“Nikon làm ơn hãy cho chúng tôi những ống kính góc rộng đẳng cấp như Canon và Sigma đi nào!” – Đó là những gì mà bộ phận marketing của hãng thường xuyên phải nghe trên mọi trang mạng xã hội. Đến hôm nay, họ đã chính thức đáp ứng nguyện vọng của người hâm mộ khi tung ra 3 ống kính góc rộng cực kỳ chất lượng.
Nikkor AF-S Fisheye 8-15mm f/3.5 – 4.5E ED
Sản phẩm đầu tiên là một ống kính fisheye với tiêu cự 8-15mm với hai khẩu f/3.5 và 4.5. Đây chính là chiếc ống kính được fan kêu gào nhiều nhất kể từ khi Canon đã ra mắt một chiếc fisheye vào năm 2011 và mãi 6 năm sau thì Nikon mới chịu trả lời bằng một sản phẩm tương tự.
Giống như nhiều ống kính cao cấp khác, Nikkor AF-S Fisheye 8-15mm được sở hữu khá nhiều công nghệ tiên tiến cho ống kính như:
- Lớp tráng phủ Nano và SIC giúp ống kính có độ phản xạ thấp, chống được các hiện tượng flare và ghost trong điều kiện ánh sáng phức tạp.
- Tích hợp đầy đủ thấu kính ED (Extra-Low Dispersion) và Aspherical giúp giảm thiểu các vấn đề quang sai, méo hình, sai lệch màu sắc, giữ vững chất lượng hình ảnh từ khu vực tâm đến rìa.
- Thiết kế vỏ ống kín đáo, không kẽ hở giúp chống chịu lại bụi bẩn, ẩm mốc. Ngoài ra, hai đầu thấu kính (trước và sau) được phủ thêm một lớp Fluorine giúp đẩy lùi toàn bộ dầu mỡ, nước và các chất bẩn bắn vào trong quá trình sử dụng.
- Sử dụng lá khẩu điện tử có độ chính xác cao, duy trì tính ổn định khi chụp liên tiếp ở các chế độ chụp tự động.
Bên cạnh đó, với danh nghĩa là một ống kính fisheye, Nikkor AF-S Fisheye 8-15mm có thể cho góc nhìn 180 độ theo hình cầu hoặc 180 độ theo khung chữ nhật bằng cách thay đổi độ zoom từ 8mm cho tới 15mm trên ống kính. Đối với các máy ảnh dùng cảm biến DX (APS-C) bé hơn, Nikon đã đánh dấu sẵn một tiêu cự 11mm trên thân ống để giúp đạt được góc nhìn 180 độ theo khung như máy ảnh Full Frame.
Nikkor AF-S Fisheye 8-15mm f/3.5 – 4.5E ED được Nikon chào bán với giá 1246.95$ tức là khoảng 28,5 triệu tại Việt Nam, không quá đắt đối với một ống kính fisheye cao cấp. Bạn có thể cân nhắc mua nếu như bạn đang muốn chụp những bức ảnh ở mức rộng nhất có thể.
Dưới đây là bảng MTF và hình ảnh minh họa của ống.
Nikkor AF-S 28mm f/1.4E ED
Rất khó hiểu! Thực sự người viết bài đã thắc mắc khá nhiều trước khi viết về ống kính này vì trước đó nhiều năm: Nikon đã sản xuất phiên bản f/1.8 của tiêu cự 28mm với viền vàng và chữ “N” đánh dấu phân khúc cao cấp của hãng. Sau 4 năm, Nikon lại tiếp tục tái xuất tiêu cự này một lần nữa với khẩu độ lớn hơn và giá cũng gấp đôi theo, sở hữu đầy đủ công nghệ ống kính tiên tiến tương tự như Nikkor AF-S Fisheye 8-15mm f/3.5 – 4.5E ED.
