Một không gian ấm cúng và sang trọng giữa lòng Hà Nội, Leica Boutique (14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) trở thành điểm đến của 50mm Vietnam ngày 15.12 vừa qua trong buổi Leica Akademie Vietnam | Portrait Workshop. Với “Chân dung” – một chủ đề vô cùng quen thuộc với những ai yêu nhiếp ảnh, những ai tham gia buổi workshop đã được trải nghiệm một góc nhìn mới mẻ nhưng gần gũi từ Nguyễn Khánh – Phóng viên ảnh báo Tuổi Trẻ, nhiếp ảnh gia đại diện dòng máy Leica SL tại Việt Nam.
Một chiếc Leica chớp nhoáng và can trường
Leica SL là dòng máy ảnh đầu tiên của Leica với khả năng lấy nét hoàn toàn tự động. Mang theo chiếc Leica SL tới buổi workshop, nhiếp ảnh gia Oliver Vogler đến từ Đức đã giới thiệu những tính năng cực kỳ nổi bật từ một chiếc máy ảnh tự động hoàn toàn của Leica. Vốn chỉ biết đến với những chiếc máy ảnh lấy nét tay, nay Leica với dòng máy SL dường như cũng đã tham gia vào cuộc cạnh tranh về công nghệ của các hãng máy ảnh.
Hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh thể thao, Oliver Vogler đòi hỏi tốc độ lấy nét cao và khả năng chụp liên tiếp của máy ảnh khi tác nghiệp. Chia sẻ các tấm ảnh thể thao của mình, ông nhận định Leica SL đáp ứng đủ cả hai yếu tố. Đây quả là một điều mới mẻ khi Leica là hãng máy ảnh khiến người chơi ảnh liên tưởng nhiều đến một thứ điềm đạm, chậm rãi, hoài cổ thì nay đã có một sản phẩm bắt kịp xu thế công nghệ và được sử dụng để “hành nghề”.
Nhiếp ảnh gia Oliver Vogler cũng cho rằng, Leica SL là một chiếc máy ảnh “can trường”, chụp được ở những điều kiện môi trường vô cùng khắc nghiệt bất kể nắng, mưa. Thậm chí ở những vùng đất “đại hàn”, chiếc máy ảnh khi bị phủ tuyết lên vẫn có thể hoạt động bình thường. Tất nhiên Oliver cũng nói rằng cần tháo pin máy, cho vào gần người để làm ấm sau mỗi 15 phút sử dụng.
“Trong ảnh chân dung, quan trọng nhất là cảm xúc”
Là một phóng viên ảnh trẻ, nhưng Nguyễn Khánh đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực nhiếp ảnh báo chí. Mới đây, phóng sự ảnh đăng trên báo Tuổi Trẻ “Đời thợ lò: Ăn dương gian làm âm phủ” của Nguyễn Khánh đã gây ấn tượng mạnh, không chỉ bởi sự khắc họa “cực thật” công việc và đời sống của những công nhân trong hầm lò khai thác than, mà còn bởi những bức hình chân dung “đẹp như chụp trong studio”. Dưới độ sâu 150m ở hầm lò, độ ẩm cao, đầy bụi than, ánh sáng yếu và không được dùng đèn flash để chụp vì lý do an toàn, Nguyễn Khánh vẫn có thể tác nghiệp và cho ra những tấm ảnh chân dung mang nặng nội dung mà tính nghệ thuật vẫn được giữ trọn.
Với Nguyễn Khánh, anh phân loại ảnh chân dung làm hai loại: Chân dung trung cảnh và chân dung cận cảnh. Mỗi kiểu sẽ có các kỹ thuật và cũng thể hiện kiểu thông tin khác nhau. Một bức ảnh trung cảnh đòi hỏi chủ thể – con người được đặt trong một bối cảnh, bối cảnh đó sẽ chứa đựng thông tin giúp người xem hiểu hơn về chủ thể. Điều này đặc biệt quan trọng với một phóng viên ảnh như Nguyễn Khánh, khi những bức ảnh báo chí đưa tới độc giả phải phản ánh được càng nhiều thông tin càng tốt.
Trong khi đó, bức ảnh chân dung cận cảnh lại phải khắc họa được cảm xúc của nhân vật. Đây là điều thứ yếu và chính vì vậy, người cầm máy chụp chân dung cận cảnh sẽ thường lấy nét vào mắt của chủ thể. Đôi mắt sẽ toát lên thần thái và cảm xúc của chủ thể, cũng là của bức ảnh và truyền cảm xúc ấy cho chính người xem. Đôi mắt với bóng mắt do phản chiếu từ nguồn sáng sẽ thu hút hơn nhiều một đôi mắt không có bóng, vì điều này phần nào tạo nên tính “sống” và cái hồn của chủ thể.
