Tương lai của hệ máy EOS R sẽ rất khó đoán định, nhưng khi mirrorless đang là xu thế mới, lấn át dần vai trò của DSLR thì đây sẽ là trọng điểm được Canon đầu tư nghiên cứu và phát triển. Hãy cùng nghe các kĩ sư của Canon nói gì về sản phẩm này.
Giải đáp những thắc mắc của đa số chúng ta về EOS R

Mới đây trang web Nhật Bản MyNavi đã thực hiện cuộc phỏng vấn với các kỹ sư Canon đã tham gia chương trình thiết kế và sản xuất EOS R, nhằm tìm hiểu thêm về cách mà họ đã làm ra sản phẩm này, cũng như tương lai nào cho nó.
Bài phỏng vấn khá dài, tuy nhiên chúng mình sẽ chọn ra những câu hỏi và trả lời mà chúng mình cho là quan trọng, giải đáp thắc mắc của nhiều bạn về sản phẩm mới này, ví dụ như EOS R có dùng chung cảm biến với EOS 5D Mk IV, hay có đứng ngang hàng với dòng 5D không.
A: Chúng tôi để ý thấy sản phẩm EOS R có độ phân giải tương đương EOS 5D Mark IV, nhưng cũng được nghe rằng đây là cảm biến mới?
B: Độ phân giải tương tự nhưng cảm biến của EOS R lại hoàn toàn mới, cải thiện các điểm ảnh cho phù hợp hơn với Dual Pixel CMOS AF cũng như sắp xếp lại cấu trúc các vi thấu kính.
A: EOS R có được đứng ngang hàng EOS 5D?
B: Cũng có thể coi là vậy.
A: EOS R được trang bị bộ xử lý mới nhất DIGIC 8, vậy những đặc điểm nổi trội của nó là gì?
B: Về tổng quan thì nó nâng cao hiệu quả làm việc, mà đáng kể nhất là khả năng AF được cải thiện hơn so với các bộ xử lý cũ, cũng như khả năng khử nhiễu tăng thêm 1/3 stop so với EOS 5D Mk IV (40000 so với 32000).
A: Có sự khác biệt nào về chất lượng hình ảnh khi sử dụng ống kính EF so với RF không thưa ông?
B: Nói chung là không, sự khác biệt chỉ đến từ việc trình tối ưu ống kính trong thân máy xử lý được đến đâu. Người dùng trước giờ có thể làm hậu kỳ với phần mềm DPP (Digital Photo Professional), nhưng với các thân máy như EOS R đã được tích hợp sẵn, có thể sửa lỗi quang sai, méo hình…ngay trong quá trình sử dụng, mà không làm giảm tốc độ chụp hình. Hệ EOS R giờ có chất lượng hình ảnh nhỉnh hơn so với các máy DSLR truyền thống.

A: EOS R sử dụng LP-E6N như EOS 5D Mark IV. Tại sao ông lại lựa chọn pin này?
B: LP-E6 và LP-E6N đang được sử dụng chung giữa nhiều máy trung và cao cấp của Canon, do đó tôi chọn pin này, giúp việc trao đổi được dễ dàng.
A: Các ông đã cải thiện EOS R đã cải thiện khả năng hoạt động ở các bộ phận khác nhau phải không?
B: Vòng điều khiển ở đầu ống kính cùng một số tính năng khác được chúng tôi đưa vào EOS R từ các máy Powershot G. Nó khiến EOS R trở thành sản phẩm mới mới, vòng điều khiển khiến cho máy ảnh này trở nên linh hoạt hơn, cảm giác đây là một chiếc máy ảnh nhỏ gọn.

Thanh cảm ứng nằm bên phải ống ngắm là chi tiết chưa từng có ở các máy EOS, nó giúp người dùng cảm giác thuận tiện hơn, điều chỉnh thông số được dễ dàng hơn.
Nhờ ống ngắm điện tử EVF, nhiều thông tin khác nhau có thể được hiển thị trong khung ngắm trong khi chụp, mọi người có thể làm việc thoải mái mà không cần bỏ máy ra chỉ để chỉnh thông số.
A: EOS R không có chống rung trên cảm biến. Do đó có phải các ông đã làm chống rung điện tử để hỗ trợ chống rung trong ống kính không?
B: Đúng vậy. Việc thiết kế chống rung tích hợp trên thân máy sẽ gặp khá nhiều vấn đề như kích thước máy (có thể sẽ lớn hơn hiện tại), sinh nhiệt khi hoạt động và chi phí sản xuất.. Do đó chúng tôi đã quyết định không đặt chống rung trong thân máy. Tuy nhiên chúng tôi cũng sẽ cân nhắc thêm về vấn đề này trong tương lai.
A: Có vẻ các ông không có ý định sản xuất ống kính phổ thông tương thích cả các máy dòng M cũng như EOS R?
B: Đúng vậy, chúng tôi tập trung vào các ống kính cao cấp dòng L. Đây là chiến lược của chúng tôi, nhằm vào đối tượng khách hàng có trung cấp, nâng cấp từ các máy EOS DSLR hơn là EOS M.
Tương lai nào cho EOS R?
Đoạn trích bài phỏng vấn trên có lẽ đã làm thỏa mãn những thắc mắc của các bạn về sản phẩm này. Tuy nhiên vẫn còn đó vấn đề, đó là tương lai nào cho dòng sản phẩm này.
Câu hỏi này không dễ trả lời, nhưng Canon đã rò rỉ hình ảnh kế hoạch ra mắt ống kính cho hệ máy này, ít nhất trong 3 năm tới sẽ có rất nhiều ống RF f/2.8 xuất hiện. Trước mắt, Canon đã đăng ký bản quyền cho 2 ống kính RF tiếp theo có tên: RF 24-70mm f/2.8L IS USM và RF 24-300mm f/4-5.6L IS USM.


Nếu nhanh nhất thì có lẽ phải cuối năm sau hoặc đầu năm sau nữa 2 ống kính này mới xuất hiện. Và tất nhiên giá của chúng cũng sẽ không dễ chịu cho lắm. Dù sao các bạn vẫn có thể sử dụng ống EF qua ngàm chuyển mà không lo bị giảm tốc độ AF (Chúng mình đã kiểm chứng điều này với M50, cũng là DIGIC 8).
Cuối cùng, theo một số nguồn tin “giấu mặt”, Canon đã lùi kế hoạch bán EOS R từ tháng 10 sang trung tuần tháng 12 tới đây, nên những ai đang sẵn tiền thì cũng chưa mua được ngay đâu, chịu khó chờ thêm chút nữa.
Theo Canon Rumors
