EOS 800D/77D và 750D/760D: Mèo nào cắn mỉu nào

EOS 800D/77D và 750D/760D: Mèo nào cắn mỉu nào | 50mm Vietnam

Sự ra đời của chững chiếc máy mới như 77D và 800D trong thời gian gần đây đã làm khó cho người tiêu dùng khi phải lựa chọn giữa 800D/77D được thừa hưởng mọi tính năng tốt nhất từ 80D hay 750D/760D với chi phí “nhẹ nhàng hơn”. Và sau đây là một vài phân tích kĩ càng hơn của 50mm Vietnam muốn gửi tới các bạn.

Bối cảnh ra đời

Năm 2016 qua đi, trong các đối thủ chính như Sony còn chưa kịp ra mẫu máy mới nào cho năm 2017, Nikon còn đang trong cơn bĩ cực với việc cắt giảm nhân sự cũng như hủy bỏ kế hoạch sản xuất dòng compact cao cấp DL, thì Canon đã lặng lẽ ra thông cáo báo chí về một loạt dòng sản phẩm mới thuộc phân khúc phổ thông vào ngày lễ tình nhân, mà tâm điểm là anh em sinh đôi 800D/77D nhằm thay thế cho 750D/760D đã 2 năm tuổi.

EOS 800D/77D và 750D/760D: Mèo nào cắn mỉu nào | 50mm Vietnam

 Chúng ta hãy điểm xem những tính năng chính nổi trội so với bộ đôi tiền nhiệm bao gồm:

  • Bộ xử lý DIGIC 7, tương tự trên máy EOS M5, giúp cho máy có dải ISO chuẩn 100 – 25600 như EOS M5 (so với 100 – 12800 của 750D & 760D)
  • Hệ thống AF 45 điểm cross-type với điểm chính giữa là dual cross-type (cho khả năng lấy nét chính xác và nhanh hơn). Tuy nhiên số điểm cross-type hay dual cross-type phụ thuộc vào ống kính được sử dụng (so với 19 điểm cross-type của 750D & 760D)
  • Tốc độ chụp liên tiếp được nâng lên 6 hình/giây, với bộ nhớ đệm lên tới 27 hình RAW.
  • AF trong live view được nâng cấp từ Hybrid CMOS AF III lên Dual Pixel CMOS AF (DAF). Theo các thử nghiệm của Canon thì họ tuyên bố rằng phiên bản DAF này vượt trội các phiên bản cũ, tốc độ AF nhanh nhất thế giới, chỉ trong 0,03 giâytính cho đến ngày 14-2-2017.
  • Kết nối không dây Wi-Fi, NFC, cùng Bluetooth tiết kiệm pin, giống EOS M5.
  • Khả năng quay video 60fps, cũng như có khả năng quay video time-lapse
  • Tính năng chống rung điện tử trong khi quay video tương tự EOS M5.
  • Giao diện mới, “thân thiện” hơn cho người dùng mới làm quen với DSLR.

Nhìn qua thì chúng ta có thể nhận ra rằng 800D & 77D được Canon đưa vào những tính năng nổi bật của 80D, ngoại trừ những tính năng riêng có của dòng xxD vốn để phân biệt với dòng xxxD có tính năng thấp hơn. Tuy nhiên, đây vẫn là những nâng cấp rất đáng kể cho dòng xxxD, có thể làm hài lòng những ai đang muốn sở hữu sức mạnh của 80D mà không muốn phải đầu tư quá nhiều tiền.

Hãy cùng 50mm Vietnam so sánh từng cặp đôi: 750D – 800D760D – 77D.

So sánh chi tiết

800D sinh ra để thay thế cho 750D, điều này ai cũng hiểu. Tuy nhiên 77D thì sẽ khiến cho nhiều người nhầm lẫn rằng đây là một sản phẩm thuộc dòng xxD, chứ đâu phải “kế nhiệm” cho một chiếc máy dòng xxxD, và băn khoăn tại sao phải tồn tại song song 77D và 80D.

EOS 800D/77D và 750D/760D: Mèo nào cắn mỉu nào | 50mm Vietnam
Nguồn ảnh: Lightandmatter

Có lẽ đây là dụng ý của Canon rằng đây là một chiếc phổ thông trong lớp áo bán chuyên, sự phá cách của Canon, nhằm dẹp bỏ suy nghĩ của mọi người rằng các máy dòng xxxD thường kém xa so với xxD.

Điều này sẽ khiến cho “người mới chơi” có tài chính sẽ phải băn khoăn rằng nên mua 77D hay 80D. Tuy nhiên, do chỉ là 800D “thay áo” nên 77D vẫn kém xa 80D.