Là một phóng viên ảnh, tính thời sự và thông tin trong bức ảnh là tối quan trọng, nhưng cũng có những thủ pháp nghệ thuật giúp cho một bức ảnh báo chí không chỉ mang nội dung tốt, mà còn có tính thẩm mỹ và cũng mang đến cảm xúc mạnh mẽ hơn.
Một vài mẹo khi chụp ảnh chân dung khác cũng được Nguyễn Khánh chia sẻ, rằng chúng ta nên chọn những phông nền đơn sắc nhằm làm nổi bật chân dung. Những hậu cảnh quá sáng, nhiều màu sắc hay nhiều chi tiết thừa sẽ làm người xem bị phân tán sự chú ý và thiếu tập trung vào chủ thể.
Lời khuyên từ Nhiếp Ảnh Gia
Nguyễn Khánh xếp hạng những điều anh ưu tiên trong một bức ảnh chân dung:
1. Cảm xúc
2. Bốc cục
3. Ánh sáng
4. Những yếu tố khác
Bởi trên tất cả, “trong ảnh chân dung, quan trọng nhất là cảm xúc”. Đặc thù nhiếp ảnh báo chí giúp Nguyễn Khánh “sống” cùng nhân vật qua mỗi tấm ảnh, cùng hỉ, nộ, ái, ố. Các tác phẩm báo chí, đặc biệt là phóng sự ảnh, người phóng viên ảnh cần tiếp cận nhân vật để ghi lại những khoảnh khắc chân thực nhất. Vậy làm cách nào để tạo nên sự gần gũi, thoải mái? Làm thế nào để nhân vật không cảm thấy mất tự nhiên, thậm chí là bất an trước một ống kính máy ảnh đang hiện hữu để ghi hình của mình? “Hãy kết nối với nhân vật, tạo sự thân thiện, gần gũi.” – Nguyễn Khánh. Thói quen này hữu ích với mọi loại ảnh có chân dung không chỉ riêng nhiếp ảnh báo chí. Việc giao tiếp, kết nối với nhân vật không chỉ khiến họ trở nên thoải mái, tự nhiên hơn với người chụp, đó cũng là cách để chúng ta có thêm thông tin, hiểu thêm về họ. Điều này làm bức ảnh có giá trị hơn nhiều.
Cảm xúc của ảnh chân dung, đặc biệt trong nhiếp ảnh báo chí, có lẽ còn là tính nhân văn. Mục đích tối quan trọng của báo chí nói chung và ảnh báo chí nói riêng là tạo nên những thay đổi tích cực trong xã hội. Để làm được điều này, bức ảnh cần truyền được cảm xúc đến với khán giả. Điều này đòi hỏi người phóng viên ảnh như Nguyễn Khánh đặt vấn đề đạo đức báo chí lên cao. Anh cho rằng ảnh chân dung không nhất thiết cần phải chụp mặt, điều này giữ an toàn về danh tính cho nhân vật trong những vấn đề nhạy cảm; điều này giúp người chụp tìm ra một điểm khắc họa nên nét đặc trưng của nhân vật, và thể hiện được ý đồ của tác giả. Với sự đau thương, nỗi khổ của nhân vật, ta cũng cần cân nhắc trong cách thể hiện.
Sau những lý thuyết và kinh nghiệm được Nguyễn Khánh chia sẻ, các học viên được đến L’Espace tham gia chụp ảnh hậu trường cho các diễn viên trong đoàn Luc Team của đạo diễn Trần Lực trước buổi biểu diễn Hài kịch: Cơn Ghen Của Lọ Lem. Các học viên rất háo hức đến với trải nghiệm này, những bức ảnh sản phẩm rất ấn tượng khiến ngay cả Nhiếp ảnh gia Oliver Vogler phải bất ngờ. Cùng chiêm ngưỡng một vài tấm ảnh trong buổi Leica Akademie Vietnam | Portrait Workshop được các học viên ghi lại.
Tạm kết
Sau một workshop kéo dài 7 tiếng, các thành viên của 50mm Vietnam đã nhận được nhiều hơn là những bài học, các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đã có những lời khuyên quý giá và những pha truyền nghề ngay tại hiện trường.
50mm Vietnam xin được gửi lời cảm ơn tới Leica Boutique Vietnam đã mời chúng tôi đến với workshop này và hi vọng sẽ có dịp được dự thêm nhiều dịp khác.