Ngày 4/3/2017 vừa qua, tôi đã có dịp được tham dự lễ ra mắt sản phẩm máy ảnh mới do Fujifilm Vietnam tổ chức. Tại đây, Fuijfilm đã giới thiệu 3 máy ảnh mới nhất của hãng: Fujifilm X-T20, Fujifilm X100F và cuối cùng là máy ảnh Medium Format Fujifilm GFX 50S – Thứ để lại cho tôi nhiều suy nghĩ trong 1 tuần sau đó.
Một thiết kế mang hơi thở của hiện đại.
Đó là suy nghĩ đầu tiên khi tôi được nhìn thấy Fujifilm GFX 50S ở ngoài đời thực. Nó không mang một thiết kế nặng tính “vintage” như các dòng máy ảnh APS-C mà Fujifilm đã sản xuất trước đó mà lại mang hơi hướng hiện đại DSLR nhiều hơn. Đặc trưng ở đây là phần báng cầm của máy rất sâu và dài đi kèm với trọng lượng nặng, tạo cảm giác cầm chắc và đầm tay, giống y như dòng Nikon D810 hay Canon 5D Mark IV vậy. Không nông tay, không chạm nhầm nút nhả ngàm, tất cả đều mượt mà trơn tru.

Phía trên của máy, vẫn là chiếc gù hình thang quen thuộc của Fujifilm, nhưng các bánh xe xung quanh nó đều được tối giản hoàn toàn, chỉ đảm nhận một chức năng duy nhất: Chỉnh tốc và ISO, mọi thao tác phụ khác được dồn lại cho hai bánh xe con nằm ở mặt trước và mặt sau máy. Nhờ đó, máy có khoảng không gian lớn dành cho màn hình phụ – Thứ không bao giờ xuất hiện trên các máy của Fujifilm trước đó.


Nói thêm về màn hình phụ, đây là thứ mà tôi cảm thấy thích nhất ở chiếc máy này, nó không phải là màn hình LCD đen trắng thông thường mà bạn thấy ở các máy DSLR do Canon hoặc Nikon sản xuất mà nó là màn hình OLED! Vì vậy, chất lượng hiển thị của nó cực kỳ tốt dù dùng trong điều kiện ánh sáng môi trường tối om hoặc nắng chói.

Cuối cùng, đó là màn hình chính của máy, như bạn thấy trong hình, nó lồi rất to, đủ không gian để Fujifilm nhét 2 nút chức năng: Play và Delete lên phần trên của màn hình, dọn chỗ cho phần báng cầm trở nên gọn gàng hơn. Có lẽ bạn sẽ thắc mắc tại sao Fujifilm lại phải làm lồi to như vậy, thì vấn đề cũng đơn giản thôi: Máy cần phải tạo không gian tản nhiệt cho cảm biến Medium Format ở mặt trước, phần màn hình lồi ra sẽ giúp Fuji xử lý vấn đề này một cách tốt nhất và nó cũng chả ảnh hưởng gì tới trải nghiệm người dùng cả.


Với cảm biến Medium Format!!
Điểm độc đáo của Fujifilm GFX 50S so với những máy ảnh khác trên thị trường, đó là nó sử dụng cảm biến Medium Format có kích thước 43.8mm x 32.9mm so với kích thước 36mm x 24mm của Full Frame. Điều đó tức là: Bạn sẽ có một cảm biến có kích thước lớn hơn 1.2 lần cảm biến Full Frame thông thường (tính theo đường chéo), nhưng diện tích nhận ánh sáng lại lên tận 1.7 lần!! (khoảng chênh nhau gần 1-stop) Như vậy, một ống kính có khẩu độ f/2.8 trên Medium Format sẽ có khả năng hút sáng tương đương với f/2 trên Full Frame.

