Thứ Bảy vừa rồi, tại Leica Boutique Hanoi, Phóng viên ảnh Nick Út, tác giả bức ảnh huyền thoại “Em bé Napalm” từng dành giải thưởng Pulitzer danh giá đã có buổi trò chuyện gần gũi với với các bạn yêu nhiếp ảnh. Không chỉ là những chia sẻ trong sự nghiệp phóng viên ảnh của mình, bác Nick Út còn kể những câu chuyện rất gần gũi trong cuộc sống của mình.
Nick Út – Phóng viên ảnh với 51 năm tuổi nghề
Nick Út, tên thật là Huỳnh Công Út, là cựu phóng viên ảnh hãng thông tấn AP (Associated Press). Bác là tác giả của bức ảnh huyền thoại “Em bé Napalm” – cô Nguyễn Thị Kim Phúc cùng những đứa trẻ bị bỏng do bom Napalm của quân đội Mỹ tại Trảng Bàng, Tây Ninh.
Bức ảnh chính là một trong những tác nhân mạnh mẽ làm dấy lên phong trào phản chiến tại Mỹ đối với cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đồng thời là một cú giáng mạnh với chính quyền tổng thống Mỹ khi đó là Nixon, góp phần dẫn tới việc kết thúc chiến tranh sau này. Với những ảnh hưởng mạnh mẽ ấy, bức ảnh đã đạt giải thưởng Pulitzer danh giá trong lĩnh vực báo chí.
Làm phóng viên ảnh của AP từ năm 16 tuổi, đến nay đã là 51 năm, bác Nick Út đã chia sẻ về cơ duyên mình đến với sự nghiệp này. Nó đến từ một kí ức buồn, đầy cảm xúc khi người anh ruột của mình – Huỳnh Thanh Mỹ cũng là một phóng viên chiến trường làm việc cho AP – đã hy sinh trong Chiến tranh Việt Nam. Chính những lần được anh trai cho mượn máy ảnh hay chơi cùng nhau đã gieo vào Nick Út tình yêu nhiếp ảnh. Và sau đó Nick Út đã không ngần ngại nhận lời của biên tập viên ảnh AP – Horst Faas trong chính đám tang người anh ruột để trở thành phóng viên ảnh khi mới ở tuổi 16.
Cái tâm và sự khiêm tốn
Nguồn cảm hứng và động lực về người anh trai không chỉ đưa bác Út đến với sự nghiệp của một phóng viên ảnh. Suốt buổi nói chuyện, bác luôn giữ thái độ khiêm tốn khi nói về những tác phẩm, thành tựu trong sự nghiệp của mình. Cái tâm đẹp cũng theo Nick Út trong sự nghiệp khi luôn đề cao tính nhân đạo và đạo đức trong nghề báo.
“Em bé Napalm” không chỉ nhận giải Pulitzer cho sức ảnh hưởng của bức ảnh. Cô Kim Phúc đến nay vẫn luôn là một nhân chứng sống cho một thời kì chiến tranh khốc liệt tại Việt Nam, và người đã cứu sống cô thời điểm đó không ai khác chính là tác giả của bức ảnh. Bác Nick Út lúc đó đã dùng mọi khả năng của mình để cứu sống cô Phúc khi tìm nước dội, trùm áo mưa lên sau đó tìm cách để giúp cô Phúc được điều trị tại bệnh viện. Đó là một điều không hề bình thường trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt khi các phóng viên khác sau đó đều rời khỏi hiện trường. Bác Út đã không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của một phóng viên ảnh với khoảnh khắc lịch sử, mà hơn cả còn là hành động của một con người nhân ái.
Không chỉ vậy, bác Nick Út còn luôn cho rằng tác phẩm đoạt giải Pulitzer kia là do sự phù hộ, nguồn động lực từ người anh trai quá cố của mình. Giải thích về bản film của bức ảnh, bác nói rằng số 7 – tấm film thứ 7 trong cuộn chính là người anh trai thứ 7 trong nhà – bác Huỳnh Thanh Mỹ. Những giây phút hiểm nguy, đối mặt với cái chết trên chiến trường, những vết thương nhưng bác luôn cho rằng mình may mắn vì người anh trai đã bên cạnh để cứu sống mình.
Thành tựu đến từ những nỗ lực và lao động nghiêm túc
“Em bé Napalm” là bức ảnh làm nên tên tuổi của Nick Út nhưng không phải thành tựu duy nhất. Trong suốt sự nghiệp phóng viên ảnh của AP, Nick Út luôn nỗ lực và hoàn thành công việc của mình thật tốt. Bức ảnh nổi tiếng về Paris Hilton ngồi khóc ở ghế sau xe của một cảnh sát chính là minh chứng khác về những nỗ lực của Nick Út trong nghề.
Đến Leica Boutique Hanoi trong một buổi trò chuyện gần gũi, Nick Út vẫn giữ phong thái của người phóng viên ảnh với chiếc balo căng phồng đầy đủ các vật dụng tác nghiệp. Chiếc balo nặng cả chục cân như vậy đã là một thử thách kể cả với những người trẻ, khỏe nếu phải đeo lâu chứ chưa nói đến một người đã gần chạm ngưỡng tuổi 70 như bác Nick Út.
Tình yêu, đam mê nhiếp ảnh nhưng luôn cần đi cùng với sự “nghiêm túc”. Chính sự nghiêm túc, trách nhiệm trong nhiếp ảnh, dù là chụp chơi hay làm nghề sẽ đúc thành thành quả xứng đáng cho người cầm máy. Đó cũng chính là lời khuyên cho những người trẻ yêu nhiếp ảnh từ một phóng viên ảnh kì cựu, một huyền thoại với cái tâm sáng – Nick Út.