Có lẽ đội ngũ kỹ thuật viên ở Olympus đã thành công sau nhiều nỗ lực trong việc đưa chụp ảnh phơi sáng dài lên một tầm cao mới: CHỤP DẢI NGÂN HÀ (MILKY WAY) KHÔNG CẦN CHÂN MÁY.
Nhắc đến phụ kiện cần có để chụp ảnh phơi sáng dài nói chung, hay chụp Dải Ngân Hà (Milky Way) nói riêng, thứ mà chúng ta nghĩ đến đầu tiên hẳn là chiếc chân máy (tripod) thần thánh. Và hẳn là sẽ không ai tin rằng có thể chụp phơi sáng dài cầm tay mà ảnh ra không bị mờ nhòe. Ấy nhưng hãng Olympus lại nghĩ khác.
Chắc các bạn còn nhớ chiếc máy ảnh thuộc hàng “top” OM-D EM-1 Mark II mới ra mắt tháng 12 năm ngoái, và đã dược chúng tớ review rất tích cực trong video này. Olympus đã quảng cáo rằng thông số kỹ thuật ngang ngửa, thậm chí vượt hẳn các DSLR như Canon EOS-1D X Mark II hay Nikon D5, đặc biệt là tính năng chống rung trên thân máy tới 5,5 stop, và khi dùng với ống kính chính hãng thì lên đến 6,5 stop. Thực tế là đã có nhiếp ảnh gia kiểm chứng điều này – Aurel Manea, thậm chí là ông đã dùng con quái vật này để chụp dải Ngân Hà, kết quả thu được khá là mỹ mãn.
Nghe thì có vẻ hơi khó tin, nhưng thực tế là ông đã chụp dải Ngân hà với máy ảnh Olympus OM-D EM-1 Mark II mà không dùng chân máy hay đặt nó lên điểm tựa nào hết. Dưới đây là một số ảnh ông chụp được tại Tenerife:
Khi được phỏng vấn, ông kể lại:
Các bức ảnh này được chụp khoảng 3 giờ sáng. Khi đó tôi ngủ trong xe của mình ở công viên, chờ mặt trăng lặn để có thể ghi lại các bức ảnh thiên văn “sạch sẽ”. Với khoảng trời rộng lớn hiện ra trong tầm mắt, tôi tự nhủ mình sẽ chụp một cái gì đó mà không dùng chân máy.
Khi này tôi sử dụng ống kính Mitakon 25mm f/0,95, thuận lợi cho việc chụp mà không dùng chân máy. Bạn cần phơi sáng trong 4-7 giây. Với thời gian ngắn như vậy thì ảnh của bạn sẽ chẳng có vệt sao nào hết, nên các cài đặt tương tự với việc sử dụng chân máy đã được sử dụng mà không có sự linh hoạt thay đổi nào. Vì là một “technical artist” và từng làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin nên tôi đã dự tính điều này từ vài tuần trước đó.
Ống kính Mitakon là một ống quay tay (manual focus), nên tôi đã thực hiện lấy nét thông qua kính ngắm, zoom vào điểm sáng nhất trên bầu trời. Ngoài ra tôi đã chọn các thông số tốt nhất cho việc chụp Milky Way: ISO 12800, f/0,95, 4 giây (do khả năng ổn định hình ảnh của máy đã đạt tối đa, nên ISO được cài ở mức 12800).
Mặt trăng đã lặn nên bây giờ các ngôi sao hiện ra rõ ràng, tôi có thể nhìn theo dải Ngân hà bằng mắt thường rồi chụp. Tôi cầm tay hoàn toàn, không tựa vào bất cứ thứ gì, vậy nên tôi cảm thấy kinh ngạc với khả năng chống rung của máy này. Mặc dù trong 4 hình tôi chụp thì có 1 hình hơi run tay chút, tuy nhiên với 3 trong 4 hình rõ ràng như vậy thì đây là kết quả vô cùng mỹ mãn ở thể loại phơi sáng dài.