Mổ xẻ kỹ hơn về thông số kỹ thuật, bạn sẽ thấy Fujifilm GFX 50S giống như một phiên bản phóng lớn từ sensor 30 Megapixels của Canon 5D Mark IV vậy.
Nội dung / Máy ảnh | Fujifilm GFX 50S | Canon 5D Mark IV | Canon 5DSR |
Kích thước sensor | 43.8mm x 32.9mm | 36mm x 24mm | 36mm x 24mm |
Số điểm ảnh | 51.1 Megapixels | 30.4 Megapixels | 50.3 Megapixels |
Kích thước mỗi điểm ảnh | 28.7 µm² | 28.4 µm² | 17.2 µm² |
Điều đó cũng có nghĩa là: Một pixel của Fujifilm GFX 50S sẽ có khả năng ghi nhớ lượng thông tin hình ảnh (màu sắc, tương phản, các chi tiết con trong một chi tiết lớn) tương đương với một pixel của Canon 5D Mark IV thậm chí là cả khả năng chụp thiếu sáng tại ISO cao nữa, lớn hơn rất nhiều so với con số 17.2 µm² của Canon 5DSR. Vì vậy, đối với những nhiếp ảnh gia chụp thương mại, in ấn khổ lớn tới hàng mét, cần độ chi tiết cao, Fujifilm GFX 50S thực sự là một điểm sáng trong công việc của họ.
Nhưng lại được giới thiệu chưa đúng tầm
Phải nói thật là như vậy, tôi không có ý chê trách về buổi ra mắt sản phẩm của Fujifilm Vietnam khi họ đã tạo điều kiện cho chúng tôi khá nhiều thời gian để vọc con máy Fujifilm GFX 50S một cách thoải mái mà không gặp bất cứ trở ngại gì cả. Thứ mà chúng tôi muốn nói ở đây đó là cách giới thiệu sản phẩm đến với mọi người khá rập khuôn giống như một buổi ra mắt sản phẩm máy ảnh đại trà vậy: Một máy ảnh chụp ảnh đẹp, thiết kế gọn nhẹ, chống chịu thời tiết, dynamic range cao, phù hợp với mọi người.
Trong khi đó, họ vẫn thiếu sót thứ vốn thuộc về thế giới Medium Format: Đó là những bức ảnh được chụp có đầu tư một cách kỹ càng về khung cảnh, ánh sáng, được in trên những khổ giấy lớn và trưng bày tại buổi ra mắt thay vì là chiếc màn hình trình diễn bị lệch màu quá đà. Liệu ai có thể cảm nhận rõ ràng chất lượng hình ảnh giữa một con Full Frame và Medium Format khi tất cả cảm quan của người xem đều bị hạn chế? Chắc chắn không!
Đối với tôi, Fujifilm GFX 50S không phải là một chiếc máy dành cho một buổi dạo chơi ngoài phố, những bức ảnh vội vã hay để so bì ISO với 1DX. Nó là thứ dành cho nhiếp ảnh sắp đặt, nơi mà một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp với ekip của mình sẽ mất hàng giờ để setup cho một cảnh chụp, tốn từng phút chỉ để zoom cận soi từng chi tiết nhỏ và cuối cùng là in nó lên một khổ tranh to để mọi người cùng ngắm. Đó, thế giới của Medium Format là như vậy đó, thậm chí Fujifilm quốc tế còn làm hẳn một video series “Fujifilm GFX Challenge” dành cho các nhiếp ảnh gia của hãng và tôi có thể khẳng định là 90% số nhiếp ảnh gia sử dụng máy đều phải sắp đặt mọi thứ, giống như clip này vậy.
Đến đây, chắc chắn sẽ có nhiều bạn thắc mắc rằng: “Tại sao nó lại không phù hợp để làm những công việc thường ngày?”. Hãy thử xét theo các yếu tố về một máy ảnh mà đa số mọi người hiện nay đang nhắm tới: Độ gọn nhẹ, tốc độ xử lý hình ảnh, khả năng lấy nét, đa dạng tiêu cự và cuối cùng là giá cả.
