Bất kỳ một ai từng cầm máy ảnh đều hiểu rằng làm chủ được ánh sáng là điểm mấu chốt để có thể cho ra những bức ảnh đẹp. Vậy nên cho dù bạn có là tay chơi nghiệp dư hay chuyên nghiệp thì cũng đừng bỏ qua một mỏ vàng miễn phí những hướng dẫn về cách sắp đặt ánh sáng của Broncolor này nhé.
Trang hướng dẫn này của BronColor có chứa gần 100 bức ảnh ví dụ về cách đánh sáng chuyên nghiệp. Mỗi bức ảnh đều được kèm theo: danh sách dụng cụ sử dụng, miêu tả chi tiết, sơ đồ đánh sáng, và phân tích từ chính nhiếp ảnh gia đã chụp nó.
Broncolor vốn là một thương hiệu sản xuất và kinh doanh các thiết bị ánh sáng chuyên nghiệp thuộc top đầu, được rất nhiều các nhiếp ảnh gia danh tiếng yêu thích, nên bạn sẽ sớm thấy có nhiều bức hình ở đây cũng mang nặng tính chất phô trương về khoản thiết bị.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những hướng dẫn ở đây là chỉ mang tính xem cho biết rồi lè lưỡi ra ngoài vì thấy cả tấn thiết bị. Sở dĩ 50mm Vietnam nói vậy là vì chỉ cần bạn bình tĩnh đọc kỹ phần sơ đồ minh họa bố trí đèn, và thêm những phân tích chi tiết của nhiếp ảnh gia, chắc chắn bạn sẽ nắm được thêm khá nhiều các nguyên tắc sử dụng đèn cũng như cách tạo ra ánh sáng theo ý mình. Và một khi đã nắm được căn bản thì dù không có “đồ xịn”, chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng óc sáng tạo của mình để tìm ra những nguồn lực thay thế tốt chẳng kém.
Đề thị phạm luôn thì mình sẽ lấy một bức ảnh và hướng dẫn tương đối đơn giản từ trang này để giới thiệu ra đây cho mọi người cùng xem luôn nhé.
Như bạn có thể thấy, đây là một bức ảnh chân dung nghệ thuật, được chụp với một setup ánh sáng tương đối đơn giản. Nguyên văn lời phân tích của nhiếp ảnh gia Jessica Keller, người đã chụp bức ảnh này:
Đôi khi đơn giản lại tốt hơn.
Bức ảnh này được chụp với sự trợ giúp của đèn flash monolight Siros 800S và cắm vào chiếc Para 133. Chiếc Para được đặt ngay sát người mẫu, trên chiếc para này có một ống tube giúp điều chỉnh độ tập trung của ánh sáng và ở đây thì vị trí của ống tập trung được để ở chính giữa.
Nhiệm vụ của tôi là phải tạo nên một luồng ánh sáng vừa mạnh nhưng đồng thời lại phải lại vừa mềm, mang tính chất định hướng cao, có độ tương phản lớn. Đây là một yêu cầu tương đối khó, nhưng nhờ vào đường kính lớn của chiếc Para 133 mà điều đó đã đạt được dễ dàng. Chiếc reflector này đã giúp tôi kiểm soát độ chuyển ánh sáng (brightness gradient) một cách hoàn hảo, tạo nên được những bối cảnh ánh sáng đúng như ý.
Với một bộ phản quang mạnh, và chiếc ống tube cho phép bạn điều chỉnh nguồn sáng, bạn hoàn toàn có thể hạ cường độ đèn xuống, điều này sẽ gúp tốc độ nháy của đèn nhanh hơn, thêm vào đó việc sử dụng tốc độ màn trập nhanh sẽ đóng cứng chuyển động của mái tóc người mẫu.
Bức ảnh này được chụp bằng một máy medium format, tiêu cự sử dụng là 58mm, khẩu độ F/16 và tốc độ màn trập là 1/125.
Bỏ qua những lời tâng bốc quảng cáo cho thiết bị của Broncolor thì chúng ta có thể thấy được những phân tích quý giá của nhiếp ảnh gia về cách đánh sáng cho bức ảnh này. Điểm mấu chốt cho tác phẩm này là: Một luồng ánh sáng vừa mạnh lại vừa đủ mềm mại, có độ chuyển đổi cường độ hợp lý, với một tính định hướng cao (từ một phía của mẫu) để tạo nên độ tương phản lớn. Ngoài ra thì cũng cần chú ý tới tốc độ màn trập và thời gian nháy nhanh của flash để đóng băng được khoảnh khắc.
Như vậy là đề bài bây giờ sẽ là bạn sẽ không có những thiết bị hỗ trợ cao cấp như trên, nhưng bạn hoàn toàn có thể sử dụng những gì mình có để thử nghiệm, sử dụng những phương pháp thay thế để “bắt chước” shot hình này.
Như Picasso đã từng nói: “Nghệ sĩ giỏi thì đi sao chép, còn nghệ sĩ thiên tài thì phải đi ăn cắp.” Riêng việc bạn có thể bắt chước được những shot hình tựa tựa như trong các hướng dẫn này mà không cần phải có thiết bị và setup y hệt như họ cũng đã đủ để khiến bạn trở thành một “nghệ sĩ thiên tài” rồi đó.