Sưu tập máy ảnh cũng là một trong những thú vui của những người yêu nhiếp ảnh. Hôm nay chúng ta sẽ gặp gỡ người đàn ông dành cả thanh xuân của mình để sưu tập những chiếc máy ảnh có từ tận thời ông bà của chúng ta. Hãy cùng xem xem chúng có hình thù như thế nào nhé.
Người đàn ông ấy là ai?
“Chào các bạn, tôi là David Silver. Tôi là người sưu tầm máy ảnh vin-tịt (vintage: cổ điển).”
David Silver là một người đàn ông sưu tập máy ảnh cổ điển từ khi còn trẻ ở San Francisco. Chính xác là ông đã “tích góp” được hơn 2300 chiếc máy ảnh. Tuy nhiên sau đó ông đã tập trung lại và giảm bộ sưu tập của mình xuống còn hơn 200 chiếc trong số máy ảnh trên.
Nơi tình yêu bắt đầu
Vào một ngày đẹp trời năm David 16 tuổi, phụ thân đã “dúi” vào tay ông một chiếc Kodak 3A của ông nội để lại và nói:
Từ giờ chiếc máy này là của con. Bây giờ con cũng có thể trở thành một nhà sưu tập máy ảnh nữa.
Và bố của ông đã đúng! Cuộc chơi sưu tầm máy ảnh của David Silver đã bắt đầu. Từ đó ông bắt đầu sưu tầm những chiếc máy ảnh từ cuối thế kỷ 19 và những chiếc máy từ đầu đến giữa thế kỷ 20. Lí do rất đơn giản, vì đó là những chiếc máy tạo nên nhiếp ảnh dành cho tất cả mọi người.
Sau nhiều năm sưu tập, Silver bỏ công việc công chức ông đã làm suốt 15 năm và quyết định mở một đại lý những chiếc máy ảnh cổ điển. Ông bắt đầu bán những chiếc máy ảnh giá trị nhất của mình cho khách hàng. Vậy là những chiếc máy ảnh mà Silver sưu tập từ xưa nay đã trở thành một phần thu nhập của ông.
Thú “vui” sưu tập có gì “vui”
Silver nói “Một trong những thú vui khi sưu tập đó là săn lùng những thứ quý giá”, dòng máu của một nhà sưu tập khiến ông làm những việc thực sự điên rồ, ví dụ như đi 3000 dặm theo đúng nghĩa đen để có được một mẫu máy ảnh mà ông vô cùng mong muốn chẳng hạn.
Ông cũng chia sẻ thêm về những trải nghiệm khi sở hữu những chiếc máy ảnh cổ điển:
Nếu bạn sở hữu một chiếc máy ảnh từ thời đó, bạn có thể phần nào trải nghiệm được các cụ ngày xưa đã chụp những bức ảnh như thế nào. Chúng ta có thể cảm nhận được lịch sử một cách sống động.”
Silver hiện nay đang viết một quyển sách về lịch sử của những chiếc máy ảnh. Và ông cũng đang đồng thời quản lý một tổ chức mang tên Tổ chức Lịch sử Nhiếp ảnh Quốc tế (International Photographic Historical Organization).