Ống kính Leica 2 năm nằm ở sa mạc, xuyên biển rồi về nhà

Ống kính Leica 2 năm nằm ở sa mạc, xuyên biển rồi về nhà | 50mm Vietnam

Tương truyền rằng có một chiếc ống kính Leica 35mm bị thất lạc và nằm ở sa mạc 2 năm. Sau đó “cậu” đã từ châu Mỹ vượt biển sang tới châu Âu, đi một vòng lớn rồi cuối cùng cũng về nhà. Hành trình của “cậu” là cả một câu chuyện dài.

Miếng trầu là đầu câu chuyện

Tuy ở đây không có trầu, nhưng chúng ta vẫn cứ bắt đầu câu chuyện nhé!

Đầu năm vừa rồi, nhiếp ảnh gia Arthur Galvao đã được đoàn tụ với chiếc ống kính Leica mà ông đã bị mất. Việc tìm lại được đồ bị mất cũng là chuyện khá bình thường thôi. Điều đáng nói ở đây đó là: chiếc ống kính bị mất ở một sa mạc và đã có một hành trình vòng quanh thế giới “sô-cô-la, sồ-cồ-là” tận 2 năm trước khi nó tìm được đường về với chủ nhân Galvao.

Chuỗi cửa hàng bán lẻ Samy’s Camera kể câu chuyện cổ tích kỳ lạ bắt đầu từ năm 2016. Một ngày đẹp trời nọ, Galvao đã có một chuyến đi chụp với mẫu thân của mình ở Vườn quốc gia Joshua Tree thuộc miền Nam California.

Ống kính Leica 2 năm nằm ở sa mạc, xuyên biển rồi về nhà | 50mm Vietnam
Một góc sa mạc trong Vườn quốc gia Joshua Tree, California ©Christopher Michel

Khoảnh khắc chiếc ống kính Leica ấy bị lãng quên

Sau một ngày chụp choẹt đầy hứng khởi, với rất nhiều chiếc ống kính và setup thay đổi nối tiếp nhau, những vị khách trở về khách sạn. Và chính vào giây phút đó, tại nơi đó, Galvao đã bàng hoàng phát hiện ra chiếc ống kính Leica Summicron-M 35mm f/2 ASPH màu bạc đã không cánh mà bay.

Ống kính Leica 2 năm nằm ở sa mạc, xuyên biển rồi về nhà | 50mm Vietnam

Vào một khoảnh khắc bị lãng quên nào đó trong chuyến đi, Galvao đã bỏ lại chiếc ống kính Leica nhỏ bé của mình ở lại giữa nơi sa mạc rộng lớn ngoài kia. Và cũng chính vào giây phút đó, Galvao nhận ra rằng mình không thể quay lại từng bước chân anh đã đi nơi sa mạc ấy để tìm lại chiếc ống kính Leica của mình. Anh chấp nhận sự thật là Summicron-M 35mm đã mãi ra đi, sau đó anh trở về nhà, trong lòng thấy thiếu đi một thứ gì đó.

Ở một diễn biến khác

Chiếc ống kính cứ yên vị như vậy tại sa mạc. Và 2 năm thấm thoát trôi qua…

Cuối năm ngoái, một người đàn ông tên là Jorgen Loe Kvalberg đang sải những bước chân du hành trên sa mạc rộng lớn. Bỗng, anh nhìn thấy một thứ gì đó bạc bạc đang “ngồi ngay ngắn” trên một tảng đá.

Ống kính Leica 2 năm nằm ở sa mạc, xuyên biển rồi về nhà | 50mm Vietnam
Hành trình vượt biển từ châu Mỹ sang châu Âu và quay ngược trở lại của ống Leica Summicron-M 35mm f/2 ASPH

Và ồ, đó chính là chiếc ống kính của một hãng L. giấu tên. Kvalberg đã mang chiếc ống kính hãng L. đó về. Sau khi vượt đại dương, về đến Norway anh đã bắt đầu ngay việc tìm lại chủ nhân cho “cậu”.

Cuộc điều tra bắt đầu

Tại đây anh đã liên hệ với một cửa hàng Leica ở Norway, và chuỗi hoạt động tìm lại chủ nhân đích thực cho ống kính Summicron-M 35mm được tiến hành. Cửa hàng Leica tại Norway đã liên lạc với nhà máy Leica tại Đức. Ở đó, người ta đã tìm ra từ số serial của sảm phẩm, rằng nó được bán lần đầu tiên với 1 chiếc Leica M-P trị giá 9990$ kèm ống 35mm f/2 phiên bản Safari tại Hoa Kỳ.

 

Ống kính Leica 2 năm nằm ở sa mạc, xuyên biển rồi về nhà | 50mm Vietnam
Leica M-P phiên bản Safari

Ngay sau đó Leica USA được liên hệ và đã tìm ra bộ máy được bán bởi Samy’s Camera. Ebi Kuehne – đại diện của Samy sau đó đã liên lạc với cửa hàng Samy ở Los Angeles. Quản lý cửa hàng là Fernando Del Vaglio sau khi tra cứu hồ sơ đã tìm ra Arthur Galvao là chủ nhân của chiếc ống kính.

Cuối cùng, Del Vaglio đã gọi Galvao.

“Tôi đã gọi cho Arthur và hỏi rằng anh có bao giờ bị mất một chiếc ống kính Leica khi đang đi chụp ở sa mạc không” – Del Vaglio kể lại – “Arthur đã vô cùng sững sờ! Anh ấy không thể tin được những gì mình vừa nghe thấy!”

Ống kính Leica 2 năm nằm ở sa mạc, xuyên biển rồi về nhà | 50mm Vietnam
Từ trái qua phải: Đại diện Samy’s Ebi Kuehne, nhiếp ảnh gia Arthur Galvao và Giám đốc Samy’s LA Fernando Del Vaglio

Đúng vào thời điểm đó, đại diện của cửa hãng Samy tại Mỹ, ông Kuehne đang có kế hoạch đón Giáng Sinh tại Đức. Vì vậy anh đã quyết định đích thân nhận lại chiếc ống kính từ nhà máy Leica và đem trả lại chủ nhân của nó. Sau chuyến đi ấy, chuỗi ngày xa cách dài đằng đẵng đã kết thúc. Chiếc ống kính đã được đoàn tụ với chủ nhân của nó.

Đọc xong chẳng nhớ gì…

Một câu chuyện kể ra khá dài dòng. Có thể bạn sẽ chẳng nhớ nổi những cái tên và những bước loàng ngoằng để tìm ra chủ nhân của chiếc ống kính. Tuy nhiên ta có thể nhớ được những điều hơn thế.

Việc Kvalberg tìm thấy chiếc ống kính tại Vườn quốc gia Joshua Tree mới chỉ là may mắn bước đầu của Arthur Galvao. Những công đoạn tìm kiếm sau đó chúng ta phải kể đến đó là sự chuyên nghiệp và tận tình của các nhân viên trong hệ thống các cửa hàng của Leica. Tiếp sau đó là độ bền của chiếc ống Leica Summicron-M 35mm f/2 ASPH đã được phơi 2 năm ngoài sa mạc và chịu tác động của thời tiết khắc nghiệt. Nhưng sau đó mọi thứ vẫn hoạt động bình thường khi máy được gột bỏ lớp bụi trần bám lấy mình sau 2 năm.

Những sản phẩm của Leica luôn mang tiếng là khá đắt đỏ. Tuy nhiên thì “đắt sắt ra miếng thôi”. Với chất lượng sản phẩm tuyệt vời và sự chăm sóc chu đáo của hãng thì mọi thứ đều rất xứng đáng.