Canon EOS R – Giá ra mắt 55 triệu, liệu có cửa cạnh tranh?

Canon EOS R - Giá ra mắt 55 triệu, liệu có cửa cạnh tranh? | 50mm Vietnam

Theo nhiều luồng thông tin đến từ các đại lý, giá niêm yết của chiếc máy Canon EOS R chạm mức 55 triệu đồng, một mức giá cao và hoàn toàn có thể thất thế cho hãng này trong cuộc đua với các đối thủ.

Cú đàm phàn chưa đủ ép phê

Khi EOS R chính thức được công bố với mức giá ở nước ngoài là $2300 (xấp xỉ 53,5 triệu đồng Việt Nam), lập tức đã có một làn sóng những người dùng trung lập, lẫn các Sony fanboy, cho rằng đây là một mức giá khá cao và chiêc Sony A7 Mark III (với giá chỉ khoảng 43-45 triệu) vẫn sẽ là bá chủ ở phân khúc này, anh chàng Z6 còn lại chưa có giá nhưng dự kiến cũng sẽ khá sát giá của A7 Mark III.

Trên đây là một lập luận có cơ sở nhưng chưa quá thuyết phục team 50mm Vietnam ngay, vì thông qua động thái chậm công bố giá của Canon Vietnam (và cả nhầ phân phối Lê Bảo Minh) có thể hiểu là đang có một quá trình đàm phán để hạ giá sản phẩm này xuống mức thấp nhất.

Canon EOS R - Giá ra mắt 55 triệu, liệu có cửa cạnh tranh? | 50mm Vietnam

Và cuối cùng, trong khoảng một vài ngày gần đây, các đại lý đã hé lộ thông tin về giá chính thức về sản phẩm này. Theo đó, Canon EOS R Body có giá 55 triệu đồng, còn với combo kèm kit RF 24-105mm f/4L thì có giá lên tới 83 triệu đồng.

Trong đó có một số quà tặng như: – Thẻ nhớ 32Gb 90Mb/s (giá khoảng 350k), ngàm Canon EF – R (giá khoảng 2,5 triệu), lens Canon 50F1.8 STM (giá khoảng 2,5 triệu), túi Canon Lê Bảo Minh (khoảng 300k), vậy tổng trị giá quà tặng hết cỡ chỉ rơi vào khoảng 6 triệu, suy ra giá thật sẽ vào khoảng 50 triệu.

Có lẽ, với mức giá hơi-bị-cao này thì chúng ta sẽ cần phải đợi tầm nửa năm – một năm để giá sản phẩm này bình ổn đi thì hẵng mua sẽ hợp lý hơn. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, đây là giá niêm yết của nhà phân phối, còn có thể giá đại lý thì sẽ mềm hơn cỡ 5-7%.

Nhiều tính năng hay ho, nhưng EOS R có đủ thuyết phục?

Xét về mặt thông số giấy tờ, Canon EOS R hay Sony A7 Mark III và thậm chí là chiếc Nikon Z6 sẽ ra mắt vào cuối tháng 11 có thể xếp chung “mâm”. Cả ba chiếc máy này không có quá nhiều sự khác biệt về mặt thông số và mức giá thì ở tầm 40-50 triệu, hãy cùng xem nhé:

