Đây có lẽ không phải tin tức vui vẻ gì cho các fan của Samsung nói chung và những bạn đang sở hữu máy ảnh Samsung nói riêng, dù rằng các sản phẩm này được đánh giá không hề tệ.
Khi Samsung không phải Sony
Dù là một “ông lớn” trên thế giới về các thiết bị công nghệ thông tin và gia dụng như điện thoại di động, máy tính bảng, TV.. nhưng Samsung vẫn đang phải chật vật trong mảng máy ảnh khi phải chịu áp lực cạnh tranh quá lớn từ các “lão làng” như Canon, Nikon, Sony…
Và sau hơn 1 năm “lăn tăn”, “án binh bất động” thì mới đây Samsung đã có quyết định chính thức khai tử mảng máy ảnh, để dồn nguồn lực vào phát triển các thiết bị di động. Đây có lẽ không phải tin tức vui vẻ gì cho các fan của máy ảnh nhãn hiệu Samsung, dù rằng các sản phẩm này được đánh giá khá cao..
Việc Samsung quyết rời bỏ cuộc chơi lần này cũng cho thấy một sự thật: Không phải anh là một tập đoàn lớn thì có thể thành công ở bất cứ lĩnh vực nào. Sony là một đối thủ cạnh tranh rất nhiều hạng mục hàng hóa trên thị trường với Samsung, họ cũng có lúc thăng trầm ở mảng máy ảnh nhưng rồi lại bừng sáng lên với dòng máy ảnh không gương lật và những sản phẩm này thực sự là một kẻ thay đổi cuộc chơi trên bản đồ máy ảnh thế giới.
Tiếc rằng Samsung không phải là Sony, và người khổng lồ đến từ xứ củ sâm đã chính thức phải rời khỏi cuộc chơi.
Chuyến hướng cuộc chơi
Theo “một nhân viên cao cấp giấu tên từ Samsung” cho hay với trang The Investor:
“Chúng tôi không sản xuất và bán những chiếc máy ảnh kỹ thuật số nữa. Nhưng chúng tôi sẽ tạo ra một danh mục sản phẩm máy ảnh mới để tiếp tục công việc kinh doanh.” – Một nhân viên cao cấp giấu tên từ Samsung trong cuộc phỏng vấn với trang The Investor.
Các sản phẩm “máy ảnh” mới mà Samsung nhắc tới ở đây có lẽ là các máy quay 360 độ, các điện thoại lắp ráp kiểu mô-đun, mà hiện đội ngũ kỹ thuật viên của hãng đang ngày đêm nghiên cứu để cho ra lò.
Có thể thấy rằng việc Samsung rút khỏi thị trường máy ảnh ống kính rời là lẽ tất nhiên, do sự phát triển quá mạnh của camera trên các điện thoại di động hiện nay, cộng thêm việc được quảng bá rầm rộ chưa từng thấy trên các phương tiện truyền thông, mà chính Samsung cũng góp phần với một loạt các sản phẩm mà có thể kể ra gần đây nhất là J7 Prime, A5, A7, A9 được quảng cáo với camera khẩu độ f/1.9 và độ phân giải 13 – 16 megapixel… Với các thuật toán làm mịn da, chỉnh màu da tự động cùng với kích thước gói gọn trong một chiếc điện thoại thì nó dễ dàng mang vác đi hơn là mang theo một chiếc DSLR, cũng quá đủ cho nhu cầu “chụp ăn liền”: chụp xong post ngay lên mạng xã hội.
Trong một thế giới máy ảnh đang gặp nhiều khó khăn như vậy và Samsung không thể có bước đột phá nào thì rõ ràng việc dừng cuộc chơi sớm để bảo toàn sức mạnh cũng là điều đúng đắn.
Tạm kết
Mặc dù phải khai tử cả một mảng sản phẩm, nhưng với tiềm lực khổng lồ, thậm chí ở Hàn Quốc còn được gọi với cái tên “cộng hòa Samsung“, thì có lẽ việc này cũng không gây ảnh hưởng quá lớn đến doanh thu thường niên.
Tôi cho rằng quyết định rút lui này thực sự đúng đắn, Samsung nên tập trung nguồn lực vào phát triển điện thoại, máy tính bảng hơn là dàn vào cả máy ảnh mà không tạo được hiệu quả cao. Canon, Nikon, Sony dù bị điện thoại chèn ép rất mạnh nhưng vẫn sống rất tốt do đã xây dựng được danh tiếng, cũng như dày công tạo dựng một “hệ sinh thái” ống kính đủ các chủng loại, các tiêu cự khác nhau, từ những loại rẻ tiền như kit 18-55, fix 50mm cho tới các tele 600, 800mm có giá hàng trăm triệu..qua thời gian cực dài, hàng thập kỷ, thậm chí Nikon còn tính theo thế kỷ, từ năm 1917 đến nay.
À, nhưng mà đừng vội gạch tên Samsung với các tiết mục liên quan đến máy ảnh vội, vì thực chất tập đoàn to béo này có tên trong top 5 công ty lớn nhất thế giời về sản xuất cảm biến.