Chỉ cách đây độ 2,3 ngày, Leica đã cho ra mắt chiếc lens mới nhất, chuyên trị chân dung, đó là chiếc Leica Noctilux-M 75mm f/1.25 ASPH, một tuyệt phẩm đem tới cho người dùng ” khoảng nét mỏng như sợi tóc” và khả năng “tách chủ thể ra khỏi phông nền một cách tuyệt đối“
Tuyệt phẩm mới nhất
Chiếc lens này thuộc dòng Noctilux, là dòng lens có độ mở siêu lớn ( lớn hơn f/1.4) của Leica. Dòng lens này được khai sinh từ khi Leica cho ra mắt chiếc lens Noctilux 50mm f/1.2 tại Photokina năm 1996.
“Mọi chiếc lens Noctilux-M đều mang trong mình những tính chất vô cùng đặc biệt, dựa vào hình ảnh, thẩm mỹ khi bạn chụp ở khẩu độ lớn, ngoài ra cách mà chủ thể nổi bật khỏi phông nền là điều mà chúng tôi tạo ra dấu ấn riêng, một dấu ấn mà không một hãng nào có thể giống được. Vùng bokeh phía sau chủ thể sẽ vô cùng mềm mại và êm ái, tạo cho người xem một cảm giác dễ chịu, và phần phông nền này sẽ luôn giữ đặc tính hoàn hảo này kể cả trong điều kiện ánh sáng kém nhất.” – trích lời Leica

So sánh với chiếc lens cũng thuộc dòng Noctilux có khẩu độ lớn hơn đó là Noctilux-M 50mm f/0.95 APSH thì chiếc lens này còn có vùng nét mỏng hơn đáng kể do tiêu cự lớn hơn. Chiếc Noctilux-M 75mm f/1.25 ASPH có khoảng cách lấy nét chỉ 0,85m, khá là gần cho một chiếc lens chân dung có khẩu độ cực lớn như này. Tỉ lệ phóng đại tối đa của chiếc lens này là 1:8.8, tức là nó sẽ chụp macro không tốt lắm đâu, nhưng mà ai thèm quan tâm cơ ?


Với lới hứa tạo ra một bokeh tuyệt hảo, Leica đã trang bị cho chiếc lens này hẳn 11 lá khẩu, đảm bảo Bokeh từ chiếc lens này sẽ có vùng chuyển mềm đẹp một cách mộng mị! Cũng phải nói thêm là với khẩu độ cực lớn như thế thì đây chắc chắn không thể là một chiếc ống kính có trọng lượng nhẹ được rồi. Bao gồm 9 thấu kính chia làm 6 nhóm, với vỏ được làm bằng đồng, Hood che nắng dính liền, chỉ cần vặn và kéo ra là có thể sử dụng vô cùng tiện lợi. Tổng hòa của những điều trên là ta có một chiếc ống kính nặng tới tận 1.055 gram.

Khi so sánh với một mẫu lens của Canon đó là Canon EF 85mm f/1.2L II USM có trọng lượng chỉ là 1025 gram, nhưng bạn hãy nhớ đây là một chiếc lens cho máy DSLR và có khả năng tự động lấy nét nên nó sẽ nặng hơn đáng kể ở bộ motor! Và khi đem lên bàn cân chiếc Leica Noctilux-M 50mm f/0.95 ASPH thì nó cũng chỉ vẻn vẹn 700 gram mà thôi.
Leica lo sợ độ nặng của lens sẽ ảnh hưởng tới ngàm khi lắp trên tripod đến nỗi đã thiết kể hẳn một lỗ cắm tripod ngay trên chiếc Notilux-M 75mm này. Đúng như truyền thống của Leica M, chiếc lens này là một chiếc lens lấy nét bằng tay và chỉnh khẩu độ cũng bằng tay luôn, không tự động gì hết nhé! Đồng thời, kích cỡ filter cũng khá lớn theo, 67mm (mặc dù thế giới giờ toàn ông chơi đến 77mm với 82mm rồi, nhưng với Leica thì 67mm là một con số khá to.)

