Đầu năm 2016, cư dân mạng đã được phen thỏa chí tò mò vì một loạt ảnh được chụp tại khu du lịch sinh thái hồ Thủy Tiên tại Huế. Địa điểm này không những thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước mà còn sự chú ý của quốc tế qua con mắt của nhiếp ảnh gia Chris Staring. Tính đến hiện tại, công viên này đã bị bỏ hoang đến 12 năm có lẻ, tất cả chỉ còn lại là sự hoang tàn, hoen gỉ do thời gian để lại.
Tiếng gọi của quá khứ
Như lời mở đầu về công viên bỏ hoang Thủy Tiên, nơi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của báo chí trong và ngoài nước sau bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Chris Staring. Khác với sự trầm trồ khen ngợi về những góc máy đẹp hay những công trình kiến trúc hùng vỹ nhưng lại hoang phế của báo giới và độc giả khắp nơi, khi đọc những bài báo như vậy, tôi cảm thấy một cảm giác rất mãnh liệt, khó tả trượt qua người.
Không khó tả làm sao được khi vào những năm 2004, tôi cũng đã từng đến với công viên Thủy Tiên với tư cách là một du khách. May mắn thay, tôi đã quan sát được cái sự sống tồn tại thực sự trong công viên này trước khi nó chìm vào sự tàn phá vô tận của thời gian. Chưa hết, vào một dịp khá tình cờ năm 2015, một năm trước khi công viên trở thành một điểm hút khách như hiện tại, tôi vô tình nhớ đến nơi này và phóng xe tới khi có dịp về Huế. Lần này, tôi còn mang theo một chiếc máy ảnh.
Ngay khi bước vào, công viên Thủy Tiên mang lại cho người ta cái cảm giác hoang phế, tĩnh mịch. Tất cả đã vô hồn trừ những con cá sấu đang tìm mọi cách để tồn tại và lác đác những bóng người chạy thể dục, những người tìm chút yên tĩnh trong không gian vắng lặng. Khắp nơi, tường vôi trắng nứt toác lộ ra những mảng vữa đang dần thâm lại do thời tiết và rêu phong.
Cái cảm giác được chứng kiến một kí ức tuổi thơ tươi đẹp nay quay lại tất cả đã hoang phế đến cùng cực, thật quá đau lòng, giống như gặp một cố nhân nay đã không còn trên cõi đời này vậy…
Ngoài sự đổ nát âm u đáng sợ ra, nơi đây không có nhiều thứ khiến người ta phải chú tâm. Rơi vào sự lãng quên của loài người, nơi đây chịu sự ăn mòn của thời gian một cách từ từ nhưng rất khủng khiếp; rêu và các cây leo bám trên bờ tường, những bức ảnh nhạt màu vẫn được treo ở lối vào, những bể cá trống hoác vẫn nhấp nhô một thứ nước đen đục, những con cá sấu vẫn im lìm nghỉ ngơi. Số phận của khu vui chơi này dường như đã chấm dứt!
Hơi thở của sự sống và ngày về 2017
Và khi công viên Thủy Tiên trở nên nổi tiếng thế giới và chính thức trở thành một trong những nơi “phải thăm khi đến Huế” thông qua những bài báo. Trong một thoáng, tôi cảm thấy mình may mắn vì ít ra mình cũng đã thưởng ngoạn nơi này trước khi nó bị tàn phá bởi truyền thông như bao nơi khác. Khi đã mặc định một thứ gì đó là “chết”, nghĩa là người ta thường không mảy may suy nghi về việc cho nó một chút cơ hội để sống, dù là trong tâm trí. Tôi cũng vậy, trong suy nghĩ của tôi, mọi thứ chỉ có thể tệ hơn, chứ lối thoát nào cho nơi này tốt hơn? Tôi không nhận ra và không muốn nhận ra.
Với một chút suy nghĩ tiêu cực như vậy, nhưng nó lại thôi thúc tôi đi kiểm chứng nhận định của mình.
Và có lẽ việc về lại nơi cũ trong những ngày đầu năm 2017 đã làm tôi chợt nhận ra mình không nên quá vội vàng khi đưa ra những nhận định.
Khác xa với tưởng tượng của tôi, nơi đây đang sống, một lần nữa, theo một cách khác. Những lối đi phủ đầy lá mục khô giòn nay đã là những con đường mòn đất đỏ và trên mặt nước những loại cây thủy sinh kỳ lạ bắt đầu mọc lên. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Mọi thứ ngày càng xuống cấp nhanh hơn, mạnh hơn do làn sóng du lịch gây ra, một cách hiển nhiên, có thể hiểu mọi thứ trở nên hoang tàn hơn. Tuy nhiên, điều đó chỉ làm rõ hơn nhịp thở của nơi này mà thôi.
Những bể cá năm xưa nay đã bị phá vỡ nát, những bức vẽ đầy màu sắc được phủ lên những bức tường xám xịt vô vị, những con cá sấu nay đã được dời đi đến một khu bảo tồn ở phía Nam, những cánh cửa, tủ điện bật ra khỏi nơi vốn là của chúng. Mỗi hành khách đến đây đều vô tình mang lại sức sống cho nó, làm biến đổi nó, dù tốt hay xấu, cũng mang lại một sự vận động thầm lặng làm thay đổi diện mạo, linh hồn và cho nơi này một mục đích khác để tồn tại.
Chính lúc này tôi nhận ra sự hoang tàn không phải là nguyên nhân khiến nơi này rơi vào cái chết, mà là do sự lãng quên. Sự sống không bị định đoạt bởi sự hoang tàn. Sự sống được tạo ra một cách hoang dại trên nền của sự hoang tàn. Mọi thứ quyện lại như một bản giao hưởng kỳ dị, phá tan đi sự im lìm nơi này phải nếm trải cả thập kỷ trước đó.
Tất cả trở thành một tác phẩm nghệ thuật kỳ lạ, một sự sắp đặt tùy hứng nhưng vô cùng đương đại.
Tạm kết
Vời một người đã chứng kiến đầy đủ sự sống, cái chết và đâu đó là sự hồi sinh của công viên Thủy Tiên. Tôi sẽ có lời khuyên rằng: Nếu có dịp ghé thăm Huế, đây là nơi mà bạn nên tham quan, không chỉ để chụp những tấm hình, mà còn để trải nghiệm và kiến tạo một trong những tác phẩm nghệ thuật tương tác đầy cảm xúc kỳ lạ, độc đáo, yểu mệnh nhưng tràn đầy sự sống không ngờ.
Bạn có thể xem toàn bộ hình ảnh độ phân giải cao của bộ ảnh này tại đây: https://goo.gl/08l54e
Bài viết và hình ảnh được thực hiện bởi tác giả Đỗ Kỳ Minh Triết, biên tập lại bởi 50mm Vietnam dưới sự đồng ý của tác giả.
Đôi điều về tác giả: Đỗ Kỳ Minh Triết, một người trẻ yêu thích nhiếp ảnh, sinh năm 1995, hiện đang là sinh viên ngành Điện ở Bách Khoa TPHCM. Đến với nhiếp ảnh khoảng 4 năm về trước và thể loại nhiếp ảnh yêu thích là Landscape.
Các bạn có thể ghé thăm Instagram và Facebook của tác giả để xem thêm những bức ảnh.
Với các tác giả muốn gửi bài viết về cho 50mm Vietnam, xin vui lòng liên hệ qua facebook của 50mm Vietnam
“There are 365 days in a year. But there are only 2 days, when one cannot do anything. Yesterday, because it’s over. Tomorrow, because one can’t control it. So I live a day at a time and today is a beautiful day” – Celine Dion