Khi tôi xem lại ảnh trên máy ảnh, điều đầu tiên tôi nghĩ rằng mình nhất định phải chia sẻ nó với mọi người. Với những gì tôi biết, chắc chắn là chưa có bức ảnh nào như thế này từng được chụp trước đây.
Sau đó tôi đã mang ảnh RAW vào Lightroom để chỉnh sửa đôi chút về nhiễu và quang sai, ở khẩu độ tối đa f/0,95 thì quang sai khá rõ.
Câu chuyện tưởng sẽ kết thúc ở đây, nhưng thật không ngờ là chưa đầy 1 tuần sau khi lên sóng, một cao nhân khác xuất hiện, với sự “cay cú” không hề nhẹ đã làm nên điều không tưởng: phơi sáng dải Ngân hà hẳn 10 giây và gửi ảnh về chuyên trang nhiếp ảnh Petapixel.
Đúng rồi, các bạn không cần phải lo lắng về thị lực của mình đâu, 10 giây không hơn không kém.
Trong mail gửi tới Petapixel, nhiếp ảnh gia người New Zealand Jonathan Usher cho hay ông đã đọc bài viết về ảnh của Aurel Manea trên Petapixel, và ông tự hỏi mình có thể làm được với 10 giây, dùng ống kính khẩu độ f/1,8 thay vì f/0,95 không.
Usher đăng ảnh lên tài khoản facebook của mình kèm theo lời mô tả:
Chỉ là một bức ảnh chụp “vội vàng” về dải Ngân hà đêm nay tại Wellington, New Zealand. Tôi nghĩ rằng mình sẽ thử chụp mà không cần chân máy (cầm tay hoàn toàn) để xem khả năng ổn định hình ảnh của Olympus OM-D E-M1 MkII tuyệt vời tới đâu. Lúc này gió thổi ở Wellington khá mạnh, mà dù nhẹ thôi cũng đủ làm cho mọi thứ rung động nhiều hơn tôi muốn. Và rồi kết quả thu được thực sự ấn tượng vô cùng.
(Đây là) lần đầu tiên tôi chụp phơi sáng dài mà cầm tay trong 10 giây. Tôi đã sử dụng ống kính Olympus 8mm f /1.8, phơi sáng ở ISO 1600 trong 10 giây với f /1.8. Tôi thực sự ấn tượng với chi tiết mà bức ảnh này vẫn giữ lại.
Ngay cả vào ban đêm, có vẻ như tripod chỉ là một phụ kiện có hoặc không cũng được với Olympus OM-D E-M1 MkII. Thật kinh ngạc!
Không tựa vào đâu, “phơi mình” trước gió, vậy mà anh vẫn đứng vững, có thể chụp một bức ảnh phơi sáng dài 10 giây, không chút mờ nhòe. Usher cũng nói rằng anh đã cố gắng thở ra thật chậm trong suốt quá trình chụp, nếu lâu hơn nữa thì chắc sẽ hụt hơi.
Anh cũng cho rằng vị trí đẹp góp phần vào thành công của một bức ảnh đẹp, điển hình như bức ảnh dưới đây, ông chụp bằng Nikon D750 có gắn chân máy:
Vào thời điểm tháng 4, có những đêm trời trong, chúng ta có thể chụp dải Ngân hà và cực quang cùng trong một bức ảnh.
Có lẽ chúng ta chưa từng nghe tới việc chụp ảnh dải Ngân hà mà cầm máy trên tay thay vì gắn trên tripod, và cũng khó để tin rằng điều này nay đã được hiện thực hóa phải không nào? Có lẽ phải dành một tràng pháo tay cho những nỗ lực của đội ngũ kỹ thuật viên hãng Olympus. Hi vọng trong thời gian không xa mình sẽ được mượn một chiếc máy này kèm ống kính chính hãng để thử xem khả năng chống rung “thần thánh” tới đâu 🙂 .
Theo Petapixel