  • Sony A7 Mark III và Nikon Z6 mạnh mẽ hơn ở một số tính năng quay phim như: số frame-rate lên tới 120fps ở độ phân giải Full HD, quay 4K không bị crop cảm biến.
  • Sony A7 Mark III có 2 khe thẻ (một UHS-II và một UHS-I), trong đó cả Nikon Z6 và Canon EOS R đều chỉ có một khe thẻ, thậm chí Z6 còn sử dụng một loại thẻ nhớ hiếm hơn là XQD.
  • Sony A7 Mark III có lợi thế liên quan đến khả năng EyeAF, Z7 thì còn phải đợi thẩm tra, còn Canon EOS R với phiên bản firmware hiện tại thì vẫn chưa có EyeAF khi chụp liên tục.
  • Canon EOS R có số megapixel lớn hơn cả, 30mpx, còn trong đó Sony A7M3 và Z6 chỉ đều loanh quanh ở mức 24mpx. Số megapixel to không quyết định gì nhiều về chất lượng hình ảnh, nhưng lại là một lợi thế với những ai thích chụp ảnh phong cảnh, chân dung và cả in ấn.
  • Canon EOS R sẽ tracking chủ thể trên video có thể sẽ là tốt nhất trong 3 máy, thông qua công nghệ Dual Pixel CMOS AF của Canon. Ngoài ra máy này có trang bị một công cụ trap tracking khá tiện dụng đến từ máy quay C200 của hãng.
  • EOS R có một vài tính năng hay ho từ ảnh hưởng to đến nhỏ: Function Ring trên ống kính RF hoặc trên ngàm R-EF Function – một chức năng cực hữu dụng trong lúc thao tác, Touchbar có thể custom gán chức năng, khi tắt máy và thay ống kính thì cửa trập sẽ sập xuống che cảm biến.
  • EOS R có chiếc EVF có thể nói là đẹp nhất trong những chiếc mirrorless ở thời điểm hiện tại.
  • Sony A7 Mark III có màn hình LCD có thể sẽ là tệ nhất trong 3 chiếc máy ảnh.

Hệ ống kính là điều quyết định

Đây là một trong những câu chuyện hay ho nhất khi nói về 3 hãng ở thời điểm hiện tại. Vì thật ra một chiếc máy có thể sẽ dễ bị thay thế sau vài năm, tuy nhiên hệ ống kính thì lại khác, nó có thể tồn tại hàng trăm năm như Nikon chả hạn, hoặc đang có nguy cơ bị đe dọa như ngàm M của Canon. Hãy cùng xem tương quan các hệ ống kính hiện nay của ba hãng:

Sony E mount

Khi Sony ở Việt Nam đã chính thức tặng kèm cả MC-11 khi bán máy, tức là đã bất chấp cả việc người dùng có thể cắm cả lens Canon lên máy của mình luôn, chưa kể hệ lens native chính hãng, lẫn Sigma, Zeiss, Samyang hay Tamron đang sản xuất, Sony rõ ràng là không thiếu ống kính. Thời gian gần đây, dòng GM cũng đang bắt đầu gặt hái những lời khen bất chấp giá cả khá cao.

Canon RF Mount

Còn Canon? Với hệ ngàm EF 30 năm, 4 chiếc ống kính ngàm RF mới ở thời điểm hiện tại, Canon cũng không quá yếu thế, còn về hệ ống kính của hãng thứ 3 như Sigma hay Tamron sẽ cần đợi kiểm chứng. Canon khá hơn Nikon khi đã phát triển mirrorless được một thời gian, đã có những thử nghiệm, những sự phát triển ví như khả năng lấy nét của chiếc máy tầm trung như M50 đã có thể lấy nét nhanh với ống kính EF qua ngàm chuyển.

Nikon Z Mount

Nikon thì sẽ chung thủy với ngàm F cả trăm năm của mình, và với chiếc ngàm FTZ của mình, nghe nói đã có những vấn đề với ống kính của hãng thứ 3. Trong ba hãng thì Nikon là yếu thế nhất ở mảng ống kính mirrorless (và có thể sẽ là cả máy ảnh luôn), một là vì họ còn ít ống kính ngàm Z, thứ hai là ngàm FTZ của Nikon là phiên bản đầu tiên, có thể sẽ tiềm ẩn khá nhiều lỗi “củ chuối” với phiên bản đầu tiên này.

Tạm kết

Vậy là với những thông số giấy tờ hiện tại, một thị trường thường quan tâm thông số hơn trải nghiệm thực tế, và giá bán đang hơi cao so với mức kì vọng, nhiều khả năng EOS R sẽ gặp khó khăn để tạo ra một cú sốt như A7 Mark III đã làm.

Hãy cùng đợi bài test so sánh 3 chiếc máy này trong thời gian tới của 50mm Vietnam nhé!