- Độ gọn nhẹ: Fujifilm GFX 50S là một máy ảnh Medium Format gọn nhẹ nhất tính đến thời điểm hiện tại nhưng kích cỡ khá lớn, trọng lượng khoảng 1 KG (chưa tính báng cầm rời – grip) – tương đương với chiếc “bánh chưng” Canon 1DX Mark II. Nếu được gắn thêm báng rời thì việc lên 1.5 KG là điều quá bình thường. Đó là chưa kể, lens của Medium Format lại rất khủng bố, mang vác càng bất tiện.
- Tốc độ xử lý: Với 50 Megapixels, bạn không thể mong nó nhanh như dòng X-T2 hoặc X-Pro2 của Fujifilm được. Mỗi khi chụp, máy sẽ sinh ra một file JPEG 30 MB hoặc RAW 110 MB trong vòng 1-2 giây và sau đó là thêm thời gian ghi vào thẻ nhớ SD nữa. Như vậy, bạn sẽ tốn khoảng 3 – 5 giây cho một bức ảnh tùy vào thẻ nhớ mà bạn đang sử dụng là gì. Tốc độ chụp của Fujifilm GFX 50S cũng chỉ là 3 fps, không nhanh lắm so với tốc độ 5-6 fps của các máy ảnh bình thường bây giờ.
- Khả năng lấy nét: Motor lấy nét siêu thanh, tốc độ lấy nét thần tốc? Đó là tất cả những gì mà người ta quảng cáo về máy ảnh bây giờ. Nhưng với Fujifilm GFX 50S, bạn không nên mong đợi những khả năng này vì:
- Ống kính G-Mount của Fujifilm có các lớp thấu kính đường kính khá to và đương nhiên là nặng, nó khiến cho việc di chuyển thấu kính bên trong khi lấy nét trở nên chậm chạp.
- Fujifilm GFX 50S không sở hữu bất kỳ công nghệ lấy nét theo pha (Phase Detector) hay lấy nét lai (Hybrid AF) như các dòng máy ảnh APS-C của hãng, tất cả những gì bạn có là lấy nét tương phản (Contrast Detector) cực kỳ chậm chạp. Nhưng cũng không ảnh hưởng cho lắm vì các nhiếp ảnh gia chụp Medium Format thường có thói quen lấy nét bằng tay hơn.
- Giá cả: Fujifilm Vietnam công bố giá bán chiếc máy ảnh này là 150 triệu cho body và 180 triệu nếu như bạn mua kèm kit 63mm f/2.8. Đây là một mức giá tương đối thấp đối với những nhiếp ảnh gia thương mại, nhưng lại quá cao đối với đại đa số người dùng. Liệu bạn có sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn như vậy chỉ để phục vụ mục đích chụp ảnh cơ bản? Tôi nghĩ chắc là không. Fujifilm X-A, X-E, X-Pro hay X-T đáp ứng nhu cầu tốt hơn nhiều.
Chung quy lại: Đây là một chiếc máy ảnh tuyệt vời
Gạt đi mọi yếu tố không cần thiết, chỉ tập trung vào chất lượng hình ảnh thì Fujifilm GFX 50S thực sự là một chiếc máy ảnh tuyệt vời khi nó có tỉ lệ chất lượng / giá thành tốt nhất ở thời điểm hiện tại, khi các máy ảnh Full Frame đang có giá quá cao nhưng lại không làm thỏa mãn các studio hình ảnh. Việc bỏ thêm số tiền nhỏ để đầu tư vào hệ máy Medium Format là một điều nên làm khi hiệu quả của nó đem lại trong công việc có thể nhìn thấy bằng mắt thường!!

Thực sự, còn rất nhiều điều về Fujifilm GFX 50S đang cần được khám phá, các bạn sẽ sớm được biết tại 50mm Vietnam thôi.

Đại khái là trông như một con Capoo