Vậy tại sao Nikon làm như vậy? Theo phán đoán của người viết, có khả như Nikon đang nhìn thấy một kẽ hở của tiêu cự 28mm khi các hãng đều đang bỏ rơi tiêu cự này để tập trung cho 24mm và 35mm, chỉ duy nhất có Zeiss Otus 28mm là phân khúc cao cấp. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng tiêu cự 28mm càng ngày càng cao, đặc biệt là với thể loại ảnh phóng sự, việc ra mắt một ống kính 28mm cao cấp nhất là điều rất cần thiết.
So sánh qua giữa Nikkor AF-S 28mm f/1.4E ED (mới) và Nikkor AF-S 28mm f/1.8G (cũ) thì ta sẽ thấy có một vài khác biệt rất rõ ràng giữa hai ống kính
- Phiên bản 1.8G có 11 thấu kính / 9 nhóm, trong đó có 2 thấu kính phi cầu. Phiên bản 1.4E được nâng lên 14 thấu kính / 11 nhóm với 3 thấu kính phi cầu + 2 thấu kính ED. Điều này thể hiện phiên bản 1.4E sẽ có ít quang sai hơn, ảnh có độ nét cao từ tâm đến rìa đặc biệt là khi chụp ở khẩu độ to nhất.
- Phiên bản mới 1.4E sử dụng lá khẩu điện tử E (Electromagnetic Diaphragm Mechanism) thay vì chân đá khẩu cơ học như phiên bản 1.8G, cho khả năng chụp ảnh liên tiếp đúng sáng hơn nhiều so với chân cơ học trước đây. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý là lá khẩu điện tử chỉ sử dụng được trên các body Nikon từ D300 đổ lên. Ngoài ra, nếu bạn dự tính dùng ống kính này với ngàm chuyển có chân đá khẩu để quay film thì cũng không thể chỉnh được khẩu như phiên bản trước.
- 9 lá khẩu dành cho phiên bản 1.4E và 7 lá khẩu cho phiên bản 1.8G
- Khả năng chống chọi lại thời tiết xấu chỉ có trên phiên bản 1.4E
- Trọng lượng phiên bản 1.4E nặng gấp đôi phiên bản 1.8G với 645g và 330g, cầm sẽ đầm tay hơn trên các body chuyên nghiệp
Như vậy, ta có thể thấy phiên bản f/1.4E là một phân khúc cao cấp hơn hẳn so với 1.8G. Nó nhắm tới những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thường xuyên phải hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, muốn truyền tải nội dung hình ảnh một cách chính xác nhất có thể. Trong khi đó, đối với những nhiếp ảnh gia đường phố thì phiên bản 1.8G là một lựa chọn hợp lý hơn cả về giá thành lẫn độ tiện dụng khi nó rất nhẹ và có thể gắn lên bất kỳ body máy ảnh nào tùy thích.
Giá bán của Nikkor AF-S 28mm f/1.4E ED vào khoảng 2000$, tức là khoảng hơn 45 triệu VNĐ, khá đắt đối với đa số người dùng nhưng lại là một lựa chọn rẻ hơn so với Zeiss Otus 28mm, quan trọng hơn cả là nó có AF!
Dưới đây là bảng MTF và hình ảnh minh họa của ống kính
Nikkor AF-P 10-20mm f/4.5 – 5.6G VR DX
Nhân vật cuối cùng trong bộ 3 ống kính góc rộng của Nikon. Như đã nói ở tiêu đề bài viết, đây không phải là một ống kính cao cấp mà nó lại là một ống kính góc rộng giá rẻ của hãng, là phiên bản thấp hơn ống kính tầm trung Nikkor AF-S 10-24mm f/3.5-4.5G ED DX và ống kính cao cấp Nikkor AF-S 12-24mm f/4G IF-ED DX.
Vậy, ngoài việc thấp hơn và rẻ hơn thì ống kính này có gì đáng để quan tâm? Có đó, đây là ống kính hiếm hoi sử dụng công nghệ Stepping Motor (STM) cho chuyển động khi lấy nét mượt và yên lặng hơn trong quá trình sử dụng, đặc biệt là khi kết hợp với Liveview của thân máy.