1) Vẻ ngoài

Quả thật, nếu bỏ qua kích cỡ entry thì 77D coi như 80D thu nhỏ, vẫn có các đặc điểm như vòng xoay nhanh sau lưng máy và màn hình phụ ở bên trên đã xuất hiện từ 760D. Tuy nhiên đã có thêm một thay đổi nhỏ nữa là nút AF-On, vốn chỉ có ở các máy dòng xxD và xD.

800D/77D và 750D/760D: Mèo nào cắn mỉu nào | 50mm Vietnam

Các bạn cũng thể thấy sự xuất hiện của nút bật tắt wifi đặt bên ngoài, bên cạnh nút Q, thay vì phải vào trong menu. Vòng xoay nhanh phía sau giúp bạn có thể điều chỉnh khẩu độ nhanh, ngoài ra là có các nút bấm, khá giống với vòng trên các máy compact dòng G, vô cùng tiện lợi và nhanh hơn so với việc chỉ có nút bấm.

Ngoài ra mặt trước máy cũng được thiết kế giống 80D, chứ không như 800D.

800D/77D và 750D/760D: Mèo nào cắn mỉu nào | 50mm Vietnam

 

Xét tổng quan hình dáng thì bộ đôi mới vẫn tương tự như 750D/760D, nhưng các góc đã được bo tròn mềm mại hơn, bớt đi sự sắc cạnh hầm hố.

800D/77D và 750D/760D: Mèo nào cắn mỉu nào | 50mm Vietnam
760D với màn hình được lật ra. Hình dáng khá hầm hố góc cạnh, đầy nam tính

2) Công nghệ bên trong

Thay vì nói về bộ xử lý ảnh, cảm biến…thì đáng kể nhất là giao diện mới, thân thiện hơn với những người mới lần đầu tiếp xúc với máy ảnh, vô cùng trực quan và dễ hiểu. Dĩ nhiên Canon vẫn giữ nguyên giao diện cũ, các bạn có thể vào menu để chọn hiển thị giao diện mới hoặc giao diện truyền thống tùy theo ý muốn của mình.

800D/77D và 750D/760D: Mèo nào cắn mỉu nào | 50mm Vietnam
Giao diện mới, thân thiện hơn với những người lần đầu cầm vào máy ảnh (Ảnh: DPReview)

Theo cá nhân tôi thì việc xuất hiện giao diện này khá tốt, vì những người “chưa biết gì” sẽ tiếp thu kiến thức nhanh hơn và trực quan hơn. Mặt khác tôi lại không thích giao diện này lắm, vì nó làm máy ảnh trông như điện thoại thông minh.

77D và 800D được trang bị bộ xử lý DIGIC 7 thay cho DIGIC 6 (so với DIGIC 6+ trên 80D), dẫn đến khả năng khử nhiễu, cân bằng trắng, lấy nét tự động, đo sáng…. đều khá hơn 750D/760D.

800D/77D và 750D/760D: Mèo nào cắn mỉu nào | 50mm Vietnam
Trình sửa ảnh của EOS 5D Mark IV

Với hai chiếc máy mới này thì cũng đã có thêm các tinh chỉnh sửa lỗi ống kính tốt hơn, bên cạnh sửa lỗi tối góc, quang sai, méo hình thì bây giờ đã có thêm sửa lỗi nhiễu xạ, giúp cho bức ảnh trở nên sắc nét hơn. Tính năng này sẽ hữu ích khi bạn chụp ở khẩu nhỏ, cỡ f/11 trở xuống. Trước đây mới chỉ có EOS-1D X Mark II và 5D Mark IV có thể sửa lỗi nhiễu xạ.

800D/77D và 750D/760D: Mèo nào cắn mỉu nào | 50mm Vietnam
Cảm biến ảnh của 80D, 750D/760D/800D/77D là cảm biến CMOS APS-C 1.6x.

Cảm biến hình ảnh của 80D/77D/750D/760D/800D đều giống nhau, cũng là CMOS APS-C 1.6x (hay còn gọi crop 1.6x), độ phân giải 24,2 megapixel, đủ lớn để các bạn đem in ấn khổ 90 x 60cm, nên chất lượng hình ảnh của 2 bộ đôi này tương tự nhau nếu trong điều kiện lý tưởng.

