Tưởng như vô hại, nhưng hiểm họa từ chiếc điện thoại di động thì không thể coi thường, thậm chí có đến hàng trăm người đã chết vì selfie mỗi năm.
Lịch sử của selfie
Trước khi tìm hiểu cụ thể về bi kịch “chết vì selfie“, chúng ta hãy lùi lại quá khứ một chút.
Việc ghi hình bản thân đã có từ lâu, mà thường hay biết nhất là tranh chân dung từ thời phong kiến, thường được các cá nhân giàu có, thuộc tầng lớp quý tộc, hoàng gia đặt hàng các họa sĩ.
Mặc dù máy ảnh đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng phải tới những năm 1970 khi máy ảnh Polaroid trở nên phổ biến, việc tự chụp ảnh mới bắt đầu phát triển mạnh, người dùng không chuyên có thể tạo ra ngay các bức ảnh “ăn liền” mà không phụ thuộc vào các phòng tối.
Selfie trở nên mạnh mẽ hơn nữa khi thế giới bước vào thế kỉ 21, với sự phổ biến của mạng xã hội cũng như điện thoại di động. Năm 2002, một người đàn ông ở Úc đăng tải hình ảnh tự chụp bản thân sau khi bị ngã cầu thang và rách môi, gọi đây là selfie. Và từ đó “selfie” chính thức được khai sinh.
Khi mạng xã hội như Facebook, Twitter bùng nổ vào giai đoạn 2012 – 2013, selfie đã trở thành phong trào phát triển rầm rộ trên toàn cầu, người người chụp ảnh, nhà nhà chụp ảnh bản thân rồi đăng tải chúng lên chia sẻ với bạn bè. Thậm chí vào năm 2013, nhà xuất bản đại học Oxford đã công bố bài viết về vấn đề selfie, mà theo đó đây là “từ ngữ của năm“, được tìm kiếm trên mạng nhiều hơn năm 2012 tới 17000%.
Chết vì selfie: cái chết trời ơi đất hỡi
Công nghệ phát triển nhanh đã giúp đỡ rất nhiều cho cuộc sống của chúng ta, tuy nhiên nó cũng có mặt trái nhất định. Việc chụp ảnh selfie nói riêng và sử dụng điện thoại nói chung khiến chúng ta dành quá nhiều thời gian và tâm trí vào đó và quên đi thế giới xung quanh. Vừa đi trên đường vừa sử dụng điện thoại để nhắn tin hay chụp ảnh tự sướng thực sự là mối hiểm họa khôn lường, thậm chí đã có cả trăm mạng chết vì selfie.
Cụ thể, trong vòng 6 năm, từ 11/2011 cho tới 11/2017, đã có 137 tai nạn riêng lẻ liên quan đến selfie làm 259 người “lên bảng đếm số” (nhiều hơn số người bị cá mập tấn công) gây những mất mát không nhỏ cho người thân và gia đình khi có người “rời bỏ cõi trần” vì lý do “trời ơi”.
Cụ thể hơn, trong 259 người, có 72,5% là nam và 27,5% là nữ (thật khó tin khi số lượng mày râu áp đảo). Độ tuổi trung bình là 22,94, trong đó 50% ở nhóm 20 – 29 tuổi, 36% thuộc nhóm 10 – 19 tuổi.
Nếu phân theo loại tai nạn, có 70 người chết chìm, 48 người bị ngã, 48 người liên quan đến lửa, 51 người bị tai nạn giao thông..
Theo một số ý kiến bình luận, chính quyền địa phương cần có các biển báo với nội dung cảnh báo an toàn tại các khu vực du lịch như vùng đồi núi, sông hồ.. nhằm giảm bớt các tai nạn “trời ơi đất hỡi” kiểu này; cũng như cần có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thậm chí xử phạt hành chính đối với những cá nhân bất chấp nguy hiểm chỉ để có vài tấm ảnh.
Theo Petapixel
Các bạn có thể tìm đọc thêm các bài viết liên quan đến chủ đề điện thoại tại đây, đây và đây. Và cũng đừng quên theo dõi trang web của chúng mình để liên tục cập nhật tin tức sản phẩm mới cũng như các thông tin thú vị về nhiếp ảnh nhé.