Ảnh chụp từ Noctilux-M 75mm f/1.25 ASPH
Sau đây sẽ là vài bức ảnh được nhiếp ảnh gia Sean Hopkins sẽ cho chúng ta thấy sức mạnh của chiếc lens đắt tiền này như nào:





Khiêu chiến với lịch sử
Soi lại lịch sử của Leica, tiêu cự 75mm có vẻ không được ưa thích lắm. Đơn giản vì với kiểu lấy nét Rangefinder, khả năng lấy nét của những chiếc lens có tiêu cự lớn hơn 50mm là rất khó. Không chỉ vậy, chúng còn cồng kềnh, mất cân đối khi gắn lên những chiếc Leica M nhỏ gọn.
Chiếc lens 75mm gần đây nhất có khẩu độ lớn hơn f/2 đó là chiếc Leica Summilux-M 75 f/1.4, nhưng rất tiếc là đã ngừng sản xuất từ khá lâu. Chiếc lens này tuy có khẩu độ lớn nhưng lại chỉ dừng ở mức là f/1.4 thôi, nên chỉ được xếp vào hàng Summilux. Hiện nó đang được các nhà sưu tầm săn lùng gắt gao bởi độ hiếm, nên không ngạc nhiên mà chiếc lens này có giá rơi vào khoảng $4,000 đến $8,000 (80 đến 160 triệu đồng), tùy vào phiên bản.
Hiện nay còn có một chiếc lens cũng tiêu cự 75mm đó là chiếc Leica APO-Summicron-M 75mm f/2 ASPH. Chiếc lens này cũng có mức giá vào hạng “hợp lý” là $3,795 ( khoảng 87 triệu đồng). Nhưng đây chỉ là 1 chiếc Summicron (khẩu độ f/2) nên không thể xóa phông mạnh như chiếc lens Noctilux kia được và có thiết kế khác biệt ở chỗ sử dụng thấu kính APO (Apochromatic) chứ không phải là ASPH.

Tạm kết
Tổng kết lại, đây là một chiếc lens không dành cho người thường, kể cả là người chơi Leica, vì nếu muốn chân dung xóa phông, họ sẽ lấy chiếc Leica APO-Summicron-M 90mm f/2 ASPH rẻ hơn nhiều, chỉ … $4,195 (khoảng 83 triệu) thôi.
Chiếc Noctilux-M 75mm f/1.25 ASPH này ra đời ngoài phục vụ mục đích chụp ảnh, nó còn là một minh chứng cho khả năng thiết kế những lens có tiêu dự medium tele với khẩu độ cực lớn của Leica.
Và tất nhiên nó sẽ dành cho những người đam mê Leica khủng khiếp, đang sử dụng các dòng máy có độ phân giải cao như M10 hay chiếc SL, và yêu thích những chiếc lens khẩu rất lớn. Để sở hữu em yêu này, thì ví của bạn phải thật là dư dả hoặc thẻ tín dụng của bạn nên có màu đen, nếu không, chiếc lens này sẽ không chỉ thổi bay phông nền trong ảnh, mà còn là cả ví của bạn luôn.
Với mức giá khủng khiếp: $12,795 ( gần 300 triệu đồng !), tôi nghĩ đây sẽ chỉ là giấc mơ xa vời, đối với đại đa số nhiếp ảnh gia. Nhưng mà kệ chứ, vì mơ có mất xu nào đâu nhỉ ?
Noctilux, Summilux có nghĩa là gì?
Bổ sung thêm kiến thức cho các bạn về các dòng lens Leica. Lens của Leica được gọi tên theo độ mở của ống kính. Tên gọi lần lượt như sau:
- Noctilux = khẩu độ nhỏ lớn hơn f/1.4
- Summilux = f/1.4
- Summicron = f/2
- Summarit = f/2.5 và f/2.4
- Elmarit = f/2.8
- Super-Elmar = từ f/3.4 trở đi (trừ chiếc APO-Telyt 135mm f/3.4)
- Tri-Elmar = dòng lens 3 tiêu cự của Leica (không phải lens zoom). Có khẩu độ f/4
- Summaron = f/5.6