Tiếp theo là Độ nhạy sáng – ISO. Nhờ việc trang bị bộ xử lý DIGIC 7 mà 77D có dải ISO chuẩn 100-25600, so với 100-12800 của 760D, hay 100-16000 của 80D, chưa tính ISO mở rộng. Điều này vô cùng hữu ích khi các bạn muốn chụp trong điều kiện trời tối, thoải mái kéo ISO lên 3200 hoặc 6400. Dĩ nhiên là còn cả 12800, 25600 và H: 51200 nữa, tuy nhiên nếu không đến mức buộc phải có ảnh mang về thì có lẽ các bạn không cần dùng tới các giá trị này, vì chất lượng ảnh sẽ giảm đi rất nhiều.

Về hệ thống lấy nét và khả năng chụp liên tiếp, khi sử dụng ống ngắm quang học thì 77D và 800D được kế thừa hoàn toàn hệ thống AF 45 điểm, tất cả dạng ngang dọc trên 80D, điểm chính giữa sẽ có khả năng lấy nét được ở điều kiện -3EV (khi sử dụng với các ống kính có khẩu độ f/2.8 trở lên), hoặc -2EV nếu sử dụng màn hình Liveview.

800D/77D và 750D/760D: Mèo nào cắn mỉu nào | 50mm Vietnam
Khung ngắm và hệ thống AF 45 điểm của EOS 80D/800D/77D, với đường gióng, cân bằng điện tử, bảo nhấp nháy trong môi trường ánh sáng nhân tạo, thông số, thời lượng pin còn lại..

Hệ thống 45 điểm, tất cả đều là cross type thật sự là bước tiến đáng kể của dòng phổ thông, nếu so với cặp đôi cũ chỉ có 19 điểm cross-type, hay 700D, 60D với 9 điểm, tất cả cross-type, thậm chí với 600D, 6D chỉ có 1 điểm cross-type duy nhất.

Với hệ thống nhiều điểm AF như vậy thì 77D/800D sẽ giúp cho những bạn thích chụp thể thao như mình, hoặc giúp bạn chụp ảnh mà không cần bố cục lại khung hình, chỉ cần chọn đúng điểm mong muốn.

Và theo như trải nghiệm thực tế của mình, 77D/800D bám bắt chủ thể tốt hơn 750D/760D tương đối.

Minh họa khả năng tracking chủ thể của 77D/800D khi dùng ống ngắm quang học.

Bên cạnh đó, bộ đôi này là các máy dòng entry-level đầu tiên được Canon trang bị hệ thống lấy nét theo chủ thế mang tên Dual Pixel CMOS AF (DAF), mà khởi đầu từ EOS 70D. Theo như Canon tuyên bố qua các bài kiểm tra trong phòng thí nghiệm của mình, tính đến thời điểm được sản phẩm được công bố (14-2-2017) thì DAF trên bộ đôi này là nhanh nhất thế giới, chỉ trong 0,03 giây (so với 4D Focus của A6300 mà trước giờ Sony vẫn tự hào là nhanh nhất thế giới, chỉ trong 0,06 giây).

Video giải thích và so sánh Dual Pixel CMOS AF với Hybrid CMOS AF.

3) Vậy Dual Pixel CMOS AF và Hybrid CMOS AF là gì?

Nếu bạn nào vẫn lăn tăn thì mình sẽ giải thích ngắn gọn như sau:

Trong các DSLR có 1 cảm biến lấy nét khi các bạn sử dụng ống ngắm quang học, và cảm biến này AF theo “pha” nên rất nhanh và chính xác, cả với vật tĩnh hay chuyển động nhanh. Còn khi dùng Live view thì AF bằng chính cảm biến ảnh, theo “tương phản” nên rất chậm, chỉ có thể dùng với tĩnh vật. Ví dụ các máy này là EOS 60D, 6D hoặc thậm chí là 5D Mark III.

800D/77D và 750D/760D: Mèo nào cắn mỉu nào | 50mm Vietnam
Hybrid CMOS AF qua 3 thế hệ khác nhau: EOS 650D/700D ở đời 1, 100D ở đời 2, 750D/760D ở đời 3

Sau này thì Canon cải tiến việc AF ở Live view, bằng cách “chỉ định” một số rất ít điểm ảnh vừa thực hiện lấy nét (theo pha) vừa thực hiện thu sáng nằm ở vùng giữa cảm biến, còn lại gần như toàn bộ cảm biến là AF theo tương phản. Do đó đây gọi là lấy nét lai (Hybrid CMOS AF).

Hybrid CMOS AF trải qua 3 phiên bản, với phiên bản đầu tiên trên 650D và 700D. Phiên bản II trên 100D, phiên bản III trên 750D và 760D. Phiên bản II và III đều có vùng lấy nét rộng hơn, 80% cảm biến theo chiều ngang và chiều dọc, nhưng vẫn chỉ là các điểm ảnh lấy nét theo pha đặt nằm rải rác trong vùng này.

