Vấn nạn ăn cắp ảnh trên mạng hiện giờ đẫ quá thô bạo và lộ liễu, chúng ta nên sống chung với nó hay nên hướng tới một dịch vụ mới như EXIF.co?
Vấn nạn thời công nghệ số
Tôi tin là với những độc giả đang đọc bài này, các bạn đều đã gặp hoặc chứng kiến ít nhất một vụ ăn cắp ảnh và kẻ cắp ngang nhiên đề tên vào tấm ảnh đó, hoặc ít nhất là sẽ post lên mạng theo kiểu “để dây và không nói gì thêm”, kết cục là tác giả là bạn thì không ai biết đến?
Và thế là giờ bạn có một tấm ảnh đẹp, muốn khoe với mọi người nhưng chả lẽ lại phải chèn những watermark (tạm gọi là chữ ký đi) vào giữa hình và thật to thì chắc mới không sợ bị ăn cắp? Nghe qua thì thật là “nông dân” nhưng sự thực là có nhiều người đã bắt đầu phải làm thế thật.
Cho đến khi một ý tưởng khá thú vị mà chúng tôi giới thiệu cho bạn trong bài viết này như EXIF.co ra đời.
EXIF.co là gì? Hoạt động ra sao?
EXIF.co là một kho lưu trữ ảnh, trước hết là vậy đã. Bạn có thể upload ảnh lên trang web này ngay sau khi khởi tạo tài khoản, bạn có thể thử upload ảnh mà xem, EXIF.co sẽ cung cấp link để bạn chia sẻ ảnh thông qua link hoặc những embed code để nhúng vào website KÈM THEO ĐÓ là hệ thống watermark thông minh (smart watermark).
Smart Watermark của EXIF.co khá ưu việt. Nó cho phép người xem được tận hưởng hoàn toàn vẻ đẹp của bức ảnh mà không bị phân tán sự chú ý bởi những watermark, và nếu họ có ý định tải về máy thì cũng cứ thoải mái đi, nhưng kết quả khi mở ra thì chỉ là một bức ảnh với một cái watermark hiện ra ngay giữa ảnh mà thôi. Quá tuyệt phải không nào? Thích xem thì cứ xem cho sướng nhưng tải về thì đừng hòng!
Chưa dừng lại ở việc chỉ bảo vệ ảnh của bạn, với những embed code hoặc link tới ảnh bạn muốn chia sẻ, bạn cũng hoàn toàn có thể hiển thị các thông tin về: người chụp, ê kíp hoặc các thiết bị chụp theo cách tự thêm vào nếu muốn. Bạn có thể xem ở ví dụ dưới đây.
Điểm thú vị tiếp theo chính là khả năng kiểm tra ngay trên website của EXIF.co là đã có bao nhiêu lượt chia sẻ hoặc nhúng code/link có ảnh của bạn trên internet. Kiểm soát được những thông tin này sẽ giúp bạn thấy được bức ảnh của mình sẽ được yêu thích đến đâu, những website nào đang đăng ảnh của bạn và EXIF.co còn cho phép bạn block những website nào mà bạn không thích hiện thị ảnh này lên trong phần setting.
Tóm lại thì ảnh của bạn đã được bảo vệ từ A-Z với EXIF.co.
Không phải không có điểm yếu
Là một dự án khá mới nên việc có những điểm chưa thật rõ ràng từ EXIF.co.
Điều đầu tiên chính là về chuyện chúng ta có thật sự thoải mái upload và chia sẽ những bức ảnh với smart watermark hoàn toàn miễn phí?
Người viết đã quan sát trên trang web của dự án và đã có các gói mua credit theo lượng view cho người upload, tuy nhiên, lại không thấy nói rõ ràng về cách thức mua lượng view này, trong khi đó thì người viết đang thử chia sẻ ảnh và vẫn được bảo vệ bởi smart watermark.
Ngay sau đó thì 50mm Vietnam đã gửi thư cho dự án và được hồi âm như sau:
- Việc đăng ký, upload ảnh và chia sẻ link ảnh với smart watermark là hoàn toàn miễn phí. Bạn có thể thoải mái sử dụng tính năng này với các link chia sẻ.
- Tuy nhiên, vấn đề lại khác với các code nhúng. Các account mới khởi tạo sẽ có 1000 views free nếu bạn dùng code nhúng vào bài viết như các bạn độc giả đang đọc ở đây. Và số view này sẽ giảm dần theo lượng view, nếu nó về 0 thì thay vì hiện ra bức ảnh, bạn sẽ thấy một màn hình với thông báo: “Out of credits”. Bạn vẫn có thể upload thêm ảnh bình thường, tuy nhiên, sẽ không thể nhúng tiếp nếu không mua thêm credit cho view.
Điểm yếu thứ hai của EXIF.co chính là việc chỉ cho upload ảnh ở độ phân giải lớn nhất là 2000px. Mặc dù ở thời điểm hiện tại thì 2000px là một mức chấp nhận được để xem online, tuy nhiên, nếu bạn định đi chào hàng bức ảnh để dành cho in ấn thì thật không khả thi lắm vì người mua để in ấn sẽ có nhu cầu zoom vào nhiều phần hơn trên bức ảnh.
Điểm yêu thứ ba mà mình mới phát hiện ra là hiện tại hệ thống này còn chưa thật sự ổn định, lúc hiện, lúc không.
Điểm yếu cuối cùng chính là mặc dù đã kiểm soát được việc tải và chia sẻ ảnh trái phép, tuy nhiên EXIF.co vẫn còn một lỗ hổng nhỏ đó là nếu bạn bấm nút print screen để chụp lại màn hình, sau đó cắt ảnh ra từ bức chụp màn hình này thì vẫn được. Theo như những người sáng lập cho biết thì họ đã nhận được phản hồi về lỗi này và đang tìm cách khắc phục nó.
Tạm kết
Sau khi nghiên cứu thử về EXIF.co thì 50mm Vietnam cho rằng đây là một dự án đầy tiềm năng và có ích cho cộng đồng chơi ảnh. Tuy nhiên, là một dự án nhỏ, độc lập nên chắc chắn sẽ gặp những vấn đề để phát triển lượng người dùng.
Tuy nhiên, nếu có một ông lớn nào như 500px, Flickr hoặc những trang bán ảnh như Shutterstock, Getty Images nhảy vào mua đứt dự án này thì chắc chắn đây là một tính năng cực quý giá và sẽ kéo được thêm rất nhiều người dùng tới đó.
Đó có thể là một tin buồn cho EXIF.co nhưng lại là một tin vui cho người dùng chả hạn.
“If memories could be canned, would they also have expiry dates? If so, I hope they last for centuries.”