Không ngoài dự đoán của nhiều bên tin đồn, Sony đã chính thức tung ra 2 ống kính góc rộng trong cùng một lúc, Sony FE 16-35mm f/2.8 GM và FE 12-24 f/4 G.
Hai chiếc ống kính góc rộng mới nhất này đều thuộc “dòng họ” ngàm E của Sony, tuy nhiên, độ cao quý của thân phận lại có chút khác biệt. Trong khi chiếc 16-35mm f/2.8 thuộc dòng G-Master cực cực cao cấp (và cũng rất nặng + đắt tiền) thì 12-24 f/4 thuộc dòng G “bình dân” (trọng lượng nhẹ hơn nhưng cũng không rẻ).
Sony FE 16-35mm f/2.8 GM
Lời đầu thì đây là chiếc ống kính với khẩu mở f/2.8 mới nhất mà Sony đã thêm vào để hoàn thiện bộ ba thần thánh: 16-35mm, 24-70mm và 70-200mm, thuộc dòng G Master của mình.
Có lẽ không phải nói nhiều về dòng G-Master này, với những fan của Sony nói riêng và người yêu thích chụp ảnh nói chung đều hiểu rằng chất lượng của dòng ống kính này sẽ thuộc dạng cực kì cao cấp rồi, và chiếc 16-35mm f/2.8 GM mới nhất này cũng không nằm ngoài cái “truyền thống” ấy, chưa kể còn được kế thừa những công nghệ mới nhất, tân tiến nhất của Sony.
Với 5 thấu kính phi cầu, trong đó có 2 thấu kính siêu phi cầu, và trong hai thấu kính siêu phi cầu đó lại có một cái là thấu kính phi cầu lớn nhất mà Sony đã từng sản xuất, nghe rất chi là kĩ thuật phải không nào?
Nếu bạn không quá hiểu về thấu kính thì cũng không sao, 50mm Vietnam có thể tóm tắt lại tất cả những thấu kính trên là để giúp chiếc ống kính này sẽ triệt tiêu quang sai ở mức tối ưu nhất và sẽ cho ra chất lượng hình ảnh cao cấp trong toàn giải zoom, bất kể là đang mở khẩu độ thế nào luôn.
Sony cũng đồng thời bật mý là trong chiếc ống kính này còn có 2 thấu kính ED (Extra Low Dispersion – Độ tán xạ siêu thấp) cộng với lớp tráng phủ Nano AR sẽ hoàn toàn triệt tiêu hiện tượng phản xạ ánh sáng giữa các thấu kính.
Lượng thấu kính khủng bố là thế, nhưng đó chưa phải là tất cả ở chiếc ống kính đắt tiền này. Với phong cách phải nhét các thứ tân tiến nhất vào trong sản phẩm của Sony, chiếc 16-35mm f/2.8 này còn có bộ lá khẩu lên tới 11 lá, chắc chắn là sẽ cho ra bokeh defocus cực đẹp. Và tất nhiên một chiếc ống kính thì không thể nào không nhắc đến khả năng lấy nét, với 2 motor lấy nét DDSSMs (Direct Drive Super Sonic Wave), hứa hẹn rằng chiếc ống kính này sẽ lấy nét cực nhanh và êm nữa.
Cuối cùng là mức giá. Không khó hiểu khi chiếc ống kính này có giá lên tới $2,200. Dự kiến chiếc lens này sẽ có mặt ở Việt Nam vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay.
À, chiếc ống kính này khá là nặng đấy nhé, trọng lượng tận 680g.
Những hình ảnh chụp từ Sony FE 16-35mm f/2.8 GM
Sony FE 12-24mm f/4 G
Đây là chiếc lens góc rộng nhất dành cho hệ cảm biến full-frame ngàm E của Sony ở thời điểm hiện tại. Nếu chiếc 16-35mm f/2.8 GM ở trên thuộc tầng lớp cao quý thì chiếc 12-24mm f/4 G này lại ở một nhóm được đánh giá hơi thấp hơn. Và cứ nhắc đến lens G-Master là biết những chiếc lens đều rất nặng nề, còn dòng G này lại khác biệt với tiêu chí nhẹ nhàng, thanh toát hơn.
Ống kính này nặng 565g, chỉ nhẹ hơn em 16-35mm f/2.8 ở trên 1 lạng 2, tuy nhiên lại chưa bằng một nửa cân nặng của một chiếc ống kính cùng tiêu cự và khẩu độ là Sigma’s 12-24mm f/4 ART. Mặc dù nhẹ cân như vậy, Sony vẫn tuyên bố là chiếc ống kính này cho ra chất lượng hình ảnh không thua kém ai.
Với 4 thấu kính phi cầu bên trong với nhiệm vụ đảm bảo ảnh sẽ nét từ tầm tới rìa, chiếc 12-24mm f/4 còn có 3 thấu kính ED (Độ tán xạ siêu thấp) và một Super ED (Ôi cứ dịch tạm là siêu tán xạ siêu thấp nhé), đảm bảo sẽ triệt tiêu tối đa quang sai. Lớp tráng phủ Nano AR cũng được trang bị trên ống kính này nhằm giúp giảm hiện tượng phản xạ giữa các thấu kính.
Một vài điểm nhỏ khác về chiếc ống kính này là: Chỉ được trang bị một motor lấy nét DDSSM motor, số lá bokeh cũng chỉ là 7, hứa hẹn sẽ cho ra bokeh tròn ở từ khoảng f/4 cho tới f/8.
Chiếc ống kính này cũng sẽ dự kiến lên kệ ở Việt Nam vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay và có giá là $1,700.
Những hình ảnh chụp từ Sony FE 12-24mm f/4 G
Tạm kết
Với hai chiến binh góc rộng khá hầm hố này thì Sony đang thể hiện mình có thể “tự cung, tự cấp” ngày càng tốt sau một thời gian khá dài sống cùng Zeiss và thậm chí là “cắt đất” của Sigma khi hãng thứ 3 này đang chen chân vào thị phần ống kính dành cho Sony ngàm E với chiếc ngàm MC-11 của mình.
Nhiều điểm mạnh đến từ 2 chiếc ống kính này là thế, tuy nhiên, người viết vẫn cảm thấy còn có một sự thiếu hụt nhẹ khi cả 2 chiếc ống kính góc rộng này đều không có chống rung trên thân ống. Có người sẽ lý giải rằng việc chống rung trên thân máy Sony là đủ, nhưng với những người đã sử dụng quen chống rung trên ống kính thì thật khó để chấp nhận việc này.
Hi vọng trong thời gian tới thì 50mm Vietnam sẽ có cơ hội được trải nghiệm những siêu phẩm này và có những bài viết phân tích chuyên sâu hơn.
“If memories could be canned, would they also have expiry dates? If so, I hope they last for centuries.”