Với DAF thì tất cả các điểm ảnh trong vùng 80% theo cả chiều ngang và chiều dọc được thiết kế vừa lấy nét theo pha, vừa thu sáng, dẫn đến lấy nét nhanh hơn, chính xác hơn, dùng live view bây giờ có thể AF cả tĩnh vật lẫn chuyển động nhanh.

800D/77D và 750D/760D: Mèo nào cắn mỉu nào | 50mm Vietnam

DAF hoạt động như sau:

800D/77D và 750D/760D: Mèo nào cắn mỉu nào | 50mm Vietnam

1: Tất cả các điểm ảnh đều gồm có hai điốt quang độc lập.

2: Nhận hình ảnh từ điốt quang bên trái trong tất cả điểm ảnh.

3: Cũng nhận hình ảnh từ điốt quang bên phải. Hai ảnh có các pha khác nhau được ghi lại từ các điốt quang trái và phải.

4: Xuất điện tích như một điểm ảnh trong khi chụp bằng cách kết hợp các tín hiệu từ hai điốt quang.

Với việc khả năng bắt nét nhanh và chính xác hơn thì tốc độ chụp liên tiếp cùng bộ nhớ đệm của 800D/77D cũng tăng lên, từ 5 lên 6 hình/giây và bộ nhớ đệm 27 hình RAW. 27 hình RAW có lẽ là con số đáng kể đối với một máy ảnh cấp thấp, tuy nhiên bạn cần phải sử dụng thẻ nhớ UHS-I, chuẩn U3 thì mới có thể đạt tới mức như vậy.

Khả năng quay video cũng được cải thiện hơn nữa. 800D/77D giờ đây đã có thể quay video Full HD 60 hình/giây, so với 30 hình/giây của bộ đôi cũ. Và nhờ vào DAF mà khả năng bám theo chủ thể của bộ đôi này tốt hơn rất nhiều, chuyển vùng ảnh nét cũng mượt mà hơn.

Ngoài ra, 77D/800D/80D đều có khả năng quay video HDR, cho ra những thước phim với độ tương phản cao, chất lượng tuyệt vời. Một đặc điểm vượt trội so với các máy đời trước đó là cả 2 máy đều tích hợp khả năng quay video time-lapse, giúp bạn quay video luôn mà không phải chụp nhiều khung hình rồi về tốn nhiều công sức hậu kì ráp nối chúng lại với nhau.

“Chống rung điện tử” là tính năng mới xuất hiện với các máy ảnh ống kính rời sử dụng bộ xử lý DIGIC 7, bắt đầu từ M5, và nay đã có trên 800D/77D. Nó thật sự rất hữu ích với những người quay phim nghiệp dư, khi họ không có đủ tiền mua các thiết bị hỗ trợ cần thiết như steady, nhưng chỉ ở mức “vừa vừa”, mà không thể thực sự thay thế.

Tuy nhiên khi tính năng này được kích hoạt, góc nhìn sẽ bị hẹp lại, và chúng ta sẽ cần các ống kính có tiêu cự ngắn hơn để có góc nhìn tương đương khi không bật movie IS.

Lưu ý rằng, tính năng chống rung điện tử này không hoạt động khi sử dụng với các ống kính ngàm EF sau:

  • 50mm f/1.2L USM
  • 85mm f/1.2L II USM
  • 200mm f/2L IS USM
  • 300mm f/2.8L IS II USM
  • 400mm f/2.8L IS II USM
  • 500mm f/4L IS II USM
  • 600mm f/4L IS II USM
  • 800mm f/5.6L IS USM
  • 200-400mm f/4L IS USM

Một tính năng nâng cao khác mà trước giờ chỉ có trên các máy tầm trung và cao là trình xử lý ảnh RAW tích hợp ngay trong máy. Tính năng này sẽ rất hữu ích đối với những bạn đã quen với nhiếp ảnh.

4) Kết nối và chia sẻ ảnh.

“Bluetooth tiết kiệm pin” lại là điểm cộng khác vì giờ đây người dùng có thể duy trì kết nối liên tục giữa điện thoại và máy ảnh mà không phải quá lo lắng về chuyện hết pin.

Với Wi-Fi, NFC, Bluetooth mà bây giờ các bạn có thể thiết lập kết nối máy ảnh của mình với nhiều thiết bị khác, ví như nếu bạn cài đặt Canon Camera Connect thì bạn có thể chuyển ảnh từ máy ảnh sang điện thoại ngay, xem lại ảnh trong thẻ nhớ thông qua điện thoại, đồng thời dùng nó làm điều khiển từ xa để chụp ảnh. Hoặc có thể gửi lệnh in đến các máy in có bộ phận thu tín hiệu Wi-Fi.

