút siêu nhỏ, chạy dài thân máy với mục đích ngăn cản ánh sáng vào buồng phim. Những kiểu ảnh hở sáng quá nhiều thường là do nắp buồng phim không kín hoặc do miếng mút ở rãnh che sáng đã bị sờn.
Và một vài bộ phận quan trọng ở mặt dưới
- Chỗ lắp pin: rõ ràng là để lắp pin rồi. Khác với máy ảnh số, thông thường máy ảnh phim không cần đến pin để chụp. Pin thường được dùng để phục vụ mục đích đo sáng nhiều hơn. (Thế nhưng, hơi buồn là chiếc FE lại cần đến pin cho cả việc chụp và đo sáng. Thiếu pin thì chiếc máy cũng sẽ “chết lâm sàng”, trừ khi chúng mình chỉ chụp ở tốc độ 1/90s và không cần đến đo sáng).
- Nút giữ phim: thao tác đầu tiên khi tua phim là bấm nút giữ phim. Nếu cần tua phim bị gãy thì còn có thể “sống chung với lũ được” còn nếu nút giữ phim mà hỏng thì… thôi, đừng chụp.
Ơ, máy phim chỉ có từng ấy thứ thôi à?
Chiếc máy ảnh phim còn rất nhiều các nút, các núm, các bộ phận khác nữa mà bài này chưa đề cập đến. Thế nhưng, với những bạn mới bắt đầu, việc nhồi nhét kiến thức trong thời gian ngắn có thể sẽ mang lại hiệu ứng ngược.
Đừng lo lắng gì nhiều vì chúng mình sẽ thường xuyên cập nhật những thông tin nhiếp ảnh phim cơ bản nhất. Và cũng đừng quên tự tìm hiểu và tìm tòi chiếc máy của chính bạn cũng là một trải nghiệm cực kỳ thú vị đấy!
Một điều cuối, nếu tự tìm hiểu được toàn bộ chức năng của chiếc máy, thì ít nhất, chúng mình cũng cần phải ghi nhớ những bộ phận cơ bản và quan trọng này. Chúng mình nên nhớ rằng, hiểu được thiết bị chính là bước đầu tiên để chụp được ảnh đẹp rồi.
Chúc các bạn tìm được niềm vui với việc chụp ảnh phim!
Và nếu cần phải tra cứu hoặc tìm hiểu thông tin thì đừng quên check website của 50mm Vietnam và series Lên phim xuống phố (LPXP) của chúng mình nhé. Cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để cập nhật những thông tin mới nhất, nóng nhất về các hãng máy ảnh và đội ngũ 50mm nhé!