“Tank Man” (hay Người chặn xe tăng) có lẽ là bức ảnh biểu tượng cho sự kiện bạo lực tại quảng trường Thiên An Môn và mới đây cũng đã được tạp chí TIME bình chọn là 1 trong 100 bức ảnh có tính biểu tượng của lịch sử. Tuy nhiên, phía sau bức ảnh đó là câu chuyện mà không phải ai trong chúng ta cũng biết.
Bối cảnh lịch sử
Gần 30 năm về trước, Bắc Kinh như sục sôi vì những cuộc biểu tình dữ dội bùng phát ở mọi nơi trong thành phố và đỉnh điểm của chúng là cuộc xung đột đã gây ra cái chết của hàng loạt sinh viên, giới tri thức trẻ tại quảng trường Thiên An Môn. Và một khoảnh khắc can trường của người đàn ông dưới đây đã được chụp lại và trở thành một trong những bức ảnh có tính ảnh hưởng trong lịch sử loài người.

Sự kiện diễn ra vào ngày 5-6-1989, ngày thứ hai trong chiến dịch trấn áp người biểu tình tại thủ đô Bắc Kinh. Giữa tâm bão phản đối và đàn áp của người dân, giới tri thức với chính quyền, một người đàn ông đơn độc bất ngờ xuất hiện và đứng chặn trước một hàng những chiếc xe tăng đang gầm rú qua quảng trường Thiên An Môn. Đó thức sự là một khoảnh khắc mang tính biểu tượng của cuộc biểu tình cũng như biểu tượng chống lại sự áp bức trên toàn thế giới.
Người đàn ông này đứng một mình ngay giữa đại lộ lớn để chặn những chiếc xe tăng đang tiến lại gần. Theo như trong bức hình thì anh ta đang mang hai túi xách. Mặc dù các xe tăng cố gắng vòng tránh, nhưng người đàn ông này cũng đi lòng vòng để chặn họ lại, rồi sau đó trèo lên chiếc dẫn đầu để đối thoại với kíp lái. Ngay sau đó đã có một số người xuất hiện và đưa người đàn ông này ra ngoài. Có ý kiến đây là cảnh sát chìm, nhưng có ý kiến khác cho rằng đây là những người có liên quan với người đàn ông này. Và số phận của người này sau đó cũng không được xác định.
Mặc dù sự việc này diễn ra khá nhanh, nhưng nó đã được ghi lại và đưa lên báo chí. Nhưng tại Trung Quốc, do là một nước kiểm duyệt truyền thông khá nghiêm ngặt thì bức ảnh vẫn bị chính quyền kiểm duyệt kĩ càng trên báo chí cũng như Internet, nên lớp người trẻ tuổi ở Trung Quốc hiện tại không mấy ai biết đến bức ảnh này dù gần 3 thập kỉ đã qua, và danh tính của người này cũng chưa được xác định cụ thể.
Tác giả của bức ảnh Tank Man
Trước khi giới thiệu tác giả của bức ảnh thì chúng ta sẽ đến với một sự thật tương đối thú vị. Trên thực tế khi khoảnh khắc này diễn ra thì không chỉ có một bức ảnh Tank Man, mà có tới 4 bức của 4 tác giả khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có một trong số đó do phóng viên ảnh Jeff Widener ghi lại và trở thành bức ảnh phổ biến nhất, được sử dụng rộng rãi trên báo chí khi sự kiện diễn ra.

Jeff Widener là một biên tập viên ảnh của hãng AP (Associated Press). Khi cuộc biểu tình của sinh viên Bắc Kinh bùng phát tại quảng trường Thiên An Môn, ông được phân công đi thu thập thông tin. Trong thời gian sự kiện này diễn ra, các phóng viên bị ngăn cản vào khu vực với mục đích không cho bất cứ tin tức gì về sự kiện này dược truyền ra ngoài, Jeff cũng không là ngoại lệ. Một vài người đã tử nạn khi đang tác nghiệp và hầu hết tất cả các nhiếp ảnh gia ở Bắc Kinh trong thời gian này đều phải sống trong ranh giới mong manh của việc bị bắn hay không bị bắn.
Do đó trong quá trình ghi lại các bức ảnh về sự kiện này Jeff đâ gặp rất nhiều khó khăn. Dưới sự giúp sức của một sinh viên người Mỹ Kirk Martsen, người đang sống ở một khách sạn gần đó, Jeff đã lén mang theo các thiết bị của mình và tới khách sạn, nhằm tránh việc đối dầu trực tiếp với binh sĩ Trung Quốc. Từ ban công khách sạn, với bộ gear gồm máy Nikon FE2, ống kính Nikkor 400mm f/5.6 ED IF và ống nhân tiêu cự TC-301, ông đã ghi lại khoảnh khắc trên.

Mặc dù chỉ với số lượng phim khá hạn chế, cùng với lo ngại về chất lượng ảnh không tốt nhất là với sự kiểm soát an ninh ngặt nghèo nhưng ngay sau đó bức ảnh Tank Man của ông đã được đồng loạt các báo đăng tải trên trang nhất, như biểu tượng cho sự phản kháng khi đối mặt với áp bức, bạo lực.