Thời lượng pin là một điểm cộng khác của 800D/77D. Mặc dù cũng dùng chung pin LP-E17 với 2 người tiền nhiệm, nhưng trên bộ đôi 800D/77D thì số hình ảnh chụp khi pin đầy đã tăng lên gần gấp rưỡi, từ 440 hình lên 600 hình. Đây có lẽ là tin tốt cho các bạn hay đi chơi xa, vì sẽ chẳng lấy gì làm vui vẻ khi hết pin giữa chừng, mà lại chẳng có chỗ nào gần đó để sạc pin.

800D/77D và 750D/760D: Mèo nào cắn mỉu nào | 50mm Vietnam

Có thể bạn không biết: cũng như LP-E6 “thần thánh” được dùng cho các DSLR dòng 5, 6, 7D cũng như các máy xxD kể từ 5D Mark II 60D thì pin LP-E17 cũng được dùng chung giữa các máy DSLR dòng xxxD từ 750D và mirrorless tầm trung M5 và cận trung kể từ M3.

Cuối cùng, ống kit đi kèm 2 máy này là EF-S 18-55mm f/4-5.6 IS STM, khẩu nhỏ hơn 1 chút và kích cỡ cũng nhỏ hơn so với ống 18-55 IS STM cũ.

80D hay 77D/800D?

Đây có lẽ là câu hỏi khó trả lời, bởi lẽ nó phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân, cũng như khả năng tài chính của bạn. Nếu như bạn có nhu cầu nâng cấp từ một chiếc máy dòng xxD hay xxxD, yêu cầu khả năng chụp tốt, quay video cũng “ngon” thì 80D là lựa chọn tuyệt vời, ngay cả khi nó là máy chính hay chỉ là back-up.

Nếu như khả năng tài chính không cho phép, hoặc bạn thích gọn nhẹ, đi du lịch mà ngại mang vác nặng thì 800D sẽ hợp lý hơn. Nó có tất cả những đặc điểm tân tiến nhất của 80D, vượt xa 70D (vốn đã dừng sản xuất và nay chỉ có thể tìm hàng cũ) hay 6D trên 1 số phương diện, mà kích cỡ lại nhỏ gọn, vừa tay, hấp dẫn với các bạn nữ hơn gã to con kia. Dĩ nhiên, pin của LP-E17 sẽ yếu hơn LP-E6 của 80D, và cũng khó tìm hơn nữa.

Mặc dù có mang trong mình một vài điểm khác biệt như thêm 1 nút, vòng xoay cùng màn hình phụ ở trên và thay lớp áo giống với 80D, nhưng chừng đó là không đáng để chọn 77D (tương tự 760D so với 750D trước kia). Với mức giá đắt hơn 2 triệu trong khi thông số kỹ thuật cơ bản vẫn giống hệt, lựa chọn 77D sẽ khiến túi tiền của bạn hao hụt đi không cần thiết.

Nếu như mức giá của 800D vẫn là quá cao và nhu cầu của bạn chỉ đơn thuần là đi chơi, du lịch, 750D sẽ là lựa chọn phù hợp, chi phí chỉ bằng ~80% (dĩ nhiên chưa kể chi phí đầu tư cho , chân máy, bộ vệ sinh, . Muốn biết phụ kiện giá bao nhiêu, các bạn hãy click vào nhé).

Một vài hình ảnh về EOS 800D/77D

800D/77D và 750D/760D: Mèo nào cắn mỉu nào | 50mm Vietnam
Nguồn ảnh: DPreview
800D/77D và 750D/760D: Mèo nào cắn mỉu nào | 50mm Vietnam
Nguồn ảnh: DPreview
800D/77D và 750D/760D: Mèo nào cắn mỉu nào | 50mm Vietnam
Nguồn ảnh: DPreview
800D/77D và 750D/760D: Mèo nào cắn mỉu nào | 50mm Vietnam
Nguồn ảnh: DPreview

Tổng kết

Đến đây có lẽ các bạn đã biết thêm về điểm mạnh cũng như điểm yếu của mỗi sản phẩm, đồng thời cũng quyết định sẽ mua được máy gì rồi phải không nào? 750D hay 800D đều là những sản phẩm phổ thông rất tốt, rất đáng tiền, bạn sẽ không phải cảm thấy hối tiếc về sự lựa chọn của mình đâu.

Dù sao, hãy chọn thiết bị mà bạn cảm thấy nó phù hợp với mình hơn cả, không phải cố quá làm gì 🙂