Bên cạnh đó, ống kính còn có khả năng chống rung quang học VR (Vibration Reduction) 3.5 stops, cho phép bạn chụp ảnh với tốc độ màn trập rất thấp mà không phải lo lắng nhiều về vấn đề rung tay, đặc biệt là khi chụp trong môi trường ánh sáng yếu với khẩu độ nhỏ.
Giá bán của Nikkor AF-P 10-20mm f/4.5 – 5.6G VR DX vào khoảng $309.95 tức là khoảng 7 triệu đồng, một mức giá khá hợp lý cho những ai đang cần một ống góc siêu rộng dành cho crop với giá cả chấp nhận được. Đặc biệt là khi bạn cần nó thực sự nhỏ gọn và nhanh để có thể mang đi du lịch một cách dễ dàng.
Dưới đây là bảng MTF và hình ảnh minh họa của ống kính
Một bất ngờ khác: Filter cao cấp Nikon Arcrest
Ngoài 3 ống kính đã được giới thiệu ở trên, sẽ chẳng có gì phải nói thêm nếu như trên trang Nikon của Nhật Bản không xuất hiện thêm một bộ filter mới mang tên: Nikon Arcrest. Chúng tôi đã tìm hiểu và được biết: Đây là một phân khúc filter cao cấp mới của Nikon, cao hơn phân khúc NC (Neutral Color) vốn đang được bán trên khắp thế giới. Tuy nhiên, các fan của Nikon sẽ phải chờ đợi thêm một khoảng thời gian nữa vì hiện Nikon Arcrest chỉ được bán ở Nhật Bản.
Nói thêm về Nikon Arcrest, đây là filter mà theo Nikon quảng cáo là sử dụng 100% nguyên vật liệu chế tạo cho các lens Nikkor cao cấp thay vì dùng thấu kính bằng nhựa hoặc thủy tinh thông thường. Trên filter, Nikon phủ một lớp coating mới được gọi là “Zero One AR Coating” cho chỉ số phản xạ cực thấp, chỉ 0.1% nên không gây ảnh hưởng tới việc biến đổi màu sắc của ảnh. Đồng thời, lớp coating này cũng cho khả năng chống chọi lại mọi hiện tượng flare, ghosts khi chụp ngược sáng, giống như lớp tráng phủ Nano trên ống kính vậy.
Một yếu tố quan trọng khác được Nikon đề cập đến, đó là bộ vành filter được chế tạo theo công nghệ “Flat Plane System” khác hẳn với kiểu vành kim loại truyền thống. Trong công nghệ này, Nikon đặt thêm một lớp đàn hồi nằm ngăn cách giữa kính, vành và phần xoáy giúp giảm mọi áp lực có thể gây ra do người sử dụng, các filter khác gắn đè lên hoặc sâu xa hơn là hiện tượng giãn nở nhiệt của vành kim loại.
Cuối cùng, Nikon Arcrest cũng có khả năng chống bám bụi bẩn, nước, mực và dầu mỡ tương đương các filter cao cấp của B+W. Vì vậy, người sử dụng có thể yên tâm chụp trong một thời gian dài mà không phải lo yếu tố thời tiết sẽ làm ảnh hưởng đến filter cũng như chất lượng bức hình.
Nikon Arcrest có giá bán dự kiến nằm trong khoảng từ ¥9,680 cho phi 67mm tới ¥25,799 cho phi 95mm, tương đương từ 2 triệu cho tới hơn 4 triệu đồng, khá đắt và chắc chắn người mua sẽ phải xem xét nghiêm túc giữa lựa chọn của Nikon và một hãng tên tuổi khác như B+W.
Theo Nikon Japan và tổng hợp từ nhiều nguồn.
Đại khái là trông như một con Capoo